Kính gửi:Tổng Biên tập Báo Diễn đàn Doanh nghiệp

Công văn gửi Tổng biên tập Báo diễn đàn doanh nghiệp

            TP.Hồ Chí Minh ngày 16 tháng 10 năm 2008 
 
Kính gửiTổng Biên tập Báo Diễn đàn Doanh nghiệp
        Tôi là Vũ Duy Hải nguyên là Giám đốc Chi nhánh TCty VTNN tại TP.HCM và hiện là Chủ tịch kiêm Tổng Giám Đốc Công ty CP Vinacam xin thay mặt toàn thể Cổ đông Công ty gởi tới quý Báo lời cảm ơn chân thành và sâu sắc về sự quan tâm của Quý Báo đến Vinacam trong thời gian qua. Chúng tôi tin tưởng với nội dung bài viết trung thực của phóng viên Quý báo, các cấp có thẩm quyền ở Tổng Công ty VTNN và Bộ NN & PTNT sẽ phải xem xét giải quyết các khiếu nại của Cổ đông Vinacam theo đúng luật!
        Thưa Quý Báo, Tôi đã nhận được CV số 5923/BNN-VP ngày 29/10/2008 của Bộ NN & PTNT do Quý Báo chuyển và yêu cầu giải trình một số vấn đề công văn nêu. Để đảm bảo yếu tố khách quan, trung thực, Tôi đề nghị quý Báo nếu có thể cho trích đăng công khai ý kiến của Tôi và coi đây là ý kiến của cổ đông Vinacam về các vấn đề mà Công văn này đã đề cập, cụ thể : 
   1. Về góp vốn bằng tài sản và bán phần vốn của Nhà nước :
  Với hồ sơ hiện có cũng như nội dung đã được các báo (Nông nghiệp, Pháp luật Việt Nam, Bảo vệ Pháp luật, Công lý, Nông thôn, Tiền Phong, Thanh tra Chính phủ, Tuổi trẻ..) phân tích và đăng tải cùng ý kiến các luật sư, chuyên gia Pháp luật, Tôi khẳng định việc định giá tài sản; Ban hành quyết định góp vốnbàn giao tài sản để thành lập Vinacam của Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc TCty là phù hợp các quy định của Luật DN, Nghị định số 199/2004/NĐ-CP và Thông tư số 33/2005/TT-BTC. Các quyết định góp vốn và Bản định giá tài sản góp vốn của TCty được các Sáng lập viên đồng thuận là cơ sở để Sở KHĐT TP.HCM cấp giấy Chứng nhận ĐKKD cho Vinacam. Vấn đề đặt ra là sau khi góp vốn thì TCty còn có quyền định đoạt về tài sản đã góp hay không?
   Tại quyết định số 82 ngày 05/07/2005 TCty đã bàn giao tài sản cho Vinacam với nội dung cụ thể: “Kể từ ngày bàn giao, TCty từ bỏ các quyền và lợi ích liên quan đến tài sản đã bàn giao”. Như vậy theo Điều 22 (LDN1999), Điều 29-30 (LDN2005), Điều 177 (Bộ Luật DS 2000) “Quyền sở hữu chấm dứt trong trường hợp chủ sở hữu chuyển quyền sở hữu của mình cho người khác” , thì các quyền về tài sản góp vốn của TCty đã được chuyển giao sang cho Vinacam, TCty không còn quyền sở hữu, định đoạt tài sản mà chỉ còn quyền và nghĩa vụ Cổ đông tại Vinacam.
  Đối với việc bán cổ phần tại Vinacam: Do Vinacam là Pháp nhân được thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp nên việc chuyển nhượng cổ phần tại Vinacam phải được thực hiện theo quy định của LDN , Điều lệ Vinacam và các quy định của Pháp luật có liên quan. TCty bán cổ phần tại Vinacam vào Tháng 9 năm 2005 nên phải tuân thủ Điều 58 (Luật DN số 13/1999 QH10) và Điều 9 Tiết 4 Điều lệ Vinacam. Cụ thể “.. Trong 3 năm đầu kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận ĐKKD .. cổ phần phổ thông của cổ đông sáng lập có thể chuyển nhượng … nếu được sự chấp thuận của Đại hội Cổ đông. Cổ đông dự định chuyển nhượng cổ phần không có quyền biểu quyết về việc chuyển nhượng các cổ phần đó”. Các hạn chế trên đồng nghĩa với việc TCty không thể thực hiện “Đấu giá” khi không được Đại hội Cổ đông Vinacam chấp thuận. TCty chỉ có 2 lựa chọn: Một là quyết định bán theo đúng nội dung quyết nghị của Đại hội Cổ đông Vinacam; Hai là không bán theo quyết nghị thì phải chờ 3 năm sau khi không còn bị “Hạn chế” mới có thể tự quyết định phương thức bán.
