Điều gì sẽ xảy ra khi giá phân bón vẫn cao ngất ngưởng?

Hầu hết mọi người đều không quan tâm đến phân bón, nhưng khi giá mặt hàng này đang ở mức cao nhất nó có thể là chỉ dấu báo hiệu nhiều nguy cơ tiềm ẩn.

Giá phân urê tại Trung Quốc hiện đã leo lên mức 2.600 nhân dân tệ/tấn (402,7 USD) và chưa có dấu hiệu chựng lại. Nguồn: Bloomberg

Giá phân urê tại Trung Quốc hiện đã leo lên mức 2.600 nhân dân tệ/tấn (402,7 USD) và chưa có dấu hiệu chựng lại. Nguồn: Bloomberg

Theo Bloomberg, giá các loại phân bón chủ lực trên thị trường thế giới hiện đã tăng lên mức cao nhất kể từ khi xảy ra khủng hoảng tài chính thế giới vào năm 2008.

Nông dân trồng ngô hàng hóa, đậu nành và các loại ngũ cốc khác để cung cấp nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi và các nhà máy sản xuất thực phẩm hiện cũng đã chi tiêu nhiều hơn mức bình thường cho khâu hạt giống, lao động, vận chuyển và trang thiết bị. “Điều này đã góp phần làm lạm phát lương thực tăng mạnh trong năm qua. Một công cụ đo lường của Liên Hợp quốc về giá lương thực toàn cầu cho thấy, chỉ số này hiện đang tiệm cận mức cao nhất trong một thập kỷ, một vấn đề mà giá phân bón tăng đột biến khiến có thể làm cho tình hình trở nên trầm trọng hơn”, bà Maxwell nói.

Điều này xảy ra trong bối cảnh các chuỗi cung ứng toàn cầu đang rục rịch phục hồi sau đại dịch Covid-19 cùng với vô số biến cố, từ thời tiết khắc nghiệt ở nhiều nền kinh tế cho đến đóng cửa nhà máy hay các lệnh trừng phạt mới đều tác động vào thị trường phân bón trong năm nay, khiến cho nông dân vốn đang phải oằn mình chống đỡ sự gia tăng của chi phí sản xuất lương thực lại càng thêm bị sốc.

Giá urê, một loại phân bón phổ biến làm từ nitơ đã tăng vọt vào đầu tháng này lên mức cao nhất kể từ năm 2012 ở New Orleans, trung tâm giao dịch phân bón lớn của Mỹ. Dữ liệu của Bloomberg cho thấy, giá một loại phân lân phổ biến được gọi là DAP đã đạt ngưỡng “đắt nhất” trên thị trường kể từ năm 2008.

Alexis Maxwell, nhà phân tích tại Green Markets, cho biết: “Khi giá phân bón tiếp tục tăng, người nông dân sẽ buộc phải cắt giảm tỷ lệ bón, thậm chí là bỏ hoàn toàn phân bón với hy vọng giá thấp hơn trong tương lai. Không ít nông dân đang cầm cự và chờ đợi trước khi đầu tư cho vụ mùa tiếp theo, với hy vọng chi phí đầu vào sản xuất sẽ giảm để bớt rủi ro”.

Elena Sakhnova, chuyên gia phân tích của hãng VTB Capital tại Moscow, cho biết: “Chi phí phân bón là một trong những yếu tố lớn nhất đằng sau lạm phát lương thực toàn cầu hiện nay khi giá cả ba nhóm chất dinh dưỡng cây trồng gồm kali, phốt phát và nitơ - đều ở mức chưa từng thấy trong khoảng một thập kỷ”.

Cuối tuần trước, tập đoàn Yara International ASA cho biết, giá khí đốt tự nhiên tăng cao sẽ buộc họ phải cắt giảm khoảng 40% công suất sản xuất amoniac, nguyên liệu quan trọng được sử dụng để sản xuất phân bón.

Bill String, CEO công ty tiếp thị Quest Products thuốc trừ sâu và phân bón, cho biết: “Tình hình đang khiến mọi thứ trở nên khó khăn hơn rất nhiều, nhất là khi phí vận chuyển chiếm khoảng 15% chi phí mua sản phẩm cho doanh nghiệp và họ gọi đó là cơn ác mộng”.

Sự “tích hợp” của các sự kiện đằng sau sự gia tăng giá cả như thiên tai hay đứt gãy chuỗi cung ứng do đại dịch đã khiến một số nhà sản xuất phân bón lớn phải tạm thời đóng cửa các nhà máy, bao gồm cả khu phức hợp nitơ lớn nhất thế giới của tập đoàn CF Industries Holdings Inc.

Lạm phát lương thực tăng mạnh trong năm qua khiến người tiêu dùng phải gánh chịu hậu quả. Ảnh: Getty

Lạm phát lương thực tăng mạnh trong năm qua khiến người tiêu dùng phải gánh chịu hậu quả. Ảnh: Getty

Vào đầu năm nay, Mỹ và châu Âu cùng áp đặt trừng phạt đối với Belaruskali OAO, nhà sản xuất kali thuộc “top thế giới” và là một trong những doanh nghiệp nhà nước lớn nhất Belarus nhằm đáp trả vụ bắt giữ một nhà báo. Tại Trung Quốc, tỉnh Vân Nam mới đây đã ra lệnh cắt giảm sản lượng trong một số ngành công nghiệp, bao gồm cả phân bón như một phần của các biện pháp hạn chế tiêu thụ năng lượng và khí thải.

Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc cũng tuyên bố sẽ ngăn chặn tình trạng tích trữ và đầu cơ phân bón để duy trì sự ổn định của thị trường, nhưng giá vẫn tăng vọt. Hiện giá urê trên Sàn giao dịch hàng hóa Trịnh Châu đã đạt mức kỷ lục mới trong bối cảnh giá than tăng cao - nguyên liệu chính cho phân bón nitơ ở Trung Quốc kéo theo những lo ngại về nguồn cung khan hiếm.

Silvesio de Oliveira, một nông dân trồng đậu nành và ngô 51 tuổi ở Tapurah - trung tâm vành đai đậu nành của Brazil cho hay: Nếu người nông dân cắt giảm lượng phân bón thì trong số những cây trồng bị ảnh hưởng nhiều nhất có thể là ngô bởi chi phí phân bón chiếm khoảng 20% giá thành.

Sản lượng các vụ ngô ít hơn có thể đồng nghĩa với chi phí mua thức ăn cho người chăn nuôi bò sữa và các vật nuôi khác sẽ tăng lên, cuối cùng dẫn đến giá cao hơn đối với người tiêu dùng mua thịt. “Chúng tôi dự đoán điều này sẽ ảnh hưởng đến cuộc chiến về diện tích trong năm tới”, nhà kinh tế hàng đầu của StoneX Arlan Suderman cho biết.

Theo chuyên gia dinh dưỡng cây trồng Jerome Lensing, thực vật cũng giống như con người, cần sự kết hợp của các chất dinh dưỡng để tồn tại. Tuy nhiên khi giá quá cao thì nông dân nhiều khả năng sẽ cắt bớt tỷ lệ bón phân, thay vào đó hy vọng dựa vào các chất dinh dưỡng có trong đất. “Với giá nitơ đang tăng mạnh, tôi chỉ còn hy vọng mọi người sẽ không lùi bước quá nhiều để đợi đến mùa thu năm sau và than thở tại sao không đạt năng suất cây trồng”, vị này cho biết.

HÀ DƯƠNG (Theo NNVN)