Giá phân bón chưa hạ nhiệt, có nên áp thuế xuất khẩu?

Việc tăng thuế xuất khẩu phân bón sẽ khó áp dụng ngay trong thời điểm hiện tại bởi việc điều chỉnh thuế phải dựa trên sự đánh giá đầy đủ và toàn diện của các cơ quan quản lý nhà nước, chuyên gia FAV cho biết.

Giá phân bón cùng các vật tư nông nghiệp tiếp tục tăng mạnh khiến nông dân lo lắng, đặc biệt khi giá lúa đang có xu hướng giảm.

Trước phản ánh của nông dân, Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương và FAV đề xuất các doanh nghiệp hạn chế xuất khẩu phân bón, tận dụng các biện pháp kỹ thuật, công nghệ mới nhằm tăng công suất, sản lượng giúp hạ nhiệt giá phân bón.

Cụ thể, sản lượng phân bón của Tổng công ty Phân bón và Hoá chất Dầu khí trong 6 tháng đạt 2 triệu tấn, chiếm 70% sản lượng sản xuất trong nước. Trong đó, DAP tăng 87%, NPK tăng 36%, URE tăng 24%, và phân lân tăng 16%.

Tổng doanh thu tăng 42%, lợi nhận của nhiều đơn vị trực thuộc nhuận tăng 15% do giá và sản lượng sản xuất đều tăng.

Dù các nhà máy tăng sản xuất song giá phân bón vẫn tăng đặc biệt là phân bón DAP và đạm URE. Kể từ cuối năm 2020 đến nay, giá URE tăng 62%, giá DAP tăng trên 54%, giá kali tăng 31% (435 – 440 USD/tấn) mức giá cao nhất từ năm 2015 đến nay.

Giá phân bón chưa hạ nhiệt, có nên áp thuế xuất khẩu phân bón? - Ảnh 4.

Các nhà máy tăng công suất để đáp ứng nguồn cung trong nước (Ảnh: Đạm Cà Mau)

Trao đổi với người viết, ông Phùng Hà, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho biết nhiều chuyên gia cho rằng cần tạm dừng xuất khẩu phân bón để ổn định thị trường trong nước nhưng hiện không có luật nào cấm xuất khẩu phân bón, tiền lệ cũng chưa từng có việc tạm dừng xuất khẩu phân bón.

Giải pháp lâu dài, Hiệp hội kiến nghị Chính phủ sử dụng linh hoạt công cụ thuế suất như giảm thuế nhập khẩu, tăng thuế xuất khẩu và minh bạch thuế phòng vệ thương mại... tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh.

"Tuy nhiên, việc tăng thuế xuất khẩu phân bón sẽ khó áp dụng ngay trong thời điểm hiện tại bởi việc điều chỉnh thuế xuất khẩu, nhập khẩu và thuế phòng vệ phải dựa trên sự đánh giá đầy đủ và toàn diện của các cơ quan quản lý nhà nước.

Bên cạnh đó, việc áp thuế phải xem xét trên cơ sở các hiệp định thương mại đa phương, song phương mà Việt Nam đã ký kết", ông Hà cho biết.

Bên cạnh đó, để giá bán phân bón trong nước hài hoà lợi ích giữa doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp kinh doanh và với người nông dân, việc cần làm là sớm sửa đổi những bất cập trong Luật thuế 71/2014/QH13 (Luật thuế 71) có hiệu lực từ năm 2015. Hiện, Hiệp hội đang họp bàn với Bộ Tư pháp để thảo luận về điều này.

Theo nguồn tin riêng của chuyên gia FAV tại Trung Quốc, kinh nghiệm của nước này là bất cứ mặt hàng nào đang xảy ra "bão giá", Trung Quốc có thể áp thuế xuất/nhập khẩu ngay lập tức.

"Tuy nhiên, Trung Quốc chưa điều chỉnh chính sách về thuế xuất/nhập khẩu phân bón trong giai đoạn này. Chính quyền nước này mới họp với nhà sản xuất nhằm giảm xuất khẩu, đảm bảo nguồn cung trong nước. 

