Chưa có căn cứ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại với mặt hàng phân đạm
Hiện Việt Nam có 4 nhà máy sản xuất phân đạm. Trong đó, 2 nhà máy sản xuất phân đạm từ khí là Nhà máy đạm Phú Mỹ và Nhà máy đạm Cà Mau cùng có công suất 800.000 tấn/năm. Hai nhà máy còn lại sử dụng công nghệ sản xuất đạm từ than là Nhà máy phân đạm Hà Bắc (480.000 tấn/năm) và Nhà máy phân đạm Ninh Bình (560.000 tấn/năm).
Báo cáo của Cục Quản lý cạnh tranh cũng từng phân tích, với 2 công ty sản xuất phân đạm từ khí, do giá bán (5.600 đồng/kg) vẫn lớn hơn giá sản xuất (4.500-4.800 đồng/kg) nên 2 doanh nghiệp này vẫn có lãi, song tỷ suất lợi nhuận đang giảm dần.
Đối với 2 công ty sản xuất phân đạm từ than, giá thành sản xuất cao (Đạm Ninh Bình khoảng 10.000 đồng/kg, Đạm Hà Bắc khoảng 7.600 đồng/kg) nên 2 doanh nghiệp này đã phải chịu thiệt hại nặng nề khi không cạnh tranh được với hàng nhập khẩu.
Nhà máy Đạm Ninh Bình đã phải dừng sản xuất, còn Đạm Hà Bắc cũng phải tạm ngưng sản xuất trong tháng 8, 9/2016 do tồn kho cao và sản lượng cả năm chỉ đạt khoảng 50% công suất.
Tuy nhiên, theo Cục Quản lý cạnh tranh, xét tổng thể ngành sản xuất phân ure có thể thấy, 2 doanh nghiệp sản xuất phân đạm từ than là đối tượng chịu thiệt hại chính do công nghệ sản xuất phân đạm từ than đã lỗi thời và xu hướng thế giới cũng dần chuyển sang sản xuắt phân đạm từ khí. Trong khi đó, 2 công ty sản xuất phân đạm từ than lại đang phải mua than với giá cao hơn giá thế giới.
Do vậy, không có căn cứ để xác định nguyên nhân chính dẫn đến thiệt hại nghiêm trọng là do hàng nhập khẩu. Bản thân các doanh nghiệp sản xuất phân phân đạm cũng cho rằng, nguyên nhân chính dẫn đến khó khăn là do bất hợp lý trong chính sách thuế giá trị gia tăng và việc phải mua than với giá cao hơn giá thị trường thế giới.
THANH HƯƠNG (Theo Báo Đầu Tư)