Giá phân bón tăng nóng trở lại
Sau khi hạ nhiệt hồi đầu tháng 9, giá các loại phân Urea, DAP, Kali… ở các tỉnh, thành phía Nam lại đang tăng nóng trở lại.
Quay đầu tăng mạnh
Thông tin từ Agromonitor cho thấy, sau mấy tuần liên tiếp giảm, từ nửa cuối tháng 9, giá Urea đã tăng trở lại.
Cũng theo Agromonitor, trong mấy tuần qua, giá DAP tăng mạnh do nguồn cung nội địa và nhập khẩu đều hạn chế. Cụ thể, trong 3 tuần liên tục từ 25/8-14/9, nhập khẩu DAP về Việt Nam chỉ đạt trung bình 511 tấn/tuần. Trong tháng 9, giá Kali ở Việt Nam tiếp tục tăng mạnh do giá thế giới tăng cao.
Một nguồn tin khác cho biết, ngày 30/9, ở Đông Nam bộ và Tây Nguyên giá Urea trên thị trường đã ở mức từ 630.000-650.000 đồng/bao (12.600-13.000 đồng/kg), Kali miểng từ 590.000-640.000 đồng/bao (11.800-12.800 đồng/kg). So với cách đây 1 tuần, giá Ure ở Đông Nam bộ và Tây Nguyên tăng 200 đồng/kg, Kali tăng 100 đồng/kg.
Cũng trong ngày 30/9, ở ĐBSCL, giá phân Urea từ 630.000-670.000 đồng/bao (12.600-13.400 đồng/kg); DAP Trung Quốc 930.000-950.000 đồng/bao (18.600-19.000 đồng/kg); DAP nội địa 800.000-820.000 đồng/bao (16.000-16.400 đồng/kg); Kali miểng từ 670.000-690.000 đồng/bao (13.400-13.800 đồng/kg).
So với cách đây 1 tuần, giá Urea ở ĐBSCL đã tăng thêm 800-1.000 đồng/kg, Kali tăng 600-1.000 đồng/kg, đều là những mức tăng mạnh. Một doanh nhân trong ngành phân bón cho hay, giá Ure trên thị trường ĐBSCL vào ngày cuối cùng của tháng 9 đã cao hơn cả giá Ure trong thời điểm sốt giá hồi giữa tháng 8.
Giá phân bón tăng cao trở lại, trước hết là do có sự tác động từ thị trường thế giới. Giá Ure, Kali, DAP trên thế giới đang tiếp tục lập đỉnh mới.
Ông Vũ Duy Hải, Tổng giám đốc Tập đoàn Vinacam, cho biết, sau khi Belarus, một nước xuất khẩu Kali lớn trên thế giới, bị Mỹ và Anh cấm vận, giá Kali tiếp tục tăng dựng đứng với các bản chào nhỏ giọt cho hàng xếp tháng 10, hàng hạt nhỏ ở mức 550 USD/tấn (giá CFR, thành giá vốn là 13.400.000 đồng/tấn) và hàng hạt lớn ở mức 620 USD/tấn CFR (thành giá vốn 14.500.000 đồng/tấn); các bản chào cho hàng xếp tháng 11 đã tiếp tục lên mức 600 USD/tấn CFR và 700 USD/tấn CFR lần lượt cho hàng hạt nhỏ và hạt lớn.
Phân DAP Trung Quốc được chào cho hàng rời nhập khẩu đường biển đã lên mức 730-750 USD/tấn CFR và với mức thuế nhập khẩu 5%, mức thuế phòng vệ thương mại trên 1 triệu đồng/tấn vẫn được duy trì như hiện nay, giá vốn hàng nhập mới đã lên trên 19 triệu đồng/tấn.
Nguồn cung hạn chế?
Ngoài tác động nhất định từ thị trường thế giới, một câu hỏi lại được đặt ra là nguồn cung phân bón trong nước (nhất là những loại phân bón mà trong nước đã sản xuất được với khối lượng lớn như Urea, DAP…) có đang bị thiếu hụt hay không?
Như đã nói ở trên, Agromonitor cho rằng nguồn cung DAP nội địa và nhập khẩu đều đang hạn chế.
