1 công lúa chỉ mua được 2-3 bao phân
Giá phân bón đang tăng chóng mặt, bà con nông dân bán hết 1 công lúa tại ruộng cũng chỉ đủ tiền mua khoảng 2-3 bao phân DAP.
Gánh nặng đầu vào sản xuất đang đè nặng lên vai nông dân bước vào mùa vụ mới. "Trụ đỡ nền kinh tế nông nghiệp" vừa lóe sáng trước bối cảnh nhiều ngành kinh tế lao đao vì đại dịch COVID-19, nay đang rất chông chênh.
Theo tính toán, khoản chi mua phân bón chiếm khoảng 22% giá thành sản xuất lúa. Giá phân tăng không chỉ tạo thêm gánh nặng giá thành sản xuất nông nghiệp mà còn xuất hiện tình trạng gian lận thương mại, làm giả phân bón, gây nhiều hệ lụy mà nông dân là người gánh chịu trước tiên.
Từ tháng 8 năm nay, quản lý thị trường và lực lượng chuyên ngành nông nghiệp đã tiến hành kiểm tra, tăng cường đấu tranh ngăn chặn hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá, sản xuất, kinh doanh phân bón giả, không đảm bảo chất lượng. Nhưng dường như giá phân bón vẫn như "con ngựa bất kham", gây nhiều bức xúc.
Giá phân bón tăng bất thường có phải do khan hiếm nguồn cung? Theo thống kê của ngành nông nghiệp, cả nước có 841 nhà máy sản xuất phân bón, với công suất gần 30 triệu tấn/năm, gấp 3 lần so với nhu cầu tiêu thụ, nhưng tại sao giá phân bón vẫn tăng?
Hiện trạng cho thấy sản xuất phân bón nước ta phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, phần lớn từ Trung Quốc.
Các doanh nghiệp sản xuất phân bón lý giải khi giá nguyên liệu nhập khẩu tăng, giá phân bón trong nước khó cưỡng lại được. Phân bón là mặt hàng thuộc diện bình ổn giá, nhưng việc bình ổn sẽ rất khó khăn khi nguyên nhân tăng giá được cho là do nguồn nguyên liệu nhập khẩu tăng.
Trong khi đó, bên dưới các doanh nghiệp sản xuất phân bón là hệ thống các đại lý vật tư nông nghiệp khắp thành thị đến nông thôn.
Các chủ đại lý vừa bán phân, thuốc, vừa kiêm luôn vai trò "tư vấn tiêu dùng" cho nông dân, thường thì họ ưu tiên giới thiệu các nhãn hàng có chiết khấu hoa hồng cao.
Hệ thống đại lý vật tư nông nghiệp ở nông thôn còn kiêm luôn nhiệm vụ "tín dụng không chính thức" bằng cách cho nông dân mua trước, trả sau. Nông dân ngày càng lệ thuộc vào hệ thống đại lý từ khâu phân phối - tiêu dùng đến ràng buộc "tín dụng".
Câu chuyện giá phân bón tăng đòi hỏi phải có cách tiếp cận tổng thể, các nhóm giải pháp căn cơ, toàn diện giải quyết phần gốc là ngành sản xuất phân bón (tổng cung) và nhu cầu sử dụng (tổng cầu) phân bón.
Bên cạnh biện pháp hành chính cần giải bài toán thị trường, bằng giải pháp công nghệ hỗ trợ chuyển đổi sản xuất theo mô hình mới và giải bài toán chi phí và lợi ích sản xuất nông nghiệp.
Theo đó, cần thay đổi tư duy và cách tiếp cận, từ sản xuất nông nghiệp, nặng về lượng sang kinh tế nông nghiệp, chú trọng chất lượng, giảm giá thành, tăng lợi nhuận. Các phương thức sản xuất nông nghiệp với các mô hình kinh tế tuần hoàn, sản xuất sạch hơn, "ba giảm ba tăng", "năm giảm một phải".
Sản xuất hữu cơ không phải bây giờ mới đặt ra, nhưng cần được đẩy mạnh hơn nữa để thực sự thay thế và xóa bỏ tình trạng lạm dụng phân bón, ít lệ thuộc vào vật tư nông nghiệp hóa học.
Nếu làm nông vẫn theo lối mòn xưa cũ, lạm dụng phân bón, thuốc trừ sâu thì điệp khúc "thổi giá phân" vẫn cứ lặp lại. Người làm nông sẽ tiếp tục gánh nặng chi phí đầu vào, trong khi bấp bênh đầu ra chưa được giải quyết căn cơ.
TRẦN HỮU HIỆP (Theo NNVN)