Phân bón tăng, nhiều doanh nghiệp rút bảng báo giá cũ

Nhiều đơn vị cung ứng phân bón đã rút lại bảng báo giá trước đây, trong khi đó, việc Ấn Độ tạm ngừng xuất khẩu gạo sẽ khiến cho ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước thiếu hụt nguyên liệu.

Giá lúa gạo tăng cao có ảnh hưởng đến giá phân bón, thức ăn chăn nuôi? - Ảnh 1.

Cùng với Ấn Độ, Nga đang tạm dừng xuất khẩu gạo, giá gạo toàn thế giới trong đó có Việt Nam đã bùng nổ với mức tăng 20 - 25%. Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương đã có động thái tích cực kiến nghị Chính phủ cho tăng cường xuất khẩu, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp và bà con nông dân. Tuy nhiên, cũng có những trở ngại có thể làm giảm sản lượng do thời tiết bất thường, nhiều trà lúa đến thời kỳ thu hoạch bị đổ ngã và ngập nước khiến không thu hoạch được.

Theo ghi nhận, giá phân bón nội địa hiện nay vẫn đang ổn định vì thời tiết mưa nhiều, nhiều loại trái cây đã qua giai đoạn thu hoạch nên nhu cầu sử dụng giảm. Hiện Urea Phú Mỹ giá 450.000 - 530.000 đồng/bao (50kg), Bình Điền: 340.000 - 390.000 đồng/bao; Hà Bắc: 350.000 - 650.000 đồng/bao; Urea Indonesia hạt đục: 280.000 - 435.000 đồng/bao. Phân DAP Hồng Hà từ 1.000.000 - 1.000.000 đồng/bao, Đình Vũ: 600.000- 880.000 đồng/bao; Đức Giang: 900.000 - 950.000 đồng/bao…

Dự báo về tình hình giá cả phân bón trong thời gian tới, ông Vũ Duy Hải, CEO Công ty CP Vinacam phân tích: Căng thẳng về lương thực và chiến sự tại Nga - Ukraine đã khiến giá cước vận tải tăng, gián đoạn về vận chuyển, tạo khan hiếm hàng từ Nga - một trong những nước xuất khẩu phân bón lớn nhất thế giới. Đây là một trong những nguyên nhân khiến giá phân bón bất ngờ bật tăng trở lại. Trong khi đó, để đảm bảo an ninh lương thực, các nước sản xuất lương thực lớn như Trung Quốc, Brazil, Ấn Độ và cả Việt Nam đều mở rộng diện tích sản xuất khiến nhu cầu sử dụng phân bón sẽ tăng cao.

"Tổng quan, giá phân bón sẽ tăng thuận chiều với giá lương thực thế giới. Tôi cho rằng yếu tố tăng giá đợt này là bền vững. Các nhà cung cấp phân bón lớn hầu hết đều rút lại các bảng chào trước đây. Như vậy, ngoại trừ thỏa thuận ngũ cốc biển Đen được nối lại khi các yêu cầu xuất khẩu ngũ cốc, phân bón của Nga được đáp ứng thì đến thời điểm hiện tại, chúng tôi cho rằng không có yếu tố làm giá phân bón suy giảm trong ngắn hạn". 

Đối với thức ăn chăn nuôi, Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) cho biết, trong tổng số nhu cầu 4,7 triệu tấn/năm, Việt Nam hiện đã chủ động 4 triệu tấn cám, chỉ phải nhập khẩu 0,7 triệu tấn. Do đó, việc Ấn Độ cấm xuất khẩu cám gạo sẽ không ảnh hưởng đến giá chăn nuôi trong nước.

Ông Phạm Kim Đăng, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi, chia sẻ thêm: "Trong thành phần của thức ăn chăn nuôi, cám gạo chỉ chiếm từ 5 - 10%. Nếu Ấn Độ cấm xuất khẩu cám trích ly thì chúng ta có nhiều giải pháp thay thế, như cám mì. Cám mì có giá trị dinh dưỡng tốt hơn cám trích ly và giá cả khá phù hợp. Cụ thể, cám trích ly khoảng 6.200 đồng/kg còn cám mì khoảng 6.500 đồng. Như vậy, Bộ NN-PTNT cũng đã có giải pháp thay thế nguồn cung". 

Đồng ý kiến về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Dương - Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam cho biết, hàng năm Việt Nam vẫn nhập cám gạo từ Ấn Độ để sử dụng làm thức ăn chăn nuôi. Song, con số nhập khẩu không quá lớn và không tác động đến ngành chăn nuôi trong nước.

ĐINH ĐANG (Theo Báo Thanh Niên)