Vì sao Nông dân... mừng hụt và Doanh nghiệp cũng.. điên đầu !

Bên cạnh những thông tin tốt lành của ngành Nông nghiệp với dự kiến xuất khẩu gạo cả năm có thể đạt 6,5 triệu tấn, doanh số ngoại tệ thu về cho đất nước lên đến 3,0 tỷ USD. Với một vụ mùa và hè thu thắng lợi , có thể nói chưa năm nào Nông dân Việt nam lại hồ hởi như năm nay bởi “Trúng mùa – Được giá”. Bên cạnh niềm phấn khởi của người Nông dân trồng lúa, các sản phẩm nông nghiệp khác như Cà phê, Cao su.. cũng có giá tăng cao kỷ lục. Theo thống kê chỉ tính trong 11 tháng, xuất khẩu Cà phê, Điều, Cao su, Hồ tiêu của Việt nam đã đạt trên 5 tỷ USD.

        Nông dân cả nước sẽ có niềm vui trọn vẹn nếu .. USD không tăng giá!

        Là một nước mạnh về Nông nghiệp, nhưng một trong những vật tư tối quan trọng, “đầu vào” cho cây lúa và các cây công nghiệp ngắn ngày khác là phân bón, thuốc trừ sâu thì đa phần chúng ta phải nhập khẩu. Ngoài phân Urea hiện tại sản xuất trong nước đáp ứng được khoảng 20-25% ; Phân DAP Đình Vũ đáp ứng được khoảng 20% (Theo thiết kế) ; Phân phức hợp NPK đáp ứng được trên 60%. Còn lại nhiều loại phải nhập khẩu 100% như Kali, SA.. Thực tế nói phân NPK đáp ứng được trên 60% nhưng phần lớn nguyên liệu để sản xuất NPK cũng là từ..ngoại nhập. Đối với thuốc Bảo vệ thực vật, có lẽ con số nhập khẩu phải tính đến 100%.

        Để đảm bảo có đủ phân bón và thuốc Bảo vệ thực vật , hàng năm cả tỷ USD đã được chi ra để nhập khẩu mặt hàng này. Thực tế do phụ thuộc vào thị trường nước ngoài và do chính sách mở của cơ chế thị trường , lại không có “Nhạc trưởng” nên giá Phân bón, Thuốc Bảo vệ thực vật luôn có xu hướng tăng giảm thất thường . Lúc “Sốt nóng” khi lại “Sốt lạnh” khiến nông dân cũng “ nóng” - “lạnh” theo sự nhảy múa này.

       Đối với các Doanh nghiệp nhập khẩu, sản xuất và kinh doanh phân bón, nhất là những Doanh nghiệp có sản lượng cung ứng và doanh số lớn thì không hẳn chỉ có “Sốt lạnh” mới “toát mồ hôi” mà “Số nóng” như thời gian hiện nay cũng khiến “Doanh nghiệp “điên đầu”! Vinacam cũng không nằm ngoại lệ. Là một Doanh nghiệp kinh doanh phân bón hàng đầu trong Top 10 của 500 Doanh nghiệp kinh doanh phân bón lớn nhất tại Việt nam với sản lượng cung ứng mỗi năm từ 450.000 - 600.000 tấn , doanh số trên 3000 tỷ đồng. Vinacam cho rằng giá VTNN trong đó có phân bón liên tục có biến động nóng – lạnh cần phải nhìn nhận và được coi là diễn biến bình thường của nền kinh tế thị trường do phần lớn mặt hàng này chúng ta phải nhập khẩu từ nước ngoài bằng ngoại tệ mạnh. Tuy nhiên, đi sâu về vấn đề tăng giá – “Sốt nóng” của phân bón thời điểm hiện nay, chúng tôi thấy có một số nguyên nhân đó là :

