Chuyên mục: Gương sáng Đảng viên
Kính gửi: Các Đảng viên trong Chi bộ Đảng Công ty CP Vinacam Chi ủy Chi bộ Công ty mới nhận được báo cáo của Đảng viên Trần Anh Tú về kết quả nội dung thanh tra theo đơn tố cáo ngày 06/12/2009. Chi ủy gửi văn bản này để các Đảng viên trong chi bộ nghiên cứu, chuẩn bị nội dung cho cuộc họp thường kỳ của chi bộ trong tháng 8/2010. Toàn văn của bản báo cáo này như sau:
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------------------------------
Tôi tên là Trần Anh Tú, Đảng viên thuộc Chi bộ Đảng Công ty, thường trú tại nhà số 9/22/80 Phố Chùa Láng - Đống Đa - Hà Nội. Ngày 06/12/2009 Tôi đã ký đơn gửi Thủ tướng Chính phủ tố cáo các sai phạm tại Tổng Công ty VTNN. Đơn tố cáo trên tôi có gửi đến Chi bộ với nội dung “Thay báo cáo”.
Nay Tôi gửi văn bản này, báo cáo Chi bộ nội dung kết quả xử lý đơn thư của Tôi. Tôi cam đoan toàn bộ thông tin sau đây là trung thực, Tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm về nội dung thông tin này. Để Chi bộ có cơ sở làm tài liệu công bố thông tin đến các Đảng viên biết sự thực góp phần xây dựng đất nước thông qua cuộc đấu tranh chống tiêu cực hiện nay. Cụ thể:
Đơn tố cáo kèm theo tài liệu chứng minh của tôi đã được Thủ tướng chỉ đạo tại văn bản số 383/VPCP-KNTN ngày 18/01/2010 giao Thanh tra Chính phủ kiểm tra, xác minh làm rõ để báo cáo Thủ tướng.
Ngày 29/04/2010 Tổng Thanh tra Chính phủ đã có quyết định số 1034/QĐ-TTCP thành lập Đoàn Thanh tra, kiểm tra Tổng Công ty VTNN theo nội dung tố cáo trên.
Ngày 01/05/2010, tại biên bản làm việc với Lãnh đạo Đoàn Thanh tra, Tôi đã tái khẳng định và cung cấp thêm một số nội dung, tài liệu có giá trị chứng minh các nội dung đã ghi trong đơn tố cáo.
Ngày 15/07/2010 Tôi đã được Đoàn Thanh tra mời làm việc để thông báo các nội dung thanh tra đã kiểm tra, xác minh theo đơn tố cáo trên. Theo nội dung thông báo và biên bản đã ký tại buổi làm việc này, Thanh tra Chính phủ khẳng định: Toàn bộ nội dung tố cáo của Tôi là đúng sự thực, có căn cứ và Đoàn Thanh tra đã thu thập đủ các hồ sơ, tài liệu chứng minh.
Với các hồ sơ, tài liệu đã được thu thập như thông báo trên, theo hiểu biết pháp luật của mình và qua tham khảo các chuyên gia pháp luật hiện đang công tác tại các cơ quan quản lý nhà nước cũng như các luật sư chuyên môn, đã có đủ cơ sở khẳng định: Các sai phạm tại Tổng Công ty VTNN là đặc biệt nghiêm trọng. Các đối tượng có chức vụ, quyền hạn đã cố ý làm trái tại Tổng Công ty và đặc biệt Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Phong phải được xử lý nghiêm về mặt hình sự.
Tuy nhiên tại buổi làm việc này, Tôi không thấy Đoàn Thanh tra đề cập đến việc xử lý trách nhiệm các cá nhân đã thực hiện hàng loạt các sai phạm nghiêm trọng đã được Thanh tra Chính phủ làm rõ.
