Kỹ thuật trồng, chăm sóc cây ngô (bắp)

Ngô (bắp) là cây trồng quan trọng đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu, được trồng để làm thức ăn cho người và gia súc. Ở nước ta ngô là cây lương thực sau cây lúa, ngô được xem là nguồn lương thực chủ yếu cho một số bộ phận đồng bào dân tộc sống ở vùng cao và là nguyên liệu chính để chế biến thức ăn gia súc, gia cầm. Để cây ngô (bắp) luôn tốt khỏe và cho năng suất cao, người trồng cần tuân thủ những phương pháp và kỹ thuật gieo trồng. Dưới đây là một vài bí quyết bỏ túi dành cho bà con nông dân:

Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây ngô (bắp)

Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây ngô (bắp)

I. Điều kiện sinh thái

Ngô là cây ưa nóng, nên nhu cầu nhiệt độ cao hơn nhiều cây trồng khác để hoàn thành chu kỳ sống từ gieo đến chín. Các nhà khoa học cho rằng ngô phát triển tốt trong khoảng nhiệt độ ngày từ 24 - 30°C;  nhiệt độ > 38°C ảnh hưởng xấu đến quá trình sinh trưởng phát triển của cây. Hạt phấn của cây ngô có thể bị chết khi nhiệt độ quá 35°C. Ngược lại nhiệt độ quá thấp dưới 12°C cũng ảnh hưởng xấu tới quá trình sống của cây, đặc biệt vào giai đoạn nảy mầm ra hoa. So với những loại cây khác thì chúng tương đối kháng hạn, tùy giai đoạn sinh trưởng mà nhu cầu nước của bắp cũng khác nhau. Theo nghiên cứu, cây cần nhiều nước nhất ở giai đoạn trổ và tạo hột. Ngoài ra, chúng cũng cần ánh sáng vào giai đoạn trổ đến chín sáp. Bắp, ngô có khả năng sinh trưởng trên nhiều loại đất, tốt nhất là đất thịt hay thịt pha cát, xốp, giàu hữu cơ, thoáng và giữ nước tốt. Độ pH tốt nhất cho cây phát triển là 5,5 - 7,0.

II. Thời vụ

Thời vụ là yếu tố khá quan trọng liên quan đến năng suất, tùy theo từng điều kiện thời tiết cụ thể của mỗi vùng sinh thái (khí hậu, thời tiết và chế độ nhiệt) mà có lịch thời vụ khác nhau (nên bố trí thời vụ gieo trồng theo khuyến cáo của các cơ quan ban ngành địa phương để phù hợp với cơ cấu mùa vụ trong vùng).

III. Kỹ thuật ngâm ủ, chăm sóc bầu

Để giúp hột giống có độ nẩy mầm cao >90%, nên áp dụng những biện pháp sau:

+ Lượng giống: ngô tẻ: khoảng 0,5 - 0,6 kg/sào; ngô nếp: 0,3 - 0,4kg;
+ Ngâm ủ: ngâm trong nước ấm khoảng 3 - 5 giờ, vớt lên rửa sạch nhớt, tiến hành ủ hạt với vải hoặc cát ẩm, giữ ẩm đến khi hạt nứt nanh có thể tra vào bầu hoặc làm mạ ngô.
+ Nếu làm bầu ngô: thời gian cây con trong bầu tốt nhất là 5 - 7 ngày, tối đa không quá 10 ngày, nếu thời gian cây ngô ở trong bầu dài hơn cần phải tưới bổ sung dinh dưỡng cho cây bằng NPK pha loãng. Trước khi đưa cây con ra ruộng cần phun phòng bệnh lở cổ rễ bằng thuốc Validacin dạng nước cho cây.

III. Kỹ thuật trồng ngô

1. Gieo trồng

Lượng giống gieo trồng  từ 15 – 20kg/ha (tùy giống và mật độ trồng), dự phòng một số hạt gieo vào bầu để trồng dặm.

Mật độ là yếu tố liên quan chặt chẽ tới năng suất. Tùy thuộc vào đặc tính của giống, mùa vụ, chân đất và khả năng thâm canh để bố trí mật độ cho thích hợp. Giống dài ngày, đất tốt, nền nhiệt và độ ẩm không khí cao (vụ Hè thu, Thu đông) nên trồng mật độ thấp và ngược lại giống ngắn ngày, đất kém, nền nhiệt thấp (vụ Đông Xuân) nên trồng mật độ cao.

