Đêm Quảng Trị - những giọt nước mắt về thân phận và tình người
Mưa dầm dề kéo dài vì bão, hội trường hơi chật, nhưng hàng trăm tân sinh viên cùng phụ huynh vẫn có mặt từ sớm. 204 suất học bổng được trao cũng chính là 204 niềm hi vọng thắp lên…
Ông Lê Thế Chữ, Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ và ông Nguyễn Đức Chính, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị trao học bổng cho tân sinh viên - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG
Một phụ huynh ngồi sát trong góc hội trường sụt sùi. Thêm vài phút, những gương mặt tân sinh viên gần đó cũng rươm rướm. Rồi rất nhiều người đưa tay lau nước mắt.
Họ hẳn đã không kìm được cảm xúc khi trên sân khấu em Hoàng Thị Lệ Thương kể về cuộc sống và hành trình chông gai của mình để đến được với cổng trường đại học.
Thương là một trong 204 tân sinh viên được chọn trao học bổng Tiếp sức đến trường tại Quảng Trị tối 30-8.
Câu chuyện điểm nhấn của lễ trao học bổng là chuyện về con đường đến giảng đường của hai em Lê Tuấn Chung và Hoàng Thị Lệ Thương - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG
Để giảng đường không còn xa
Quảng Trị vẫn mưa dầm dề sau những ngày bão. Nơi được chọn trao học bổng Tiếp sức đến trường năm nay vì một số lý do khách quan phải chuyển qua một nơi khó tìm. Nhưng nhiều phụ huynh vẫn đưa con đến từ sớm.
Trừ những sinh viên đã nhập học ở quá xa, gần như toàn bộ những em đang học tại các trường tại Huế, Đà Nẵng đã về tại Đông Hà để nhận học bổng.
Ông Đoàn Văn Cường, trú xã Gio Châu, huyện Gio Linh là một trong những người đến sớm nhất. Cởi tấm áo mưa, ông cùng con gái vào hội trường chờ đến giờ trao. Ông Cường nói hai cha con thậm chí chưa kịp ăn tối nhưng nóng ruột quá nên đi luôn. Và mừng đến mức không còn thấy đói nữa.
Nhà ông Cường làm ruộng. Ông có ba đứa con, đứa đầu đang sinh viên năm cuối. Đoàn Thị Khánh Ly, người được chọn trao học bổng là con thứ 2. "Hai đứa con cùng học đại học là một thử thách vô cùng lớn. Khoản tiền đầu năm tui còn chưa biết xoay mô ra thì nhận tin có học bổng Tiếp sức đến trường. Thiệt là mừng không kể hết", ông Cường chia sẻ.
Nhiều sinh viên và phụ huynh tham dự chương trình nói rằng, chưa bao giờ trải qua những cảm xúc như thế. Ai cũng nghĩ mình khổ rồi, nhưng đến đây rồi mới biết còn có rất nhiều người còn khổ hơn.
Bí thư tỉnh ủy Quảng Trị Nguyễn Văn Hùng (bên trái) và ông Lê Quốc Phong, chủ nhiệm CLB nghĩa tình Quảng Trị (phải) trao học bổng “tiếp sức” cho tân sinh viên tỉnh này - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG.
Cả hội trường lặng đi khi xem clip về câu chuyện của em Hoàng Thị Lê Thương và em Lê Tuấn Chung. Chính những câu chuyện này đã làm nhiều em rơi nước mắt nhưng sau những giọt nước mắt đó chính là sự mạnh mẽ. "Nhìn các bạn em mới có thêm nghị lực và niềm tin để vượt qua khó khăn", Quốc Huy, một sinh viên nói.
Lê Thương là tân sinh viên trường Đại học Kinh tế Huế. Em quyết định đi nhập học vào đúng ngày cuối cùng trong giấy báo. Để đến được giảng đường, Thương đã phải trải qua một chuỗi ngày đầy thử thách.
Lê Thương không may mắn như những đứa trẻ khác. Mới vài tháng tuổi em đã mất mẹ. Thêm vài năm sau ba em cũng đi lấy vợ khác. Thương ở với ông bà nội. Được thêm một thời gian ngắn thì ông nội Thương cũng qua đời. Hai bà cháu phải bấu víu nhau trong ngôi nhà nhỏ ở cuối làng.
Thương nhập học mang theo rất nhiều nỗi lo. Bà nội Thương năm nay đã 73 tuổi. Bà biết mình sẽ không còn đủ sức để nuôi được cháu học bốn năm đại học. Nhưng bà vẫn muốn Thương đi. Phải đi để mở cánh cửa tương lai.
