Dự báo sâu bệnh tuần từ 18-24/04/2011
Chúng tôi xin trân trọng gửi đến bà con nông dân bản tin dự báo sâu bệnh từ Cục Bảo vệ thực vật.
1. Các tỉnh phía Bắc
- Trên lúa:
+ Bệnh lùn sọc đen tiếp tục tăng nhanh. nhất là trên trà lúa ĐX sớm, các ổ dịch vụ trước và các vùng có mật độ rầy lưng trắng cao. Cần thường xuyên giám sát đồng ruộng và kịp thời nhổ vùi cây bị bệnh.
+ Rầy nâu, rầy lưng trắng, rầy nâu nhỏ tiếp tục phát sinh và tích lũy số lượng; cần theo dõi và xử lý khi mật độ cao, nhất là những diện tích có bệnh lùn sọc đen vụ trước (các tỉnh từ Nghệ An đến TT - Huế và Điện Biên, Lai Châu).
+ Bệnh đạo ôn lá tăng nhanh tại nhiều tỉnh, nhất là các diện tích bón nhiều đạm. Cần thco dõi và xử lý kịp thời khi bệnh mới phát sinh, ngừng bón đạm trên diện tích đang có bênh và giữ nước ruộng hợp lý.
+ Sâu cuốn lá nhỏ phát sinh tăng trên trà ĐX sớm; cần thường xuyên theo dõi diễn biến, không khuyến cáo phun thuốc tràn lan, để tránh gây bộc phát rầy về cuối vụ.
+ Sâu đục thân 2 chấm, chuột... tiếp tục phát sinh, gây hại tăng trên lúa ĐX; cần theo dõi chặt và phòng trừ kịp thời.
- Bệnh lùn sọc đen trên ngô có nguy cơ phát sinh gây hại trên ngô xuân giai đoạn 3-4 lá. Cần chú ý trên các giống ngô ngọt, giống NK 43(K), NK 54...
- Các loại sâu bệnh khác trên cây công nghiệp, rau màu... tiếp tục gây hại ở mức độ nhẹ.
2. Nam Trung bộ và Tây Nguyên
- Trên lúa:
+ Rầy nâu, rầy lưng trắng tiếp tục gia tăng mạnh về diện tích và mật độ trên lúa trỗ - chín tại các tỉnh từ Đà Nẵng đến Phú Yên và các tỉnh Nam Tây Nguyên. Cần theo dõi thường xuyên và phòng trừ kịp thời nhằm làm giảm cháy rầy và thiệt hại về năng suất.
+ Bệnh đạo ôn cổ bông: Gia tăng trên lúa giai đoạn đòng – trỗ ở các tỉnh duyên hải và một số tỉnh Tây Nguyên.
+ Chuột: Hại tăng trên lúa làm đòng, hại nặng tại vùng ven làng, đồi gò.
+ Sâu đục thân, sâu cuốn lá nhỏ... phát sinh, gây hại rải rác lúa ĐX sớm.
- Trên rau màu, cây công nghiệp: Các loại sâu bệnh... tiếp tục gây hại nhẹ, rải rác tại các tỉnh trong vùng.
3. Các tỉnh phía Nam
- Rầy nâu: Trên đồng ruộng phổ biến rầy cám tuổi 3-5 và một ít trưởng thành, xuất hiện trên lúa giai đoạn đẻ nhánh đến đòng trổ. Khoảng 19 - 26/4 sẽ có đợt rầy nâu di trú, vì vậy các địa phương cần tích cực chuẩn bị đất, đồng thời theo dõi chặt tình hình rầy nâu vào đèn tại địa phương để chọn ngày xuống giống hè thu tập trung, đồng loạt, né rầy đạt hiệu quả cao.
- Bệnh đạo ôn: Phát triển ở mức độ nhẹ đến trung bình trên lúa giai đoạn đẻ nhánh đến làm đòng, đặc biệt nhất là trên các chân ruộng sử dụng giống nhiễm bệnh, sạ dày, bón phân đạm nhiều ở đầu vụ. Những ruộng có bệnh đạo ôn xuất hiện kèm theo ngộ độc hữu cơ thì cây lúa sẽ chết nhanh.
CỤC BẢO VỆ THỰC VẬT