Từ lý do trên, Tôi đã tiếp tục làm đơn gửi các cấp lãnh đạo đề nghị xem xét và trực tiếp có ý kiến chỉ đạo để đảm bảo các kết luận thanh tra là khách quan, không lọt người, lọt tội. Đảm bảo pháp luật được thực thi nghiêm minh, bình đẳng không có “vùng cấm” cho dù có bất cứ cá nhân nào, ở chức vụ nào đã được hưởng lợi từ việc làm trái nguyên tắc của lãnh đạo Tổng Công ty VTNN mà quá trình thanh tra đã thu thập được. Cụ thể Tôi xin nêu một số điểm chính được Đoàn Thanh tra thông báo như sau:
Vi phạm trong việc bán nhà tại dự án 53 căn hộ thuộc phường Dịch Vọng Hậu, Quận Cầu Giấy, Tp.Hà Nội:
- Đoàn Thanh tra Chính phủ đã xác minh: Việc bán nhà qua sàn giao dịch ACB thực chất là hành vi giả mạo để hợp lý hóa hồ sơ. Tất cả các hợp đồng mua bán đều được ký và thực hiện giao dịch xong sau đó mới đưa qua sàn giao dịch bất động sản xác nhận để hợp pháp thủ tục. Vào thời điểm ký hợp đồng giao dịch, sàn ACB Hà Nội chưa có giấy phép hoạt động. Tổng Công ty đã ký hợp đồng bán nhà cho các đối tượng không qua đấu giá như quy định mà tùy tiện định ra giá bán thấp hơn nhiều lần so với giá thị trường !
- Đoàn Thanh tra Chính phủ đã xác minh tại dự án 53 căn hộ trên, Tổng Công ty đã ký bán 45 căn, trong đó có 34 căn bán cho CB-CNV văn phòng Tổng Công ty và 8 căn bán ra bên ngoài - Tất cả 45 căn hộ này đều theo cùng một giá bất kể đó là vị trí phố lớn đường đôi (Của lãnh đạo Tổng Công ty và các xuất “đối ngoại”) hay trong mặt ngõ của cán bộ công nhân viên !.
Xác minh của Đoàn Thanh tra Chính phủ cũng thể hiện: Việc bán nhà cho CN-CNV là tùy tiện kiểu “ban phát”. Trong số 34 căn bán cho CB-CNV có 8 người chưa nộp tiền. Số cán bộ được ký hợp đồng nhưng chưa phải nộp tiền này đa số là cán bộ mới chuyển công tác từ Tổng Công Chè (Đơn vị cũ của Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Phong) về Tổng Công ty VTNN từ năm 2009. Cá biệt có trường hợp cán bộ đã nghỉ hưu từ tháng 6/2007 cũng được ký mua nhà trong khi nhiều cán bộ đương chức (Ông Nguyễn Quốc Tuyến, Ông Đoàn Quốc Tuấn - Cán bộ phòng Xây dựng cơ bản và phòng Kinh doanh 1) là lao động hợp đồng không xác định thời hạn từ năm 2004 và 2005 thì lại không được xem xét. (Mặc dù hai ông cũng đã được Công đoàn Tổng Công ty đề nghị Ban Tổng Giám đốc duyệt bán nhà theo tiêu chuẩn. Thậm chí ông Đoàn Quốc Tuấn còn có đơn đề nghị xin mua với giá 101.000 đ/m2, cao hơn gấp đôi giá bán của Tổng Công ty nhưng vẫn không được giải quyết) !.
- Đoàn Thanh tra Chính phủ đã khẳng định có 8 căn được bán ra ngoài và đa số này đều ở vị trí đắc địa (Thậm chí có 3 căn hiện vẫn chưa phải nộp tiền). Nhưng các đối tượng được mua các căn hộ trên là ai thì Thanh tra Chính phủ không thông báo rõ. Phải chăng đây là các cán bộ có chức vụ và quyền hạn cao của Đảng và Nhà nước như dư luận đồn thổi lâu nay ?
