Phân bón DAP trong nước có đang bị làm giá?

Trong một phân tích được Bộ Công thương đưa ra mới đây cho rằng Thuế phòng vệ thương mại đối với phân bón DAP và MAP nhập khẩu không phải là nguyên nhân dẫn đến sự tăng giá của thị trường phân bón thời gian qua...

Giá bán DAP trong nước thực tế là không rẻ hơn giá DAP nhập khẩu...
Giá bán DAP trong nước thực tế là không rẻ hơn giá DAP nhập khẩu...

Theo Bộ Công Thương, phân bón DAP và MAP chỉ chiếm khoảng dưới 10% nhu cầu phân bón cả nước nên không thể quyết định đến mặt bằng chung của giá phân bón trên thị trường trong nước.

GIÁ DAP NHẬP KHẨU CÓ CAO HƠN DAP SẢN XUẤT TRONG NƯỚC?

Theo quan sát của VnEconomy, từ đầu năm 2021 đến nay, giá DAP (tham chiếu từ giá DAP Đình Vũ) tăng 67,3% (từ 8.550 đồng/kg lên 14.300 đồng/kg)... Giá DAP 64% nhập khẩu (tham chiếu từ giá DAP Trung Quốc) tăng 50% (từ 11.200 đồng/kg lên 16.800 đồng/kg)…

Như vậy, hiện giá DAP sản xuất trong nước đang rẻ hơn 2 đến 3 triệu đồng/tấn so với giá DAP nhập khẩu.

Thử làm một phân tích thì thấy giá DAP nhập khẩu từ nước ngoài đang phải cõng thêm từ 5% đến 6% thuế nhập khẩu (tuỳ form C/O). Với mức giá hiện tại thì DAP nhập khẩu đang cõng thêm khoảng 40USD đến 45USD/tấn.

Cùng với thuế nhập khẩu, từ năm  2017 đến nay DAP nhập khẩu còn phải chịu thuế tự vệ. Với mức giá thời điểm hiện nay thì 1 tấn DAP nhập khẩu chịu khoảng 50USD thuế tự vệ.

Ngoài ra, hiện nay chất lượng DAP sản xuất trong nước chỉ chứa từ 60% đến 61% dưỡng chất, trong khi DAP nhập khẩu là 64%. Như vậy tỷ lệ dưỡng chất của DAP nhập khẩu cao hơn DA sản xuất trong nước  khoảng  3% đến 4% và quy ra  giá trị khoảng 45USD/tấn.

Như vậy, với tỷ lệ dưỡng chất cao thì DAP nhập khẩu (tham chiếu  giá  DAP 64% nhập khẩu từ Trung  Quốc) đã phải chịu thêm chí phí giá  khoảng 960.000 đồng/1 tấn so với DAP sản xuất trong nước (tham chiếu với  giá  DAP Đình Vũ đang  bán 14.500.000 đồng/1 tấn).

Cùng chịu cảnh giá nguyên liệu đầu vào tăng nhưng giá bán DAP nhập khẩu tăng khoảng 50% trong những tháng đầu năm 2021. Trong khi DAP sản xuất trong nước dù được hưởng nhiều chính sách ưu đãi nhưng lại tăng tới 67,3% (tham chiếu từ giá DAP Đình Vũ và DAP 64% nhập khẩu từ Trung Quốc)…

Nhìn vào cơ cấu giá thành của DAP nhập khẩu với các khoản thuế nhập khẩu, thuế tự vệ và chi phí cho tỷ lệ dưỡng chất cao hơn thì giá DAP nhập khẩu đã cõng khoảng 130 USD/1tấn (tương đương khoảng gần 3.000.000 đồng/1tấn) so với DAP sản xuất trong nước.

Đó là chưa tính đến chi phí vận chuyển cao hơn khoảng 30 USD/tấn mà DAP nhập khẩu phải bỏ ra so với chi phí vận chuyển nguyên liệu từ nước ngoài về để sản xuất DAP trong nước.

Như vậy, giá DAP trong nước thực tế là không rẻ hơn giá DAP nhập khẩu và mục tiêu dùng vốn Nhà nước xây dựng các nhà máy phân bón của Chính phủ để bình ổn giá phân bón trong nước, giúp người nông dân tiếp cận nguồn phân bón giá hợp lý để bảo vệ nền nông nghiệp không được thực hiện.

Những bất hợp lý từ giá DAP như VnEconomy đã phân tích cho thấy giá mặt hàng này đang có yếu tố “làm giá” tại thị trường nội địa, đặc biệt đối với DAP sản xuất trong nước.

BỘ CÔNG THƯƠNG ĐỂ "LỘ” ĐIỂM BẤT THƯỜNG Ở GIÁ PHÂN ĐẠM UREA

Với con số Bộ Công thương đưa ra là phân bón DAP và MAP chỉ chiếm khoảng dưới 10% nhu cầu phân bón của thị trường trong nước cho thấy phân bón Urea đang là chủ đạo của thị trường nội địa.

Điều này càng khẳng định những phân tích mà VnEconomy đưa ra trong bài “Oan cho phân đạm Urea” là hoàn toàn chính xác.

Theo đó, giá phân đạm Urea không phụ thuộc vào giá nguyên liệu đầu vào của thị trường thế giới vì đây là loại phân được làm hoàn toàn từ than đá và khí thiên nhiên khai thác trong nước.

