Nông dân lại gặp khó với giá phân bón kali, DAP
Nông dân gặp khó khăn khi phải đối mặt với giá phân bón kali, DAP tăng vọt trong bối cảnh giá lúa không ổn định.

Nông dân bón phân cho ruộng lúa - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Giá phân bón kali đang tăng mạnh trở lại do ảnh hưởng của các yếu tố quốc tế như chiến tranh và cắt giảm sản lượng từ các nhà sản xuất lớn.
Kể từ sau đại dịch COVD-19 đến nay, thị trường phân bón thế giới biến động bất thường do bị tác động bởi chiến tranh Nga - Ukraine và gần đây là xung đột tại khu vực Trung Đông, sự ách tắc của tuyến hàng hải qua Biển Đỏ, tiếp đến là thương chiến giữa Mỹ và các nước lớn... khiến dòng chảy hàng hóa toàn cầu nói chung và phân bón nói riêng chịu tác động mạnh.
Trước tiên phải kể đến urê - mặt hàng không thể thiếu ở bất kỳ giai đoạn nào của cây trồng, có tính thanh khoản cao nhất - liên tục có những biến động lên xuống thất thường với biên độ mạnh trong khoảng thời gian ngắn.
Cụ thể, đầu tháng 12-2024, khi nguồn urê được nhận định đang dư thừa trên toàn thế giới ở mức giá thấp 355 - 370 USD/tấn CFR.
Tuy nhiên vào đúng kỳ nghỉ lễ Giáng sinh - thời điểm mà các năm đều có giao dịch ảm đạm, giá urê đã đột ngột quay đầu tăng chóng mặt.
Tại thị trường Việt Nam, từ mức giá 9.500 - 10.000 đồng/kg đầu tháng 12-2024, giá urê liên tục tăng sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, vọt lên mức 11.500 - 11.800 đồng/kg. Nhưng giá mặt hàng này "quay xe" cũng nhanh không kém lúc tăng.
Chỉ trong vài tuần, từ mức 450 - 460 USD/tấn CFR, giá urê được chào ở mức dưới 400 USD/tấn CFR và được dự báo sẽ tiếp tục điều chỉnh giảm trong khoảng 30 - 45 ngày tới trước khi có thêm nhu cầu cho vụ mới từ các quốc gia nhập khẩu.
Đây có lẽ là tín hiệu tốt cho người nông dân khi giá lúa giảm mạnh trong mùa thu hoạch rộ.
Trong khi đó, sau gần hai năm liên tục rớt giá và lần đầu tiên trong lịch sử thấp hơn giá urê, khi giá kali bột chỉ ở mức 8.400 - 8.500 đồng/kg và kali miểng 9.100 - 9.300 đồng/kg vào tháng 3-2025, thấp hơn mức giá 11.000 - 11.200 đồng/kg urê hạt đục, giá kali đang có dấu hiệu đảo chiều và tăng mạnh trở lại.
Ghi nhận cho thấy kali miểng được chào giá cho Brazil ở mức 340 - 345 USD/tấn CFR vào tháng 4 và mức 350 - 355 USD/tấn tháng 5-2025 với lượng hàng hạn chế, trong khi cước từ các nhà sản xuất như Belarus, Nga, Israel đến Brazil rẻ hơn vài ba chục usd/tấn so với khu vực Đông Nam Á.
Tại khu vực Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng, giá kali bột đã được chào mức 320 - 340 USD/tấn CRF và kali miểng là 350 - 360 USD/tấn nhưng các nhà nhập khẩu không chốt được bởi tất cả các bản chào đều biến mất.
Tại Trung Quốc, giá kali nội địa tăng chóng mặt, ở mức 2.980 - 3.069 NDT/tấn, tương đương 10.700 - 11.000 đồng/kg, cao hơn Việt Nam khoảng 2 triệu đồng/tấn, buộc các nhà cung cấp phải xả hàng trong kho để kìm hãm.
Điều này dẫn đến tồn kho kali sụt giảm mạnh, thấp hơn khoảng 1,1 triệu tấn so với cùng kỳ năm ngoái, khiến thị trường này hấp thụ hầu như toàn bộ hàng kali được sản xuất tại Lào.
Trong khi đó, các nhà sản xuất lớn như Nga, Belarus, Canada, Israel đều mạnh tay cắt giảm sản lượng để nâng giá thị trường thế giới.
Đây là những chỉ dấu cho thấy giá kali đang tăng mạnh trở lại, có thể lên mức 400 USD/tấn CFR về Việt Nam, nhất là các lô hàng xếp vào tháng 6. Với tỉ giá hiện nay, giá vốn nhập vào Việt Nam sẽ rơi vào khoảng 11.000 đồng/kg kali bột và 11.800 đồng/kg kali miểng.
Như vậy sau một thời gian dài đứng ở mức thấp, giá kali được dự báo sẽ quay trở lại vị trí vốn có, cao hơn giá urê chừng 15 - 20% như trước đại dịch.
Dù không tăng mạnh, giá phân DAP nhập khẩu thời gian qua biến động theo chiều hướng tăng, đang ở quanh mức 18.000 - 18.500 đồng/kg, tăng khoảng 1.500 đồng/kg so với mức giá vào đầu năm.
Và với việc Ethiopia và Ấn Độ - thiếu hụt khoảng 2 triệu tấn - đang tranh mua từ những bản chào hạn chế, ghưa kể Đông Nam Á cũng sẽ cần hàng cho vụ tới, giá DAP thế giới được dự báo sẽ tăng trong 1 - 2 tháng tới. Giá DAP tại Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng khi các bản chào DAP hàng từ các nước xuất khẩu đã tăng 20 - 30 USD/tấn từ đầu tháng 3 đến nay.
Đây là một tin không vui cho bà con nông dân trồng lúa vì giá vật tư phân bón, ngoại trừ urê có vẻ đi xuống, đều đang biến động với xu thế tăng liên tục khi thời gian áp dụng thuế VAT - sắc thuế đánh vào người tiêu dùng - có hiệu lực từ 1-7, trong khi giá lúa đang tiếp tục sụt giảm.
HẢI VŨ (Theo Báo Tuổi Trẻ)