Vinacam: Báo cáo hoạt động kinh doanh năm 2011 (tài liệu phục vụ ĐHCĐ)

 

Kính thưa: CÁC VỊ CỔ ĐÔNG, CÁC QUÝ VỊ ĐẠI BIỂU, BẠN HÀNG

                      CÙNG TOÀN THỂ CÁN BỘ CÔNG NHÂN VIÊN CÔNG TY!

Hôm nay ngày 19 tháng 5 năm 2012, như thường lệ hòa chung không khí tưng bừng cả dân tộc kỷ niệm ngày sinh nhật Bác, Công ty Cổ phần Vinacam lại được chào đón Quý vị Cổ đông, Quý Đại biểu, Bạn hàng về chung vui cùng Vinacam trong Đại hội cổ đông và gặp mặt bạn hàng lần thứ 7. Đây là Đại hội tổng kết hoạt động sản xuất kinh doanh theo kế hoạch 5 năm lần thứ 2 (2010-2015) và hoạch định phương hướng hoạt động sản xuất kinh doanh năm tiếp theo của Vinacam Group.

Thay mặt Hội đồng quản trị, Ban Tổng Giám đốc cùng toàn thể CB-CNV Vinacam, cho phép Tôi trân trọng gửi lời kính chúc sức khỏe, lời tri ơn chân thành đến tất cả các quý vị Cổ đông, quý Đại biểu, Bạn hàng đã chia sẻ với chúng tôi trong những lúc khó khăn để chúng tôi có bước phát triển như hôm nay. Xin cám ơn tất cả các quý vị đã dành thời gian quý báu đến động viên Vinacam trong buổi gặp mặt thân mật này.

Kính thưa các Quý vị, năm 2011 là một năm đầy biến động và bất ổn, dư âm cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu từ năm 2008 đã bắt đầu ngấm sâu vào nền kinh tế của tất cả các quốc gia. Một số nước trên bờ vực phá sản, vỡ nợ, một loạt nước có tiềm lực kinh tế mạnh bị đánh tụt mức tín nhiệm về tài chính. Nền kinh tế Việt Nam dường như đang trở nên tồi tệ và khó khăn nhất trong vòng 20 năm qua! Trong bối cảnh như vậy các Công ty, Doanh nghiệp chính là những người chịu sức ép lớn nhất, sức ép khắc nghiệt bởi chính sách tín dụng vừa nới lỏng đã lập tức bị siết chặt. Lãi suất tăng cao (năm 2011, tổng lãi vay  riêng văn phòng chính của Vinacam đã xấp xỉ 64tỷ, tăng 22% sovới năm 2010), tỷ giá ngoại tệ biến động, sản xuất đình đốn, hạn mức tín dụng chỉ đáp ứng được ½ nhu cầu sản xuất và nhu cầu nhập khẩu.

Tuy vậy, vượt qua khó khăn, khủng hoảng, năm 2011 Vinacam tiếp tục gặt hái được nhiều thành công và nhiều cơ hội mới: Đó là kết quả kết tinh của chính sách định hướng được Đại hội đồng Cổ đông vạch ra từ cuối kế hoạch 5 năm lần thứ nhất và mở đầu kế hoạch 5 năm lần thứ 2, theo nguyên tắc: Giảm dần việc nhập khẩu phân bón theo hướng tập trung vào một số ngành hàng chủ lực trong nước chưa sản xuất được như KCL, SA. Thực hiện nhập nhanh, bán nhanh đối với các mặt hàng nhạy cảm như UREA, DAP, NPK. Tập trung tái cơ cấu tài chính theo hướng thoái vốn ở các công ty không hiệu quả, tập trung đầu tư cho các nhà máy sản xuất như Vina G7 với chuyên ngành sản xuất đồ gỗ xuất khẩu, Vinacam Glass với chuyên ngành gia công kính xây dựng, kính trang trí nội thất, cửa nhôm kính chân không … Agricam với chuyên ngành chế biến gạo xuất khẩu. Từ định hướng đúng chúng ta đã kiên trì tập trung nguồn lực, trí tuệ cho các ngành hàng mới, kết quả sản xuất kinh doanh năm 2011 Vinacam đã thu được những thắng lợi ấn tượng: 