Xin kiến nghị làm rõ vấn đề này để kết luận việc bán “đối ngoại” 8 căn hộ trên có phải là hành vi cố ý làm trái để trục lợi hay không? Có hay không việc dùng tài sản là các căn hộ trên để hối lộ thông qua các hợp đồng này vì giữa giá bán của Tổng Công ty so với giá thị trường, mỗi căn hộ có chênh lệch từ 3 đến trên 5 tỷ đồng !. Thiết nghĩ đây là việc làm hết sức cấp bách và cần thiết vì sẽ là cơ sở chứng minh và giải tỏa dư luận quần chúng tại Tổng Công ty cũng như các Công ty trực thuộc hiện đang râm ran về việc một số đồng chí lãnh đạo cấp cao có xuất “đối ngoại” tại dự án này nên Tổng Công ty mới được “chống lưng” làm càn, bất chấp pháp luật như vậy ?!
Kết quả kiểm tra, xác minh của Đoàn Thanh tra Chính phủ đã cho thấy việc bán nhà tùy tiện trái pháp luật của Tổng Công ty không những gây thất thóat lớn cho ngân sách nhà nước mà còn để lại một loạt hệ lụy gây khiếu kiện kéo dài. Một trong những hệ lụy ấy là việc khiếu kiện của 12 hộ dân nguyên cán bộ của Bộ Nông nghiệp (cũ) đã nộp tiền mua nhà dự án từ năm 1996 (Dự án từ thời Công ty Tiếp thị Đầu tư do Bà Lã Thị Kim Oanh làm Giám đốc nay bị Tổng Công ty gạt ra - Vấn đề này Thanh tra Bộ Nông nghiệp & PTNT cũng đã vào cuộc và mới đây ngày 20/07/2010 đã có tờ trình số 506/TTg kiến nghị Bộ Trưởng Cao Đức Phát “đình chỉ công tác điều hành của đồng chí Nguyễn Đức Phong”.
Việc mua xe ô tô: Thanh tra đã xác minh từ tháng 6/2008 Tổng Công ty đã mua tổng cộng 5 xe ô tô mới với tổng trị giá: 4.443.893.800đ. Trong đó xe thấp nhất: 618.000.000đ, xe cao nhất (Tozota hiệu Prado biển kiểm soát 30S 0501 giá 1.560.375.000 đồng). Toàn bộ số xe này đều vượt mức quy định tại Quyết định 59/2007/QĐ/TTg ngày 07/05/2007 và đều được mua sau khi có quyết định 390/QĐ-TTg ngày 17/04/2008 của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên thông báo của Thanh tra Chính phủ có nêu ý kiến của Tổng Công ty: “Mua xe sử dụng chung”!. Vậy trách nhiệm của lãnh đạo Tổng Công ty đối với việc này ra sao?
Nếu chấp nhận việc “Mua xe sử dụng chung” sẽ không bị hạn chế về giá trị và không vi phạm quyết định 390/QĐ/TTg của Thủ tướng Chính phủ thì: Phải chăng sẽ tạo ra một tiền lệ mới để tất cả các cơ quan, đơn vị trong cả nước thuộc phạm vi điều chỉnh của quyết định 390/QĐ/TTg học tập mà “lách luật” khiến quyết định của Thủ tướng bị vô hiệu hóa?
