Giá phân bón 'nhảy múa' theo giá gạo

Trong khoảng một tháng trở lại đây, giá phân bón trong nước lại có dấu hiệu tăng trở lại. Theo một số doanh nghiệp, chính sách thuế về quản lý phân bón hiện không sát thực tế, dẫn đến giá mặt hàng này không ổn định.

Trong bối cảnh giá gạo xuất khẩu tăng mạnh, nhiều địa phương đang bước vào vụ mùa mới và mở rộng diện tích trồng lúa, giá phân bón đang có dấu hiệu “sốt” bất thường.

Giá phân bón 'nhảy múa' theo giá gạo ảnh 1
Theo nhiều doanh nghiệp, chính sách thuế về phân bón hiện không thực tế, dẫn đến giá mặt hàng này không ổn định. Ảnh: KNB

Giá phân bón tăng theo giá gạo

Trong khoảng 1 tháng trở lại đây, giá Urê trên thế giới liên tục tăng từ 24-50% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, ngay từ đầu tháng 8, giá mặt hàng này tiếp tục tăng 18-48 USD/tấn so với cuối tháng trước. Trong đó, giá Urê ở khu vực Trung Đông tăng 37-48 USD/tấn. Giá urê tại Trung Quốc tăng từ 35-55 USD/tấn.

Trước biến động của giá phân bón thế giới, DN trong nước cũng liên tục thông báo tăng giá bán. Cụ thể, nhà máy Đạm Cà Mau thông báo tăng giá Urê xuất bán lên mức 10.000 đồng/kg, kho trung chuyển Tây Nam bộ lên 10.100 đồng/kg, kho trung chuyển miền Trung và miền Bắc lên 10.150 đồng/kg, áp dụng từ 2/8. Mức tăng dao động từ 500-1.000 đồng/kg.

Nhà máy Đạm Phú Mỹ đầu tháng 8 thông báo giá urê mới, trong đó giá urê Phú Mỹ tại kho trung chuyển Tây Nam bộ và miền Trung tăng 700 đồng/kg lên mức 9.900 đồng/kg. Tại kho trung chuyển miền Bắc tăng lên mức 9.800 đồng/kg. Nhà máy Đạm Ninh Bình thông báo tăng 300 đồng/kg, lên 9.000 đồng/kg, áp dụng từ ngày 1/8. Nhà máy Đạm Hà Bắc cũng thông báo điều chỉnh tăng giá bán tại nhà máy 200 đồng/kg, lên mức 9.000 đồng/kg.

Ghi nhận của PV Tiền Phong cho thấy, dù trong giai đoạn thấp điểm tiêu thụ, giá các loại phân bón như Kali, NPK, DAP, SA...vẫn rục rịch tăng khoảng 15-20% so với thời điểm cuối tháng 6. 

Theo đó, giá NPK Phú Mỹ dao động 17.300-17.600 đồng/kg, giá NPK Việt Nhật 16.700-17.300 đồng/kg, giá Kali từ 14.400-15.900 đồng/kg…Đặc biệt, tại khu vực phía Nam, giá phân bón bị đẩy lên cao và xảy ra tình trạng khan hiếm. 

Trao đổi với PV Tiền Phong, lãnh đạo Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết, giá phân bón trên thế giới tăng xuất phát từ ảnh hưởng của việc Nga rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen. Bên cạnh đó, giá gạo trên thị trường thế giới cũng tăng mạnh sau lệnh hạn chế xuất khẩu của Ấn Độ và một số nước. Những nguyên nhân này tác động đang khiến giá phân bón tăng lên trên toàn cầu và cả Việt Nam.

Từ cuối năm ngoái đến giữa năm nay, giá phân bón đã giảm khoảng 50% so với trước, song chỉ trong thời gian ngắn gần đây, giá mặt hàng này đang “hồi” lại, gây ảnh hưởng đến sản xuất. Trước tình hình khan hàng urê ở một số nơi, lãnh đạo Cục Bảo vệ thực vật cho rằng, đây có thể do khan hàng ảo, bởi nhu cầu tiêu thụ trong nước đang ở mức thấp điểm, trong khi năng lực sản xuất urê trong nước dư thừa. 

