“Nông dân có nguy cơ phải bỏ ruộng vì giá phân bón tăng không kiểm soát”.

Khởi phát từ cuối tháng 3/2021, giá phân bón vô cơ các loại đã đua nhau tăng giá. Không phủ nhận giá phân bón trong nước tăng là theo đà tăng của phân bón thế giới, đặc biệt đối với những chủng loại trong nước chưa sản xuất được và phải nhập khẩu 100%. Tuy nhiên, có một nghịch lý là nhiều loại phân bón trong nước sản xuất được với sản lượng đủ đáp ứng nhu cầu, hay như DAP chỉ đáp ứng được 60%-70% nếu chạy hết công xuất, nhưng vẫn tích cực xuất khẩu và đua nhau tăng giá với nhiều lý lẽ và biện hộ: “vẫn đảm bảo giá bán nội địa thấp hơn giá thế giới” và “do giá nguyên liệu đầu vào tăng”, rồi “nếu không tăng giá thì phân bón giá rẻ trong nước có thể thẩm lậu ra nước ngoài”.

Nông dân có nguy cơ phải bỏ ruộng vì giá phân bón tăng không kiểm soát
Ước tính, hiện giá ammonia tăng 37%, acid sulphuric tăng 500%, DAP tăng 51%, kali tăng 27% so với cùng kỳ 2020.

Thực tế, phải khẳng định giá tăng là do yếu tố CUNG-CẦU. Có lẽ cũng cần thẳng thắn xem xét đến trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, đặc biệt là Bộ Công Thương đã không đánh giá đúng nhu cầu và thực tế tồn kho trong nước, mặc dù đã có nhiều doanh nghiệp kinh doanh phân bón cảnh báo sớm. Bên cạnh đó là sự duy trì cứng nhắc Thuế Phòng vệ đối với phân DAP, MAP khiến giá phân nhập khẩu đã cao lại cao thêm hơn 1 triệu đồng/1 Tấn khi đưa vào lưu thông. Bên cạnh đó là phản ứng chậm chạp và bảo thủ khi không quyết liệt và nhanh chóng ra Quyết định tạm ngừng hoặc đánh thuế xuất khẩu đối với Urea và DAP cũng góp phần khiến giá phân bón tăng mạnh. Kết quả số lượng DAP và Urea xuất khẩu tăng trưởng mạnh mẽ 6 tháng đầu năm phải được coi là thành tích đáng buồn vì các lẽ: Giá xuất khẩu thường thấp hơn giá nhập khẩu cùng loại về trong cùng kỳ, như vậy vô hình chung những đặc ân về chính sách bảo hộ và những ưu ái chưa từng có của Nhà nước với mong muốn xây dựng các nhà máy sản xuất phân bón nhằm chủ động nguồn phân bón giá rẻ và ổn định cho nền sản xuất Nông nghiệp nước nhà, dường như đã không đạt kỳ vọng mà thực tế việc xuất khẩu đang trực tiếp chuyển một phần hỗ trợ trên không phải cho Nông dân trong nước! Thiên lý và vạn lý, thật đau xót khi nghe Nông dân thốt lên câu cảm thán ”chính sách thì nằm trong phòng lạnh trong khi Nông dân chết vì nắng khô ngoài ruộng”! Tại sao tạm dừng xuất khẩu lại chỉ có thể áp dụng khi “mất cán cân thanh toán nghiêm trọng”? Thiết nghĩ phải là ngược lại, khi mất cán cân thanh toán nghiêm trọng, không bảo đảm được nguồn ngoại tệ thì phải khẩn cấp ra Quyết định TẠM DỪNG hoặc đánh thuế cao để hạn chế nhập khẩu một số mặt hàng thiết yếu? Rõ ràng, nhìn từ thực tế việc tăng giá hỗn loạn như mất kiểm soát hiện nay, cần xem lại chính sách điều hành cứng nhắc hiện nay của các cơ quan quản lý có trách nhiệm. Nếu không có các giải pháp quyết liệt và hữu hiệu như kiểm soát về giá (Urea hiện vẫn là mặt hàng Nhà nước kiểm soát giá), tạm ngưng hoặc đánh thuế cao khi xuất khẩu đối với hàng DAP, Urea; tạm dừng áp thuế phòng vệ với DAP, MAP, với tình hình nông sản giảm sâu như hiện nay thì nguy cơ Nông dân bỏ ruộng vào vụ tới là rất lớn!

Các nhà quản lý nói rằng nhu cầu phân bón không tăng (có lẽ ngầm ý nói về nhu cầu chăm bón trực tiếp đối với Urea, DAP, Kali...), nhưng họ đã không tính đến 5 năm gần đây, Nông dân đã chuyển mạnh sang dùng NPK chuyên dụng phù hợp với từng thời kỳ sinh trưởng, đây cũng là thành công của các nhà khoa học khi khuyến khích Nông dân giảm tỷ lệ phân bón. Khi nhu cầu phân NPK tăng lên thì các loại phân đơn thay vì chạy thẳng ra ruộng đã đổ vào làm nguyên liệu cho các nhà máy sản xuất NPK! Thiết nghĩ cần phải thanh tra để minh bạch số liệu hàng sản xuất, số hàng xuất khẩu (so sánh với giá bán trong nước cùng kỳ), lượng bán ra và lượng tồn kho từng thời điểm để biết được lý do thực tế góp phần làm tăng giá bán phân bón trong nước của các nhà sản xuất DAP và Urea hiện nay!

VŨ DUY HẢI   (Tổng Giám Đốc Vinacam)

Logo Tập đoàn VinacamTập Đoàn Vinacam

Tập đoàn Vinacam là một Tập đoàn đa ngành nghề, chủ yếu về lĩnh vực nông nghiệp, chúng tôi tự hào là nhà nhập khẩu phân bón hàng đầu Việt Nam, các sản phẩm phân bón của Vinacam luôn được lựa chọn từ nhưng nhà sản xuất uy tín trên thế giới với chất lượng tốt giá cả cạnh tranh và bao bì đẹp

Văn Phòng Chính(Khu liên cơ quan) 28 Mạc Đĩnh Chi, P. Đa Kao, Q.1, TP. Hồ Chí Minh
Số ĐKKD: 0303800051 | Ngày cấp: 19/05/2005 | Sửa đổi lần 8 ngày: 10/10/2017 | Nơi cấp: Sở Kế Hoạch Và Đầu Tư TP.HCM
Bản quyền © 2007 Công ty Cổ phần Tập đoàn Vinacam.