        Xem xét khía cạnh này ở các văn bản Pháp luật có liên quan nhận thấy: Thông tư số 33/2005/TT-BTC ngày 29/04/2005 của Bộ tài chính hướng dẫn một số điều tại quy chế quản lý tài chính của Công ty Nhà nước và quản lý vốn nhà nước đầu tư vào Doanh nghiệp khác (Nghị định số 199/2004/NĐ-CP ngày 03/12/2004 của Chính phủ) , ta thấy tại Chương 3 Khoản 1.3 phần a quy định: “ Bán cổ phần nhà nước tại Công ty cổ phần thực hiện theo quy định như bán cổ phần lần đầu khi Doanh nghiệp nhà nước cổ phần hoá (Phần B mục V Thông tư số 126/2004/TT-BTC ngày 24/12/2004 của Bộ tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 187/2004/NĐCP ngày 16/11/2004 của Chính phủ về chuyển Công ty nhà nước thành Công ty cổ phần)”. Như vậy, đối tượng áp dụng cho phần vốn nhà nước ở đây là những Công ty nhà nước được cổ phần hoá. Trường hợp Công ty cổ phần như Vinacam sẽ được áp dụng theo khoản 1.3 phần b: Doanh nghiệp khác “ .. Người đại diện phần vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp khác xây dựng phương án bán, đề xuất ra bán trình đại diện chủ sở hữu vốn quyết định”. Như vậy xem xét trên cả hai khía cạnh: Luật DN (Tính bắt buộc cao); Điều lệ Vinacam (Không trái Luật DN) và các văn bản dưới Luật như Thông tư 33/2005, Nghị định 199/2004 có thể khẳng định việc TCty bán cổ phần tại Vinacam không thông qua đấu giákhông vi phạm Pháp luật như quy kết của Bộ NN&PTNT.
      Tôi rất ngạc nhiên và đề nghị Quý báo cho đặt câu hỏi như cổ đông Vinacam đã đặt ra với Bộ NN&PTNT tại các văn bản kiến nghị của mình: Với cả bộ máy thanh tra giám sát chuyên nghiệp, tại sao 3 năm sau Bộ mới “phát hiện” ra sự “vi phạm Pháp luật” này ? Bộ NN&PTNT sẽ có giải pháp gì, hướng giải quyết ra sao khi trong cùng thời điểm hàng chục Doanh nghiệp cổ phần khác cũng được TCty thành lập và bán phần vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp này tương tự như Vinacam? Tại sao các kiến nghị và khiếu nại của Cổ đông Vinacam không được Bộ xem xét trả lời theo quy định của Pháp lệnh khiếu nại tố cáo đã ban hành?
2. Về việc thuê nhà 28 Mạc Đĩnh Chi, Q1, TP.HCM: 
 Tôi nhận thấy Công văn số 5923 của bộ NN đã trình bày tương đối đầy đủ về nguồn gốc và quá trình sử dụng căn nhà số 28 (một phần) của TCty cho đến khi TCty góp trị giá căn nhà do TCty tự xây dựng bằng vốn tự bổ sung để cùng các cổ đông khác thành lập Vinacam. Công văn này một lần nữa đã khẳng định lại khu nhà trên “Thuộc quyền quản lý của Cty QLKD Nhà TP.HCM ” như vậy có nghĩa tất cả các quyền về tài sản đều thuộc Cty QLKD Nhà Thành phố mà không thuộc Bộ NN&PTNT hay TCty VTNN !
   Bộ Nông nghiệp đã không nhìn nhận khách quan việc Vinacam ký hợp đồng thuê nhà của Công ty QLKD Nhà nên đã viện dẫn Biên bản họp HĐQT TCty vào ngày 30/11/2006 với ý kiến TCty về việc Giám đốc Chi nhánh TCTy VTNN tại TP.HCM “tự ý làm công văn chuyển quyền thuê nhà từ Chi nhánh TCty VTNN tại TP.HCM sang cho Cty CP Vinacam mà không có sự ủy quyền và không báo cáo TCty” để quy kết cho Tôi (Vũ Duy Hải) làm “trái Pháp luật”  Thực tế Tôi (Vũ Duy Hải) có quyết định vượt thẩm quyền và làm trái  pháp luật hay không ? 
        Trước khi thành lập Vinacam, Tôi (Giám đốc Chi Nhánh TP.HCM) đã có phương án trong đó có nội dung “ Trụ sở Công ty (Tức Vinacam) đặt tại số 28 MĐC (chuyển đổi HĐ thuê nhà của Chi Nhánh với Cty QLKD Nhà). Nội dung QĐ số 45 của HĐQT phê duyệt phương án góp vốn cũng thống nhất đặt trụ sở Công ty cổ phần tại 28 MĐC, TGĐ đã có QĐ Bàn giao Tài sản. Điều khoản cuối cùng của các quyết định trên đều ghi rõ “Ông Vũ Duy Hải chịu trách nhiệm thi hành quyết định này ” . Như vậy gần 4 tháng sau  Tôi ( Vũ Duy Hải) ký công văn số 171/CN05 ngày 20/10/2005 gửi Cty QLKD Nhà đề nghị cho chuyển hợp đồng từ Chi nhánh sang Vinacam là thực hiện đúng nghĩa vụ và trách nhiệm được giao. Phải chăng (Nói như Bộ NN &PTNT và TCty ) thì nội dung các quyết định trên và cam kết của TCty khi góp vốn thành lập Vinacam là không có giá trị mà bắt buộc phải có thêm một uỷ quyền riêng về vấn đề này ?! ( Trước đây Tôi cũng đã có Bản giải trình gửi HĐQT TCty nêu rõ Tôi chỉ có sai sót về thủ tục hành chính của TCty khi gửi công văn số 171/CN05 cho Cty QLKD Nhà mà không gửi kèm cho TCty theo hình thức “ Thay báo cáo” nhưng Tôi khẳng định Tôi sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm trước Pháp luật nếu văn bản nói trên là vi phạm Pháp luật).
