Vì sao Trung Quốc cảnh báo 30 lô sầu riêng của Việt Nam?
Theo đại diện Cục Bảo vệ thực vật - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, chất cadimi thường có trong phân bón hóa học, tồn tại trong thành phần của phân bón chứa lân. Việc sầu riêng nhiễm cadimi có thể từ khâu trồng trọt do thói quen sử dụng phân bón hóa học của người trồng Việt Nam.
Theo thông tin từ Vụ Kiểm dịch Động - Thực vật, Tổng cục Hải quan Trung Quốc, 30 lô hàng sầu riêng Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc vừa bị phát hiện nhiễm kim loại nặng cadimi vượt mức giới hạn quy định an toàn thực phẩm của quốc gia này.
Trước vấn đề trên, Cục Bảo vệ thực vật vừa yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) các tỉnh Tiền Giang, Lạng Sơn, Đồng Nai, Đắk Lắk, Hà Nội và các doanh nghiệp, cơ quan liên quan thực hiện truy xuất các lô hàng sầu riêng xuất khẩu bị Trung Quốc cảnh báo.
Trao đổi với Tiền Phong, đại diện Cục Bảo vệ thực vật - Bộ NN&PTNT cho biết, theo Nghị định thư, phía Trung Quốc giám sát rất chặt chẽ việc đáp ứng tiêu chuẩn của sầu riêng Việt Nam xuất sang nước này. Trên thực tế, Trung Quốc đã có không ít cảnh báo đối với những trường hợp vi phạm, song thời gian qua có những đơn vị chưa điều chỉnh. 30 lô sầu riêng, tương đương khoảng 450 tấn vừa bị cảnh báo là những lô Tổng cục Hải quan tổng hợp trong thời gian gần đây.
Theo đại diện Cục Bảo vệ thực vật, việc sầu riêng bị phát bị nhiễm chất Cadimi có thể do xuất phát từ khâu trồng trọt. Bởi đây là chất thường có trong phân bón hóa học và tồn tại trong thành phần của phân bón chứa lân, Cu và Zn hoặc có sẵn trong thành phần của khoáng chất hoặc được đưa thêm vào như một nguồn vi dinh dưỡng cho cây trồng và vật nuôi. Đây là thói quen của người trồng Việt Nam.
“Hiện Cục đề nghị các địa phương vào cuộc xác định nguyên nhân cụ thể, chất này nằm trong phân bón, hoặc thuốc bảo vệ thực vật loại gì để giảm ngay việc sử dụng. Tuy nhiên, để đảm bảo uy tín, Cục đã đề nghị các doanh nghiệp có lô hàng vi phạm thu hồi và xử lý các lô hàng vi phạm, đồng thời rà soát toàn bộ hồ sơ, quy trình sản xuất, thu gom, xuất khẩu, khắc phục và áp dụng các biện pháp ngăn chặn tránh tái diễn vi phạm", đại diện Cục Bảo vệ thực vật cho này.
Cũng theo vị này, đến thời điểm hiện nay, cả nước có khoảng 20.000 ha sầu riêng được cấp phép xuất khẩu sang Trung Quốc. So với tổng diện tích sầu riêng trên cả nước, diện tích đáp ứng tiêu chuẩn còn ít, do đó người dân và doanh nghiệp cần tuân thủ chặt chẽ các quy định của thị trường Trung Quốc. Bởi nếu vi phạm liên tục, nước này sẽ rút mã số xuất khẩu và mã số vùng trồng, ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu sầu riêng Việt Nam. Thậm chí, có thể nâng tần suất kiểm tra khiến hàng Việt thiệt hại.
Theo Cục Bảo vệ thực vật, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất của mặt hàng sầu riêng Việt Nam. Trong năm 2023, Trung Quốc đã chi 2,1 tỷ USD để mua 493 nghìn tấn sầu riêng của Việt Nam, tăng 1.036% về trị giá và tăng 1.107% về lượng so với năm 2022.
Thị phần sầu riêng Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Trung Quốc từ 5% năm 2022 tăng mạnh lên 34,6% năm 2023. Giá sầu riêng nhập khẩu trung bình từ Việt Nam đạt 4.332 USD/tấn.
Lũy kế 3 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu rau quả ước đạt 1,25 tỷ USD, tăng 27% so với cùng kỳ năm 2023. Đây là lần đầu tiên, xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt và vượt con số 1 tỷ USD ngay trong quý đầu tiên của năm.
DƯƠNG HƯNG (Theo Báo Tiền Phong)