Nga giới hạn lượng phân đạm xuất khẩu, dự kiến giá phân bón thế giới tăng sốc
Nga vừa công bố kế hoạch áp đặt hạn ngạch xuất khẩu phân đạm của nước này nhằm đảm bảo nguồn cung nội địa và kiềm chế lạm phát đang tăng cao tại nước này.
Cụ thể, Nga cho biết các biện pháp giới hạn xuất khẩu phân đạm sẽ kéo dài 6 tháng, bắt đầu ngay từ tháng 12 tới đây; lượng phân đạm xuất khẩu của nước này sẽ bị hạn chế ở mức 5,9 triệu tấn và lượng phân đạm phức hợp sẽ bị giới hạn tối đa ở mức 5,35 triệu tấn.
Phân đạm là tên gọi chung của các loại phân bón vô cơ cung cấp đạm cho cây trồng, bao gồm chủ yếu các dòng phần Urea, phân Ammonium Nitrate, phân Ammonium Sulphate, phân đạm Chloride, phân Calcium Cyanamide và phân Ammonium Phosphate.
Chính phủ Nga cho biết việc giới hạn khẩn cấp này nhằm kìm giữ đà tăng giá của các loại nông sản nội địa khi giá phân bón tăng vọt. Động thái này của Nga sẽ khiến tình trạng căng thẳng nguồn cung phân bón, đặc biệt là các dòng phân đạm, trên thị trường toàn cầu trở nên nghiêm trọng hơn và kích hoạt làn sóng tăng giá phân bón mới.
Nga hiện là quốc gia xuất khẩu phân bón lớn nhất thế giới trong năm 2020, chiếm 12,7% tổng lượng phân bón được xuất khẩu trên toàn cầu. Hoa Kỳ và Brazil là hai quốc gia nhập khẩu phân đạm lớn nhất của Nga hiện nay.
Trước đó, Trung Quốc – quốc gia xuất khẩu phân bón lớn thứ hai thế giới đã ngưng đáng kể việc xuất khẩu 29 loại phân bón, bao gồm phân Urea, DAP, MAP, NPK, NP/NPS, MOP, SOP, Ammonium Chloride và Ammonium Nitrate kể từ ngày 15/10 nhằm đảm bảo nguồn cung nội địa khi hoạt động sản xuất phân bón tại nước này gặp nhiều khó khăn do thiếu hụt năng lượng và chi phí nguyên liệu đầu vào tăng cao.
Tờ The Guardian (Anh) cũng vừa cho biết Thổ Nhĩ Kỹ, một trong những quốc gia sản xuất phân bón chủ lực tại Châu Âu, đã ngưng xuất khẩu nhiều lô hàng phân bón.
Giới quan sát cảnh báo việc hàng loạt quốc gia xuất khẩu phân bón lớn nhất thế giới đồng loạt hạn chế nguồn cung và các khó khăn trong việc bổ sung nguồn cung, gia tăng sản lượng sẽ tạo ra cú sốc lớn trên thị trường phân bón toàn cầu và giá phân bón sẽ còn tiếp tục ở mức cao kỷ lục trong nửa đầu năm 2022.
Kể từ cuối tháng 6/2021 đến nay, giá phân bón Urea tại khu vực Trung Tây Hoa Kỳ đã tăng vọt thêm 60% - 70%; trong khi đó, giá phân DAP trên thị trường giao sau của thế giới đã tăng 20% - 25%.
Trong khi đó, diện tích canh tác trên toàn cầu trong niên vụ 2021/2022 đang có xu hướng gia tăng mạnh, khiến tốc độ gia tăng nhu cầu sử dụng phân bón tăng vọt so với tốc độ gia tăng nguồn cung.
Trong niên vụ 2021/2022, Trung Quốc dự kiến sẽ gia tăng mạnh sản lượng ngô nhằm giảm việc phụ thuộc nhập khẩu vào Hoa Kỳ và Brazil trong bối cảnh quy mô đàn lợn nước này đã phục hồi về như lúc trước khi dịch tả lợn Châu Phi bùng phát hồi năm 2018.
Diện tích canh tác lúa mì và đậu tương của Trung Quốc dự kiến cũng sẽ tăng mạnh. Brazil hiện cũng dự báo sản lượng ngô niên vụ 2021/2022 sẽ ở mức cao kỷ lục nhờ diện tích canh tác được mở rộng.
Quang Đặng (Theo Tạp Chí Công Thương)