      Thứ nhất , theo kinh điển : Việc tăng giá phụ thuộc vào cung – cầu. Khi vào vụ , nhu cầu tiêu thụ tăng nếu nguồn cung không đủ sẽ dẫn đến tăng giá. Giá tăng tỷ lệ thuận với cầu và tỷ lệ nghịch với cung. Việc tăng giá theo nguyên lý này cũng có 02 lý do chính : Do nguồn cung thực sự thiếu vì khả năng nhập khẩu không đủ, không kịp thời, lý do thứ 2 là do đầu cơ “té nước theo mưa”. Tuy nhiên từ thực tế diễn biến thị trường , theo chúng tôi nguyên nhân tăng giá chủ yếu là do nguồn cung thiếu vì số lượng nhập khẩu phân bón 11 tháng của năm 2010 so với 11 tháng của năm 2009 đã giảm rõ rệt. Đặc biệt Urea nhập khẩu tính đến 15/11/2010 mới đạt 712.580 tấn so với 1.298.100 tấn của 11 tháng đầu năm 2009 ( Nguồn Agromonitor)

     Vấn đề đặt ra, tại sao lượng phân bón nhập khẩu năm 2010 giảm sút trầm trọng như vậy ?

     Nguyên nhân đầu tiên : Sự “tích cực” của Đạm Phú Mỹ thực tế lại là nguồn cơn gây tiêu cực cho thị trường. Tại sao vậy? Với lợi thế hùng mạnh về vốn, về các khoản ưu đãi của Nhà nước, giá thành sản xuất Urea Phú Mỹ rất thấp (Khoảng 4.000 đ/kg) và vì thế với chủ trương nghe rất tốt , rất hợp lòng dân Đạm Phú Mỹ luôn duy trì mức giá bán thấp hơn so với giá Urea nhập khẩu cùng thời điểm. Nhưng điều bất thường là ở chỗ : Bán giá thấp nhưng chính sách bán lại gần như chính sách “phân phối” thời bao cấp vì không đủ lượng can thiệp để thỏa mãn nhu cầu thị trường . Với chính sách này hầu hết các nhà nhập khẩu phân bón lớn đều chùn tay vì nếu nhập hàng về đến Việt nam vào thời điểm Phú Mỹ giảm giá thì cầm chắc Doanh nghiệp sẽ sập tiệm! Một nghịch lý xảy ra, chính chính sách tưởng như “Tốt” của Phú Mỹ đã không “Tốt” cho thị trường chung vì làm tổng nguồn cung giảm đây là nguyên nhân đầu tiên dẫn đến việc tăng giá Urea thời gian qua .

      Nguyên nhân thứ 2: Do phân bón của chúng ta chủ yếu là nhập khẩu nên giá vốn phụ thuộc vào giá thế giới. Trung quốc là nước xuất khẩu phân bón lớn nhất sang Việt nam trong vài năm gần đây thường áp dụng chính sách thuế linh hoạt nên giá nhập khẩu cũng tăng giảm thất thường. Đơn cử vào thời điểm Tháng 6- Tháng 7 giá Urea do Vinacam mở L/C nhập khẩu mới ở mức 275USD/tấn thì thời điểm hiện tại đã lên mức trên 420 USD/tấn  (Tăng thêm 145USD/tấn). Giá DAP mở L/C nhập khẩu ở mức 485 USD/tấn, thì thời điểm hiện tại là 650 USD/tấn (tăng 165 USD/tấn). SA từ 121 -130 USD/tấn lên trên 200 USD/tấn ; Kali từ 370 USD/tấn lên 430 USD/tấn . Như vậy so với 6 tháng đầu năm 2010 mức tăng bình quân của 06 tháng cuối năm đạt 150 USD/tấn khiến khi quy đổi ra VND thì mỗi tấn phân bón đã tăng bình quân từ 3 -5 triệu đồng tùy chủng loại.