Đầu tháng 9, Công ty TNHH MTV Apatit Việt Nam thông báo do khó khăn về nguồn cung nên ngừng cung cấp quặng apatit cho sản xuất DAP và Lân, thì một nhà máy DAP đã tuyên bố phải ngừng sản xuất, một nhà máy khác thông báo chỉ có thể cầm cự sản xuất được hết tháng 9. Trước những thông tin đó, chỉ trong vòng một tuần, giá DAP của hai nhà máy này tại TP.HCM đã lập tức tăng từ mức 14.300.000 đồng/tấn lên mức 15.500.000 đồng/tấn.
Nguồn cung hạn chế đối với các loại phân đơn như Urea, DAP và Kali, còn được lý giải từ một góc độ khác.
Theo ông Vũ Duy Hải, trong thời gian qua, các cơ quan quản lý nhà nước đưa thống kê lượng sản xuất, lượng xuất khẩu, lượng nhập khẩu như vừa qua, rồi cho rằng nguồn hàng không thiếu với nhận định nhu cầu không tăng hơn 2020 là đánh giá không phù hợp khách quan.
Thực tế, để sản xuất được NPK với sản lượng như hiện nay thì có lẽ quá nửa nguồn Urea, DAP, Kali đã được hút vào làm nguyên liệu cho sản xuất NPK. Khi khẳng định sản lượng NPK tăng thì đồng nghĩa, nhu cầu nguyên liệu cho sản xuất NPK sẽ tăng, do vậy nguồn phân đơn cho chăm bón trực tiếp sẽ bị thiếu nghiêm trọng. Quy luật thị trường tự nó dạy cho các nhà kinh doanh, các đại lý phân bón hiểu rằng không bao giờ dại dột đầu cơ chờ giá lên nếu nguồn cung trên thị trường đang lớn hơn nhu cầu.
Sử dụng ngay công cụ điều tiết
Trước tình hình thị trường phân bón đang bước vào một đợt tăng nóng mới về giá, một lần nữa, ông Vũ Duy Hải lại đề nghị cơ quan quản lý nhà nước sớm can thiệp để ổn định giá phân bón, nhất là khi các tỉnh Nam bộ đang chuẩn bị vào vụ Đông Xuân 2021-2022.
Ông Hải đặt câu hỏi, với tình hình các nhà sản xuất DAP trong nước phải đóng máy đúng thời điểm vụ Đông Xuân phía Nam đã chuẩn bị bắt đầu, thì việc tiếp tục duy trì hơn 1 triệu đồng/tấn Thuế phòng vệ đối với phân DAP nhập khẩu để hỗ trợ sản xuất DAP trong nước, liệu có còn phù hợp?
Vì vậy, một trong các giải pháp cấp thiết để kéo giá Urea, DAP xuống là ngoài các biện pháp đẩy mạnh sản xuất thì cần thực hiện áp thuế xuất khẩu hoặc tạm dừng xuất khẩu, đồng thời bỏ (hoặc tạm dừng) ngay việc áp thuế tự vệ với phân DAP khi chính nó đang có tác dụng ngược góp phần đẩy giá DAP lên trần giá mới.
Ông Hải chia sẻ: “Về các biện pháp quản lý nhà nước để giảm giá phân bón (đặc biệt với các loại phân bón sản xuất trong nước), tôi tin rằng luôn có nhiều van điều tiết. Nhưng hình như các cơ quan quản lý đang bị động, hoặc quá quan tâm đến nhóm các nhà sản xuất trong nước mà chưa quan tâm thích đáng và đúng mực với người sử dụng phân bón là nông dân nên vẫn loay hoay. Thật đáng buồn khi chúng ta đã tha gia WTO hơn cả chục năm rồi mà bây giờ Bộ Công Thương giờ mới nghiên cứu nhằm tìm biện pháp phù hợp để bình ổn thị trường phân bón”.
“Nếu cơ quan quản lý nhà nước chậm can thiệp, chi phí sản xuất nhất là giá phân bón quá cao thì nguy cơ nông dân chán nản bỏ bê sản xuất là rất lớn”, ông Hải nhấn mạnh.
THANH SƠN (Theo NNVN)