Vinacam: Một tuần hành hương về đất thiêng Quảng Trị

Tuần qua, tập thể CB-CNV khối văn phòng Công ty CP Vinacam đã thực hiện chuyến hành hương về đất thiêng Quảng Trị dâng hương tri ân các anh hùng Liệt sỹ đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng Miền Nam, đưa non sông về một mối. Chuyến hành hương còn nhằm mục đích tìm hiểu về những hy sinh anh dũng của các anh hùng Liệt sỹ và những chiến công vang dội của Quân và dân Quảng Trị từng một thời làm nức lòng cả nước và bầu bạn năm châu.

Phút mặc niệm tại Nghĩa trang Trường Sơn

Trong thời gian từ chiều thứ ba, ngày 07/8/2012, đến chiều Chủ nhật, ngày 12/8/2012, đoàn đã đến đặt vòng hoa và dâng hương tri ân các Liệt sỹ tại Nghĩa trang Đường 9, Nghĩa trang Trường Sơn, Nghĩa trang Thành cổ Quảng Trị, thăm cầu Hiền Lương, sông Bến Hải – ranh giới chia đôi đất nước một thời khói lửa.

... đến đặt vòng hoa và dâng hương tri ân các Liệt sỹ tại Nghĩa trang Thành Cổ

Tối 10/8, Vinacam đã tổ chức đêm hoa đăng cầu an cho linh hồn các Liệt sỹ được siêu thoát tại bờ nam sông Thạch Hãn: Thả bè hoa, hạc giấy, giấy, bút, tem và bì thư, sách, thơ, tiểu thuyết đã từng là những cuốn sách gối đầu các Anh, các Chị trên đường hành quân đánh Mỹ như: Thép đã tôi thế đấy, Chiến tranh và hòa bình, Một người lính, Tuyển tập thơ Xuân Quỳnh,… (hầu hết các anh hy sinh ở Thành cổ là sinh viên trước khi nhập ngũ).

Phút mặc niệm đêm hoa đăng cầu an cho linh hồn các Liệt sỹ được siêu thoát tại bờ nam sông Thạch Hãn trước khi thả bè hoa, hạc giấy... tối 10/8.

Về đất thiêng Quảng Trị, đoàn được các hướng dẫn viên giới thiệu về những năm tháng chiến đấu, hy sinh của các anh hùng Liệt sỹ, tận mắt chứng kiến những hiện vật ít ỏi còn sót lại sau 40 năm chiến tranh đã đi qua, ngắm nhìn thiên lịch sử được ghi nhận qua những bức ảnh của phóng viên chiến trường quả cảm Đoàn Công Tính. Chúng tôi hiểu rằng mỗi địa danh nơi đây đều gắn với những chiến công, mỗi tấc đất nơi đây là một tấc máu xương của các anh hùng Liệt sỹ; Hiểu Thành cổ là nghĩa trang với hàng ngàn Liệt sỹ nhưng không một nấm mồ riêng để thấy rằng mình quá nhỏ bé trước sự hy sinh to lớn của các anh; Các anh đã làm nên lịch sử, các anh là minh chứng cho chủ nghĩa anh hùng cách mạng, minh chứng cho tinh thần, ý chí đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước và khát vọng hòa bình của cả dân tộc Việt!

Tại Bảo tàng Thành cổ, tất cả các thành viên trong đoàn đã không kìm được nước mắt khi đọc những bức thư chưa kịp gửi của liệt sĩ Lê Binh Chủng (quê Nghệ An); của Liệt sỹ Lê Văn Huỳnh, quê ở xóm Một, xã Lê Lợi, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình, sinh viên năm thứ tư Khoa Xây dựng, khóa 13 của ĐH Bách khoa Hà Nội được tìm thấy ngày 28/10/2002. Trong thư anh thể hiện sự thanh thản, sẵn sàng chấp nhận sự hy sinh và niềm tin chiến thắng:

 Toàn gia đình kính thương!

Hôm nay con ngồi đây biên vài dòng chữ cuối cùng phòng khi đã “đi nghiên cứu bí mật trong lòng đất” thì gia đình khỏi thấy đó là điều đột ngột.

.... song vì đất nước có chiến tranh thì mẹ ơi hãy lau nước mắt cho đời trẻ lâu sống đến ngày đón mừng chiến thắng. Con đi, mẹ ở lại trăm tuổi bạc đầu, coi như con lúc nào cũng nằm bên mẹ, mẹ đừng buồn cho linh hồn con được thoải mái bay đi...