    Nguyên nhân thứ 03 là do tỷ giá tăng. Tại thời điểm tháng 2/2010 khi giá phân bón Thế giới đang thấp thì tỷ giá mà Doanh nghiệp phải thanh toán là 19.100 VND/USD. Đến thời điểm tháng 8/2010 khi giá thế giới đang tăng thì tỷ gía thanh toán được điều chỉnh lên 19.500 VND/USD và đặc biệt hiện nay với mức giá thế giới tăng cao kỷ lục các Doanh nghiệp phân bón lại rơi vào thảm cảnh KHÔNG MUA ĐƯỢC NGOẠI TỆ để thanh toán trả Ngân hàng hoặc nếu có cũng chỉ mua được số lượng cực kỳ hạn chế với vô số chi phí “linh hoạt” khiến giá mua trả đúng như giá thị trường . Kết quả mặc dù có hàng trăm tỷ tiền VND lưu trên tài khoản Ngân hàng nhưng Doanh nghiệp vẫn bó tay chịu trận, phải trả lãi ngân hàng tính bằng USD ( Còn tiền Việt lưu trên Tài khoản thì tính theo lãi xuất tiền gởi không kỳ hạn).Tính ra đợt biến động tỷ giá USD này , các Doanh nghiệp Nhập khẩu phân bón lớn đã tổn thất đến hàng chục tỷ đồng,có nhiều Doanh nghiệp “bó tay” vì không thể tiếp tục mở L/C nhập khẩu phân bón.Nguồn cung giảm và giá đầu vào tăng tất dẫn đến giá bán cho nông dân tăng theo chóng mặt. Vậy là Nông dân không còn được hưởng niềm vui trọn vẹn khi “Trúng mùa, được giá”!

      Như vậy chính sách kìm giữ tỷ giá USD ở mức 19.500 VND/USD đã không có tác dụng làm lành mạnh nền kinh tế mà thậm chí nó còn làm méo mó hoạt động này. Ngân hàng Nhà nước lẽ ra phải là công cụ mạnh của Nhà nước để điều tiết thị trường ngoại tệ nhưng do không đáp ứng đủ nguồn cho Doanh nghiệp nên vô hình chung đã trở thành “Người môi giới” bất đắc dĩ để Doanh nghiệp mua USD theo giá thị trường!

      Đối với ngành VTNN, loại trừ các nguyên nhân như đã phân tích trên , thời điểm hiện nay yếu tố điều tiết vĩ mô về tỷ giá đang là một trong những nguyên nhân gây tăng giá phân bón. Nếu Chính phủ không có các biện pháp mạnh, việc tiếp tục mở L/C để nhập khẩu phân bón cho nhu cầu sản xuất của QI/2011 là bất khả thi. Nguồn nguyên liệu đầu vào quan trọng của cây lúa và các loại cây công nghiệp, nông sản ngắn ngày khác giảm sút thì an ninh lương thực sẽ bị đe dọa và đỉnh cao kỷ lục xuất khẩu gạo, cao su, cà phê.. có thể đứng lại ở mốc của năm 2010 .

    Đúng là Nông dân mừng hụt và Doanh nghiệp thì cũng điên đầu !  

                                                                                                                 Tin Vinacam

 

Logo Tập đoàn VinacamTập Đoàn Vinacam

Tập đoàn Vinacam là một Tập đoàn đa ngành nghề, chủ yếu về lĩnh vực nông nghiệp, chúng tôi tự hào là nhà nhập khẩu phân bón hàng đầu Việt Nam, các sản phẩm phân bón của Vinacam luôn được lựa chọn từ nhưng nhà sản xuất uy tín trên thế giới với chất lượng tốt giá cả cạnh tranh và bao bì đẹp

Văn Phòng Chính(Khu liên cơ quan) 28 Mạc Đĩnh Chi, P. Đa Kao, Q.1, TP. Hồ Chí Minh
Số ĐKKD: 0303800051 | Ngày cấp: 19/05/2005 | Sửa đổi lần 8 ngày: 10/10/2017 | Nơi cấp: Sở Kế Hoạch Và Đầu Tư TP.HCM
Bản quyền © 2007 Công ty Cổ phần Tập đoàn Vinacam.