Theo kết quả Thanh tra: Năm 2008 Tổng Doanh thu của Tổng Công ty là 284 tỷ đồng; Kết quả kinh doanh lãi trước thuế là 15 tỷ đồng. Tuy nhiên cũng chính năm này Tổng Công ty đã có thêm nguồn thu để hạch toán bổ sung vào năm tài chính các khoản: Lãi Công ty Nam Cường trả: 15 tỷ đồng; Cổ tức từ các Công ty Cổ phần và các khoản đầu tư (Toàn bộ số tiền cổ tức đương nhiên là lợi nhuận sau thuế) là: 22.598.342.595 đồng; Hoàn chuyển dự phòng tài chính của năm 2007 sang là 20 tỷ. Vậy theo báo cáo quyết toán của Tổng Công ty năm 2008 chỉ có lãi 15 tỷ đồng trước thuế thì kết quả kinh doanh thực tại Tổng Công ty đã lỗ trên 50 tỷ (trước thuế) ! Vậy nhưng cũng theo kết quả xác minh của Đoàn Thanh tra: Trong hai năm 2008 và 2009 Tổng Công ty đã chi thưởng số tiền khổng lồ lên đến 9.479.850.988 đồng (Chín tỷ năm trăm triệu - Lấy số tròn !); Chi tiếp khách 1.405.000.000 đồng (Trong đó có 530 triệu là tiền chè, rượu); Chi mua điện thoại để làm quà biếu 172.590.000 đồng. Đặc biệt trong số tiền thưởng khổng lồ trên có 732 triệu được xuất chi từ năm 2009 cho một số phòng, ban “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” nhưng CB-CNV không được nhận. Chỉ sau khi Thanh tra vào cuộc và sau ngày 01/06/2010 khi Ông Nguyễn Thế Bậng - Cán bộ phòng Tổng hợp có đơn chất vấn thì đến ngày 02/06/2010 Quỹ Công đoàn văn phòng Tổng Công ty mới có phiếu thu một khoản tiền tương ứng được Ông Đỗ Trường Trung - Trưởng phòng Kế hoạch Đầu tư giao nộp !. Vậy nếu không có tố cáo, nếu không có thanh tra, nếu không có chất vấn của Ông Nguyễn Thế Bậng thì rõ ràng khoản tiền khổng lồ trên đã được chiếm đoạt trọn vẹn ! Một khoản tiền lớn khác đến 120 triệu chi thưởng phòng Kinh doanh 1 và Chi nhánh Tp.Hồ Chí Minh nhưng Đoàn Thanh tra Chính phủ đã xác minh hai đơn vị này không nhận mà người nhận tiền lại là Ông Lê Minh Thắng - Giám đốc Công ty Đầu tư Thương mại & Phát triển nguồn nhân lực Vigecam. Khi được yêu cầu giải trình, Ông Thắng cho biết mình đã “nhận hộ” nhưng chưa kịp giao trả cho hai đơn vị này và sau đó Ông đã gửi vào quỹ Công đoàn - Tuy nhiên Bà Nguyễn Thị Thảo thủ quỹ Công đoàn văn phòng xác nhận: Quỹ Công đoàn không nhận số tiền 120 triệu của Ông Thắng (?)
Như vậy chiểu theo quy định của pháp luật, việc chi thưởng trên là trái nguyên tắc gây hiệu quả nghiêm trọng vì vi phạm quy định của Nghị định 199/2004/NĐ-CP và Nghị định 09/2009/NĐ-CP ngày 05/02/2009. Mặt khác chỉ cần tính riêng khoản tiền 732 triệu được lập chứng từ chi thưởng khống để rút ra từ năm 2009 cho đến sau khi thanh tra vào cuộc bị phát hiện mới lập chứng từ thu vào quỹ Công đoàn để đối phó đã đủ yếu tố cấu thành tội tham ô có tổ chức tại Tổng Công ty VTNN.
Tuy nhiên tại buổi làm việc Tôi không được Thanh tra Chính phủ xác nhận việc chi thưởng, việc chi tiếp khách vô tội vạ, việc lập chứng từ rút tiền như trên là đúng hay sai và ai phải chịu trách nhiệm? Việc mua điện thoại với giá trị cực lớn để làm “quà biếu” như trên là biếu cho đối tượng nào ? Hành vi cho tặng quà biếu với giá trị lớn đã xảy ra tại Tổng Công ty VTNN có phải là hành vi đưa hối lộ hay không ? Có trái pháp luật hay không ?
Về việc tuyển dụng lao động, điều chuyển vốn, chi lương trái nguyên tắc:
Đoàn Thanh tra Chính phủ đã xác minh: Năm 2009 Tổng Công ty đã vay tổng số 403 tỷ đồng vốn vay trong diện kích cầu của Chính phủ, thế nhưng một phần trong số vốn trên (28,73 tỷ đồng) đã được tùy tiện điều chuyển trái nguyên tắc cho Công ty trực thuộc đó là Công ty TNHH TM ĐT & Phát triển nguồn nhân lực Vigecam mà không có phương án kinh doanh và ràng buộc về trách nhiệm lãi suất.
