Anh dùng vải vụn phế liệu, xin lại ở một số cơ sở may mặc, đem về trộn lẫn với đất cùng phân hữu cơ ủ vào các gốc cây, trên bề mặt anh rải thêm 1 lớp vải vụn. Và rồi, một kết quả mĩ mãn đã hiện hữu trên mô hình.
“Việc trộn lẫn vải vụn với đất, cùng phân hữu cơ tự nhiên cho vào các gốc ổi đã đem lại kết quả khả quan; đất giữ ẩm lâu hơn, giúp cây trồng phát triển tốt. Với mùa nắng nóng như hiện nay, khoảng 15 ngày mới phải tưới 1 lần, còn mùa đông thì hầu như không phải tưới”, anh Tài nói.
Cũng theo anh Tài, ngoài những ưu điểm đó, áp dụng phương pháp này còn giúp chất dinh dưỡng từ phân bón hữu cơ được lưu lại trong đất lâu hơn, không bị rửa trôi.
Có thể nói, bài toán khó đã tìm ra lời giải. Vùng đất khắc nghiệt này thực sự bị khuất phục dưới bàn tay, trí óc của anh Tài.
Sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm
Anh Tài cho biết, hiện trang trại có hơn 1.000 cây ổi đã cho thu hoạch quả rộ; 300 cây bưởi da xanh đang bói quả và 4.000 cây bưởi giống để phục vụ cho những ai có nhu cầu.
Trang trại nói không với việc sử dụng phân bón hóa học, thuốc BVTV nên sản phẩm luôn đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng. Do đó, được thương lái thu mua tận vườn; đầu ra không bao giờ bị bế tắc, nhiều lúc nguồn cung không đủ cầu.
Theo tính toán, với diện tích khoảng 3ha, kết hợp trồng trọt với chăn nuôi; mỗi năm anh Tài “đút túi” hơn 300 triệu đồng sau khi đã trừ chi phí, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 6 lao động địa phương.
“Toàn bộ diện tích vườn được chăm bón bằng phân bón hữu cơ. Ngoài ra, cỏ vườn cũng được làm bằng phương pháp thủ công, chứ không dùng thuốc trừ cỏ để phun trừ”, anh Tài cho hay.
Hỏi về nguồn phân bón hữu cơ mà trang trại đang sử dụng, anh Tài không ngại ngần chia sẻ: “Tôi ngâm đỗ tương, cá, trứng vịt với chế phẩm Trichoderma, mỗi loại 1 thùng; ngâm trong vòng 6 tháng thì đem ra tưới kết hợp cho cây”.
Ngoài ra, anh còn dùng vỏ trứng gà, vịt rải quanh gốc cây ổi. Theo anh, vỏ trứng có nhiều can xi, giúp cây có thêm chất dinh dưỡng để nuôi quả nên quả đẹp mã, chất lượng ngon (quả ngọt, giòn, thơm, cùi dầy).
Cầm quả ổi trên tay, anh Tài bật mí: Để quả ổi tụ hội đầy đủ hương vị, đạt chuẩn chất lượng thì nên thu hoạch quả chín trong khoảng thời gian từ 5 - 6h sáng. Thời gian còn lại trong ngày nên hạn chế thu hoạch.
“Thời gian tới, tôi sẽ áp dụng một quy trình chăm sóc ổi mới, thử nghiệm trên khoảng 20% diện tích; đây là quy trình mà tôi tự mày mò, nghiên cứu. Trong quá trình chăm sóc, tôi sẽ ghi lại chi tiết nhật kí chăm sóc từng ngày cho đến khi được thu hoạch. Nếu chất lượng ổi thơm ngon hơn hiện tại, thì tôi sẵn sàng chia sẻ lại quy trình chăm sóc cho mọi người, không giấu giếm điều gì”, anh Tài khẳng định.
Ngoài việc tập trung phát triển trang trại, anh Tài cũng tích cực giao lưu với các nhà vườn khác trong tỉnh; hướng dẫn kĩ thuật, tặng cây giống cho những ai có nhu cầu. Không những thế, anh còn tự bỏ tiền túi cải tạo lại hệ thống kênh mương, sửa sang cống nước ngoài ruộng lúa để bà con trong thôn cùng hưởng lợi.