Cảnh báo khan hiếm nguồn cung, phân bón sẽ thiết lập mặt bằng giá mới

Nhiều mặt hàng phân bón như DAP, NPK, kali sẽ sớm tăng giá trở lại khi việc nhập khẩu khó khăn do các nước hạn chế xuất khẩu, trong khi nguồn cung trong nước khan hiếm.

Vinacam vừa đưa ra nhận định thị trường phân bón tháng 4 và quý II/2022 chịu tác động lớn từ chiến sự Nga - Ukraine. 

Đối với phân Urea, hầu hết các nhà sản xuất lớn ở khu vực Đông Nam Á đã hết hàng giao tháng 4 tới nửa đầu tháng 5. 

Tại Việt Nam, sau một thời gian sôi động từ cuối tháng 3, thị trường Urea cũng bắt đầu bớt nhiệt và hầu hết các nhà nhập khẩu cũng đã chuẩn bị đủ hàng cho đầu vụ Đông Xuân.

Trước tình hình giá thế giới đang ở mức cao hơn nội địa, các nhà máy sản xuất Urea và thương nhân đang tranh thủ xuất khẩu từ nguồn sản xuất, nguồn nhập khẩu hoặc mua gom trong nước. "Nói chung, như nhận định tại bản tin của mình ngày 4/3/2022, giá Urea Việt Nam sau khi tăng đến 18.500 đồng/kg thì chững lại ở mức 17.500 đồng/kg, khá hấp dẫn để xuất khẩu khi thị trường trong nước thấp điểm, không có sức mua", Vinacam nhận định.

Cảnh báo khan hiếm nguồn cung, phân bón sẽ thiết lập mặt bằng giá mới

Việc nhập khẩu phân bón đang rất khó khăn do ảnh hưởng từ chiến sự Nga - Ukraine. 

Vinacam đánh giá với những tín hiệu tích cực từ đàm phán về hạt nhân Iran, nguồn cung sẽ được cải thiện và nhiều khả năng mức giá thế giới cho tháng 5 sẽ ở mức khoảng 800 - 850 USD/tấn FOB, riêng Urea đục ở Việt Nam có khả năng sẽ tăng khi hoạt động xuất khẩu đang diễn ra rất sôi động và mùa vụ tại phía Nam sẽ bắt đầu từ cuối tháng 4 cho đến hết tháng 5 khi mùa mưa đến.

Đối với DAP, giá thế giới đi ngang, người mua chấp nhận giá 1.050 - 1.080 FOB. Vinacam cho biết sau một đợt tăng giá mạnh, giá DAP thế giới đã có dấu hiệu chững lại trong tuần này. Pakistan mua 2 tàu từ Ả Rập giá 1.025 USD/tấn CFR cao hơn 80 USD so với giao dịch trước đó. Ấn Độ tiếp tục chờ đợi, còn Trung Quốc thì neo giá 1.050 - 1.080 USD/tấn FOB, Brazil tiếp tục là điểm sáng khi vững giá 1.300 USD/tấn CFR.

"Chúng tôi ghi nhận một số bản chào về Việt Nam với mức giá 1.150 - 1.200 USD/tấn CFR cho cửa khẩu Lào Cai (tương đương giá vốn tầm trên dưới 30 triệu đồng/tấn tại TP Hồ Chí Minh). Với mức giá này, sẽ khá rủi ro để các thương nhân nhập khẩu Việt Nam có thể cân nhắc để mua hàng", Vinacam cho biết. 

Theo nhận định của doanh nghiệp này, nguồn cung DAP từ các nhà sản xuất nội địa lại càng eo hẹp hơn khi vấn đề nguồn nguyên liệu chưa được giải quyết triệt để, trong khi phần lớn lượng hàng sản xuất ra lại ưu tiên cho thị trường xuất khẩu.

Trong khi đó, nguồn cung thế giới khó tăng lên khi Trung Quốc và Nga đang có dấu hiệu sẽ áp đặt những biện pháp khắt khe hơn để hạn chế xuất khẩu. Nguyên liệu đầu vào của các nhà máy đều tăng mạnh, nhất là lưu huỳnh và ammonia càng khiến cho các nhà sản xuất không có áp lực phải giảm giá nhiều.

Thị trường Việt Nam mặc dù có điều chỉnh đi ngang sau một đợt tăng mạnh. Tuy nhiên, Vinacam đánh giá thị trường sẽ sớm tăng giá trở lại khi nguồn hàng tồn kho giá rẻ đã hết, cộng với việc xuất khẩu ồ ạt và vụ mùa đang đến gần. Dự kiến giá DAP 64 nhập khẩu sẽ leo lên mức 28.000 - 30.000 đồng/tấn trong quý III/2022.

Đối với mặt hàng kali, khi nguồn cung hàng tồn kho trong nước cạn dần, Việt Nam sẽ bắt buộc phải nhập khẩu theo giá mới thì giá kali trong nước sẽ tăng mạnh. Theo Vinacam, đến quý III, giá sẽ cán mốc 20-22 triệu đồng/tấn cho kali bột và 23 - 25 triệu đồng/tấn cho kali miểng. 

Hay đối với sản phẩm NPK, nguồn nhập NPK từ Nga đã bị chặn, nhập khẩu từ Trung Quốc thì ách tắc vì hàng rào kỹ thuật từ kiểm hóa hải quan. Điểm sáng trước nay cho dòng NPK nhập khẩu từ Hàn Quốc đã mới có thông báo chính thức “chỉ có thể sản xuất NP vì nguồn Kali cạn kiệt”. 

Cùng với việc một loạt nhà máy sản xuất NPK quy mô nhỏ tạm đóng cửa do giá nguyên liệu cao, sản xuất không có lời thì giá NPK sản xuất trong nước bây giờ thực sự nằm trong tay các “ông lớn” có tiềm lực mạnh như Bình Điền, Phú Mỹ và Cà Mau...

Trước đó, theo báo cáo từ Bộ Công Thương, trong quý I/2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 88,58 tỷ USD, tăng 12,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu mặt hàng phân bón các loại tăng 183%, do giá phân bón tăng cao và nhu cầu tăng đột biến.

Trước tình hình trên, Bộ Công Thương khẳng định sẽ rà soát, đánh giá nhu cầu trong nước đối với các mặt hàng chiến lược như phân bón, xăng dầu, than,... để có biện pháp điều hành phù hợp hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, vừa tận dụng được cơ hội về giá để xuất khẩu và đảm bảo nguồn cung đủ cho nhu cầu tiêu dùng, sản xuất trong nước, đặc biệt trong trường hợp giá cả nguyên vật liệu tăng quá cao.


THY LÊ(Theo VNBusiness)

Logo Tập đoàn VinacamTập Đoàn Vinacam

Tập đoàn Vinacam là một Tập đoàn đa ngành nghề, chủ yếu về lĩnh vực nông nghiệp, chúng tôi tự hào là nhà nhập khẩu phân bón hàng đầu Việt Nam, các sản phẩm phân bón của Vinacam luôn được lựa chọn từ nhưng nhà sản xuất uy tín trên thế giới với chất lượng tốt giá cả cạnh tranh và bao bì đẹp

Văn Phòng Chính(Khu liên cơ quan) 28 Mạc Đĩnh Chi, P. Đa Kao, Q.1, TP. Hồ Chí Minh
Số ĐKKD: 0303800051 | Ngày cấp: 19/05/2005 | Sửa đổi lần 8 ngày: 10/10/2017 | Nơi cấp: Sở Kế Hoạch Và Đầu Tư TP.HCM
Bản quyền © 2007 Công ty Cổ phần Tập đoàn Vinacam.