Trên sân khấu, Thương nấc nghẹn khi nhắc đến bà nội mình đến một ngày sẽ không còn nữa. Dưới sân khấu nhiều đôi mắt cũng đỏ hoe.
Vì hoàn cảnh quá đặc biệt của mình, những năm học phổ thông Thương cũng đã nhiều lần phải ngấp nghé ngưỡng cửa bỏ học. Nhưng rồi Thương đã gắng theo đuổi được đến hết cấp ba. Thương cũng từng nghĩ sự học của mình sẽ chấm hết ở đó. Thương lại gượng dậy, em không muốn từ bỏ giấc mơ của mình.
Câu chuyện của Lê Thương và Tuấn Chung đã khiến những người dự chương trình rơi nước mắt - Ảnh: QUỐC NAM
Nhiều đại biểu tham gia chương trình nức nở khi chứng kiến nhiều cảnh đời nghèo khó của các tân sinh viên - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG
Câu chuyện của Thương càng xót xa bao nhiêu thì câu chuyện của mẹ con em Lê Tuấn Chung (tân sinh viên Đại học Kiến trúc Đà Nẵng) lại càng lắng đọng bấy nhiêu.
Chung là kết quả của một mối tình không đầu không cuối của người mẹ vốn đã mang khuyết tật ở hai chân từ nhỏ. Hai mẹ con được một người anh dựng cho ngôi nhà nhỏ nương tựa nhau qua ngày. Mười tám năm qua, người mẹ ấy nuôi con bằng nồi bánh lọc gói tự làm để bán mỗi sáng ở ngã tư đường làng.
Không ai dám tin người mẹ ấy có thể nuôi được con đi học, chứ chưa nói đến chuyện dám cho con đi học đại học.
Nồi bánh lọc của chị mỗi ngày chỉ kiếm được vài ba chục ngàn, vừa đủ để hai mẹ con cơm cháo qua ngày. Nhưng người phụ nữ này lại nghĩ khác. Chị không đành lòng nhìn con mình phải tự tay đóng lại cánh cửa tương lai. Bằng mọi giá chị phải cho con đi học.
Một nhân vật từng nhận hỗ trợ từ học bổng “Tiếp sức đến trường” nay là cô giáo gởi gắm tâm sự với đàn em - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG.
Đêm của tri ân và hi vọng
204 suất học bổng được trao, chính là 204 niềm hi vọng của những nhà tài trợ dành cho các tân sinh viên. Với những tân sinh viên nghèo, 10 triệu đồng là một số tiền vô cùng lớn mà những người cha, người mẹ ở quê không thể một sớm một chiều kiếm ra cho con nhập học đầu năm được.
Ông Lê Thế Chữ, Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ bắt đầu lễ trao bằng câu chuyện về kỹ sư Dương Quang Thiện. Ông Thiện là một người con của Quảng Trị và là kỹ sư máy tính đầu tiên của Việt Nam.
Ông Thiện không phải là tỉ phú nhưng mấy chục năm qua vợ chồng ông đã đóng góp cho hàng ngàn suất học bổng, hàng trăm phòng học bán trú cho học sinh từ tiền lương hưu, tiền tiết kiệm của mình. Ông Chữ muốn gửi đến những tân sinh viên tham dự thông điệp về lòng tri ân.
Suất học bổng Tiếp sức đến trường hôm nay chỉ là trợ lực ban đầu để các em có thể đi tiếp con đường đến giảng đường. Khoảng trời phía trước còn mênh mông và chính các em sẽ mở cánh cửa tương lai đời mình bằng nỗ lực của mình. Suất học bổng này không chỉ là một khoản tiền. Giá trị lớn hơn là sự tin yêu, là cái siết tay tin cậy với các em trên đường đời vốn dĩ không bằng phẳng.
Ông Lê Thế Chữ - Tổng Biên tập báo Tuổi Trẻ
Ông Lê Quốc Phong, chủ nhiệm Câu lạc bộ Nghĩa tình Quảng Trị chia sẻ rằng càng ngày kinh tế càng khó khăn nhưng số suất học bổng dành cho tân sinh viên Quảng Trị thì không giảm.
Đó là cả một sự cố gắng, đồng sức đồng lòng của nhiều nhà hảo tâm. "Tôi mong các bạn cố gắng để xứng đáng với điều đó. Để sau này các bạn sẽ quay lại đồng hành cùng chúng tôi giúp các thế hệ nối tiếp", ông Phong hi vọng.
THEO TUỔI TRẺ ONLINE