       PHẦN I:KẾT QUẢ HOẠT ĐỘNG SẢN XUẤT KINH DOANH NĂM 2011

     1-Về kinh doanh Phân bón: Tổng lượng mua vào năm 2011 trong toàn Vinacam Group đạt 469.844 tấn phân bón và nông sản các loại với trị giá trên 4.460 tỷ, trong đó văn phòng Vinacam là 337 ngàn tấn xấp xỉ 3.200 tỷ. Các Công ty thành viên, Chi nhánh Hà Nội, Nam Phát, Bình Dương, Tây Nguyên là 133.000 tấn xấp xỉ 1.260 tỷ. Tổng lượng bán ra năm 2011 của toàn hệ thống đạt 445.000 tấn với doanh số trên 4.296 tỷ, trong đó có 1.084 tấn nông sản xuất khẩu với kim ngạch tương đương 2.568.000 USD. Khối lượng hàng tồn kho các lọai thời điểm 31/12/2011 đều có giá thấp, đảm bảo mức an toàn và hiệu quả kinh doanh khi xuất bán trong năm 2012.

Kết quả: Lợi nhuận hợp nhất trước thuế tính gộp trong toàn hệ thống (bao gồm cả các Công ty Cổ phần mà tỷ lệ phần vốn góp của Vinacam chiếm 70% trở lên và sau khi Công ty mẹ đã trích lập dự phòng rủi ro cho Vinacam Glass và Agricam trên 14 tỷ), số còn lại đạt trên 90 tỷ. Riêng Công ty mẹ đạt 74 tỷ. Thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập Doanh nghiệp, thu nhập cá nhân … đã nộp trong năm trên 170 tỷ. Thu nhập bình quân tại Văn phòng Công ty đạt xấp xỉ 20 triệu đồng/người/tháng (tăng 34% so với năm 2010). Năm 2011 Vinacam tiếp tục nằm trong bảng xếp hạng 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam với vị trí thứ 203 trong mọi loại hình doanh nghiệp. Tính đến 31/12/2011 tổng nguồn vốn tự có đạt 190 tỷ, trong đó vốn chủ sở hữu theo đăng ký kinh doanh là 70 tỷ, vốn thặng dư tích lũy là 120 tỷ (đã bao gồm cả nguồn khấu hao tài sản để lại).

2-Về sản xuất đồ gỗ xuất khẩu tại Vina G7: Như trên đã nêu, năm 2011 là năm rất khó khăn với toàn bộ nền kinh tế nước ta, Vina G7 chịu tác động mạnh mẽ từ những chính sách của nhà nước như tiền lương, lãi suất, tỷ giá dẫn tới ảnh hưởng kế hoạch xuất khẩu và mở rộng khách hàng. Cụ thể: Trong năm 2011 chỉ tính riêng tiền lương đã phát sinh thêm gần 500 triệu đồng/tháng do 2 đợt tăng lương theo Nghị định của Chính phủ. Lãi suất tăng cao tác động trực tiếp hiệu quả hoạt động của Công ty do năm 2011 chúng ta tập trung vào xây dựng cơ bản và đầu tư máy móc mở rộng sản xuất khiến chi phí lãi vay tăng đột biến (trên 6 tỷ = 348% so với năm 2010). Giá cả đầu vào nguyên vật liệu năm 2011 biến động tăng thường xuyên trong khi giá đầu ra gần như không thay đổi. Việc tiếp cận khách hàng mới và mở rộng sản phẩm với khách hàng cũ gặp nhiều yếu tố khách quan mang lại bất lợi cho Công ty, cần có thời gian nhất định để từng bước phát triển thị trường. Năm 2011 doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 330 tỷ, trong đó doanh thu bán hàng và dịch vụ xuất khẩu vẫn đạt xấp xỉ 10 triệu USD tương đương 198 tỷ (tăng 56,7 tỷ = 39,8% so với năm 2010). Lợi nhuận đạt 15,6 tỷ đồng, so với kế hoạch năm 2011 tăng 2,6 tỷ. Như vậy nếu không tính yếu tố phát sinh đột biến từ lãi suất thì lợi nhuận năm 2011 của Vina G7 vẫn xấp xỉ đạt lợi nhuận năm 2010. Bên cạnh đó Vina G7 đã tạo thêm công ăn việc làm ổn định cho gần 700 lao động (tăng trên 100 lao động so với năm 2010).

