Vụ 30 lô sầu riêng xuất khẩu nhiễm cadimi: Sẽ họp báo công bố nguyên nhân
Liên quan đến việc Trung Quốc cảnh báo 30 lô sầu riêng của Việt Nam xuất khẩu nhiễm cadimi vượt ngưỡng quy định, lãnh đạo Cục Bảo vệ thực vật cho biết sẽ tổ chức họp báo công bố nguyên nhân ngay khi có kết quả.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online sáng 11-4, một lãnh đạo Cục Bảo vệ thực vật cho biết đơn vị đang tổng hợp các báo cáo của các địa phương, doanh nghiệp để làm rõ nguyên nhân 30 lô hàng sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc bị cảnh báo nhiễm cadimi vượt ngưỡng.
"Ngay khi có kết quả, Cục Bảo vệ thực vật sẽ tổ chức họp báo" - lãnh đạo Cục Bảo vệ thực vật khẳng định.
Giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng ở Tiền Giang cho biết đơn vị đã truy xuất nguồn gốc 2 lô hàng bị Trung Quốc cảnh báo nhiễm cadimi vượt ngưỡng và gửi các hồ sơ liên quan, báo cáo Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh để báo cáo Cục Bảo vệ thực vật.
Theo vị này, từ vùng trồng cho đến cơ sở đóng gói sầu riêng doanh nghiệp kiểm soát được nhưng vấn đề là dư lượng cadimi thì ngoài chức năng của doanh nghiệp và đơn vị cũng không nắm được quy định.
Như Tuổi Trẻ Online đưa tin ngày 18-3, Cục Bảo vệ thực vật có công văn gửi một số địa phương, các doanh nghiệp và các chi cục kiểm dịch thực vật về việc điều tra nguyên nhân, truy xuất 30 lô hàng sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc bị cảnh báo nhiễm kim loại nặng cadimi vượt mức giới hạn quy định an toàn thực phẩm của nước này.
Cục Bảo vệ thực vật yêu cầu các doanh nghiệp và các địa phương báo cáo trước ngày 3-4, để có cơ sở phản hồi Tổng cục Hải quan Trung Quốc, tránh việc nước nhập khẩu có các kết luận ảnh hưởng tới xuất khẩu nông sản.
Tại buổi họp báo thường kỳ quý 1 của ngành nông nghiệp diễn ra hôm 1-4, ông Nguyễn Quang Hiếu, trưởng phòng hợp tác quốc tế (Cục Bảo vệ thực vật), cho hay việc sầu riêng nhiễm cadimi có thể do nhiều nguyên nhân như do nguồn đất bị nhiễm cadimi hoặc do nguồn nước, khí thải từ nhà máy, cũng có thể do xử lý sau thu hoạch như nguồn nước rửa sản phẩm nhiễm cadimi.
"Số lượng lô hàng sầu riêng nhiễm cadimi chỉ chiếm 0,1% tổng số lô hàng được xuất khẩu sang Trung Quốc. Vì vậy, thông báo của Trung Quốc chưa ảnh hưởng nhiều đến việc xuất khẩu, tuy nhiên đây là thông tin cảnh báo để chúng ta chủ động tìm nguyên nhân, điều chỉnh để tránh lặp lại trong thời gian tới" - ông Hiếu nói.
Thông báo vi phạm sầu riêng không ngừng tăng
Theo Cục Bảo vệ thực vật, trong năm 2023 Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc hơn 595.000 tấn sầu riêng.
Đến hết tháng 2-2024, Việt Nam đã xuất được hơn 41.000 tấn (xấp xỉ sản lượng sầu riêng xuất khẩu trong năm 2022).
Đến nay, sầu riêng của Việt Nam cũng đã khẳng định được chất lượng sản phẩm tại thị trường Trung Quốc. Năm 2023, chúng ta chiếm gần 32% thị phần tại thị trường Trung Quốc và chỉ đứng sau Thái Lan (chiếm 68% thị phần).
Còn hai tháng đầu năm nay, nhờ có lợi thế trái vụ, lượng xuất khẩu sầu riêng Việt Nam sang thị trường Trung Quốc đã vượt Thái Lan.
Tuy nhiên, Cục Bảo vệ thực vật cũng cảnh báo việc sử dụng mã số trái phép, không đúng quy định và không tuân thủ các yêu cầu của nước nhập khẩu đã gây ảnh hưởng đến người sản xuất và doanh nghiệp xuất khẩu, đồng thời cũng ảnh hưởng đến uy tín của cả ngành hàng sầu riêng.
Nhiều cơ sở đóng gói không mua sản phẩm từ vùng trồng đã được cấp mã số, không mua sản phẩm từ vùng trồng liên kết đã được cấp mã số vẫn diễn ra, ảnh hưởng lớn đến việc truy xuất nguồn gốc khi lô hàng gặp vấn đề.
Đồng thời, các thông báo vi phạm vẫn không ngừng tăng. Tình trạng này nếu không được cải thiện sẽ dẫn đến việc nâng cao rào cản kỹ thuật, thậm chí là có nguy cơ đánh mất thị trường vừa mới được mở cửa đối với mặt hàng sầu riêng.
CHÍ TUỆ(Theo Tuổi Trẻ)