Sản xuất phân bón chứa lân có nguy cơ phải đóng cửa do thiếu quặng apatit

Mới đây, đơn vị duy nhất ở trong nước sản xuất được quặng apatit tuyển là Công ty TNHH MTV Apatit Việt Nam (Công ty Apatit) đã thông báo tạm dừng cung cấp loại nguyên liệu này, khiến các nhà máy phân bón chứa lân lo ngại về khả năng duy trì sản xuất trong thời gian tới.

quang apatit
Quặng tuyển tồn kho tại DAP 1 chỉ đủ duy trì sản xuất đến hết tháng 9/2021

Chuỗi sản xuất cung ứng phân bón chứa lân đứng trước nguy cơ bị đứt gãy

Không có quặng apatit tuyển, các nhà máy sản xuất phân bón chứa lân (Supe lân, DAP, MAP…) sẽ phải điều chỉnh sản lượng sản xuất và nguy cơ sẽ dừng sản xuất từ tháng 10 năm 2021. Việc này ảnh hưởng trực tiếp đến cung cấp lượng lớn phân lân và phân DAP cho thị trường và gián tiếp ảnh hưởng đến các đơn vị sản xuất phân bón NPK. Chưa kể đến, hàng nghìn lao động trong ngành sẽ không có việc làm, đời sống gặp khó khăn.

Theo ông Vũ Văn Bằng - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần DAP – Vinachem, thiết kế nhà máy chỉ có thể sản xuất được từ nguyên liệu là quặng apatit tuyển của Công ty Apatit. Hiện tại, Công ty Apatit đã dừng cấp quặng tuyển và Công ty DAP - Vinachem chỉ còn quặng tuyển tồn kho đủ duy trì sản xuất đến hết tháng 9 năm 2021.

“Nếu Công ty Apatit dừng cung cấp quặng tuyển thì nhà máy của chúng tôi sẽ phải dừng hoàn toàn sản xuất, hàng loạt các loại chi phí như thuế, hóa đơn điện nước, chi phí khấu hao,… dẫn đến nguy cơ đang có lãi chuyển sang lỗ. Quan trọng hơn, mùa vụ tháng 10 tới đây, Công ty sẽ không có phân bón DAP để cung cấp cho thị trường toàn miền Nam”, ông Bằng lo ngại.

Cũng như Công ty Cổ phần DAP – Vinachem, việc Công ty Apatit dừng cung cấp quặng tuyển thì Công ty cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao cũng phải dừng sản xuất.

“Do đặc thù dây chuyền công nghệ sản xuất nên dây chuyền axit phải hoạt động liên tục để cung cấp cho sản xuất supe lân. Vì vậy, khi thiếu quặng apatit cho sản xuất supe lân thì sẽ kéo theo toàn bộ hệ thống sản xuất ở các dây chuyền bị ảnh hưởng nghiêm trọng, phải dừng chạy máy”, đại diện Công ty cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao cho hay.

Trong khi đó, để tiết kiệm và nâng cao hiệu quả, nhà máy của Công ty cổ phần DAP số 2 - Vinachem đặt cạnh nhà máy tuyển Tằng Loỏng tại Lào Cai – 1 trong 3 nhà máy tuyển quặng của Công ty Apatit, luôn nhập trực tiếp quặng từ nhà máy tuyển nên không có dự trữ trong kho.

“Do vậy, khi công ty Apatit dừng cung cấp quặng thì Công ty chúng tôi cũng dừng sản xuất”, ông Vũ Việt Tiến – Phó Tổng Giám đốc phụ trách Ban Tổng giám đốc Công ty Cổ phần DAP 2 – Vinachem cho biết.

Tại buổi họp trực tuyến tổ chức ngày 11 tháng 8 năm 2021 giữa Bộ Công Thương với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và đại diện 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, các đơn vị sản xuất phân bón cho biết trong 7 tháng đầu năm đã tập trung cao nhất để sản xuất và cung ứng phân bón cho thị trường và cam kết tìm mọi giải pháp để đảm bảo nguồn cung phân bón trong nước, không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng trong những tháng cuối năm 2021.

