Châu Âu nguy cơ thiếu hụt phân bón do giá khí đốt cao kỷ lục

Giá khí đốt tăng mạnh khiến hai nhà máy phân bón lớn ở Anh phải đóng cửa. Trong bối cảnh giá năng lượng cao kỷ lục bắt đầu ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu, giới chuyên gia lo ngại sự thiếu hụt ammonium nitrat có thể tác động nguồn cung cấp thực phẩm.

CF Industries Holdings, một trong những tập đoàn phân bón lớn nhất thế giới, cho biết họ không ước tính được khi nào các nhà máy tại Teesside và Cheshire được tái sản xuất. Những nhà máy này chiếm gần 40% nguồn cung ra thị trường phân bón của Anh và sử dụng khoảng 600 lao động.

Theo Tom Bradshaw, phó chủ tịch của Liên minh Nông dân Anh, thị trường phân bón của Anh vốn đã biến động cực mạnh ngay cả trước khi hai nhà máy của CF phải đóng cửa, với giá phân bón tăng tới 50% so với cùng kỳ năm ngoái do nguồn cung toàn cầu hạn chế. Ông Bradshaw cho rằng việc hai nhà máy của CF đóng cửa đang đẩy thị trường phân bón rơi vào hỗn loạn và Anh sẽ phải tăng nhập khẩu mặt hàng này trong thời gian tới.

Giới phân tích cũng cho rằng ngành phân bón của Anh đang phải đối mặt với một “cơn bão” tồi tệ được tạo ra bởi đà tăng kỷ lục của giá khí đốt ở châu Âu và châu Á.

phan-bon-1935-1631896706.jpg

Ngành phân bón của Anh đang phải đối mặt với một “cơn bão” tồi tệ được tạo ra bởi đà tăng kỷ lục của giá khí đốt ở châu Âu và châu Á. Ảnh: Bloomberg.

Ammonium nitrate, một trong những loại phân bón được sử dụng phổ biến nhất thế giới, được sản xuất bằng amonia có nguồn gốc từ khí đốt tự nhiên. Tuy nhiên, giá khí đốt tự nhiên gần đây tăng nhanh hơn mức mà các nhà sản xuất phân bón có thể chuyển vào giá bán thành phẩm.

Yara, một trong những công ty phân bón lớn nhất thế giới, cho biết họ đã phải linh hoạt tạm thời cắt giảm sản lượng vì giá khí đốt lên ngất ngưởng.

Theo Julia Meehan tại công ty tư vấn hàng hóa ICIS, sự việc hai nhà máy của CF phải đóng cửa đang gây ra sự hoảng loạn trên thị trường phân bón vì nhiều người dự đoán rằng sẽ có thêm nhà máy phải đóng cửa và sản lượng tại châu Âu sẽ giảm xuống.

“Bản chất của vấn đề ở đây là bạn cần khí đốt tự nhiên để tạo ra ammonia và bạn cần ammonia để tạo ra phân đạm. Một tập đoàn có vị thế lớn trong ngành phân bón toàn cầu mà còn phải đóng cửa thì các công ty khác có thể cũng sẽ phải đóng cửa theo”, bà Meehan nói.

“Nếu thiếu phân bón hoặc nông dân không đủ tiền mua phân bón, mùa màng năm tới có thể sẽ thất bát. Đó sẽ là tin cực kỳ tồi tệ với người tiêu dùng vì khi đó sẽ không có hàng ở trên các kệ siêu thị để họ mua”.

Bà Meehan nói thêm rằng việc thay thế phần sản lượng phân bón bị hụt đi bằng hàng nhập khẩu, dù có khả thi, sẽ không đơn giản vì ammonium nitrate có chuỗi cung ứng và quy định cấp phép rất phức tạp do nó có tính chất dễ nổ.

Bede Heren tại Argus Media nói: “Thị trường phân bón Anh sẽ gặp phải vấn đề lớn nếu những nhà máy này ngừng hoạt động trong một khoảng thời gian. Một tháng thì có thể xoay xở được. Nhưng nếu kéo dài 2 – 3 tháng, nó sẽ gây ra vấn đề lớn”.

Giá khí đốt tự nhiên tại Anh và châu Âu tăng lên mức kỷ lục mới trong vài tuần gần đây khi các nhà giao dịch cảnh báo rằng châu lục này sắp bước vào mùa đông với dự trữ khí đốt tự nhiên ở mức thấp kỷ lục. Giá khí đốt tự nhiên giao dịch ngày hôm sau giảm 16% xuống 1,52 GBP trên một đơn vị nhiệt (2,09 USD) trong phiên 16/9, nhưng vẫn gấp hơn 2 lần so với hồi tháng 6.

Chi nhánh tại Anh của CF là nhà sản xuất chính duy nhất của quốc gia này với các sản phẩm gồm ammonia, nitric acid và phân bón ammonium nitrate, theo Hiệp hội các ngành công nghiệp hóa chất.

Theo các lãnh đạo doanh nghiệp trong ngành phân bón, việc hai nhà máy của CF phải đóng cửa sẽ là lời cảnh tỉnh đối với chính phủ.

Richard Leese, chủ tịch của tổ chức thương mại Energy Intensive Users Group, cho biết khắp các ngành công nghiệp thâm dụng năng lượng, mọi người đều có chung nỗi sợ, đó là giá năng lượng tăng mạnh sẽ tiếp tục tác động lên doanh nghiệp và sau đó là tới việc làm.

Còn theo ông Ed Miliband, một quan chức trong chính phủ Anh, việc hai nhà máy của CF phải đóng cửa là cực kỳ đáng lo ngại.

Trong khi đó, Bộ Kinh doanh của Anh khẳng định quốc gia này đang tiếp cận nhiều nguồn cung khí đốt để có thể đảm bảo cho các hộ gia đình, doanh nghiệp và ngành công nghiệp nặng có đủ năng lượng họ cần với mức giá hợp lý.

Dự trữ khí đốt ở châu Âu đang ở mức thấp do thời tiết lạnh giá kéo dài vào mùa đông năm ngoái. Trong khi đó, nguồn cung từ Nga tới khu vực tây bắc châu Âu lại đang giảm dần và nhu cầu tiêu thụ khí đốt tự nhiên hóa lỏng ở châu Á tăng mạnh. Những yếu tố này khiến các kho lưu trữ khí đốt gặp khó trong việc tái lấp đầy dự trữ trong suốt mùa hè.

Tình trạng thiếu hụt khí đốt cũng đã tác động mạnh đến giá điện ở châu Âu, bên cạnh một số nguyên nhân khác như tốc độ gió thấp bất thường và một số nhà máy phát điện ở Anh gặp gián đoạn.


THANH LONG (Theo Người Đồng Hành)