... Thôi nhé, mẹ đừng buồn coi như con đã sống trọn đời cho Tổ quốc mai sau…

Lá thư này anh viết vào ngày thứ 77 của chiến dịch 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị, khi sự khốc liệt của đạn bom lên đến tột cùng, là tâm tư của anh dành cho người mẹ già yếu, cho người vợ mới cưới bảy ngày, cho anh trai, chị dâu, cha mẹ vợ, cho đứa cháu đích tôn, cho người bạn thân thuở nhỏ và cho bà con hàng xóm. Đặc biệt, trong thư anh đã bình thản “chỉ đường” cho vợ “tìm anh”: “Ngày thống nhất, em hãy vào Nam tìm anh. Đường đi như sau: Đi tàu vào thị xã Quảng Trị, qua sông Thạch Hãn là nơi anh hy sinh. Từ thị xã, qua cầu ngược trở lại hỏi thăm đường về thôn Nhan Biều I. Nếu tính xuôi theo dòng nước thì mộ anh ở cuối làng”. Và đúng như bức thư, 30 năm sau mọi người đã tìm thấy anh…

Có lẽ, còn nhiều, còn nhiều nữa những lá thư những chiến sỹ Thành cổ chưa kịp gửi về cho mẹ trước trận đánh cuối cùng mà các anh đã ngã xuống. Còn nhiều lắm những khúc bi tráng về các anh mà chúng ta chưa được nghe và thậm chí không bao giờ được ai biết đến. Sự hy sinh của các anh đã trở thành bất tử, để non sông này, đất nước này đời đời ghi nhớ, để nguyên khí của các Anh các Chị mãi mãi trường tồn!

Thành kính kết hạc giấy trang trí bè hoa ...
 

 
Giờ phút bè hoa được thả xuống...

Trong đêm hoa đăng, khi thuyền chở bè hoa ra giữa sông, gió nổi lên rất lớn, không thể thắp nến được. Lúc ấy, một thành viên trong đoàn lầm rầm khấn thần linh và linh hồn các Liệt sỹ xin cho gió tạm dừng vài phút để việc thả hoa sớm được bắt đầu. Vài giây sau, như một sự linh ứng kỳ lạ, gió lặng đủ thời gian để tất cả các ngọn nến được kết thành hình ngôi sao 5 cánh trên bè được thắp lên. Sau thời điểm đó, khi bè hoa được thả xuống giữa sông, gió lại nổi lên, thổi rất mạnh từ hướng bờ bắc sang bờ nam thế nhưng bè hoa cùng những con hạc giấy, bì thư, sách, truyện được thả dài hai bên mạn thuyền đã vẽ một đường vòng cung trôi về bờ bắc – phải chăng đây là điều linh ứng khi cả đoàn đã gửi đến các Anh các Chị - Đó là lời cầu xin cho linh hồn các Anh, các Chị siêu thoát và trở về đất mẹ!

Bè hoa trôi về bờ bắc trong khi gió thổi rất mạnh từ bờ bắc sang bờ nam.

Quảng Trị sau 40 năm chiến tranh đã thực sự đổi thay. Từng căn nhà mới, các khu công nghiệp, trường học, bệnh viện đã mọc lên thay cho gạch vỡ đổ nát khi xưa. Nhưng ở Quảng Trị, cho đến tận bây giờ, đi đến đâu chúng ta cũng bắt gặp trước từng ngôi nhà hiện hữu một bàn thờ nhỏ, đó là bàn thờ cầu cho vong hồn các Liệt sỹ và vong linh những người đã mất vì chiến tranh được siêu thoát – bởi vì trên mảnh đất này, đất, nước, cỏ cây đã hòa cùng xương thịt của các anh hùng.

Chúng tôi đi, ngoài cầu xin cho anh linh các anh hùng Liệt sỹ siêu thoát trở về đất mẹ, còn cầu xin các Anh, các Chị linh thiêng giúp sức cho cuộc đấu tranh chống “giặc nội xâm” tham nhũng hôm nay để đất nước thực sự thanh bình phát triển. Có như vậy, máu của những người đã ngã xuống mới không bị hoen bẩn; Đó là lẽ sống của những người ở lại; Đó là lẽ sống của những đồng đội được may mắn trở về; Đó là trách nhiệm của cả một thế hệ hôm nay và mai sau cho non sông đất nước.

Xin gởi lại một lời nhắn nhủ: Nếu có thể, bạn ơi, hãy cố gắng một lần về thăm Quảng Trị, bằng tấm lòng thành, hãy thắp lên một nén nhang để tri ơn những người đã khuất để thấy rằng còn đó, chúng ta, những người đang sống hôm nay, đang còn nợ các Anh, các Chị, các Liệt sỹ anh hùng nhiều lắm!

VINACAM


Logo Tập đoàn VinacamVinacam Group

Tập đoàn Vinacam là một Tập đoàn đa ngành nghề, chủ yếu về lĩnh vực nông nghiệp, chúng tôi tự hào là nhà nhập khẩu phân bón hàng đầu Việt Nam, các sản phẩm phân bón của Vinacam luôn được lựa chọn từ nhưng nhà sản xuất uy tín trên thế giới với chất lượng tốt giá cả cạnh tranh và bao bì đẹp

Office(Khu liên cơ quan) 28 Mạc Đĩnh Chi, P. Đa Kao, Q.1, TP. Hồ Chí Minh
Số ĐKKD: 0303800051 | Ngày cấp: 19/05/2005 | Sửa đổi lần 8 ngày: 10/10/2017 | Nơi cấp: Sở Kế Hoạch Và Đầu Tư TP.HCM
Bản quyền © 2007 Công ty Cổ phần Tập đoàn Vinacam.