Cơ quan quản lý Nhà nước cần tiến hành thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước. Với DAP và MAP cần kiểm tra lượng nguyên liệu tồn kho giá cũ với lượng nguyên liệu nhập theo giá mới.
Đặc biệt với mặt hàng phân đạm Urea, việc kiểm tra cần tập trung vào giá nguyên liệu đầu vào là than đá và khí thiên nhiên được cung cấp từ thị trường trong nước so với giá bán sản phẩm Urea đầu ra để xem việc tăng giá bán tới 72% thời gian qua có hợp lý?.

Trong khi đó, than đá và khí thiên nhiên gần như không tăng giá giá thời gian qua nhưng phân đạm Urea do các nhà máy sản xuất phân bón trong nước bán ra vẫn tăng tới 72% là điều bất hợp lý mà cơ quan quản lý Nhà nước cần vào cuộc kiểm tra.


Điều đó càng trở nên “đặc biệt” khi phân đạm Urea là sản phẩm chủ đạo, chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu sản phẩm của các nhà máy sản xuất phân bón trong nước như Phân bón Cà Mau, Phú Mỹ, Ninh Bình, Hà Bắc…

Với tỷ trọng chứ đến 10% thị phần thì dù giá nguyên liệu đầu vào của DAP và MAP trên thế giới tăng cao cũng không thể tác động lớn đến việc tăng giá “bất thường” của thị trường phân bón trong nước như thời gian qua.

Ngược lại, giá phân đạm Urea trong nước tăng cao mới là yếu tố chính quyết định đến việc tăng giá bất thường của thị trường phân bón trong nước từ đầu năm 2021 đến nay.

Chính phân đạm Urea đã đem lại khoản lợi nhuận khổng lồ cho các doanh nghiệp sản xuất phân đạm trong nước thời gian qua là điều mà cơ quan quản lý Nhà nước cần vào cuộc kiểm tra.

ĐẨY GÁNH NẶNG LÊN VAI THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ 

Trong cuộc họp về thị trường phân bón mới đây, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh nhấn mạnh, để ổn định thị trường phân bón trên cơ sở phù hợp với quy định của pháp luật và cam kết quốc tế, Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước chỉ đạo các doanh nghiệp sản xuất phân bón duy trì, phát huy tối đa công suất để cung ứng nhanh, kịp thời phân bón ra thị trường và dành tối đa lượng phân bón sản xuất ra để phục vụ nhu cầu trong nước.

Như VnEconomy đã phân tích trong  bài "Giá phân bón tăng bất thường, ai đang hưởng lợi", theo cam kết WTO thì Việt Nam không được cấm nhập khẩu phân bón nhưng các cam kết này không cấm các doanh nghiệp sản xuất trong nước điều tiết van xuất khẩu.

Ngay cả việc tăng thuế xuất khẩu đối với mặt hàng phân bón cũng không vi phạm các cam kết quốc tế. Điều  này  được  chứng  minh  khi  Trung  Quốc, một  thành viên của WTO đã tăng thuế xuất  khẩu tới 30% khi giá  phân bón thế giới tăng cao vừa qua.

Hiện nay gần 100% thị phần phân bón xuất khẩu nằm trong tay các doanh nghiệp Nhà nước. Việc hạn chế xuất khẩu hay không phụ thuộc vào các doanh nghiệp này.

Tuy nhiên, với tình hình giá phân bón thế giới tăng cao như thời gian qua việc lựa chọn gia tăng xuất khẩu sẽ mang lại lợi nhuận lớn hơn cho các doanh nghiệp phân  bón. Do đó, đây là đòi hỏi khó khả thi...

Hiện nay, người nông dân đã đi qua cao điểm gieo trồng vụ hè thu 2021. Trong khi đó, giá phân bón thế giới được đánh giá đã lên đến đỉnh, khó có khả năng tăng thêm nên xu hướng giảm giá trong những tháng cuối năm 2021 đã được dự báo.

Như vậy, việc giảm giá phân bón thời điểm này không còn nhiều ý nghĩa với người nông dân.

Điều người nông dân khó hiểu là giá phân bón đã tăng mạnh từ đầu năm nhưng đến nay Bộ Công thương mới quyết định tiến hành “nghiên cứu” các cam kết quốc tế, đặc biệt là cam kết trong WTO mà Việt Nam đã tham gia hơn 10 năm trước và các quy định pháp luật để tìm hướng giảm giá phân bón trong nước?!.

Hiện Bộ Công Thương cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tiến hành xây dựng Dự thảo Báo cáo Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp bình ổn giá phân bón trong khi hai Bộ này hoàn toàn có thể tự quyết định các biện pháp phòng vệ để bình ổn giá phân bón trong nước ngay từ đầu năm 2021.

Với Dự thảo Báo cáo này 2 Bộ đang đẩy gánh nặng lên vai Thủ tướng Chính phủ.

Thị trường phân bón đã lên cơn sốt giá từ đầu năm 2021, người nông dân đã “kêu khó” hơn 7 tháng qua và Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức 2 cuộc họp để cho các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước được giải trình.
Tuyệt nhiên, trong các cuộc họp này không thấy bóng dáng của người nông dân, những người bị tác động trực tiếp, bị ảnh hưởng tiêu cực từ việc gía phân bón tăng. Hội Nông dân, nơi được xem là đại diện cho hơn 70 triệu nông dân không xuất hiện tại các cuộc họp của hai bộ này và cũng có bất kỳ một ý kiến gì từ khi các hội viên của mình bị ảnh hưởng.
LÂM PHONG (Theo VNECONOMY)