Động thái muộn màng?

Việc xem xét khả năng tạm dừng/hạn chế xuất khẩu một số loại phân bón thời điểm này có vẻ đã quá muộn màng.

6 tháng đầu năm 2021, trong bối cảnh giá phân bón trong nước không ngừng tăng phi mã, thì lượng phân bón xuất khẩu vẫn tăng tới 44,7%. Ảnh: TL.

6 tháng đầu năm 2021, trong bối cảnh giá phân bón trong nước không ngừng tăng phi mã, thì lượng phân bón xuất khẩu vẫn tăng tới 44,7%. Ảnh: TL.

Liên quan đến khả năng áp dụng việc tạm dừng/hạn chế xuất khẩu phân bón, phát biểu trên Báo Tuổi trẻ ngày 11/8, ông Nguyễn Văn Thanh, Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) cho biết: "Bộ trưởng Bộ Công thương đã giao nhiệm vụ cho Cục Xuất nhập khẩu, Vụ Chính sách thương mại đa biên nghiên cứu kỹ các quy định của WTO để có cơ sở giải trình với Thủ tướng, đề xuất biện pháp áp dụng và giao cho Bộ Tài chính là đơn vị có trách nhiệm quản lý liên quan đến thuế thực hiện việc hạn chế xuất khẩu”.

Như vậy, sau rất nhiều ý kiến đề xuất xem xét tạm dừng hoặc hạn chế xuất khẩu một số loại phân bón trong bối cảnh giá phân bón ở thị trường nội địa tăng quá cao (tăng 50-73%), trong khi một lượng lớn phân bón sản xuất trong nước vẫn đang được xuất khẩu ra nước ngoài, Bộ Công Thương cũng đã tính tới khả năng hạn chế xuất khẩu nhằm tăng cường nguồn cung cho thị trường nội địa.

Trong bối vô cùng khó khăn do dịch bệnh Covid-19, giá phân bón vùn vụt tăng cao thời gian qua đã giáng thêm một đòn làm nông dân càng khốn đốn. Ảnh: LHV.

Trong bối vô cùng khó khăn do dịch bệnh Covid-19, giá phân bón vùn vụt tăng cao thời gian qua đã giáng thêm một đòn làm nông dân càng khốn đốn. Ảnh: LHV.

Trao đổi với Báo Nông nghiệp Việt Nam về động thái này, ông Vũ Duy Hải, Tổng giám đốc Tập đoàn Vinacam cho rằng: “Đến thời điểm này thì lại không nên tạm dừng xuất khẩu hoặc đánh thuế để hạn chế xuất khẩu nữa, vì giá Ure thế giới đang giảm, trong nước cũng đang chiều hướng giảm vì hết vụ”.

Thực tế cho thấy, giá Ure trên thế giới đang giảm với mức giảm 10 - 15 USD/tấn trong những phiên giao dịch gần đây. Ở thị trường trong nước, dù giá Ure cũng như nhiều loại phân bón khác hiện vẫn đang ở mức rất cao, nhưng giao dịch đã trầm lắng suốt từ cuối tháng 7 đến nay do nhu cầu giảm ở hầu hết các khu vực. Do đó, giá nhiều mặt hàng phân bón đã chững lại hoặc giảm. Chẳng hạn, tại thị trường ĐBSCL, giá Ure đã chững lại ở mức 600.000 - 640.000 đồng/bao (50 kg) trong nhiều ngày qua.

Trên thực tế, giá phân bón không phải mới tăng trong tháng 6, tháng 7/2021, mà đã bắt đầu tăng mạnh và tăng liên tục từ nhiều tháng trước đó.

Một số ý kiến chuyên gia, doanh nghiệp cho rằng, động thái 'ngăn bớt' dòng chảy phân bón xuất khẩu thời điểm này đã quá muộn màng. Ảnh: HN.

Một số ý kiến chuyên gia, doanh nghiệp cho rằng, động thái "ngăn bớt" dòng chảy phân bón xuất khẩu thời điểm này đã quá muộn màng. Ảnh: HN.

Mặc dù nhiều ý kiến cho rằng, việc xem xét khả năng tạm dừng/hạn chế xuất khẩu phân bón thời điểm này đã không còn đúng thời điểm, nhưng vẫn cần xem xét, chuẩn bị sẵn một công cụ để điều tiết giá phân bón trên thị trường nội địa, để áp dụng ngay khi cần thiết và áp dụng một cách linh hoạt.

Bởi trong tương lai không xa, cụ thể là vào tháng 10/2021, khi từ Bắc và Nam lại bước vào vụ mới trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn có khả năng tác động không nhỏ tới chuỗi cung, thị trường phân bón toàn cầu, thì rất có thể giá phân bón ở thị trường nội địa lại quay đầu tăng mạnh như trong thời gian vừa qua.

Đồng thời, cái quan trọng nhất là phải bỏ (hoặc tạm dừng) thuế tự vệ với phân DAP, MAP để giá DAP và MAP nhập khẩu rẻ đi tới 1,1 triệu đồng/ tấn, qua đó sẽ gia tăng được nguồn cung cho thị trường trong nước và nông dân tiết kiệm được nhiều chi phí khi sử dụng 2 loại phân bón này.

THEO NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM