5 năm cho một thương hiệu Vinacam - ”Người nhỏ” nhưng những bước đi không nhỏ

(Thời báo Kinh tế Việt Nam) - Cách đây 5 năm, ngày 19/5/2005 Công ty CP vật tư nông nghiệp Vinacam được thành lập tại Tp.HCM. “Chào đời” tại TP nhưng Vinacam lại lựa chọn người nông dân làm bạn 'tri ân' của mình. Và rồi 5 năm qua thương hiệu Vinacam đã ăn sâu trong lòng người nông dân khắp mọi miền đất nước.

Ngồi trầm ngâm bên chén trà, Tổng giám đốc công ty, ông Vũ Duy Hải nhớ lại chặng đường chưa dài nhưng cũng đầy gian truân Những khó khăn đó dường như còn in hằn trên gương mặt khắc khổ rất "nông dân" của vị giám đốc có vóc người nhỏ bé này. Vinacam chưa phải là một doanh nghiệp lớn, nhưng cách "kiếm tiền" và những bước đi mạnh bạo của Vinacam thì không nhỏ.

Những nỗi nhọc nhằn khó quên

Ra đời ngay sau khi chi nhánh Tổng công ty vật tư nông nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh giải thể, Vinacam “gom nhặt” cán bộ từ sau giải thể và tổng công ty cũng đứng ra góp cổ phần vào để cho ra đời thương hiệu Vinacam. Kỳ vọng lớn nhất của các cổ đông và của tập thể người lao động lúc đó là tiếp tục được Tổng công ty hỗ trợ để ổn định sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, chỉ sau 4 tháng tổng công ty đã rút khỏi Vinacam và công ty chính thức rơi vào giai đoạn khó khăn nhất của mình. Ông Vũ Duy Hải nhớ lại có những lúc tưởng chừng như không vượt qua nổi, nguy cơ thua lỗ hàng tỷ đồng do phải tiếp nhận toàn bộ công nợ khó đòi và một lượng lớn hàng tồn kho chậm luân chuyển của chi nhánh Tổng công ty chuyển sang trong khi giá vật tư phân bón, nông sản diễn biến phức tạp với chiều hướng ngày càng bất lợi… Ngay thời điểm đó hội đồng quản trị của công ty đã mạnh dạn xác định, giai đoạn đầu phải lấy kinh doanh phân bón hóa học làm đòn bẩy.

Nói là làm, Vinacam tiến hành sàng lọc, đầu tư mở rộng hệ thống đại lý tại tất cả các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên – Đông và Tây Nam Bộ. Cùng với đó nhiều bạn hàng lớn đã giúp đỡ tiêu thụ và ủy thác nhập khẩu qua Vinacam, rồi các ngân hàng, tổ chức tín dụng khơi nguồn tín dụng cho Vinacam để vượt qua giai đoạn khó khăn ban đầu. Cùng thời điểm đó, nhiều đại gia lớn ngành phân bón trong nước đã bắt đầu có những động thái chi phối, điều tiết thị trường. Là một doanh nghiệp còn non trẻ, Vinacam nhận thấy việc gói gọn mình vào kinh doanh mặt hàng phân bón sẽ là bước đi thiếu vững chắc. Tại Đại hội cổ đông năm 2006 công ty đã đổi tên từ Công ty cổ phần vật tư nông nghiệp Vinacam thành Công ty cổ phần Vinacam để thuận việc triển khai các ngành nghề kinh doanh khác trên cơ sở lấy kinh doanh phân bón làm chỗ dựa nhằm đảm bảo đến năm 2010 Vinacam có một nhà máy sản xuất ổn định tạo tiền đề cho việc triển khai lĩnh vực đầu tư kinh doanh bất động sản.

