'Chưa có dấu hiệu giảm giá phân bón nào trong ngắn hạn'
Ông Vũ Duy Hải, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Vinacam (Vinacam), một trong những doanh nghiệp hàng đầu ngành phân bón cho rằng, ở thời điểm hiện tại, thị trường phân bón chưa có dấu hiệu giảm giá do nhiều yếu tố khách quan.
Nhadautu.vn vừa có cuộc trao đổi với ông Vũ Duy Hải, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Vinacam (Vinacam), một trong những doanh nghiệp hàng đầu ngành phân bón về diễn biến trên thị trường này.
Sản lượng tăng, doanh số giảm
Tính đến hiện tại, sản lượng và giá trị các sản phẩm của Vinacam tăng giảm ra sao so với cùng kỳ?
Ông Vũ Duy Hải: Cho đến nay Vinacam đã nhập khẩu và mua từ các nhà máy sản xuất trong nước để cung ứng ra nội thị trường hơn 100.000 tấn phân bón các loại, dự kiến từ nay đến cuối năm sẽ bổ sung thêm khoản 150.000 tấn. Trong đó, 40% là hàng nhập khẩu, 60% là hàng tiêu thụ từ nguồn nội địa.
Với vai trò là nhà nhập khẩu và kinh doanh phân bón hàng đầu của Việt Nam, Vinacam luôn đặt chiến lược duy trì thường xuyên một lượng hàng vừa đủ để đảm bảo việc cung ứng cho thị trường không bị đứt gãy.
So với cùng kỳ sản lượng tăng 12%, doanh số giảm 31% do giá bán giảm sâu so với năm 2022.
Ông đánh giá ra sao về tình hình diễn biến của ngành nông nghiệp hiện nay, đoều này tác động thế nào đến các doanh nghiệp lĩnh vực phân bón như Vinacam?
Ông Vũ Duy Hải: Xung đột địa chính trị thế giới đã ảnh hưởng rất lớn đến nguồn cung lúa mỳ cho Châu Âu, nhất là khi Nga quyết định từ bỏ Thoả thuận Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen, điều này đồng nghĩa với việc hoạt động xuất khẩu qua khu vực Biển Đen vô cùng khó khăn.
Tại Châu Á, vấn đề thời tiết cực đoan El Nino trở nên nghiệm trọng dù chỉ mới bắt đầu, thời tiết có thể rất khô hạn tại Ấn Độ, nhưng lại đang gây lũ lụt lớn tại Trung Quốc.
Điều này khiến nguồn cung lúa gạo bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Cùng với việc Ấn Độ ra lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng từ ngày 20/07 và tiếp theo là các lệnh cấm xuất khẩu gạo của Nga và UAE đã tạo một cú đẩy rất lớn cho giá gạo.
Ngay đầu tháng 8, chúng ta đã chứng kiến mức giá xuất khẩu gạo vượt 600 USD và điều này chưa dừng lại, tại ruộng, giá lúa tăng mỗi ngày 50-100đ/kg.
Giá lương thực tăng khiến các quốc gia có nền nông nghiệp mạnh tăng sản lượng trồng trọt ngay lập tức. Brazil và Ấn Độ nhập liên tục Urea, DAP, MAP, Kali, Trung Quốc thì mặc dù hiện tại là nghịch mùa, nhưng họ vẫn sẵn sàng trồng mới và chấp nhận trồng lại nếu điều kiện thời tiết bất lợi.
Phân bón trên thế giới sau chuỗi giảm giá kéo dài từ nửa sau 2022 đã bắt đầu đà hồi phục mạnh và song hành với đà tăng của giá lương thực toàn cầu.
Giá Urea Trung Đông/Trung Quốc từ 280 USD FOB (Free on board, giá tại cửa khẩu của người bán - PV) vào giữa tháng 6 đã tăng vọt lên 430 USD FOB vào cuối tháng 7.
Giá DAP TQ vào giữa tháng 7 có giá 430 USD FOB thì đầu tháng 8 đã có giá 550 USD FOB. Giá Kali cũng bắt đầu tăng 20-50 USD USD tuỳ loại.
Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế kể trên, theo số liệu của Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn, hiện nay, các địa phương đều đẩy mạnh tiến độ gieo sạ vụ Mùa và vụ Thu Đông với diện tích dự kiến tăng 50000 ha so với cùng kỳ năm ngoái.
Giá Urea hạt đục nội tăng từ 9.000 vào cuối tháng 6 lên trên 11.000 vào đầu tháng 8.
Giá DAP 64 tăng từ 13.000 lên 15.000 chỉ trong vòng vài tuần trở lại đây.
Giá Kali, có loại đã tăng gần 1000/kg.
Tình hình xáo động của thị trường như trên đang là cơ hội nhưng cũng không ít thách thức cho các nhà sản xuất và kinh doanh phân bón trong nước.
Theo nhìn nhận của Vinacam, dường như thuận lợi đang chiếm ưu thế để các nhà sản xuất, kinh doanh nội địa bứt tốc sản lượng cũng như lợi nhuận trong những tháng cuối năm.
