Giá phân bón tăng và gánh nặng đối với nông dân

Nhiều nông dân lắc đầu khi giá phân bón tăng liên tục, khiến chi phí đầu vào cho sản xuất nông nghiệp cũng tăng cao. Trong khi đó, tiêu thụ nông sản ngày càng khó, mọi hoạt động sản xuất thu hẹp lại.

Giá phân bón tăng cao chưa từng có trong 50 năm qua. Ảnh: QUANG ĐỊNH

 

Cuộc xung đột Nga - Ukraine đã tác động lớn tới thị trường phân bón thế giới, làm suy giảm nguồn cung, tăng giá bán. Gần 50% lượng phân kali cung cấp trên toàn thế giới do Nga và Belarus sản xuất, mà Việt Nam hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu phân bón này trong khi đang vào vụ mùa sản xuất.

Nông dân điêu đứng

Trong tháng 5-2022, tại các tỉnh ĐBSCL, giá các loại phân bón đều có mức tăng 1.000 - 1.900 đồng/kg so với tháng 4. Trước đó, giá các loại phân bón cũng đã tăng 1.000 - 1.900 đồng/kg. Đây là mức tăng chưa từng có trong 50 năm qua.

Cụ thể, giá bán lẻ phân DAP Trung Quốc có mức 1,34 triệu đồng/bao (26.800 đồng/kg), phân DAP nội địa là 1,12 triệu đồng/bao (22.400 đồng/kg), phân kali 975.000 đồng/bao (19.500 đồng/kg), phân urê là 910.000 đồng/bao (18.200 đồng/kg)…

“Tháng 5 vừa qua là đợt thứ 4 trong năm tôi chứng kiến phân bón tăng giá. Nghịch lý là giá phân tăng nhưng giá lúa lại giảm, thời điểm giá phân bón tăng cao thì lúa lại giảm còn 5.900 đồng/kg so với mức giá trước đó là 6.500 đồng/kg. Bà con ai cũng thấy lỗ trước mắt nhưng không thể làm mà thiếu phân”, anh Huỳnh Thanh Tây, nông dân ở tỉnh An Giang cho hay.

Tương tự, một nông dân ở tỉnh Vĩnh Long cho biết: “Có loại phân bón tăng 200.000 - 250.000 đồng/bao, cả đời làm nông nghiệp tôi chưa bao giờ chứng kiến mức giá này. Giá thuốc, chi phí sản xuất, chi phí thu hoạch cứ rủ nhau tăng giá ào ào khiến tụi tôi điêu đứng”.

Chị Trần Thị Tài (Đồng Tháp) cho biết trước đây mỗi năm thu hoạch lúa trên diện tích 21ha, chị lời hơn 40 triệu đồng/vụ, nhưng giờ chỉ 10-15 triệu đồng/vụ là mừng lắm rồi. 

“Đây là vụ đông xuân có năng suất, thu nhập cao nhất trong năm, chứ hai vụ hè thu, thu đông, có thể lời ít hơn hoặc không lời. Phân, thuốc đội giá, tôi đang tính đến phương thức canh tác sao cho tiết kiệm”.

Theo Bộ NN&PTNN, chi phí phân bón chiếm 50% tỉ trọng trong giá thành sản xuất nên khi giá phân bón tăng khiến nhiều nông dân rất lo lắng vì sản phẩm nông nghiệp làm ra không còn lợi nhuận hoặc lợi nhuận rất ít.

Theo Bộ Công thương, nhu cầu sử dụng phân bón của VN vào khoảng 11 triệu tấn/năm, nhưng trong nước chỉ đáp ứng được khoảng 7 triệu tấn, còn lại phải nhập khẩu. 

Năm 2021 VN nhập khẩu khoảng 4,5 triệu tấn phân bón, giá trị 1,4 tỉ USD. Tuy nhiên, giá phân bón trong nước liên tục tăng trong suốt hai năm qua khiến người sản xuất nông nghiệp ngày càng khó khăn.


Nông dân Bến Tre thăm ruộng lúa hữu cơ được trồng luân canh trên vuông tôm. -Ảnh: Mậu Trường

Lo cách biệt “giàu nghèo” trong nông nghiệp

Bộ NN&PTNN cho biết trong năm 2020, ĐBSCL là khu vực sử dụng nhiều phân bón nhất cả nước, với lượng phân bón bình quân 1.071kg/ha, cao hơn 42% so với mặt bằng chung của cả nước. Tuy nhiên, hiệu suất sử dụng phân không cao.

Cụ thể, phân đạm ở nước ta chỉ đạt 30-45%, phân lân đạt 40-45%, kali đạt 40-50%. Hằng năm lượng phân bón vào đất nhưng không được cây trồng hấp thu chiếm khối lượng rất lớn: 1,77 triệu tấn urê, 2,07 triệu tấn super lân, 344.000 tấn kali…

Ông Trương Thành Dãnh, giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Vĩnh Long, cho biết đã nhận được nhiều than phiền của nông dân về giá phân bón tăng cao trong thời gian gần đây. 

Theo ông Dãnh, hiện nay nông dân không có nhiều kỹ thuật chăm bón nên bón phân không đúng cách, vừa tốn kém lại nhiều sâu bệnh. Khi giá cả vật tư nông nghiệp tăng, cách giúp nông dân đầu tiên là tiết giảm chi phí, ví dụ gieo sạ lúa cần giảm lượng giống gieo sạ trên 1ha ruộng, không sạ dày vì lúa không nở bụi. 

Nếu sạ thưa, dinh dưỡng trong đất phát tán đến từng cây lúa, ít sâu bệnh. Thực tế cho thấy khi sử dụng lượng giống nhiều, 30kg hay 50kg giống/ha, năng suất chênh lệch không bao nhiêu.

