Áp thuế sẽ giảm giá phân bón
Sau khi Bộ NN&PTNT đề nghị kiểm soát xuất khẩu và áp thuế xuất khẩu phân bón, chủ tịch Tập đoàn Hóa chất cho rằng không giải quyết được tăng giá. Nhưng có ý kiến phân tích ngược lại.
Sản xuất phân bón tại một nhà máy ở huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An - Ảnh: Đ.THUẦN
Tuổi Trẻ giới thiệu ý kiến của một doanh nhân nhiều năm trong ngành phân bón.
Mới nghe áp thuế, giá đã giảm
Câu hỏi đặt ra là chính sách thuế có thể làm giảm giá phân bón được không, quan điểm của tôi là được.
Đơn cử, mới chỉ nghe Bộ Tài chính trình đánh thuế xuất khẩu, chưa nói rõ nội dung nhưng thực tế diễn biến thị trường giá urê hai tuần nay lập tức giảm xuống. Cuối tháng 4, giá bán urê Ninh Bình, Hà Bắc tầm 17.000 - 17.500 đồng/kg, nay còn khoảng 16.200 - 16.500 đồng/kg.
Động thái này khiến người buôn bán, tích trữ lượng lớn phải xả hàng. Mai kia đánh thuế thì lượng cung tăng, đáp ứng nhu cầu, giá phân bón không tăng nữa.
Nhưng để hài hòa thì không nên áp thuế xuất khẩu 5% cho tất cả mặt hàng phân bón. Vì tiêu thụ phân bón không ổn định mà theo thời vụ. Gần vào vụ nhu cầu cao, hết vụ nhu cầu không còn, mà nhà máy thường chạy đều cả năm.
Lập giá cơ sở để điều tiết thuế
Điều tiết thuế phải làm sao thỏa mãn, bình ổn cho người nông dân và không thiệt người sản xuất, do vậy quan điểm của tôi là nên áp dụng chính sách thuế linh hoạt theo biểu thuế tự động.
Cụ thể là chấp nhận mức giá biến đổi và chỉ tiêu lợi nhuận của nhà máy sản xuất urê trong nước trên cơ sở các chỉ số cấu thành giá hợp lý để nhà sản xuất nào cũng có lời. Khi giá bán nội địa tăng hơn mức giá biến đổi được duyệt đến 20-30% thì bắt đầu áp thuế xuất khẩu (ví dụ 5%), nhưng nếu thị trường tăng đến 50-70-100%... thì mức thuế xuất khẩu sẽ tăng lũy tiến lên 10-30-50%... và thậm chí đến 100%.
Ngược lại, nếu giá trong nước sát chi phí biến đổi, nguy cơ nhà sản xuất lỗ, thì lập tức kích hoạt thuế nhập khẩu theo chiều ngược lại.
Theo tôi, không nên đánh thuế tất cả các loại phân bón. Với phân kali nhập khẩu, không có thuế nên không đánh thuế phân kali. Việc áp thuế xuất khẩu với NPK thậm chí có tác dụng ngược, triệt tiêu sức cạnh tranh của các nhà sản xuất NPK trong nước vì thực tế sản xuất NPK hiện nay theo thiết kế dư thừa rất nhiều.
Ngoài ra, thuế phòng vệ DAP, MAP nên dừng vì thời điểm giá trong nước tăng đột biến tỉ lệ sản phẩm DAP sản xuất trong nước đã đem xuất khẩu chiếm tỉ trọng lớn, đánh thuế phòng vệ cũng là gánh nặng cho người dân.
Cẩn thận việc áp thuế VAT với phân bón
Có đề xuất nên áp thuế VAT để các nhà sản xuất được khấu trừ thuế VAT đầu vào nhằm giảm giá thành phân bón thì giá bán ra sẽ giảm. Nên nhớ, thuế VAT là thuế đánh vào người tiêu dùng. Giá và giá trị là hai thứ thường không gặp nhau. Giá thị trường do thị trường quyết định, do cung và cầu, cung nhiều cầu ít thì giá thấp, cung ít cầu nhiều thì giá cao. Do vậy cho rằng khi áp thuế VAT thì nhà sản xuất được khấu trừ VAT đầu vào giúp giảm giá thành sẽ giảm giá bán là khiên cưỡng, nhất là trong thời điểm Quốc hội vừa quyết định điều chỉnh thuế VAT hàng tiêu dùng từ 10% xuống 8% như vừa qua.
Nếu đánh thuế 5%, một giai đoạn ngắn có thể có tác dụng nhưng lâu dài không ổn, không có lợi cho nền kinh tế. Chính sách thuế để điều tiết mang tính chất vĩ mô, chứ bình ổn thị trường không đạt được kỳ vọng thậm chí có thể phản tác dụng.
(Theo Tuổi Trẻ)