Chia sẻ yêu thương

Lễ trao học bổng Tiếp sức đến trường tại Quảng Trị, có một chi tiết hẳn khiến bạn đọc thán phục về tinh thần chia sẻ, tương trợ lẫn nhau...

Chia sẻ yêu thương - Ảnh 1.

Nguyễn Tiến Đạt lóng ngóng và phải nhờ cô giáo cùng khui hộp chiếc laptop đầu đời của mình - Ảnh: C.TRIỆU

Hôm rồi, trong lễ trao học bổng Tiếp sức đến trường tại Quảng Trị, có một chi tiết hẳn khiến bạn đọc thán phục. 

Ấy là lúc bạn Ngô Thị Hương - tân sinh viên Trường ĐH Tài chính kế toán Quảng Ngãi phân hiệu tại Huế - được Quỹ khuyến học Vinacam (Công ty cổ phần Tập đoàn Vinacam) tặng chiếc laptop, cô gái ấy đã ngay lập tức xin tặng lại chiếc máy tính cho bạn Trần Đức Thanh Nhuệ cũng là tân sinh viên được trao học bổng đợt này.

Thanh Nhuệ là nhân vật trong bài viết "Ước mơ làm đôi chân của mẹ" trên Tuổi Trẻ ngày 28-10, đã nhập học tại TP.HCM nên không có mặt trong lễ trao học bổng ở Quảng Trị. 

Hương nhờ ban tổ chức chuyển chiếc laptop ấy đến Nhuệ với lý giải rất đơn giản: "Năm trước em đã được nhận laptop của một đơn vị hảo tâm. Bạn Nhuệ cũng có hoàn cảnh cơ cực và em được biết bạn chưa có máy tính nên nhường lại cho bạn".

Chao ôi, cái lý lẽ nghe nhẹ tênh mà sao nặng ân tình đến vậy! Nó không chỉ khiến những người có mặt trong đêm ấy xúc động mà tin rằng dù chỉ đọc mấy dòng tường thuật ngắn ngủi ấy thôi, chúng ta sẽ có chung cảm xúc.

Cũng trong mùa học bổng thứ 20 này, khi đến tòa soạn Tuổi Trẻ trao số tiền 600 triệu đồng của mình và những người bạn cùng đóng góp, ông Dương Thái Sơn - tổng giám đốc hai doanh nghiệp bao bì giấy Nam Long và Song Nam Long tại Bình Dương - còn kể câu chuyện mà ông bảo làm mình rất xúc động.

Ấy là hai trong số 30 sinh viên từng nhận học bổng Tiếp sức đến trường mà sau đó ông tiếp tục nhận hỗ trợ hằng năm đã gửi mail xin nhường lại phần học bổng năm học này cho bạn khác. 

Trong mail gửi ân nhân của mình, hai bạn ấy thông tin với kết quả học tốt, các bạn được học bổng của trường cộng với đi làm thêm nên có thể tự trang trải, xin nhường lại cho các bạn còn khó khăn hơn. Ông Sơn nói rất cảm động vì suy nghĩ trưởng thành dù các bạn chưa tốt nghiệp đi làm.

Bởi có sống trong nghèo khó mới cảm nhận được số tiền 15 triệu đồng của suất học bổng hay chiếc máy tính có giá tương đương nó lớn thế nào với một gia đình nghèo. Chả vậy mà khi khui hộp chiếc máy tính mới lần đầu tiên trong đời, bạn Nguyễn Tiến Đạt (cũng là tân sinh viên nhận học bổng Tiếp sức đến trường năm nay) đã lóng ngóng đến mức phải nhờ cô giáo giúp.

Cả Đạt và mẹ ôm nhau khóc. Nếu lần trước là nước mắt bất lực vì chở nhau đi qua bốn cửa hàng điện máy vẫn không mua nổi chiếc laptop trả góp cho cậu con trai mê công nghệ thông tin thì lần này là giọt nước mắt hạnh phúc bởi món quà quá đỗi bất ngờ.

Những câu chuyện như thế vốn không thiếu trong mỗi mùa trao học bổng hằng năm. Cũng như đã có nhiều sinh viên từng nhận học bổng này nhiều năm qua nay tạm gọi có những thành công ban đầu vẫn âm thầm gửi tiền chia sẻ cùng quỹ để trao học bổng cho thế hệ đàn em.

Ngoài số tiền đóng góp, hẳn đây cũng là năng lượng "nuôi" chương trình này đến nay khi đã là mùa thứ 20 và chắc chắn sẽ còn được tiếp tục như lời nhiều nhà hảo tâm chia sẻ "còn sinh viên khó khăn, chúng ta còn tiếp sức"!

Ước mơ của Đạt đang dần trở thành hiện thực

PGS.TS Nguyễn Xuân Hoàn - hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM - đã quyết định miễn toàn bộ học phí cho cậu học trò nghèo Nguyễn Tiến Đạt, tân sinh viên ngành công nghệ thông tin, nhân vật trong bài "Ước mơ của Đạt từ căn trọ nghèo" trên Tuổi Trẻ 9-10.

Đạt sẽ được miễn học phí toàn khóa 4 năm học nếu có học lực các học kỳ đạt điểm loại khá trở lên. Nhà trường cam kết đồng hành với bạn trong học tập, giới thiệu việc làm thêm... 

Trước đó, chương trình học bổng Tiếp sức đến trường 2022 đã quyết định trao sớm cho bạn chiếc laptop (15 triệu đồng) do Quỹ khuyến học Vinacam (Công ty cổ phần Tập đoàn Vinacam) tài trợ, còn suất học bổng sẽ trao sắp tới. 


CÔNG TRIỆU (Theo Tuổi Trẻ)