Chính sách “lạc lối” thực tế

Năm ngoái, giá phân bón tăng cao kỷ lục, các DN trong nước liên tục đẩy mạnh xuất khẩu để tận dụng thời cơ. Thời điểm đó, nhiều DN ngành này đạt được lợi nhuận cao chưa từng có. Để hạ nhiệt giá phân bón, Bộ Tài chính đã xây dựng Nghị định 26 với quy định đánh thuế 5% đối với urê xuất khẩu mà không phụ thuộc vào tỷ lệ tài nguyên khoáng sản trong giá thành sản phẩm. 

Tuy nhiên, ngay khi chính sách vừa có hiệu lực từ 15/7/2023, DN phân bón lập tức gửi văn bản kiến nghị sửa đổi, do urê là mặt hàng trong nước sản xuất dư thừa (công suất 2,5 triệu tấn, nhu cầu 1,9 - 2 triệu tấn) nên đề nghị áp dụng chính sách cũ với mức thuế suất xuất khẩu 0% như NPK, DAP. 

Trao đổi với Tiền Phong, ông Vũ Duy Hải - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Vinacam cho rằng, việc chính sách thuế về phân bón “lạc lối” với thị trường khiến giá mặt hàng này thường xuyên không ổn định.

Theo ông Hải, phân bón là mặt hàng có tính thời vụ, giá biến động mạnh theo nhu cầu của thị trường. Hiện, nhu cầu phân bón của Việt Nam vào khoảng 11 triệu tấn/năm, bao gồm cả phân vô cơ và hữu cơ. 

Đến nay, năng lực sản xuất của Việt Nam khoảng 7 triệu tấn, còn lại nhập khẩu khoảng 4 triệu tấn. Song trong số này, một số mặt hàng đã sản xuất dư thừa nên phải đẩy mạnh xuất khẩu để tránh tồn kho.

Trước tình hình khan hàng urê ở một số nơi, lãnh đạo Cục Bảo vệ thực vật cho rằng, đó có thể là khan hàng ảo, bởi hiện nhu cầu tiêu thụ trong nước vào giai đoạn thấp điểm, trong khi năng lực sản xuất urê trong nước dư thừa.

“Khi nhu cầu trong nước giảm, Nhà nước cần tạo điều kiện để DN xuất khẩu. Ngược lại, khi nhu cầu trong nước tăng đẩy giá phân bón lên cao, cần hạn chế các DN xuất khẩu để ổn định nguồn cung trong nước. 

Theo cơ chế này, Nhà nước có thể xây dựng biểu thuế xuất khẩu linh hoạt theo từng thời điểm. Giá phân bón trong nước tăng, thuế xuất khẩu có thể dao động từ 10-50%, đồng thời hạ thuế nhập khẩu. Còn khi giá giảm, thuế xuất khẩu có thể ở mức 0%”, ông Hải cho hay.

Ông Phùng Hà, Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón cho biết, hiện trên thị trường thế giới, Nga và Ukraine đang xúc tiến nối lại xuất khẩu ngũ cốc. Nếu đạt được thỏa thuận này, giá ngũ cốc có thể tăng. 

Ở trong nước, các địa phương đang bước vào vụ Thu Đông và Đông Xuân. Năm nay, dự báo diện tích lúa sẽ tăng hơn so với năm ngoái khoảng hơn 50.000 ha nên nhu cầu dự báo tăng mạnh trở lại. Ông Hà nhận định giá phân bón từ nay đến cuối năm có thể tăng trở lại, song mức tăng sẽ ổn định hơn và không xảy ra “sốt” như mọi năm.


DƯƠNG HƯNG  (Theo Báo Tiền Phong)