Phân bón trở thành công cụ ngoại giao sắc bén, hơn 30% sản lượng nằm trong tay Trung Quốc và Nga
Phân bón đang trở thành tâm điểm trong các chương trình nghị sự, chính sách ngoại giao của nhiều quốc gia. Nga, Trung Quốc đang nắm trên 30% sản lượng loại hàng hóa thiết yếu với an ninh lương thực này.
Theo Bloomberg, một lô hàng kẹt nhiều tháng tại cảng Rotterdam, Hà Lan quý giá đến mức mà Liên Hợp Quốc (UN) phải can thiệp. Lô hàng này sau đó được Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) thuê tàu chở tới Mozambique. Không phải ngũ cốc hay ngô, lô hàng trên là 20.000 tấn phân bón của Nga.
Cộng đồng quốc tế đang nhận ra rằng thế giới đang phụ thuộc vào nguồn cung phân bón của một số ít quốc gia - đặc biệt là Nga, Belarus và Trung Quốc. Tương tự như bán dẫn, phân bón đang trở thành điểm nóng trong căng thẳng địa chính trị toàn cầu.
Phân bón đang trở thành tâm điểm của chương trình nghị sự trên khắp thế giới. Bộ Ngoại giao Mỹ tăng cường chuyên môn về phân bón, các tổng thống đang đăng những dòng tweet về hàng hóa này. Phân bón xuất hiện trong chiến dịch tranh cử, trở thành tâm điểm căng thẳng giữa các quốc gia cũng như một quân bài ngoại giao không ngờ tới.
Phân bón cũng đang bị kéo vào cuộc tranh luận xem ai là người phải chịu trách nhiệm về hậu quả của cuộc xung đột Ukraine.
“Vai trò của phân bón quan trọng như hạt giống trong an ninh lương thực của một quốc gia’, ông Udai Shanker Awasthi, Tổng Giám đốc của Indian Farmers Fertiliser Cooperative - nhà sản xuất phân bón lớn nhất tại Ấn Độ. “Nếu no bụng, bạn có thể bảo vệ gia đình, bảo vệ biên giới và bảo vệ nền kinh tế”.
Mặc dù ba loại phân bón chính của Nga là kali, phốt phát và nitơ không chịu các lệnh trừng phạt, xuất khẩu vẫn bị ảnh hưởng do những đứt gãy từ cảng, vận tải, ngân hàng và bảo hiểm.
Tỷ phú Andrey Melnichenko, nhà sáng lập của EuroChem Group, cho rằng các lệnh trừng phạt của Liên minh Châu Âu đã khiến sản lượng xuất khẩu phân bón của Nga giảm 13 triệu tấn trong giai đoạn từ ngày 24/2/2022 đến 24/2/2023.
Những đứt gãy trên khiến giá phân bón tăng mạnh vào mùa hè năm ngoái. Các nước giàu có thi nhau tích trữ, trong khi nguồn cung tại những khu vực nghèo khó trở nên hạn chế.
Tình hình trở nên tồi tệ hơn bởi những lệnh trừng phạt lên Belarus, nhà sản xuất phân kali hàng đầu, cũng như quyết định hạn chế xuất khẩu để bảo vệ nguồn cung trong nước của Trung Quốc, nhà sản xuất phân nitơ và phốt phát lớn nhất thế giới.
Nhà phân tích của Bloomberg Intelligence, ông Alexis Maxwell cho biết mặc dù giá phân bón đã giảm hơn 50% từ mức đỉnh của năm ngoái, nông dân tại Nam Á và châu Phi vẫn gặp nhiều khó khăn hơn những người đồng nghiệp tại Bắc Mỹ, Trung Quốc hay Ấn Độ.
Ngân hàng Phát triển châu Phi cảnh báo việc hạn chế sử dụng phân bón sẽ khiến sản lượng lương thực giảm 20%.
Vào tháng 11/2022, Tổng thống Indonesia, ông Joko Widodo cảnh báo tại hội nghị G20 về “một năm u ám hơn” đang chờ đợi nếu không có giải pháp đảm bảo nguồn dinh dưỡng cho cây trồng ở mức giá phải chăng.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi hứa hẹn sẽ nỗ lực “phi chính trị hóa” nguồn cung phân bón toàn cầu, “để căng thẳng địa chính trị không dẫn đến khủng hoảng nhân đạo”.
Tại châu Mỹ, sau khi xung đột Ukraine nổ ra, Bộ trưởng Nông nghiệp Brazil đã nhanh chóng tìm đến Canada - nhà sản xuất phân kali lớn nhất thế giới - nhằm kiếm thêm nguồn hàng. Chính phủ của Thủ tướng Justin Trudeau tuyên bố xem xét tăng cường xuất khẩu tới châu Âu những “hàng hóa chiến lược”, bao gồm cả kali.