Tuy nhiên, nếu Công ty Apatit dừng cung cấp quặng thì toàn bộ nhà máy sản xuất phân bón DAP, supe lân thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) sẽ dừng sản xuất, không thể cung cấp phân bón DAP, supe lân cho thị trường. Nguồn cung phân bón DAP, supe lân sẽ thiếu hụt nghiêm trọng, thị trường phân bón trong nước sẽ bị ảnh hưởng mạnh về cung cầu và giá cả.

apatit
Thiếu nguyên liệu quặng apatit loại 3 để sản xuất phân bón chứa lân sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành sản xuất phân bón trong nước

Doanh nghiệp sản xuất kêu cứu

Các loại phân bón chứa lân (supe lân, DAP, MAP, NPK…) được sản xuất từ 2 loại nguyên liệu chính là quặng apatit tuyển và axit sunfuric. Trong đó, axit sunfuric do các nhà máy sản xuất phân bón tự sản xuất, còn quặng apatit tuyển được chế biến từ việc khai thác quặng loại 3 với hàm lượng P2O5 thấp, qua tuyển được làm giàu, nâng hàm lượng P2O5 tại 3 nhà máy tuyển của Công ty Apatit tại Lào Cai.

Thực tế, Công ty Apatit thuộc Vinachem là doanh nghiệp duy nhất có nhà máy tuyển quặng loại 3 để sản xuất ra sản phẩm quặng apatit tuyển. Đây cũng là doanh nghiệp duy nhất cung cấp quặng apatit tuyển cho các doanh nghiệp sản xuất phân bón chứa lân ở Việt Nam.

Hiện nay, quặng loại 3 do Công ty Apatit được phép khai thác chỉ đáp ứng được khoảng 24% nhu cầu cho các nhà máy tuyển. Số còn thiếu khoảng 76% là do Công ty chưa được cấp phép sử dụng quặng loại 3 tại các kho lưu mặc dù trữ lượng quặng loại 3 tại các kho lưu đã được thiết kế quy hoạch cấp cho 3 nhà máy tuyển của Công ty Apatit theo Quyết định số 1893/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Có thể thấy, việc Công ty Apatit thiếu nguyên liệu quặng apatit loại 3 để sản xuất gây khó khăn rất lớn cho Công ty Apatit, các doanh nghiệp sản xuất phân bón chứa lân và ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành sản xuất phân bón trong nước, đến sản xuất nông nghiệp và bà con nông dân.

Trước tình hình trên, Vinachem đã có Công văn số 1392/HCVN-KHKD ngày 30 tháng 8 năm 2021 gửi Thủ tướng Chính phủ báo cáo về sản xuất và cung ứng phân bón, trong đó kiến nghị Thủ tướng cho phép Công ty Apatit được thu hồi, sử dụng quặng apatit loại 3 tại các kho lưu để cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy tuyển, nhằm duy trì sản xuất kinh doanh, ổn định việc làm cho người lao động, đáp ứng đầy đủ nguồn nguyên liệu quặng tuyển cho các đơn vị sản xuất phân bón trong nước.

Ngày 06/9/2021, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 6195/VPCP-KTTH truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái về việc sản xuất và cung ứng phân bón. Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ, cơ quan: Tài chính, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam nghiên cứu nội dung báo cáo, đề xuất của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, theo thẩm quyền và chức năng, nhiệm vụ được giao xem xét, chủ động thực hiện các giải pháp, kiến nghị liên quan theo quy định, bảo đảm bình ổn giá phân bón và cân đối cung cầu tại thị trường trong nước, đáp ứng nhu cầu phân bón phục vụ sản xuất nông nghiệp, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

TRẦN BẢN (theo Tạp Chí Công Thương)