Tuy vậy, trước tình hình mới, trong bối cảnh kinh tế có nhiều biến động, Vina G7 cũng cần xem xét chấn chỉnh và bổ sung, hoàn thiện các quy chế về tài chính, quy chế tổ chức, quy trình mua bán vật tư nguyên liệu để công tác quản lý đi vào nề nếp theo tiêu chuẩn ISO. Đánh giá lại các hạng mục đã đầu tư, tránh tình trạng “thừa thắng” đầu tư phát triển nóng, không sử dụng hết công suất thiết bị khiến hiệu quả đầu tư không cao. Ban Giám đốc điều hành cần xây dựng trước các kịch bản ứng phó nếu tình hình kinh tế trong nước và thế giới tiếp tục có diễn biến xấu, tránh bị động về thanh khoản tài chính. Để tăng cường phát triển chiều sâu, yêu cầu bổ sung thêm một Phó Tổng Giám đốc chuyên trách kỹ thuật sản xuất để giúp việc cho Tổng Giám đốc. Để tăng cường công tác quảng bá thương hiệu, thực hiện hoàn thiện ngay trang web với các tên miền đã đăng ký, liên kết thông tin với website Vinacam và Công ty thành viên.

3- Về chế biến gạo xuất khẩu tại Công ty Cổ phần Nông Sản Vinacam (Agricam): Ngày 18/07/2011, Agricam chính thức được cấp giấy Chứng nhận Đăng ký kinh doanh, đến tháng 12/2011 đã thành lập thêm Công ty TNHH Nông sản Vinacam Cờ Đỏ (đặt trụ sở tại vùng nguyên liệu chính của huyện Cờ Đỏ để chủ động nguồn nguyên liệu gạo Jasmin và gạo hạt dài cao cấp dành cho xuất khẩu vào các thị trường có yêu cầu chất lượng cao). Chỉ sau 5 tháng khẩn trương lắp đặt hoàn chỉnh các thiết bị theo yêu cầu, ngày 30/12/2011 Agricam đã được Bộ Công thương cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện xuất khẩu gạo trực tiếp với thời hạn 5 năm. Cho đến hết 30/04/2012 Agricam cùng Agricam Cờ Đỏ đã thực hiện gia công chế biến, ký hợp đồng cung ứng và trực tiếp xuất khẩu cho các đối tác nước ngoài tổng số 42.950 tấn gạo các loại với doanh số nội địa đạt 166,4 tỷ và xuất khẩu đạt 11.800.000 USD. Theo kế hoạch, năm 2012 Agricam cùng Agricam Cờ Đỏ sẽ đẩy mạnh thu mua, chế biến để thực hiện kế hoạch cung ứng và xuất khẩu khoảng 70.000 tấn gạo các loại với doanh số dự kiến quy ngoại tệ đạt 30 triệu USD để hỗ trợ cho kinh doanh nhập khẩu phân bón. Với tiến độ thực hiện như hiện nay, chúng tôi tin rằng Agricam sẽ thực hiện vượt mức kế hoạch đề ra. Tuy nhiên với đặc điểm là Doanh nghiệp mới, mặc dù đã được Vinacam hỗ trợ nguồn cán bộ khung có kinh nghiệm, có trình độ nhưng để phát triển vững chắc Ban Giám đốc điều hành phải chủ động tuyển chọn và xây dựng được đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn cao, phối hợp đồng bộ và ăn ý. Chú ý tuyển chọn cán bộ quản lý từ sinh viên các trường đại học có chuyên ngành phù hợp với tiêu chí tốt nghiệp từ loại khá trở lên, ưu tiên con em vùng sâu, vùng xa.

