Công văn gửi Báo Nông Nghiệp về bài viết “Nói khan hiếm phân DAP là chưa chính xác”
Ngày 4/3/2021, tại số báo số 45, báo Nông Nghiệp Việt Nam có đăng bài “Nói khan hiếm phân DAP là chưa chính xác”. Với uy tín và trách nhiệm của mình với cộng đồng và Nông dân nông nghiệp, Tập đoàn Vinacam xin bày tỏ như sau:
Kính gửi: BÁO NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM
Ngày 24/2/2021, trước diễn biến tăng giá bất thường của các mặt hàng phân bón sau kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán, trong đó đặc biệt là phân DAP nhập khẩu; Vinacam đã có văn bản số 41/VNC-KD gửi Thủ Tướng Chính Phủ, Ban Kinh Tế Trung ương, Bộ Công Thương, Bộ NN & PTNT, Hiệp hội Phân Bón Việt Nam với nhận định (tóm tắt): Từ tháng 11/2020, giá phân bón thế giới trong đó có phân DAP đã liên tục tăng cao do khan hiếm nguồn cung. Trong nước, từ tháng 12/2020, do tàu biển khan hiếm, cước container tăng cộng với hàng rào kỹ thuật từ biện pháp vệ khiến giá phân bón nhập khẩu về Việt Nam tăng đột biến. Hiện tại tồn kho hàng DAP nhập khẩu gần như bằng không trong khi nhu cầu vụ sản xuất Xuân – Hè đang đến gần khiến giá bán tại thị trường Việt Nam tăng gần như thẳng đứng. Qua khảo sát, Vinacam nhận định tình hình thiếu hụt DAP trong nước hiện này là rất nghiêm trọng đồng thời kiến nghị Chính Phủ, Bộ Công Thương xem xét áp dụng biện pháp khẩn cấp, tạm thời hủy bỏ biện pháp tự vệ đối với sản phẩm phân bón DAP, MAP để các giao dịch nhập khẩu có thể trở lại bình thường từ tháng 3/2021.
Vinacam cho rằng phản ánh trên của Vinacam đã được các cơ quan quản lý Nhà Nước tiếp nhận và xử lý nhanh chóng, có trách nhiệm; các cơ quan truyền thông có uy tín đã cẩn trọng điều tra, xác minh khách quan và đưa ra thông tin ủng hộ quan điểm trên của Vinacam (trong đó có báo Nông Nghiệp Việt Nam tại ngày 26/2/2021 với tựa đề “Giá phân bóng tăng mạnh, nguy cơ thiếu hụt trầm trọng DAP” – Nội dung thông tin khách quan của tác giả Thanh Sơn đã được cả ngàn lượt share, like biểu lộ sự quan tâm và đồng tình từ bạn đọc). Tuy nhiên 6 ngày sau ngày 4/3/2021, cũng trên báo Nông Nghiệp Việt Nam, bài báo với tựa đề “Nói khan hiếm phân DAP là chưa chính xác” của tác giả Nguyễn Huân dường như đã có quan điểm ngược lại; Việc cùng một tờ báo có uy tín với hàng ngàn bạn đọc là Nông dân, trong thời gian rất ngắn lại có quan điểm gần như trái chiều dễ gây hoang mang cho dư luận và khó khăn cho việc nắm bắt, sàng lọc thông tin để các cơ quan quản lý xử lý vĩ mô!
Ngoại trừ yếu tố khách quan giá thế giới tăng, Vinacam bảo lưu và chịu trách nhiệm về báo cáo của mình với Chính Phủ, Ban Kinh Tế Trung ương và Bộ chuyên ngành khi nhận định lượng tồn kho DAP Nhập khẩu trong nước đang ở mức thấp nghiêm trọng (tại ngày 1/3/2021, tổng DAP tồn kho của Vinacam là 512 tấn so với 22.671 tấn cùng kỳ năm 2020).
Để đảm bảo tính khách quan, Vinacam cho rằng chỉ cần cơ quan quản lý Nhà nước yêu cầu các đơn vị Kinh doanh, Nhập khẩu, các Nhà máy sản xuất trong nước báo cáo lượng tồn kho DAP tại thời điểm ngày 1/3/2021 thông qua thông tin điện tử, zalo, email,…không quá 24h sau sẽ có ngay bức tranh thực tế. Các cơ quan truyền thông muốn nắm bắt thông tin có thể khảo sát nhanh lượng tồn kho thông qua các nhà Nhập khẩu lớn, các kho hàng đầu mối, các kho trung chuyển tại Thành Phố Hồ Chí Minh, An Giang, Cần Thơ; Một vài đại lý lớn, các cơ quan quản lý chuyên ngành tại các Tỉnh thuộc khu vực đồng bằng Sông Cửu Long sẽ có kết quả thuyết phục về tình hình tồn kho và nhu cầu DAP hiện nay.
