Theo ông Nguyễn Đức An Sơn, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Richfarm Việt Nam, giá phân DAP tăng mạnh trong thời gian qua nguyên nhân chính do nguyên liệu và chi phí vận chuyển tăng, tuy nhiên, chi phí vận chuyển hiện mới chiếm tỉ trọng khoảng 7% tổng cơ cấu giá thành sản phẩm.
Như vậy, giá phân DAP tăng mạnh chủ yếu do nguyên liệu trên thế giới đều tăng. Bên cạnh đó, nước cung cấp DAP lớn nhất cho Việt Nam là Trung Quốc đã cắt giảm xuất khẩu để tập trung vào cung cấp cho sản xuất nông nghiệp nội địa nhằm bảo đảm an ninh lương thực trong bối cảnh đại dịch.
Ông Nguyễn Đức An Sơn, cho biết, đầu tháng 3/2021, giá chào DAP từ Trung Quốc về Việt Nam đã ở mức 585 USD/tấn (giá CFR TP. HCM) và từ Nga là 600 USD/tấn (CFR TP HCM) cho mặt hàng DAP 18-46-0, hàng xá chưa đóng bao. Với thuế nhập khẩu 6%, thuế phòng vệ 45 USD/tấn và chi phí đóng bao 15 USD/ tấn, giá hàng Trung Quốc giao tại cảng đã lên tới 15,6 triệu đồng/tấn (giá chi phí của nhà nhập khẩu, chưa tính lợi nhuận), thực sự sẽ là áp lực rất lớn với nông dân Việt Nam.
Trong bối cảnh này, ông Nguyễn Đức An Sơn cho rằng, các nhà máy DAP trong nước nên tập trung và ưu tiên cung cấp cho thị trường trong nước thay vì xuất khẩu với khối lượng lớn cả trăm nghìn tấn như năm 2020. Đồng thời, nhu cầu cần được bù đắp bằng cách tạo điều kiện để tăng lượng DAP nhập khẩu vào Việt Nam.
Theo Báo cáo Thường niên Thị trường Phân bón 2020 và Triển vọng 2021 của Agromonitor, năm 2020, sản lượng phân DAP trong nước có sự tăng trưởng khá cao, đạt 6,3% so với năm 2019 với sản lượng 391.000 tấn.
Trong khi đó, DAP nhập khẩu chính ngạch tăng 14,1% và đạt 591.000 tấn. Nếu cộng với lượng DAP nhập khẩu tiểu ngạch 29.000 tấn, tổng lượng DAP nhập khẩu là 620.000 tấn. Lượng DAP tồn kho từ cuối năm 2019 chuyển sang đầu năm 2020 là 97.000 tấn. Trong năm qua, xuất khẩu DAP của Việt Nam tăng rất mạnh cả về lượng khi đạt 128.000 tấn, tăng tới 186,56%.
Sản lượng DAP trong nước năm 2020 là 391.000 tấn, nhưng đã có tới 128.000 tấn được xuất khẩu ra nước ngoài. Điều này có nghĩa, trong năm 2020, chỉ có 263.000 tấn DAP sản xuất trong nước được đưa vào thị trường nội địa, nông dân trong nước vẫn đang phụ thuộc vào phân DAP nhập khẩu với khối lượng lớn.
Ông Vũ Duy Hải, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Vinacam cho biết, khi Bộ Công thương áp thuế tự vệ với phân DAP, MAP nhập khẩu, các nhà nhập khẩu sẽ tính mức thuế này vào trong giá bán đối với phân DAP nhập khẩu nên nói gì thì nói nông dân là đối tượng cuối cùng chịu khoản thuế này.
Tính riêng trong năm 2020, tổng lượng phân DAP nhập khẩu chính ngạch là 591.000 tấn, nhân với thuế tự vệ là 1.050.662 đồng/tấn, tổng số tiền thuế tự vệ nhập khẩu DAP khoảng 621 tỷ đồng. Theo ông Vũ Duy Hải, trước việc giá DAP tăng mạnh, cộng thuế tự vệ nên ngày 1/3/2021, tổng DAP tồn kho của Vinacam chỉ là 512 tấn so với 22.671 tấn cùng kỳ năm 2020.
Doanh nghiệp sản xuất DAP cam kết ưu tiên tiêu thụ trong nước
Theo Hiệp hội Phân bón Việt Nam, hiện tổng công suất cấp phép 3 nhà máy DAP của Việt Nam là Đình Vũ, Lào Cai và Đức Giang là 810.000 tấn/năm trên tổng số nhu cầu 1 triệu tấn phân DAP hàng năm của Việt Nam, song có một thực tế là các nhà máy đều chưa chạy tối đa công suất.Lí giải của một số doanh nghiệp sản xuất DAP trong nước về việc xuất khẩu mạnh DAP năm 2020, bởi áp lực cạnh tranh trong nước quá lớn, bên cạnh đó khi xuất khẩu các nhà máy DAP sẽ được hưởng chính sách hoàn thuế giá trị gia tăng.Tuy nhiên, bước sang đầu năm 2021, trong bối cảnh giá DAP thế giới và trong nước tăng cao, các doanh nghiệp đã đẩy mạnh sản xuất tối đa, hiện sản lượng tăng trên 100% so với bình quân năm 2020, đạt 50.000 tấn/tháng. Các doanh nghiệp sản xuất DAP trong nước cam kết, thời gian tới sẽ đặc biệt ưu tiên tiêu thụ trong nước thay vì xuất khẩu nhằm ổn định cung cầu thị trường DAP tại Việt Nam.