Tiền hỗ trợ lãi suất trong nguồn vốn kích cầu trên phần lớn Tổng Công ty đưa vào kinh doanh mặt hàng phân bón. Thế nhưng trong khi hàng chục khách hàng được mua phân bón phải trả lãi suất chậm trả theo quy định của hợp đồng thì duy nhất một đơn vị là Công ty TNHH Thành Tín (Tp.HCM) lại không bị tính thu số tiền lãi suất trên 4 tỷ đồng mặc dù hợp đồng có ghi lãi suất 17%/năm ! Tuy nhiên trong buổi làm việc, khi đề cập đến nội dung này Tôi lại được Đoàn Thanh tra thông báo: Qua tài liệu không có vấn đề ?
Phải chăng do bị hạn chế về thời gian thanh tra hoặc cũng có thể do chức năng thanh tra có thẩm quyền không đầy đủ như cơ quan điều tra nên Đoàn Thanh tra đã không có điều kiện chứng minh sai phạm hiển nhiên này ?
Về vấn đề tuyển dụng lao động: Thông báo của Đoàn Thanh tra nêu rõ: Đến 31/12/2007 Tổng Công ty có 26 lao động - Đây là kết quả sau giảm biên năm 2006 để phục vụ công tác cổ phần hóa. Để thực hiện giảm biên Tổng Công ty đã chi ra và quyết toán trừ vốn ngân sách 1,8 tỷ đồng. Thế nhưng cho đến thời điểm thanh tra ban lãnh đạo mới do Ông Nguyễn Đức Phong làm Tổng Giám đốc đã tuyển thêm 80 lao động mới ! Trong công tác tuyển dụng và bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo (Phó Tổng Giám đốc) đã thực hiện trái nguyên tắc. Vậy sắp tới đây khi tiếp tục thực hiện công tác cổ phần hóa tại Tổng Công ty - Ngân sách Nhà nước lại một lần nữa phải bỏ ra số tiền khổng lồ để giải quyết bài toán giảm biên lao động - Ai sẽ chịu trách nhiệm về vấn đề này ?
Về chi lương, chi làm thêm giờ: Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Phong đã bổ nhiệm Ông Lê Thiên Long cán bộ Ban kiểm soát vào chức vụ phó phòng Kinh doanh 1. Khi Đoàn Thanh tra xác minh tại phòng Kinh doanh 1 thì Ông Lê Thiên Long lại không hề làm việc tại đây một ngày nào. Tuy vậy mặc dù không có tên trong danh sách bình bầu thi đua tại phòng kinh doanh 1 nhưng Ông Long vẫn liên tục được Tổng Giám đốc Phong đưa vào danh sách “Lao động xuất sắc” nhằm để hưởng các khoản lương, thưởng theo chức vụ phó phòng (?!) Kết quả số tiền thu nhập vượt trội của Ông Long từ chức danh được bổ nhiệm (mà không hề làm) lên đến gần 40 triệu đồng ! Đoàn Thanh tra cũng cho biết, trong việc chi tiền làm thêm giờ, Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Phong luôn đứng đầu danh sách. Thậm chí được tính thêm giờ cả các ngày Tết Nguyên Đán - Việc lĩnh tiền làm thêm giờ của Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Phong là trái Nghị định 114/2002/NĐ-CP ngày 31/12/2002 của Chính phủ !.
Tuy nhiên Đoàn Thanh tra không thông báo việc sẽ xử lý hay không xử lý đối với các vi phạm này, Ông Lê Thiên Long và Nguyễn Đức Phong có phải nộp lại số tiền chiếm hưởng không đúng hay không ? Có truy thu số tiền lãi miễn giảm trái nguyên tắc cho Công ty Thành Tín hay không ? Có thu lại số tiền điều chuyển vốn trái nguyên tắc cho Công ty TNHH & Phát tiển nguồn nhân lực Vigecam và xử lý trách nhiệm cá nhân Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Phong về vấn đề này hay không ?
Việc thanh tra bằng cấp của Ông Nguyễn Đức Phong: Trong đơn tố cáo, Tôi đã nêu rõ có nghi ngờ Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn bao che việc ông Phong chưa tốt nghiệp lớp 10 Bổ túc trong Quân đội nhưng vẫn được vào học tại chức Trường Đại học Ngoại thương và thậm chí hiện nay đã có bằng Thạc sỹ.