4-Về gia công, sản xuất kính tại Vinacam Glass: Thực hiện Nghị quyết Đại hội cổ đông năm 2010 và chuẩn bị cho bước phát triển của kế hoạch 5 năm lần thứ 2; Sau khi mua 32,5% cổ phần tại Kính Tam Hiệp, từ tháng 11/2011, Vinacam đã nâng tỷ lệ sở hữu vốn tại Kính Tam Hiệp lên 71,5% (trên tổng vốn đăng ký sở hữu là 50 tỷ) và đổi tên Công ty thành Công ty Cổ phần kính Vinacam (Vinacam Glass). Các sản phẩm của Vinacam Glass là các sản phẩm được gia công từ kính nguyên liệu như kính cường lực, bán cường lực, kính ghép … phục vụ cho xây dựng và trang trí nội thất. Sản phẩm của Vinacam Glass với chất lượng tốt đã được các bạn hàng gần xa đánh giá cao và chọn dùng cho các công trình lớn.    

Đầu tư vào Vinacam Glass là đầu tư mang tính chiến lược và lâu dài theo định hướng kinh doanh mới: Đó là mua bán, sáp nhập các Doanh nghiệp trên bờ vực phá sản với giá rẻ của thời khủng hoảng và tập trung nguồn tài chính, nhân lực để tái cơ cấu; Khi Doanh nghiệp phát triển ổn định sẽ phát hành thêm cổ phiếu hoặc nhượng bán lại cổ phiếu với giá cao để đa dạng hóa thành phần đầu tư cho Doanh nghiệp.

 Theo Nghị quyết Hội đồng Quản trị, Vinacam Glass đã được tập trung cơ cấu lại từ Quý 4 năm 2011. Kết quả Quý 4, doanh thu đã tăng rõ rệt, từ tháng 12/2011 giảm dần lỗ theo đúng lộ trình. Chúng ta tin tưởng rằng sự hội nhập hoàn toàn của Vinacam Glass vào đại gia đình Vinacam sẽ là bước khởi đầu để đưa Vinacam Glass ngày càng phát triển để chờ đón sự bùng nổ trở lại của thị trường xây dựng và tiêu dùng từ năm 2013 nhằm mang lại lợi nhuận cho các Cổ đông và đóng góp vào sự phát triển chung của cộng đồng Vinacam. Theo kế hoạch trong năm 2012 và năm 2013, Vinacam Glass sẽ tiếp tục được ưu tiên nguồn vốn để mua sắm máy móc, xây dựng nhà xưởng mới với dự kiến tiếp tục tăng vốn chủ sở hữu lên trên 100 tỷ và để lại toàn bộ lợi nhuận của 4 năm (2012-2015) cho Vinacam Glass tái đầu tư, không chia cổ tức.

Hiện tại mặt tồn tại cần củng cố ngay tại Vinacam Glass là định biên lại tổ chức bộ máy gián tiếp của phân xưởng sản xuất và các phòng chức năng. Yêu cầu xây dựng phương án định biên theo hướng giảm 1/3 số lao động gián tiếp hiện có để tăng cường cho sản xuất trực tiếp. Công tác này phải được bắt đầu thực hiện ngay từ Quý 3 năm 2012 và kết thúc trong năm 2012.