Mở rộng ngành nghề kinh doanh

Năm 2007 Vinacam đã góp 70% vốn điều lệ để thành lập Công ty cổ phần Vinh G7 chuyên sản xuất đồ gỗ xuất khẩu. Tháng 4/2008 nhà máy sản xuất đồ gỗ trực thuộc Vina G7 đã chính thức bước vào sản xuất và đến hết năm 2009 Vina G7 đã thực hiện xuất khẩu trên 500.000 sản phẩm gỗ gia dụng với doanh số 5.366.676 USD. Theo kế hoạch năm 2010 nhà máy phấn đấu đạt mức lợi nhuận khoảng 12 tỷ đồng. Đây được xem là bước đi quan trọng khi đầu tư ra ngoài lĩnh vực chính của mình. Ngoài ra, cùng với các đối tác chiến lược Vinacam đã xây dựng thêm một loạt các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ khác như Công ty cổ phần vận tải Vinacam. Công ty cổ phần tư vấn thiết kế và xây dựng Vinacam, Công ty cổ phần Vina G8, Công ty cổ phần Vinacam Hà Nội...

Khi hỏi về "sức khỏe" của Vinacam thời gian gần đây. trong bối cảnh công ty liên tục phải đối mặt với những vụ kiện pháp lý mà dư luận đều biết, ông Vũ Duy Hải bình thản, trong hai năm 2008 và 2009 công ty chịu không ít ảnh hưởng do khách quan và chủ quan đem lại. Tuy nhiên. với bản chất "nông dân" của mình Vinacam đã "lầm lủi" vượt qua. Như năm 2009 vừa qua kết quả hoạt động kinh doanh của công ty khá ấn tượng: Cung ứng cho thị trường 503.516 tấn phân bón các loại, lợi nhuận trước thuế là 28 tỷ đồng, chia cổ tức 30%. Sang năm 2010, Vinacam đã đặt kế hoạch thực hiện doanh thu thuần hợp nhất của Vinacam và các công ty thành viên ở mức tối thiểu 2.500 tỷ đồng, trong đó doanh thu xuất khẩu từ các sản phẩm gỗ gia dụng của Công ty Cổ phần Vinacam G7 tối thiểu đạt 6 triệu USD, lợi nhuận hợp nhất sau thuế đạt mức 20 tỷ đồng, tỷ lệ chia cổ tức đạt 30% và sẽ tăng vốn điều lệ lên 70 tỷ đồng. Trong năm 2010 Vinacam sẽ tập trung vốn và tăng cường đội ngũ cán bộ cho lĩnh vực đầu tư kinh doanh bất động sản.

Mặc dù 5 năm qua Vinacam đã được xếp vào một trong 10 doanh nghiệp kinh doanh phân bón lớn nhất Việt Nam nhưng ông Vũ Duy Hải luôn cho Vinacam là một doanh nghiệp nhỏ. Trong từng bước đi của Vinacam vẫn có chút gì đó thận trọng như bản chất của người nông dân, nhưng đó là những bước đi vững chắc và Vinacam đã khẳng định được mình trên thương trường khi tuổi đời còn trẻ.

CAO VĨNH (TB KTVN)

Logo Tập đoàn VinacamTập Đoàn Vinacam

Tập đoàn Vinacam là một Tập đoàn đa ngành nghề, chủ yếu về lĩnh vực nông nghiệp, chúng tôi tự hào là nhà nhập khẩu phân bón hàng đầu Việt Nam, các sản phẩm phân bón của Vinacam luôn được lựa chọn từ nhưng nhà sản xuất uy tín trên thế giới với chất lượng tốt giá cả cạnh tranh và bao bì đẹp

Văn Phòng Chính(Khu liên cơ quan) 28 Mạc Đĩnh Chi, P. Đa Kao, Q.1, TP. Hồ Chí Minh
Số ĐKKD: 0303800051 | Ngày cấp: 19/05/2005 | Sửa đổi lần 8 ngày: 10/10/2017 | Nơi cấp: Sở Kế Hoạch Và Đầu Tư TP.HCM
Bản quyền © 2007 Công ty Cổ phần Tập đoàn Vinacam.