Theo thông báo xác minh của Đoàn Thanh tra Chính phủ: Trước khi thực hiện công tác quy hoạch cán bộ, do có đơn tố cáo, đoàn công tác của Vụ Tổ chức Cán bộ Bộ Nông nghiệp & PTNT đã vào làm việc tại Trường Đại học Ngoại thương nơi Ông Phong dự thi Đại học tại chức. Theo giấy xác nhận ngày 08/01/2008 do ông Nguyễn Ngọc Tuân - Phó Chủ nhiệm khoa Đào tạo và Bồi dưỡng tại chức ký thừa lệnh Hiệu trưởng có ghi nhận đối với sinh viên Nguyễn Đức Phong khi dự thi đầu vào trường Đại học Ngoại thương: “Nhà trường đã kiểm tra hồ sơ và xét các các điều kiện dự tuyển sinh khóa 11, Hồ sơ đã đủ điều kiện dự thi, có 01 giấy chứng nhận bản gốc đã học hết cấp 3 hệ Bổ túc văn hóa tại trường Kỹ thuật Quân chính Quân đoàn 3) … Do thời gian quá lâu nên bản chính bằng Bổ túc Văn hóa không còn lưu lại trong hồ sơ tuyển sinh”.
Vụ Tổ chức Cán bộ - Bộ Nông nghiệp & PTNT sau khi xác minh đã có văn bản số 2459/BNN-TCCB ngày 22/04/2008 gửi Vụ Tiếp dân Thanh tra Chính phủ. Theo văn bản này, ngoài việc trích dẫn nội dung xác nhận trên của Trường Đại học Ngoại thương, còn có nội dung : Ngày 04/02/2008 Ông Nguyễn Đức Phong xuất trình giấy chứng nhận số 244/GCN-TQS ngày 03/03/2006 của Hiệu trưởng Trường Quân sự - Quân đoàn 3 với nội dung “Đồng chí Nguyễn Đức Phong. Sinh ngày 01/05/1966. Nhập ngũ tháng 07/1984. Cấp bậc về trường: Binh nhất. Chức vụ khi về trường: Chiến sỹ. Quê quán: Đình Cao - Phú Cừ - Hưng Yên. Trú quán: Phường Vĩnh Tuy - Quận hai bà Trưng - Hà Nội. Quá trình công tác trong quân đội đồng chí Phong đã được học bổ túc văn hóa hết chương trình cấp 3 tại trường Quân chính Quân đoàn 3 (Nay là Trường Quân sự - Quân đòan 3). Nội dung: Đã học hết lớp 9 và lớp 10/10 hệ Bổ túc văn hóa: Với thời gian: Từ tháng 7/1984 đến tháng 7/1985. Kết quả: Học lực khá”.
Từ các nội dung đã trích dẫn và cách “xác minh” chủ yếu dựa trên cơ sở tài liệu của đối tượng bị thanh tra cung cấp mà không thẩm tra thực tế nên công văn số 2459 của Vụ Tổ chức Cán bộ - Bộ Nông nghiệp đã kết luận: Việc tố cáo Ông Nguyễn Đức Phong không có bằng tốt nghiệp Bổ túc trong quân đội “là không đúng” !.
Thế nhưng ngày 22/05/2010 theo yêu cầu của Đoàn Thanh tra Chính phủ, Trường Đại học Ngoại thương đã mở kho hồ sơ để kiểm tra hồ sơ thì không tìm thấy hồ sơ dự tuyển của toàn khóa 11 (?!). Ban giám hiệu và Trưởng khoa Đào tạo tại chức đã yêu cầu Ông Tuân giải trình và Ông Tuân chỉ cung cấp được 01 giấy chứng nhận (cấp lại) ngày 17/03/2008 của Trường Quân sự Quân đoàn 3 - Giấy chứng nhận này thậm chí còn xác nhận thêm ông Nguyễn Đức Phong không những đã học Bổ túc như nội dung xác nhận tại văn bản số 224/GCN-TQS ngày 03/03/2006 của Hiệu trưởng Trường Quân sự Quân đoàn 3 mà còn thêm nội dung đã được cấp bằng tốt nghiệp Bổ túc hệ 10/10 (!)