5- Về họat động kinh doanh tại Vinacam Hà Nội: Năm 2011 với chủ trương giao Vinacam Hà Nội tập trung làm Marketing cho mặt hàng Kali Israel và hoàn thiện thủ tục khu đất dịch vụ kho bãi 10.000 m2 tại Đình Vũ - Hải Phòng nên tổng lượng phân bón các loại bán ra trong năm chỉ đạt 29.772 tấn. Doanh thu 307,7tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế 874 triệu đồng. Vinacam Hà Nội đã bước đầu phát triển được thị trường Kali Israel tại phía Bắc và xây dựng tốt mối quan hệ tiêu thụ chủng loại phân bón này cho các nhà máy sản xuất NPK trong nước và trực tiếp đến với người tiêu dùng thông qua Công ty Cổ phần VTNN Thái nguyên, Công ty VTNN các tỉnh Đông và Tây Bắc Bộ cùng  một số địa phương khác như Thanh Hóa, Thái Bình … Các mặt công tác khác từng bước được nâng lên, đời sống CB-CNV ngày càng ổn định tạo không khí hăng say trong công việc, nâng cao năng suất lao động. Định hướng phát triển trong năm được đề ra cho Vinacam Hà Nội là tiếp tục tập trung phát triển và mở rộng địa bàn tiêu thụ mặt hàng Kali Israel, tạo điều kiện cạnh tranh bằng phương thức điều tàu lớn nhập khẩu thẳng vào khu vực cảng Hải Phòng, làm đầu mối tiếp nhận nguồn phân bón nhập khẩu tiểu ngạch để điều chuyển cho Vinacam Tp.Hồ Chí Minh. Để thực hiện tốt kế hoạch trên, yêu cầu Vinacam Hà Nội kiện toàn lại công tác bán hàng, tăng cường cán bộ có năng lực, có sức khỏe và nhiệt tình trong công việc để bổ sung cho bộ phận kinh doanh. Tiếp tục hoàn tất các quy chế quản lý để đảm bảo tạo động lực cho nguồn cán bộ tốt phát triển và cũng là để đào thải cán bộ không đáp ứng nhu cầu. Nghiên cứu áp dụng cơ chế khoán lương cho cán bộ kinh doanh theo doanh số và khối lượng tiêu thụ.

6-  Về công tác Quản trị tại khối văn phòng và các công tác xã hội khác:

Đối với công tác tổ chức nhân sự: Đã tuyển dụng được 12 cán bộ nghiệp vụ mới, thực hiện điều động 06 cán bộ, trong đó có 01 Phó Tổng chuyên trách xuất nhập khẩu gạo theo chương trình luân chuyển cán bộ từ văn phòng Vinacam đi để tăng cường cho Agricam. Trong năm, bằng nguồn kinh phí của Công ty, đã tài trợ và cử 15 cán bộ thuộc các Phòng/Ban chức năng đi đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn nhằm đáp ứng nhu cầu mới, phù hợp với định hướng phát triển theo Nghị quyết Đại hội Cổ đông. Việc thực hiện tuyển chọn đội ngũ cán bộ mới có trình độ Đại học chính quy từ bằng khá trở lên và công tác luân chuyển cán bộ chủ chốt sang đảm nhiệm các lĩnh vực khác nhau là chiến lược để đảm bảo xây dựng được đội ngũ cán bộ tinh thông về nghiệp vụ, năng động về xử lý tình huống, có khả năng  kế thừa liên tục, đủ điều kiện đảm trách các mục tiêu sản xuất kinh doanh mới.

Đối với công tác xã hội và chăm lo cho người lao động: Xác định phát triển nhờ cộng đồng nên chính sách xã hội của Vinacam cũng theo tiêu chí vì cộng đồng. Bên cạnh việc củng cố tổ chức Đảng (Chi Bộ Đảng của Vinacam hiện có 12 Đảng viên sinh hoạt tại Đảng bộ Doanh nghiệp Quận 1) Vinacam còn đặc biệt quan tâm củng cố tổ chức Công đoàn vững mạnh để cùng với chính quyền chăm lo đời sống cho CB-CNV về vật chất và tinh thần (thu nhập bình quân năm 2011 xấp xỉ 20 triệu đồng/người/tháng, tăng 34% so với năm 2010; Thu nhập năm 2010 xấp xỉ 15 triệu đồng/người/tháng, tăng 53% so với năm 2009). Trong năm đã thực hiện tốt các chế độ khen thưởng theo thang điểm, theo thành tích phát huy sáng kiến cải tiến quy trình giao nhận với tổng giá trị tiền thưởng lên đến 3,3 tỷ đồng. Bên cạnh đó, đã tổ chức thành công các đợt tham quan, nghỉ mát, khám chữa bệnh định kỳ, tặng quà sinh nhật, chia sẻ buồn vui Hiếu - Hỷ đến từng CB-CNV Công ty, tạo sự gắn kết tin tưởng để xây dựng Công ty cùng phát triển.