Nutrien, công ty sản xuất phân bón lớn nhất thế giới đang tăng cường sản lượng tại các mỏ kali. Công ty có trụ sở tại Saskatoon, Canada này đang đặt mục tiêu nâng sản lượng thêm 40%, từ năm 2020 đến 2026.
Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hợp Quốc (FAO) cho biết nhiều nhà nhập khẩu phân bón ròng tại Mỹ Latinh, Đông Âu và Trung Á phụ thuộc vào Nga cho khoảng 30% nhu cầu của cả ba loại phân bón chính.
Tại Ukraine, nơi được mệnh danh là vựa lúa mì của châu Âu, Bộ trưởng Nông nghiệp Mykola Solskyi đã phải cảnh báo vào tháng 1/2023 rằng vụ thu hoạch ngũ cốc vào mùa hè sẽ bị ảnh hưởng bởi không có nhiều phân bón được sử dụng vào mùa thu.
Vũ khí ngoại giao
Chính quyền Tổng thống Joe Biden đã công bố khoản trợ cấp 500 triệu USD nhằm nâng “sản lượng phân bón sản xuất tại Mỹ” cũng như “mang nhiều công việc trở về Mỹ”. Mỹ vừa sản xuất phân bón, vừa là nhà nhập khẩu lớn. Cho đến nay, những người nông dân tại Mỹ vẫn có thể tiếp cận với nguồn cung phân bón dồi dào.
Tuy nhiên, những người hàng xóm Mỹ Latinh lại không may mắn như vậy. Khu vực này phải nhập khẩu 83% lượng phân bón tiêu thụ, chủ yếu từ Nga, Trung Quốc và Belarus, theo Viện Nghiên cứu Chính sách Lương thực Toàn cầu (IFPRI).
Peru - quốc gia xuất khẩu số một về việt quất, nhà cung ứng lớn về bơ, măng tây, atiso và xoài - đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận với phân bón. Chính phủ nước này đã công bố trợ cấp cho những hộ nông dân nhỏ nhất.
Bà Valeria Pineiro, quyền Giám đốc IFPRI khu vực Mỹ Latinh, cho biết những nỗ lực của chính phủ Peru còn chắp vá. Nước này đã thất bại trong việc đàm phán nhập khẩu. Sau đó, Peru đã trợ cấp một chương trình nhằm tăng cường việc sử dụng phân bón hữu cơ từ phân chim biển.
Tuy nhiên, những nỗ lực trên không thể đáp ứng nhu cầu phân bón của người dân, theo ông Gabriel Amaro, người đứng đầu hiệp hội xuất khẩu nông sản Peru AGAP.
Nếu Peru thiệt hại về khủng hoảng phân bón thì Ma-rốc (Morocco) lại đang hưởng lợi. Ma-rốc nắm 70% trữ lượng phốt phát, nguyên liệu sản xuất phốt pho, thành phần dinh dưỡng chính được sử dụng trong phân lân.
Theo ông Michael Tanchum, một giáo sư về kinh tế chính trị, quốc gia Bắc Phi này đã sử dụng phân bón như một công cụ ngoại giao, đặc biệt tại khu vực Châu Phi Hạ Sahara.
OCP - công ty phân bón quốc doanh của Ma-rốc - cam kết sẽ tăng gấp đôi nguồn cung phân bón tới châu Phi, lên mức 4 triệu tấn, bên cạnh việc viện trợ và bán chiết khấu hơn 500.000 tấn vào năm ngoái. Động thái nhân đạo này vừa được các tổ chức quốc tế ghi nhận, nhưng cũng mang lại lợi ích cho Ma-rốc.
Ma-rốc đang tranh chấp với người hàng xóm Algeria về hiện trạng của vùng Tây Sahara. Tranh chấp đã nóng lên vào năm 2020, giữa Ma-rốc và người Saharawis - được hậu thuẫn bởi Algeria.
Các nhà chức trách Rabat (thủ đô Ma-rốc) cho rằng xung đột này là phong trào ly khai, còn một số nước Mỹ Latinh và châu Phi lại nhìn thấy một phong trào độc lập và công nhận Cộng hòa Dân chủ Ả Rập Saharawi (SADR) là một quốc gia độc lập.
Vào tháng 9, Tổng thống mới của Kenya, ông William Ruto tuyên bố nước này đang hủy bỏ sự công nhận đối với khu vực Saharawi. Sau đó, Bộ Ngoại giao Ma-rốc hoan nghênh động thái trên, và công bố rằng hai nước đang làm sâu sắc hơn quan hệ thương mại, bao gồm cả lĩnh vực "an ninh lương thực (nhập khẩu phân bón)".
Peru chọn con đường ngược lại, tuyên bố nối lại quan hệ ngoại giao với Saharawis. Và quốc gia này dường như đang gánh chịu hậu quả. Tờ Morocco World News cho biết chuyến hàng 150.000 tấn phân bón tới Peru đã bị hủy bỏ sau đó.
MINH QUANG (Theo Vietnambiz)