Vụ 30 lô sầu riêng xuất khẩu nhiễm cadimi: Chờ câu trả lời từ Cục Bảo vệ thực vật
Nhiều doanh nghiệp và chuyên gia cho rằng, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cần sớm công bố kết quả xét nghiệm cadimi có trong lô phân bón nhập khẩu của doanh nghiệp và giải thích rõ ràng việc 30 lô sầu riêng xuất khẩu bị phát hiện nhiễm kim loại nặng có nguồn gốc từ đâu? Trách nhiệm quản lý của Cục Bảo vệ thực vật cũng nên sớm được làm sáng tỏ để không làm ảnh hưởng đến thương hiệu của ngành hàng tỷ USD này.
Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, tính đến nay, sầu riêng của nước ta đã xuất khẩu tới 24 thị trường, trong đó thị trường Trung Quốc chiếm trên 90% tổng kim ngạch xuất khẩu. Năm ngoái, xuất khẩu sầu riêng đạt 2,1 tỷ USD, trở thành mặt hàng quan trọng nhất trong các sản phẩm rau quả của Việt Nam. Tuy nhiên, thời gian qua, sầu riêng Việt Nam liên tục bị cảnh báo vượt dư lượng đang tạo nên nỗi bất an cho toàn ngành.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về Vệ sinh Dịch tễ và Kiểm dịch Động thực vật Việt Nam (SPS Việt Nam), ngoài việc Trung Quốc vừa cảnh báo 30 lô sầu riêng vượt dư lượng chất cadimi, tháng 10/2023, Nhật Bản buộc phải tiêu hủy 1,4 tấn sầu riêng nhập khẩu từ Việt Nam.
Nguyên nhân là cơ quan kiểm dịch nước này phát hiện sản phẩm tồn dư hoạt chất procymidone với hàm lượng 0,03 ppm, trong khi tiêu chuẩn cho phép là 0,01 ppm. Đây là hoạt chất có trong thuốc trừ sâu có tác dụng diệt nấm mốc. Hiện tại, Nhật Bản đã áp dụng quy định kiểm dịch tất cả sầu riêng nhập khẩu từ Việt Nam. Theo ông Nam, cách đây một tháng, EU cũng thông báo chính thức giám sát sầu riêng Việt Nam tại cửa khẩu.
Cần làm rõ trách nhiệm quản lý của Cục Bảo vệ thực vật
Tổng giám đốc một DN sầu riêng chia sẻ, Việt Nam cần học Thái Lan trong việc quản lý chất lượng ngành sầu riêng. Chẳng hạn, sầu riêng tại Thái Lan khi được hái sẽ phải đưa đi kiểm tra, kiểm định. Nếu đạt đủ tiêu chuẩn, yêu cầu mới được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện khai thác, thu hoạch…
Lúc đó nhà vườn mới được hái bán. Thậm chí, nếu nông dân cố tình bán non, không đảm bảo chất lượng sẽ bị quy tội lừa gạt người tiêu dùng và bị phạt tù lên tới 3 năm. Vị này cho rằng, đã đến lúc Việt Nam cần ban hành luật riêng để bảo vệ những mặt hàng nông sản tỷ USD, bởi đây là bộ mặt và thương hiệu quốc gia nên tất cả đều phải có trách nhiệm.
Bà Ngô Tường Vy, Tổng Giám đốc Công ty xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu (Bến Tre) cho rằng, ngành sầu riêng đối mặt nhiều biến động, bất an. Theo bà Vy, vấn đề lớn nhất của ngành hàng sầu riêng Việt Nam hiện nay là chưa có bất cứ quy định nào để kiểm soát chất lượng.
Trong khi nhìn sang Thái Lan, nông dân được tập huấn hướng dẫn rất kỹ về quy trình canh tác, từ khi cây ra hoa, xả nhụy đã phải ghi chép, buộc dây đánh dấu, khi đủ ngày phải cắt trái kiểm tra, nếu chất lượng đảm bảo mới được phép cắt bán cho DN. Chính vì cách quản lý này nên sầu riêng của Thái Lan có chất lượng đồng nhất.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng, việc sầu riêng bị Trung Quốc cảnh báo vượt dư lượng cadimi ngay thời điểm bắt đầu chính vụ là thông tin bất lợi cho cả ngành. Hiện tại, DN sầu riêng đều tỏ ra băn khoăn về khả năng có thể sẽ mua trúng lô hàng sầu riêng nhiễm cadimi. Trường hợp vi phạm, hàng bị trả về, DN sẽ thiệt hại nặng.
Liên quan đến việc phải chăng cadimi ở sầu riêng xuất khẩu bị phát hiện là do từ phân bón, lãnh đạo Cục Bảo vệ thực vật nói rằng, “chưa thể xác định do chất này nguồn gốc từ đâu. Cadimi có từ nhiều nguồn khác nhau, trong đất, trong nước, trong tự nhiên.
Phân bón cũng lấy từ nguồn tự nhiên”. Trước câu hỏi “tại sao Cục Bảo vệ thực vật không công bố kết quả kiểm nghiệm của đợt kiểm tra cuối tháng 8/2023 đối với phân bón Cadimi DAP Hàn Quốc được các doanh nghiệp nhập khẩu về hồi tháng 4/2023?”, một đại diện Cục Bảo vệ thực vật cho biết, thời điểm đó không công bố kết quả này vì đó là “chuyện nội bộ của doanh nghiệp”.
Đáng chú ý, thời điểm Cục Bảo vệ thực vật đi kiểm tra có lấy mẫu và hàng tồn phân bón DAP Hàn Quốc. Tuy nhiên, sau đó doanh nghiệp nhập khẩu mặt hàng này bất ngờ thông báo thu hồi trước áp lực của dư luận. Cho đến nay, dù nhiều DN đề nghị Cục Bảo vệ thực vật công bố công khai kết quả kiểm tra những lô hàng phân bón DAP nhập từ Hàn Quốc nhưng đơn vị này vẫn chưa thông tin. Vị này cũng xác nhận số phân bón DAP Korea nhập khẩu thời điểm đó đã được DN tiêu thụ hết.
Nhiều chuyên gia và doanh nghiệp cho rằng, cần phải công khai kết quả kiểm tra và làm rõ nguồn gốc kim loại nặng có từ đâu để cho mặt hàng tỷ USD của Việt Nam không phải đối mặt nguy cơ dừng xuất khẩu trong thời gian tới. Trường hợp Cục Bảo vệ thực vật “có vấn đề” hoặc bao che cho các sai phạm khi xử lý phân bón nhập khẩu không đáp ứng quy định của Việt Nam (nếu có), cũng cần được làm rõ và xử lý.
DƯƠNG HƯNG (Theo Báo Tiền Phong)