Năm 2011, tập thể CB-CNV Vinacam đã đóng góp, vận động đóng góp và chi từ nguồn quỹ phúc lợi, quỹ hoạt động của Hội đồng Quản trị tổng số tiền 1.750.780.000 đồng hỗ trợ cho giáo dục (thông qua Báo tuổi trẻ với phong trào tiếp sức đến trường và xây dựng trường mẫu giáo cho một vùng quê nghèo phía Bắc). Hỗ trợ đồng bào bão lụt miền Trung, hỗ trợ các cơ sở Thiện Nguyện nuôi dưỡng người già không nơi nương tựa, nuôi dạy trẻ mồ côi. Đặc biệt trong tháng 3 năm 2011 trước thông tin thiên tai về động đất, sóng thần khủng khiếp tại Nhật Bản, với truyền thống “lá lành đùm lá rách”, “một miếng khi đói bằng một gói khi no” của Dân tộc Việt, Vinacam đã trích quỹ phúc lợi, kêu gọi sự đóng góp từ CB-CNV, các Mạnh Thường Quân, các Đại lý, Bạn hàng, Doanh nghiệp trên cả nước được xấp xỉ 600 triệu đồng thông qua Lãnh sứ quán Nhật Bản tại Tp. Hồ Chí Minh để gởi đến các nạn nhân trong vụ thảm họa.

Kính thưa các Quý vị Cổ đông, Quý Đại biểu, Bạn hàng !

Chúng tôi luôn biết rằng, để đạt được các thành tích trên, ngoài sự tự thân vận động của tập thể người lao động tại Vinacam, ngoài sự may mắn tâm linh, chúng tôi đã được sự trợ giúp rất lớn từ Quý vị. Một lần nữa, cho phép tôi được bày tỏ lòng cảm ơn chân thành của “Đại gia đình Vinacam” đến toàn thể các Quý vị - Các “Mạnh Thường Quân” đã góp sức và chia sẻ cho chúng tôi những thông tin hữu ích, những kinh nghiệm quý báu trong cuộc sống kinh doanh để Vinacam vượt qua những khó khăn trở ngại, để Vinacam đạt được thành công lớn của năm 2011. Xin các Quý vị chuyển tải giúp Vinacam thông điệp quan trọng này.

PHẦN 2: ĐỊNH HƯỚNG HOẠT ĐỘNG NĂM 2012

Thưa các Quý vị ! Khép lại năm kinh doanh 2011 với nhiều sôi động, xác định năm 2012 tình hình bất ổn về kinh tế, tài chính sẽ còn trầm trọng nên ngay từ cuối Quý 4/2011 Hội đồng Quản trị Vinacam đã ra nghị quyết định hướng thận trọng cho mục tiêu phát triển sản xuất kinh doanh đó là:

1-Tiếp tục thực hiện giảm nhập khẩu đối với các lọai hàng phân bón trong nước đã sản xuất được như UREA, DAP, NPK. Tập trung phát triển thị trường Kali Israel trên phạm vi toàn quốc. Tăng cường biện pháp chống giả và thực hiện chiến dịch tuyên truyền sâu rộng về chất lượng vượt trội của Kali Israel với bảo đảm rằng Kali Israel do Vinacam nhập khẩu và đóng bao mang thương hiệu Vinacam luôn luôn đúng về chất lượng, đủ về trọng lượng, đáp ứng được các yêu cầu khắt khe nhất của người tiêu dùng. Năm 2012 phấn đấu nâng mức tiêu thụ Kali Israel lên 150 ngàn tấn, kinh doanh phân bón khác sẽ thực hiện theo nguyên tắc mua nhanh bán nhanh, hạn chế tối đa dự trữ.