Theo nội dung làm việc của Thanh tra Chính phủ: Trường Đại học Ngoại thương cho biết: Khi kiểm tra hồ sơ đầu vào, trường không thu và lưu giữ bằng tốt nghiệp cấp 3 (Bằng gốc); Bộ phận tuyển sinh chỉ đối chiếu với bằng gốc rồi trả lại.
Tuy nhiên thực tế theo thông báo của Đoàn Thanh tra: Khi tiến hành thanh tra tại Trường Quân sự Quân đoàn 3 thì được lãnh đạo nhà trường xác nhận “Trường không đào tạo Bổ túc cấp 3 và không tổ chức thi lấy bằng cấp 3” !
Như vậy đã có một đường dây có tổ chức làm giả hồ sơ tài liệu nhằm che mắt cơ quan chuyên môn phục vụ ý đồ cá nhân không lành mạnh. Đây phải được coi là hành vi đặc biệt nghiêm trọng do có nhiều người cùng câu kết tham gia để lừa dối tổ chức Đảng, lừa dối cấp trên, làm băng hoại đạo đức xã hội, làm hoen ố phẩm chất của người Đảng viên Cộng sản, phẩm chất của anh Bộ đội Cụ Hồ.
Chiểu theo quy định của Điều lệ Đảng, các hướng dẫn và chỉ thị của Trung ương, Luật Công chức, Luật lao động, Luật Hình sự .. Các hành vi trên phải được xử lý nghiêm, cho dù hiện nay các đối tượng tham gia có ở bất kỳ vị trí nào, chức vụ nào !
Tuy nhiên tại buổi làm việc Tôi đã không được Đoàn Thanh tra thông báo xử lý các sai phạm này như thế nào? Những cán bộ tiếp tay xác nhận khống cho Ông Nguyễn Đức Phong có bị xử lý kỷ luật hay không ? Các loại văn bằng của Ông Nguyễn Đức Phong như: Bằng Đại học ngoại thương, bằng Thạc sỹ, cao cấp Chính trị … có buộc phải thu hồi hay không? Ông Phong sẽ bị xử lý như thế nào về mặt Đảng và chính quyền đối với hành vi gian dối này? Trách nhiệm của các cán bộ Vụ Tổ chức Cán bộ - Bộ Nông nghiệp & PTNT trong việc thiếu tinh thần trách nhiệm không xác minh thực tế theo đúng quy trình và quy định dẫn đến kết luận sai lệch khiến Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp & PTNT ra quyết định bổ nhiệm cá nhân kém Đức, kém Tài vào vị trí lãnh đạo Tổng Công ty VTNN khiến chỉ 2 năm sau khi được bổ nhiệm một loạt sai phạm nghiêm trọng đã xảy ra tại đây sẽ bị xử lý như thế nào ?
Có vài người hỏi Tôi : Tố cáo để làm gì ? Được gì ?
Tôi trả lời: Tôi là Đảng viên Công sản ! Hiện nay, cho dù Tôi không còn công tác trong cơ quan Nhà nước nhưng vợ chồng Tôi vẫn luôn tự mình phấn đấu, lao động không ngừng để đảm bảo một nguồn thu nhập trong sạch cho gia đình và nuôi con ăn học. Bên cạnh đó Tôi tự hào vì từ họat động kinh doanh chính đáng của mình, Tôi vẫn tiếp tục đóng góp được một phần nhỏ bé cho đất nước, cho nhân dân thông qua các khoản thuế và hỗ trợ từ thiện.
