Theo nhận định của giới chuyên gia, nhưng ngay cả sau khi “trời quang mưa tạnh” và tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng giảm bớt thì chi phí dinh dưỡng cây trồng vẫn phải đối mặt với một tương lai không chắc chắn. Nguyên do là giá lương thực thế giới và nhu cầu tăng mạnh có thể sẽ khiến cho loại chi phí vật tư đầu vào quan trọng như phân bón còn tăng cao trong thời gian dài.
Theo quy luật thị trường, giá phân bón thường “mềm hơn” vào dịp cuối năm và mang lại động lực gấp đôi cho những người nông dân đang hy vọng có thể trì hoãn các thu nhập phải chịu thuế. Tuy nhiên biên độ rủi ro trước mùa vụ gieo trồng năm 2022 đang là một thách thức thực sự, khiến cho việc mua trước phân bón càng trở nên “năm ăn, năm thua”.
Hiện chi phí đầu vào phân bón cho ngô tại Mỹ lại đội lên cao trong tuần qua, lên tới gần 200 USD cho một mẫu Anh (0,4 hecta) sau khi các nhà cung cấp tiếp tục điều chỉnh các tờ chào giá nhằm giải thích cho một thực tế mới mà nông dân phải đối mặt. Trong đó gần một nửa hóa đơn là do giá phân nitơ.
Chi phí vật tư đầu vào phân bón ở các đồng bằng phía tây nam, nơi gần các trung tâm công nghiệp lớn hơn cũng dao động từ 830 USD đến 930 USD/tấn, trong khi tại các khu vực xa hơn về phía đông có nơi thậm chí còn lên tới 1.300 USD. Các sản phẩm phốt phát phụ thuộc vào nitơ cũng tăng mạnh, với phân DAP trung bình là 816 USD và kali có giá 769 USD.
Giá bán lẻ phân bón đang phản ánh thực tế nguồn cung thiếu hụt ở xung quanh Vành Đai ngô giữa lúc nông dân vừa kết thúc vụ thu hoạch và đang lên kế hoạch cho mùa vụ mới.
Trong khi thị trường nội địa vẫn đang “chảy máu mũi”, giá ngũ cốc tiêu chuẩn bán buôn cho thấy một vài dấu hiệu hy vọng khi giá thành sản xuất của Mỹ vẫn rẻ hơn so với các đối thủ cạnh tranh như Brazil. Điều đó có thể không khuyến khích nhập khẩu trong ngắn hạn.
Trong khi đó giá kỳ hạn phân bón trên các hợp đồng tương lai và hoán đổi thì đưa ra một triển vọng hỗn hợp. Đường cong giá trên hợp đồng phân urê vùng Vịnh đang cao hơn 20 USD vào mùa xuân, với 32% UAN cao hơn 75 USD. Duy chỉ có phân DAP giao chậm là thấp hơn chút xíu, mặc dù chỉ ít hơn khoảng 10 USD so với phiên gần đó.
Theo các nhà phân tích, sự rắc rối của thị trường phân bón được đổ cho xuất phát từ giá khí đốt tự nhiên, nguyên liệu chính cho các sản phẩm làm từ nitơ tăng cao trong thời gian qua. Xu hướng này có tiếp tục hay không vẫn phụ thuộc vào thời tiết, và có lẽ là chính trị.
Dự báo mùa đông ở Mỹ sắp tới có nền nhiệt độ cao hơn mức bình thường trên phần lớn đất nước, mặc dù các nhà khí tượng học không loại trừ khả năng sẽ có một trận lốc xoáy khác quét xuống từ Bắc Cực, giống như cơn lốc đã làm tê liệt Texas và ngành công nghiệp năng lượng khổng lồ hồi tháng Hai.
Nhưng thời tiết mùa đông không phải là nỗi lo duy nhất, đặc biệt là đối với các nhà máy sản xuất nitơ ở châu Âu vẫn buộc phải đóng cửa do thiếu khí đốt và giá tăng cao. Nhất là Nga hiện đang là một nhà cung cấp lớn cho khu vực, đang có những động thái căng thẳng làm dấy lên lo ngại rằng nước này có thể sử dụng năng lượng như một thứ vũ khí tuyên chiến với phương Tây.
Hiện giá khí đốt toàn cầu đang cao hơn khoảng sáu lần so với giá ở Mỹ, do một số nhà máy đang cân nhắc xem có nên đóng cửa vĩnh viễn do chi phí đầu vào cao hay không.
Những lo lắng về nguồn cung năng lượng cũng khiến sản xuất ở Trung Quốc, quốc gia xuất khẩu urê và phốt phát hàng đầu thế giới phải cắt giảm sản lượng. Mới đây, Bắc Kinh đã có chính sách hạn chế xuất khẩu phân bón nhằm đảm bảo nông dân trong nước có đủ nguồn cung. Xuất khẩu urê của Trung Quốc đã tăng vọt trong tháng 9, tăng 37% so với năm 2020, trong khi doanh số xuất khẩu phân lân cũng cao hơn cùng kỳ 48%, khiến chính phủ phải có hành động phản ứng.
Trong khi chi phí năng lượng cao đang đe dọa đến nguồn cung, các ngành công nghiệp của Trung Quốc cũng bị buộc phải tăng trưởng chậm lại trước những nỗ lực của chính phủ nhằm giảm thiểu ô nhiễm - một yếu tố có thể phát huy tác dụng vào mùa đông này, ngay trước thềm Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh diễn ra vào tháng Hai năm tới. Tổng sản lượng phân bón năm 2021 của Trung Quốc đã giảm 26% so với mức đỉnh đạt được vào năm 2015.
Giá phân bón tăng mạnh trong năm nay đã khiến mặt hàng này đạt mức tiệm cận kỷ lục kể từ khủng hoảng tài chính năm 2008. Và cuộc khủng hoảng giá phân bón năm nay được ví như một sự kiện “Thiên Nga đen”, đang khiến cho thị trường phân bón có thể ở mức cao và lâu hơn nữa.
Theo các chuyên gia, sản lượng các loại phân bón N, P và K trên thế giới có tương quan nghịch với giá cả - khi nguồn cung càng thắt chặt thì giá càng cao. Còn urê và amoniac có tương quan thuận với nhu cầu - giá tăng khi nông dân sử dụng nhiều hơn. Nhưng đối với kali và ở mức độ thấp hơn là phốt phát lại có tương quan nghịch với nhu cầu- điều này ủng hộ quan điểm nông dân nên cắt giảm mua những thứ này khi giá quá cao.