2- Về chỉ tiêu kinh doanh phân bón và lợi nhuận hợp nhất: Giữ khối lượng cung ứng tối thiểu đạt 300.000 tấn, doanh số tối thiểu đạt 4.000 tỷ. Lợi nhuận hợp nhất toàn hệ thống trước thuế 50 tỷ, riêng Vinacam bảo đảm mức chia cổ tức 20%. Phần lợi nhuận còn lại sau khi phân bổ cho các quỹ sẽ ưu tiên tập trung cho quỹ đầu tư phát triển. Đối với các Công ty thành viên như Vinacam Hà Nội, Vina G7, Agricam, Vinacam Glass tiếp tục dành toàn bộ lợi nhuận tái đầu tư cho phát triển sản xuất của từng đơn vị.

3-Đối với các Công ty thành viên, Công ty liên doanh: Tăng cường công tác chỉ đạo và tiếp tục hỗ trợ cho Vina G7 nhằm nâng cao doanh số xuất khẩu để hỗ trợ ngọai tệ cho nhập khẩu phân bón. Trong năm 2012 giao Vina G7 hoàn tất các hạng mục đầu tư mở rộng sản xuất còn dở dang của năm 2011 và cân đối vốn để thực hiện chỉnh trang đường nội bộ, hệ thống tường rào, nhà vệ sinh và xử lý chất thải … Dự kiến kinh phí đầu tư cho các hạng mục này khoảng 5,5tỷ từ nguồn lợi nhuận không chia của năm 2011. Giao Vina G7 kế hoạch năm 2012 với doanh thu xuất khẩu 15 triệu USD, lợi nhuận trước thuế 17 tỷ. Năm 2012 hoặc đầu năm 2013 thực hiện điều chỉnh tăng vốn của Vina G7 lên 70 tỷ từ nguồn thặng dư vốn tích lũy để lại. Đồng ý tiếp tục dành toàn bộ lợi nhuận của năm 2012 để Vina G7 tái đầu tư tạo đà cho bước phát triển mới của năm 2013. Tập trung vốn cho liên doanh Agricam, Vinacam glass từ nguồn vốn đầu tư phát triển và nguồn vốn huy động khác. Ưu tiên nguồn nhân lực và tài chính để cơ cấu thành công Vinacam Glass theo phương thức như đã áp dụng cho Vina G7 trước đây nhằm bảo đảm và tạo tiền đề cho Vinacam Glass phát triển vượt bậc trong năm 2013.

4-Đối với định hướng đầu tư trong lĩnh vực sản xuất phân bón: Tìm kiếm đối tác phù hợp để hợp tác đầu tư nhà máy sản xuất phân bón từ năm 2013. Ưu tiên nghiên cứu hợp tác với Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền trong dự án sản xuất phân bón NPK tại Ninh Bình. Hoàn thiện phương án và xin chấp thuận xong chủ trương giới thiệu địa điểm xây dựng nhà máy sản xuất phân hữu cơ tại khu đất 3 ha Công ty đã mua tại Tam Phước - Biên Hòa - Đồng Nai hoặc kết hợp với Công ty Phước Nguyên để phát triển nhà máy phân bón hiện hữu tại Bảo Lâm - Lâm Đồng hoặc với các đối tác khác trên nguyên tắc đầu tư theo công nghệ tiên tiến và hiện đại nhằm đưa ra thị trường sản phẩm mang thương hiệu Vinacam có chất lượng tốt, có tính chống giả cao.

5-Về các công tác khác: Trước xu thế phát triển đa ngành của một Tổng Công ty, để phù hợp với cơ cấu quản lý, trong Quý 4/2012 sẽ đệ trình phương án xin ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc thành lập Ban Kiểm soát của Công ty mẹ và Ban Kiểm soát của các Công ty thành viên  như Vina G7, Agricam, ...