Tôi tự hào vì được sinh ra và lớn lên trong gia đình có bề dày truyền thống cách mạng. Tôi tự hào vì có người Mẹ là lão thành cách mạng hiện đã có trên 60 năm tuổi Đảng ! Chính vì thế, là một Đảng viên Cộng sản, hưởng ứng phong trào: Sống, học tập và làm việc theo tấm gương Bác Hồ vĩ đại - Tôi viết đơn để góp phần làm trong sạch đội ngũ của Đảng, để nhân dân tin yêu vào Đảng, để chính quyền vững mạnh và ổn định. Hơn thế nữa Tôi ký đơn là để thực hiện một phần di huấn của Bố Tôi - Một sỹ quan tình báo mang cấp hàm trung tá đã anh dũng hy sinh tại chiến trường miền Nam đầu thập niên 1970 cho đất nước thanh bình - Tôi ký đơn là để nâng niu và mong muốn toàn xã hội, từ các cháu thiếu niên nhi đồng đến các cán bộ đương chức, đương quyền, các bậc lão thành cách mạng, các chiến sỹ và nhân dân luôn nhìn nhận sự hy sinh của những người như Bố Tôi và hàng triệu triệu chiến sỹ, đồng bào đã ngã xuống không uổng phí để đất nước thanh bình và phát triển.
Đó là lý do tại sao Tôi lại ký đơn để vạch mặt, chỉ tên những kẻ dối dân, dối Đảng, tham ô, tham nhũng phá hoại sự ổn định của nền kinh tế đất nước dẫm đạp lên xương máu của biết bao chiến sỹ đồng bào !.
Nếu lẩn tránh, nếu im lặng, nếu bàng quang, nếu ai cũng đớn hèn tự kỷ rằng sẽ không thay đổi được gì vì “có tiền là xong hết” thì đất nước sẽ đi đến đâu ? Đảng cầm quyền của chúng ta sẽ còn bao nhiêu % lòng tin trong cán bộ nhân dân ?!
Rất tiếc ngay sau buổi làm việc với Đoàn Thanh tra Chính phủ vào ngày 15/07/2010, Tôi được biết: Ngày 28/07/2010 Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh - Giám đốc Công an Thành phố Hà Nội đã ký văn bản số 1287/CAHN-PC46 (Đ6) gửi Đồng chí Trương Vĩnh Trọng - Ủy viên Bộ Chính trị - Bí thư Trung ương Đảng - Phó Thủ tướng Chính phủ - Phó trưởng ban Phòng chống tham nhũng Trung ương lại có nội dung trái ngược hoàn toàn với nội dung thông báo của Đoàn Thanh tra Chính phủ trong cuộc họp ngày 15/07/2010 ! Tôi cũng không hề được nhận công văn số 445/CV-PC15 (Đ6) như văn bản số 1287/CAHN-PC46 (Đ6) đã nêu ! Vậy Đội 6 - PC 46 - Công an Thành phố Hà Nội đã thực sự điều tra như thế nào hay chỉ dựa vào báo cáo giải trình của Tổng Công ty rồi tham mưu cho đồng chí Giám đốc ký văn bản trên ?
Liệu câu ngạn ngữ: “Nếu không mua được bằng tiền thì sẽ mua được bằng rất nhiều tiền” có thể là sự thực ?!
Chính vì các lẽ trên, kính mong Chi ủy cùng các Đảng viên trong Chi bộ quan tâm xem xét nội dung báo cáo này và mong rằng với vai trò, trách nhiệm, tính tiên phong của mình Chi bộ cùng cất lên tiếng nói để sớm góp phần đưa sự thật ra trước công luận.
Xin gửi kèm theo các văn bản sau:
- Đơn của ông Đoàn Quốc Tuấn, chuyên viên phòng XDCB, Tổng Công ty VTNN.
- Công văn của CA TP.Hà Nội gửi đồng chí Trương Vĩnh Trọng, UV Bộ Chính Trị, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ.
Xin trân trọng !
Tp.Hà Nội, ngày 04 tháng 08 năm 2010
| NGƯỜI TƯỜNG TRÌNH |
| Trần Anh Tú
|
Xin bấm vào các liên kết bên dưới để xem Hồ sơ kèm theo:
- Đơn của ông Đoàn Quốc Tuấn, chuyên viên P.XDCB TCTy VTNN
- Công văn của CA TP.Hà Nội gửi đồng chí Trương Vĩnh Trọng