- Mật độ gieo trồng phổ biến hiện nay từ  5,7 - 6 vạn cây/ha đối với đất 2 lúa, tùy từng loại giống và điều kiện thâm canh có thể tăng mật độ ngô 6 - 7 vạn cây/ha đối với đất màu.

- Khoảng cách có thể bố trí: hàng cách hàng 70cm, cây cách cây 20 – 25cm (gieo 1 hạt), hoặc hàng cách hàng 60cm, cây cách cây 25- 30cm (gieo 1 hạt).

2. Bón phân

Bình quân năng suất 6 tấn hạt/ha, cây ngô đã lấy đi từ đất lượng dinh dưỡng đáng kể: 150kg N, 60kg P2O5, 110 kg K2O, 16kg MgO, 25kg CaO , 8kg S, 16kg SiO2, 0,5kg Zn... Là loại cây trồng phàm ăn, chính vì vậy nếu trồng độc canh ngô liên tục nhiều năm đất trồng sẽ bị giảm độ phì rất đáng kể (độ pH đất giảm, nghèo mùn và mất cân bằng dinh dưỡng) vì vậy cần bổ sung them phân chuồng hoặc phân vi sinh để để cung cấp chất mùn cân bằng dinh dưỡng cho cây. 

Bón phân sớm, đảm bảo đủ dinh dưỡng giai đoạn ngô có 5-7 lá thật để cây phân hóa trục bắp ngô được thuận lợi. Lượng phân bón lót cho ngô lúc trồng 3-4 tạ phân chuồng hoai mục + 20-25 kg supe lân + 3-4 kg đạm ure + 1-2 kg kali clorua. Bón cách hạt 10-15cm.

Bón thúc lần 1 ngay lúc ngô có 5-6 lá thật, lượng phân bón 5-6kg đạm + 2-3kg kali clorua. Bón cách gốc 30cm, xới nông nhặt cỏ trên mặt luống, xới cách gốc 10-15cm, vun nhẹ vào gốc để ngô khỏi đổ ngã.

Bón thúc lần 2 giai đoạn ngô đạt 11-12 lá thật, đang xoáy nõn chuẩn bị trổ cờ. Lượng bón 3-4kg đạm ure + 4-5kg kali clorua, bón cách gốc 30cm, kết hợp vét đất ở rãnh vun cao vào gốc giúp ngô ra rễ bất định (rễ chân kiềng) thuận lợi.

Lưu ý


- Đối với ngô trồng trên chân đất 2 lúa cần tháo cạn nước trước khi đặt bầu.
- Khi trồng cần thao tác nhẹ nhàng tránh làm vỡ bầu, đứt rễ, gẫy mầm ngô làm ảnh hưởng đến khả năng sinh trưởng và cho bắp của cây sau này.
- Tuyệt đối không đặt bầu trực tiếp lên phân, không phủ đất kín mặt bầu.

4. Chăm sóc ngô

- Tưới đủ ẩm cho ngô từ khi trồng đến lúc khô bẹ bắp.

- Nếu sau trồng gặp mưa gây ngập úng cần có biện pháp thoát nước kịp thời, tuyệt đối không để cây con bị ngập úng. Sau đó, cần ngâm lân super với nước, pha loãng tưới liên tục 2-3 lần, lần trước cách lần sau 3 - 4 ngày.
- Nếu đất khô cần tưới ngay sau khi đặt bầu cho liền thổ và cây nhanh ra rễ mới.
- Tiến hành dặm tỉa sớm khi cây 1 - 3 lá, định hình cây sớm bảo đảm mật độ. Sau khi dặm cần tưới nước để giúp cây nhanh phục hồi.


(Vinacam Tổng Hợp)

Logo Tập đoàn VinacamVinacam Group

Tập đoàn Vinacam là một Tập đoàn đa ngành nghề, chủ yếu về lĩnh vực nông nghiệp, chúng tôi tự hào là nhà nhập khẩu phân bón hàng đầu Việt Nam, các sản phẩm phân bón của Vinacam luôn được lựa chọn từ nhưng nhà sản xuất uy tín trên thế giới với chất lượng tốt giá cả cạnh tranh và bao bì đẹp

Office(Khu liên cơ quan) 28 Mạc Đĩnh Chi, P. Đa Kao, Q.1, TP. Hồ Chí Minh
Số ĐKKD: 0303800051 | Ngày cấp: 19/05/2005 | Sửa đổi lần 8 ngày: 10/10/2017 | Nơi cấp: Sở Kế Hoạch Và Đầu Tư TP.HCM
Bản quyền © 2007 Công ty Cổ phần Tập đoàn Vinacam.