Ông Lê Thanh Tùng, phó cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), cho biết cục nhiều lần khuyến cáo hướng dẫn nông dân căn cứ vào tính chất cây trồng, mùa vụ để sử dụng phân bón hiệu quả, sử dụng đúng chủng loại phân bón, đúng nhu cầu sinh lý của cây, đúng nhu cầu sinh thái, đúng vụ và thời tiết…

Một giải pháp khác là dùng phân bón hữu cơ để thay thế. Năm 2020, cả nước có trên 2,63 triệu tấn phân bón hữu cơ. Vấn đề là cần đẩy mạnh sản xuất loại phân bón này dựa trên lợi thế sẵn có về nguồn phụ phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản rất phong phú.

“Loại phân này sẽ góp phần bảo vệ hệ sinh thái đất và giải quyết được phần nào bài toán giá phân bón đang tăng cao hiện nay”, ông Tùng nói.

Để hạ nhiệt giá phân bón, Bộ NN&PTNN đề nghị áp thuế đối với phân urê, DAP, MAP xuất khẩu, đồng thời kiểm soát xuất khẩu đối với mặt hàng này để đảm bảo nguồn cung nội địa, hỗ trợ ngành sản xuất phân bón trong nước, giảm khó khăn cho nông dân.

Một giảng viên Trường ĐH Nông lâm TP.HCM cho rằng để giảm chi phí, nông dân cần thay đổi thói quen sản xuất như tái chế phân hữu cơ từ rác thải sinh hoạt, phế phẩm, phụ phẩm của sản xuất nông nghiệp để tạo ra được nguồn phân bón tại chỗ. 

Đây mới là hướng ra cơ bản cho sản xuất lâu dài, là xu hướng sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường. Vấn đề là các cơ quan chức năng phải sớm có sự hỗ trợ, định hướng cho nông dân. 

“Nếu không sẽ dẫn đến hệ lụy: người nông dân có diện tích đất nhỏ sẽ bỏ ruộng do công cán và chi phí đầu vào cao. Ngược lại người “mạnh gạo, bạo tiền” sẽ tiếp tục đầu tư, mở rộng diện tích, dần dà sẽ làm cách biệt giàu nghèo trong nông nghiệp gia tăng”, chuyên gia này cảnh báo.

Không kỳ vọng phân bón giảm giá nhiều

Đầu tháng 6-2022 là mùa thấp điểm sản xuất nhưng giá phân urê, kali giảm không nhiều. Như phân bón kali chỉ giảm khoảng 15.000 đồng/bao 50kg, phân urê Phú Mỹ tại tỉnh Bình Thuận giảm 15.000 đồng/bao 50kg, phân urê đầu trâu của Công ty cổ phần phân bón Bình Điền bán tại Quảng Bình giảm 10.000 đồng/bao 50kg, còn giá DAP Đình Vũ hiện là 1,12 triệu đồng/tấn, không đổi so với trước đó.

Ông Vũ Duy Hải, tổng giám đốc Công ty cổ phần Vinacam (TP.HCM), nhìn nhận: phía Nam đã vào cuối vụ, nhu cầu phân bón ít, trong khi phía Bắc đã hết vụ nên không còn nhu cầu. Mức giá một số loại phân bón có giảm chút ít xuất phát từ thông tin áp thuế xuất khẩu với phân bón thời gian gần đây. 

Tương tự, trên thế giới mặc dù lúc này đang vào mùa thấp điểm sản xuất nhưng giá phân kali và DAP hầu như đi ngang, giảm không nhiều. Thực sự không có nhiều kỳ vọng cho phân bón giảm giá như trước, ít nhất là trong năm 2022.

Chi phí sản xuất tăng 40%/ha

Theo khảo sát của Bộ NN&PTNN, hiện giá thành tổng chi phí sản xuất, bao gồm: nhân công, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... tăng 40%/ha so với 2 năm trước đây.

Theo số liệu của Bộ NN&PTNT và Bộ Công thương, tính đến cuối năm 2020 cả nước có hơn 800 nhà máy, cơ sở sản xuất phân bón, trong đó sản xuất phân bón vô cơ là 576 nhà máy, sản xuất phân bón hữu cơ là 26 nhà máy, cơ sở. Tổng công suất thiết kế của tất cả các cơ sở này là hơn 32 triệu tấn/năm. Tổng sản lượng các loại phân bón sản xuất trong nước các năm gần đây dao động ở mức 7 triệu đến hơn 10 triệu tấn/năm.

Cụ thể: năm 2016 sản xuất 7,46 triệu tấn; năm 2017 là 7,99 triệu tấn; năm 2018 là 9,22 triệu tấn; năm 2019 là 9,5 triệu tấn; năm 2020 là 10,23 triệu tấn; năm 2021 là 10,71 triệu tấn. Dự báo nhu cầu sử dụng phân bón cho sản xuất nông nghiệp năm 2022 không có sự biến động lớn so với năm 2021.

Các nhà máy trong nước đã sản xuất được hầu hết các loại phân bón chủ lực như phân lân, phân urê, phân NPK và hoàn toàn đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng. Các nhà máy sản xuất DAP đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu, trong khi đó phân kali và phân SA phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nhập khẩu. Phân bón hữu cơ sản xuất đáp ứng đủ nhu cầu trong nước và xuất khẩu mà không phải phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu.

Theo Bộ Công thương, 4 tháng đầu năm 2022, Việt Nam xuất khẩu 1,6 triệu tấn phân bón, tăng 47% về lượng nhưng tới gần 200% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.


THẢO HƯƠNG (Theo Tuổi Trẻ)