  Tôi nhận thấy, dường như Bộ NN& PTNT đã nghiên cứu hồ sơ không thấu đáo hoặc vì lý do nào đó đã không nêu trong văn bản trả lời Quý báo một tình tiết quan trọng đó là: Trước khi TCty đầu tư xây dựng lại nhà 28 MĐC bằng nguồn vốn tự bổ sung thì căn nhà cũ do Cty QLKD Nhà quản lý đã tự đổ sập (Có xác nhận của Cty QLKDN). Khi đó Hợp đồng số 105 ngày 29/12/2000 giữa Cty QLKDN và Chi nhánh TCTy tại TP.HCM ( Hợp đồng có giá trị đến 31/12/2005) sẽ đương nhiên vô hiệu. Theo Điều 29 Khoản 2 Pháp lệnh nhà ở 1991 “Hợp đồng thuê nhà mặc nhiên chấm dứt khi nhà cho thuê bị tiêu hủy”; Điều 488.4 Bộ luật DS 1995 “Tài sản thuê không còn” ; Điều 498.2 “Nhà cho thuê không còn”. Như vậy quyền quản lý ngôi nhà số 28 MĐC của Cty QLKD Nhà chấm dứt. Điều đó cho thấy hợp đồng cho thuê số 662/HĐTN-KD ngày 20/03/2006 ký giữa Cty QLKD Nhà và Vinacam theo “hiện trạng cũ” cũng không phù hợp pháp luật, giao kết mặc nhiên vô hiệu do đối tượng của hợp đồng là “Nhà” không còn. Chính vì căn nhà cũ đã không còn, nên khi TCty có đề xuất với Vinacam nhu cầu được thuê lại một phần diện tích trong toà nhà 28 MĐC để làm văn phòng giao dịch thì theo hướng dẫn của Cty QLKD Nhà, Giám đốc Vinacam đã làm công văn số 400CV/VNC đề nghị với Cty QLKD Nhà Cho TCty được ký thuê lại “phần diện tích khoảng 207 m2 nằm trong tổng diện tích tòa nhà của Cty Vinacam ..” Không hiểu Bộ NN&PTNT lấy căn cứ nào để nói “Trong năm 2007 do Cty CP Vinacam vẫn tiếp tục sử dụng phần căn nhà nêu trên nên TCty VTNN không thanh toán tiền thuê nhà theo HĐ số 36/HĐTN-KD-2 ngày 13/02/2007 ..”?. Thực tế TCty và Cty QLKD Nhà đã ký HĐ số 36 nhưng TCty không sử dụng hoặc TCty muốn có bản hợp đồng trên để làm tài liệu với mục đích riêng nên sau khi đã có trong tay bản hợp đồng này thì TCty nại lý do “ Chưa được Cty QLKD Nhà bàn giao diện tích đã ký và tại địa điểm nêu trên không có căn Biệt thự hạng 3 như HĐ nêu ”! để từ chối thanh toán.
   Kính thưa Ban biên tập, trên đây là phần ý kiến của Tôi với tư cách  “Người trong cuộc” gởi đến Quý báo trên cơ sở nhận thức xuyên suốt của Bộ Hồ sơ hoàn chỉnh. Rất mong được Quý báo tiếp tục quan tâm giúp đỡ để quyền lợi của các Cổ đông Vinacam phải được các cấp có thẩm quyền của Bộ NN&PTNT và TCty VTNN quan tâm đúng mức, để các doanh nghiệp cổ phần có tiếng nói bình đẳng tránh tình trạng “Huyện bênh huyện” “Phủ bênh phủ” như tình cảnh của Vinacam hiện nay.
        Công ty Vinacam và bản thân cá nhân Tôi luôn mong muốn và sẵn sàng cung cấp cho Quý báo toàn bộ hồ sơ có liên quan.
  Kính chúc Tập thể Ban biên tập và Phóng viên khỏe, Chúc Quý báo luôn luôn là niềm tin của bạn đọc.
  Xin trân trọng cảm ơn và vui lòng liên hệ với chúng tôi qua địa chỉ:      Công ty Cổ phần Vinacam, số 28 Mạc Đĩnh Chi, Q.1, Tp.Hồ Chí Minh
Tel : 08 8250322–Fax : 08 8245500–Email: [email protected].               
                         TM Cổ đông Công ty Cổ phần Vinacam
                     Chủ tịch HĐQT
                    (Đã ký)

                     Vũ Duy Hải