Giá phân bón sẽ tăng trong thời gian dài
Vậy đâu là những khó khăn mà doanh nghiệp đang gặp phải và giải pháp nào để tháo gỡ?
Ông Vũ Duy Hải: Là một trong những doanh nghiệp hàng đầu về xuất nhập khẩu phân bón, chúng tôi được sự hỗ trợ về nguồn vốn rất lớn của các ngân hàng, nhờ sự hỗ trợ này, chúng tôi có thể yên tâm đàm phán để nhập những lô hàng lớn với giá cạnh tranh, đúng thời điểm.
Ngoài ra, được nhìn nhận là thương hiệu uy tín trong ngành phân bón của Việt Nam, chúng tôi luôn nhận được sự ưu ái, hỗ trợ rất lớn từ các trader/nhà sản xuất lớn trên thế giới, cũng như những bạn hàng nội địa.
Những quy định mới về việc áp thuế xuất khẩu đối với các mặt hàng phân bón không phân biệt hàng hoá đó được nhập khẩu hay được sản xuất bằng nguyên liệu nội địa đang hạn chế khả năng xuất khẩu của các thương nhân xuất nhập khẩu như Vinacam.
Sau một giai đoạn giảm giá kéo dài, tâm lý của người nông dân, đại lý còn lo ngại giá sụt giảm trở lại nên việc giải phóng khi hàng nhập khẩu thường bị kéo dài, đây là vấn đề đáng báo động vì việc hổng chân hàng như thế này có thể đẩy giá tăng vọt khi vào chính vụ như những gì đã xảy ra vào 2021-2022.
Ông có dự báo gì về thị trường phân bón thời gian tới và định hướng của Vinacam?
Ông Vũ Duy Hải: Tôi nhận định rằng, giá lương thực sẽ tiếp tục giữ vững đà tăng ngay cả trong 2024 nếu thoả thuận ngũ cốc quốc tế không được nối lại, trong khi căng thẳng leo thang.
Các sự kiện nói trên cùng với thời tiết cực đoan buộc các quốc gia buộc phải nhìn nhận lại một cách nghiêm túc về vai trò của lương thực như một vấn đề an ninh quốc gia.
Tôi nghĩ rằng, với điểm tựa vững chắc của nhu cầu lương thực trên toàn thế giới, thị trường phân bón nội địa và quốc tế đều đã phục hồi với mức tăng nhanh.
Một mùa đông đang đến, giá dầu, giá khí tự nhiên, giá nguyên liệu đầu vào cho sản xuất phân bón toàn thế giới đều tăng mạnh và chưa có dấu hiệu dừng lại, điều này sẽ khiến tăng chi phí sản xuất.
Thêm vào đó, việc tồn kho phân bón thấp đang ở quy mô toàn cầu, vì vậy, theo góc nhìn của Vinacam, đây sẽ là đợt tăng giá kéo dài vì không thấy bất cứ một tín hiệu tích cực nào để phân bón giảm trong ngắn hạn.
Cùng với các nhà sản xuất trong nước, Vinacam đã chuẩn bị đủ lượng hàng chất lượng cao theo kế hoạch, để sẵn sàng can thiệp thị trường, đáp ứng đúng nhu cầu tiêu thụ của các đại lý.
Vinacam luôn ủng hộ một môi trường kinh doanh lành manh, cạnh tranh đúng pháp luật. Chúng tôi kiến nghị Nhà nước cần loại bỏ quy định áp thuế xuất khẩu đối với các mặt hàng phân bón có xuất xứ nước ngoài đã nhập khẩu vào Việt Nam, vì các mặt hàng này không sử dụng tài nguyên thiên nhiên ở Việt Nam, đặc biệt với những mặt hàng nhập khẩu đã bị áp thuế (tránh đánh thuế 2 lần).
Chúng tôi kiến nghị rằng, việc xây dựng pháp luật quản lý về mặt hàng phân bón, cần phải cân đối lợi ích giữa các nhà sản xuất và các thương nhân nhập khẩu.
Đối với việc áp dụng lại thuế VAT cho mặt hàng phân bón với tiêu chí để các doanh nghiệp sản xuất được khấu trừ thuế đầu vào nhằm giảm giá thành, sẽ giảm giá bán ra cho nông dân là không thuyết phục vì thực tế giá bán của các nhà sản xuất, nhập khẩu thời gian qua đều do thị trường điều tiết.
Mặt khác, VAT là loại thuế áp vào thị trường tiêu dùng, do vậy dù gián tiếp hay trực tiếp sẽ đều do nông dân gánh chịu.
Đối với thuế xuất nhập khẩu không nên áp biểu thuế cứng nhắc như hiện nay mà nên chăng cần áp dụng biểu thuế tự động để khi giá trong nước tăng thì thuế xuất khẩu tăng, thuế nhập khẩu giảm và ngược lại.
Nếu áp dụng được biểu thuế này sẽ có nhiều tác dụng để bình ổn thị trường phân bón trong nước!
Xin trân trọng cảm ơn ông!
(Theo Báo Nhà Đầu Tư)