Và có những biện pháp "cứng" như nếu không giảm xuất khẩu, nguồn cung trong nước thiếu hụt, doanh nghiệp sẽ bị áp thuế xuất khẩu cao tới mức không xuất nổi", ông Hà nói.

Trước đó, Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương và FAV kêu gọi các doanh nghiệp phân bón hạn chế xuất khẩu phân bón. Tính hết tháng 6, lượng phân bón xuất khẩu đã giảm nhẹ.

Cụ thể, theo số liệu Tổng cục Hải quan xuất khẩu phân bón trong tháng 6 đạt gần 88 nghìn tấn, tương đương 45,5 triệu USD, giảm hơn 15,5% về lượng, tăng 27,5 về giá trị so với tháng 5.

Tính chung 6 tháng đầu năm, xuất khẩu phân bón đạt 663 nghìn tấn, tương đương 231 triệu USD, tăng gần 44% về lượng và tăng 71% về kim ngạch xuất khẩu so với cùng kỳ năm 2020.

Giá phân bón chưa hạ nhiệt, có nên áp thuế xuất khẩu phân bón? - Ảnh 1.

Lượng, giá trị xuất khẩu phân bón trong vòng 1 năm qua (Số liệu: Tổng cục Hải quan, Biểu đồ: Hoàng Anh)

Giá xuất khẩu phân bón trong tháng 6 đạt 517 USD/tấn, tăng 50% so với giá tháng 5, tăng gần gấp đôi so với tháng 6/2020. Tính chung 6 tháng đầu năm, giá xuất khẩu phân bón đạt 354 USD/tấn, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước.

Giá phân bón chưa hạ nhiệt, có nên áp thuế xuất khẩu phân bón? - Ảnh 2.

Việt Nam thắt chặt xuất khẩu, giá phân bón xuất khẩu tăng mạnh (Số liệu: Tổng cục Hải quan, Biểu đồ: Hoàng Anh)

Trong đó, Campuchia là thị trường chính nhập khẩu phân bón của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm.

Xuất khẩu sang Campuchia, thị trường lớn nhất trong 6 tháng đầu năm đạt gần 273 nghìn tấn, tương đương hơn 99 triệu USD, tăng 58% về lượng, tăng 85% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020, chiếm gần 43% tổng kim ngạch xuất khẩu phân bón của cả nước.

Sau Campuchia, xuất khẩu phân bón sang Malaysia đạt hơn 49 nghìn tấn với hơn 10 triệu USD, giảm 17 về lượng và không biến động nhiều về giá trị so với cùng kỳ năm trước, chiếm 4% tổng kim ngạch xuất khẩu phân bón của cả nước.

Còn lại, lượng xuất khẩu phân bón rải rác ở các thị trường Đài Loan, Lào, Hàn Quốc, Philippines nhưng với tỷ trọng nhỏ.

Giá phân bón chưa hạ nhiệt, có nên áp thuế xuất khẩu phân bón? - Ảnh 3.

Xuất khẩu phân bón sang Campuchia chiếm tỷ trọng lớn cơ cấu của Việt Nam (Số liệu: Tổng cục Hải quan, Biểu đồ: Hoàng Anh)


HOÀNG ANH(Theo VietnamBiz)

Logo Tập đoàn VinacamTập Đoàn Vinacam

Tập đoàn Vinacam là một Tập đoàn đa ngành nghề, chủ yếu về lĩnh vực nông nghiệp, chúng tôi tự hào là nhà nhập khẩu phân bón hàng đầu Việt Nam, các sản phẩm phân bón của Vinacam luôn được lựa chọn từ nhưng nhà sản xuất uy tín trên thế giới với chất lượng tốt giá cả cạnh tranh và bao bì đẹp

Văn Phòng Chính(Khu liên cơ quan) 28 Mạc Đĩnh Chi, P. Đa Kao, Q.1, TP. Hồ Chí Minh
Số ĐKKD: 0303800051 | Ngày cấp: 19/05/2005 | Sửa đổi lần 8 ngày: 10/10/2017 | Nơi cấp: Sở Kế Hoạch Và Đầu Tư TP.HCM
Bản quyền © 2007 Công ty Cổ phần Tập đoàn Vinacam.