Vì sao Việt Nam bỗng vọt lên trong xuất khẩu phân bón?

Theo nhiều doanh nghiệp, xuất khẩu phân bón Việt sang các thị trường tăng trưởng mạnh. Năm 2022 ngành sản xuất phân bón của Việt Nam có thể lần đầu lập kỷ lục: xuất khẩu vượt mốc 1 tỉ USD.

Vì sao Việt Nam bỗng vọt lên trong xuất khẩu phân bón? - Ảnh 1.

Sản xuất phân bón tại nhà máy ở miền Trung - Ảnh: THẢO THƯƠNG

Tổng năng lực sản xuất cho nhu cầu 12 tháng thì đủ, thậm chí dư. Nhà máy sản xuất 12 tháng được 2,4 triệu tấn, mỗi tháng là 200.000 tấn nhưng mùa vụ có 2-3 tháng thì mùa vụ ấy cần 1 triệu tấn. Còn những lúc hết vụ lại không cần. Quan điểm đủ phân bón trong nước, các doanh nghiệp "đua" nhau xuất khẩu là không đúng, phiến diện"

Ông Vũ Duy Hải - chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc VinaCam

Theo Tổng cục Hải quan, tính đến hết quý 3-2022 xuất khẩu phân bón đạt gần 1,4 triệu tấn, tương đương 886 triệu USD, tăng 45% về lượng và 166% về giá trị so với cùng kỳ 2021. Trong khi đó, do ảnh hưởng của thị trường thế giới và xuất khẩu thuận lợi khiến giá phân bón trong nước sắp vào vụ có khả năng tăng trở lại.

Giá thế giới đang tốt

Thị trường thế giới có chuyển biến tích cực, mức giá đang rất tốt, nên không ít doanh nghiệp cho rằng năm nay xuất khẩu phân bón tăng trưởng mạnh. 

Xuất khẩu phân bón tăng mạnh chủ yếu nhờ các thị trường như Ấn Độ tăng gấp 12 lần với 255.000 tấn; tăng gấp 3,6 lần ở thị trường Hàn Quốc với 85.000 tấn, và tăng 20% với 836.000 tấn ở ASEAN.

Nếu như tháng 7, giá phân bón trong nước giảm nhẹ thì thời gian gần đây chính vì thị trường thế giới đang tốt, tỉ giá USD lại tăng, rất thuận lợi cho việc xuất khẩu, điều đó khiến giá phân bón trong nước tăng trở lại, tăng ước khoảng từ 10.000 - 50.000 đồng/bao. 

ÔIng Vũ Duy Hải - chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc VinaCam - cho rằng quý 3 xuất khẩu tăng vì trong nước thấp điểm sử dụng phân bón, trong khi giá thế giới tăng thì khuyến khích cho doanh nghiệp xuất khẩu là tốt.

"Nhưng đến tháng 11, miền Nam vào vụ, tháng 12 và tháng 1 năm sau ở miền Bắc sẽ cần dùng nhiều phân bón. Nếu không có biện pháp điều hành thì nguy cơ mất cung cầu, nông dân Việt Nam "ăn đủ" vì giá lại tăng cao", ông Hải nhấn mạnh.

"Nước chảy chỗ trũng"

Cũng theo ông Hải, Nhà nước là đơn vị quản lý vĩ mô, cần chính sách điều tiết mang tính chất dài hơi, và theo ông nên có mức thuế xuất khẩu linh hoạt. 

"Phân urê hiện nay là mặt hàng được quản lý về giá, có chi phí biến đổi lợi nhuận và kế hoạch. Ví dụ dự kiến giá urê 10.000 - 15.000 đồng/kg, nếu giá bán trong nước lên đến 13.000 đồng/kg, xuất khẩu 10.000 đồng/kg thì xuất khẩu ra đánh thuế 5%; nếu xuất với giá lên 12.000 - 13.000 đồng/kg thì tỉ lệ % thuế cũng cao lên. 

Điều đó để doanh nghiệp sản xuất vẫn có lợi nhuận nhưng "hãm" xuất khẩu lại, tăng nguồn cung trong nước, để không hỗn loạn và kiểm soát được giá, không mang tính chất "bóp" nhà sản xuất. 

"Trong nước vào mùa thấp điểm, không tiêu thụ được phải xuất đi, cần khuyến khích xuất khẩu chứ doanh nghiệp "chết" mà đánh thuế xuất khẩu thì lại không đúng", ông Hải phân tích.

Trong khi đó, lãnh đạo Công ty cổ phần Vật tư kỹ thuật nông nghiệp Bình Định (có nhà máy phân bón tại TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) không xuất khẩu phân bón, nhưng nhìn nhận dưới quan điểm cá nhân, ông cho rằng giai đoạn trước không đồng tình xuất khẩu, nhưng năm 2022 nguồn cung tốt nên việc xuất khẩu cũng tốt. 

Vị này nói: "Cơ chế thị trường cung cầu và để nó đi theo cơ chế thị trường là hợp lý nhất. Mình đang thiếu USD, doanh nghiệp xuất khẩu được giá đem USD về cũng tốt, đó là quan điểm kinh doanh".


THẢO PHƯƠNG (Theo Báo Tuổi Trẻ)