Xin thông tin thêm, trong văn bản ngày 24/2/2021, Vinacam ghi nhận giá bán DAP Đình Vũ tại chợ đầu mối Thành Phố Hồ Chí Minh là 10.400.000 đ/tấn; tại ngày 3/3/2021, giá bán đã lên 11.200.000 đ/tấn và vẫn có chiều hướng tăng không dừng lại. Giá DAP xá Trung Quốc ngày 3/3/2021 đã tham chiếu mức 565-570 USD/Tấn FOB và không ai có thể dự đoán tương lại sẽ tiếp tục lên bao nhiêu trong khi Ấn Độ sẽ buộc phải mở thầu mua trong thời gian tới, điều này đồng nghĩa cơn khát DAP trên toàn thế giới chưa có điểm dừng; Và với giá FOB như trên, cộng cước vận chuyển, thuế nhập khẩu, thuế phòng vệ thương mại, các loại phí liên quan, giá vốn hàng nhập khẩu về đến thành phố Hồ Chí Minh đã lên xấp xỉ 16.000.000 đ/tấn. (Đại diện thương mại của DAP Namhae Korea cũng mới chính thức có văn bản xác nhận chưa cân đối được nguồn để chào hàng tháng 4 cho Vinacam).
Về vấn đề hàng DAP sản xuất nội địa, bài báo cho rằng (tóm tắt): “Hiện 3 nhà máy sản xuất trong nước có tổng công suất 810.000 tấn/năm nên cơ bản đáp ứng đủ cho nhu cầu, nguồn cung DAP trong nước đáp ứng 80%. Nguồn cung phân bón DAP tại thị trường nội địa là rất dồi dào, tại Nhà máy DAP Đình Vũ, mặc dù các đại lý đã trả hiết tiền mua hàng, nhưng lượng hàng gửi vẫn còn khá lớn (trên 20.000 tấn)...”.
Xin nêu một thực tế: Ngày 25/02/2021, Vinacam có công văn đề nghị mua 15,000 tấn DAP Đình Vũ và 15,000 tấn DAP Lào Cai: Kết quả: Trong tháng 3/2021 DAP Đình Vũ chỉ có thể duyệt bán cho Vinacam 2,000 tấn giá 10.646.000 đ/tấn với thời gian giao hàng “dự kiến từ 19/3/2021”; Riêng DAP Lào Cai chỉ có thể cân đối một phần sản lượng để ký hợp đồng với Viancam từ tháng 4/2021. Như vậy hoàn toàn không có chuyện dư nguồn tại Nhà máy và cũng không có chuyện “nguồn cung ứng phân bón DAP tại thị trường nội địa là rất dồi dào”.
Nếu không nhìn vào sự thật một cách khách quan trung thực và khoa học: Sản xuất phân bón theo dây chuyền nên sản lượng mỗi tháng là gần như cố định nhưng “…Sản xuất Nông nghiệp và nhu cầu mùa vụ là tập trung theo thời điểm…” mà tiếp tục cho rằng nguồn cung phân bón DAP nội địa là rất dồi dào và giá phân bón DAP tăng “không loại trừ yếu tố đầu cơ “tát nước theo mưa” đẩy giá của các nhà phân phối tại thị trường nội địa” thì chúng ta sẽ có lỗi với người tiêu dùng, có lỗi với cả triệu Nông dân trong nước!
Theo tinh thần bài báo phản ánh, liệu các nhà máy sản xuất DAP trong nước có sẵn sàng cam kết với Chính phủ: Khẳng định nguồn cung trong nước là rất dồi dào và sẽ không có sốt giá DAP xảy ra trong vụ Xuân – Hè này?. Nếu Bộ Công Thường sớm ra quyết định khẩn cấp tạm thời hủy bỏ biện pháp tự vệ đối với phân DAP và MAP trong thời điểm này thì chí ít giá vốn nhập khẩu về đến Việt Nam sẽ giảm hơn 1 triệu đồng/tấn và chắc chắn người Nông dân cũng sẽ được hưởng lợi từ Quyết định này.
Xin trân trọng!
Nơi gửi
- Như trên
- Bộ NN & PTNN (báo cáo)
- Bộ Công Thương (báo cáo)
- UBND các tỉnh (xem xét)
- Hiệp hội Phân Bón Việt Nam (báo cáo)
- Hội đồng Quản trị, Cổ đông
- Lưu HC
TẬP ĐOÀN VINACAM