Đối với công tác Nhân sự, tiếp tục tuyển dụng và củng cố bộ máy tổ chức tại Công ty mẹ, đào tạo, bồi dưỡng để hình thành các bộ khung lãnh đạo sẵn sàng điều chuyển bổ trợ cho hoạt động của các Công ty thành viên mà Vinacam chiếm tỷ trọng vốn từ 70%  trở lên. Hoàn tất hồ sơ chủ quyền phần diện tích 43 ha cao su tại Phú Giáo - Bình Dương theo kết luận của Thủ tướng Chính phủ, nghiên cứu trồng mới hoặc bán thanh lý toàn bộ phần diện tích này để đầu tư vào lĩnh vực sản xuất khác. Đồng ý bán bớt một phần tài sản là bất động sản tại 112/4 - Khu phố 4 - Trần Xuân Soạn - Quận 7  và số 17 Đường Nguyên Hồng - Đống Đa - Hà Nội để đầu tư cho sản xuất và kinh doanh theo kế hoạch định hướng trên. Lập phương án Liên doanh để khai thác tối đa phần kho bãi 10.000 m2 là tài sản của Vinacam Hà Nội tại Đình Vũ - Hải Phòng. Tiếp tục chú trọng chăm lo đến đời sống người lao động, phấn đấu ổn định mức thu nhập của CB-CNV trong năm 2012 theo mặt bằng chung. Đôn đốc để Bộ Nội vụ thông qua điều lệ và ra quyết định thành lập Quỹ Khuyến học Vinacam trong 06 tháng cuối năm 2012. Chúng ta hy vọng rằng từ nguồn vốn quỹ ban đầu ở mức 2,2 tỷ do Vinacam và Vina G7 đóng góp, Quỹ khuyến học của Vinacam sẽ tăng trưởng nhanh, hỗ trợ thiết thực cho CB-CNV, con của CB-CNV trong toàn hệ thống Vinacam nâng cao trình độ chuyên môn và tạo tiền đề cho các cháu đạt thành tích học tập tốt hơn.

Kính thưa các Quý vị cổ đông, Quý Đại biểu, Bạn hàng !

Để đạt được các chỉ tiêu và kế hoạch đầy tham vọng trên, chúng tôi biết rằng con đường đi tới và phải vượt qua là không hề bằng phẳng. Ngoài sự nỗ lực của bản thân tập thể CB-CNV Công ty, chúng tôi rất mong được các vị khách quý, các Đại biểu, Bạn hàng tiếp tục hỗ trợ, chỉ bảo, truyền đạt kinh nghiệm để chúng tôi sớm gặt hái được thành công của năm 2012.

Một lần nữa, xin chân thành cảm ơn sự hiện diện của Quý vị hôm nay. Xin chúc tất cả các Quý vị Cổ đông, các Quý Đại biểu, Bạn hàng Sức khỏe, Thành đạt, Hạnh phúc. Chúc mối quan hệ giữa chúng ta mãi mãi “Hợp tác cùng phát triển”. Chúc Đại hội thành công tốt đẹp.

CHỦ TỊCH HĐQT

Vũ Duy Hải


 

Logo Tập đoàn VinacamTập Đoàn Vinacam

Tập đoàn Vinacam là một Tập đoàn đa ngành nghề, chủ yếu về lĩnh vực nông nghiệp, chúng tôi tự hào là nhà nhập khẩu phân bón hàng đầu Việt Nam, các sản phẩm phân bón của Vinacam luôn được lựa chọn từ nhưng nhà sản xuất uy tín trên thế giới với chất lượng tốt giá cả cạnh tranh và bao bì đẹp

Văn Phòng Chính(Khu liên cơ quan) 28 Mạc Đĩnh Chi, P. Đa Kao, Q.1, TP. Hồ Chí Minh
Số ĐKKD: 0303800051 | Ngày cấp: 19/05/2005 | Sửa đổi lần 8 ngày: 10/10/2017 | Nơi cấp: Sở Kế Hoạch Và Đầu Tư TP.HCM
Bản quyền © 2007 Công ty Cổ phần Tập đoàn Vinacam.