Nông dân thua lỗ, doanh nghiệp phân bón lãi khủng

Giá phân bón tăng đột biến, khiến nhiều nông dân thua lỗ, trong khi các doanh nghiệp (DN) lãi "khủng". Theo các chuyên gia, giá phân bón tăng không loại trừ do đầu cơ, găm hàng của các DN.

Giá phân bón tăng liên tục khiến các đại lý thay đổi thông báo như chong chóng Ảnh: Minh Thành
Giá phân bón tăng liên tục khiến các đại lý thay đổi thông báo như chong chóng Ảnh: Minh Thành

Có mặt tại một đại lý phân bón tại đường Nhổn (Hoài Đức, Hà Nội), đập vào mắt chúng tôi là hàng loạt thông báo tăng giá của Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình được chủ đại lý in to dán trước cửa. Theo thông báo trên, giá bán phân Ure áp dụng từ ngày 5/6 là 9,1 triệu đồng/tấn. Đến ngày 12/6, có giá mới là 9,35 triệu đồng/tấn. Một thông báo khác cho hay, giá mới áp dụng sau 4 ngày sẽ lên 9,5 triệu đồng/tấn. 

Ông Trần Tiến Huy, chủ đại lý nói rằng, chưa bao giờ giá phân bón thay đổi liên tục như hơn 2 tháng nay. Cứ 2-3 ngày, đại lý lại nhận được một thông báo tăng giá mới. Nhiều khi hàng còn chưa kịp về, bảng báo giá dán cũ chưa kịp niêm yết đã phải thay giá mới. “Chúng tôi phải in và niêm yết công khai vì sợ người dân không tin lại bảo đại lý nâng khống. Giá phân bón tăng, chúng tôi cũng không sung sướng gì vì lượng tiêu thụ của cửa hàng cũng giảm đáng kể”, ông Huy nói. 

Ghi nhận của phóng viên Tiền Phong cho thấy, tình trạng giá phân bón tăng cao diễn ra hầu hết ở ngoại thành Hà Nội. Giá phân DAP hiện được một số đại lý bán với giá 790.000 - 800.000 đồng/bao, có nơi lại bán với giá 560.000 - 590.000 đồng/bao. Phân Kali miểng được cung ứng với giá 420.000 - 450.000 đồng/bao.

Theo Hiệp hội Phân bón Việt Nam, trong quý I, giá bán phân bón trong nước vẫn được duy trì ở mức thấp hơn so với giá thế giới. Song, từ đầu tháng 4 đến nay, mặt bằng giá liên tục tăng vọt. Giá nguyên liệu sản xuất phân bón và giá phân bón thế giới để sản xuất các loại phân bón tổng hợp trong tháng 6 cũng tăng mạnh so với tháng 12/2020. Cụ thể, phân đạm Ure tăng 62%, DAP tăng trên 54%, Kali tăng 45%, Ammonia tăng 60%.

Có hiện tượng đầu cơ, găm hàng?

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cho biết, nguyên nhân giá phân bón tăng cao thời gian qua là do ảnh hưởng của thị trường phân bón thế giới. Theo ông Trung, thời gian qua, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp buộc một số nhà máy sản xuất phân bón trên thế giới phải đóng cửa. Những nhà máy còn hoạt động đối mặt nguồn cung hạn chế hơn. Trong khi đó, giá nguyên liệu đầu vào tăng mạnh; giá amoniac, lưu huỳnh tăng tới 50 - 120% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, dịch bệnh khiến hệ thống logistics đứt gãy đẩy giá cước phí vận chuyển tăng 3 - 5 lần.

Theo Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, mỗi năm Việt Nam nhập khẩu khoảng 3 triệu tấn phân bón các loại, và sản xuất hơn 7,4 triệu tấn. Tổng công suất thiết kế của các nhà máy sản xuất trong nước là 34 triệu tấn/năm. Do đó, Việt Nam hoàn toàn tự chủ sản xuất phân bón. 

Tính đến hết 5 tháng đầu năm, sản lượng phân bón tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái, nhu cầu sử dụng phân bón không tăng, liệu có hiện tượng đầu cơ, găm hàng của các DN? Ông Trung nói rằng, ở một số khu vực, các DN, đại lý đang tạo khan hiếm giả. “Nếu tính toán theo các con số trên, hoàn toàn không có chuyện khan hiếm phân bón để bán cho người dân. Vừa qua, ở một số địa phương đã xảy ra tình trạng khan hiếm ảo. Trước tình hình này, Cục đã yêu cầu các DN tối đa hóa công suất để đảm bảo nguồn cung trong nước với giá bán hợp lý nhất, minh bạch hóa toàn bộ sản lượng, giá ra khỏi nhà máy, ưu tiên vùng tiêu thụ nhiều như Đồng bằng sông Cửu Long”, ông Trung nói.

Theo ghi nhận của phóng viên Tiền Phong, thời gian qua, 3 nhà máy sản xuất phân bón DAP, MAP của Việt Nam có công suất 710.000 tấn/năm nhưng thực tế không nhà máy nào chạy hết công suất. Nhà máy DAP Đình Vũ của Công ty Cổ phần DAP - VINACHEM năm 2020 sản xuất được 207.000 tấn trong khi tổng công suất thiết kế là 330.000 tấn/năm. Công ty Cổ phần DAP số 2 Vinachem năm 2020 sản xuất được 260.000 tấn trong khi công suất thiết kế 330.000 tấn/năm. Công ty Cổ phần Tập đoàn Hóa chất Đức Giang hiện có sản lượng 100.000 tấn/năm.

Trong khi đó, các DN không ngừng tăng xuất khẩu. Trong 5 tháng đầu năm, xuất khẩu phân bón của các DN trong nước đạt 576.828 tấn (tăng 50% về lượng so với cùng kỳ năm 2020 ) và giá trị thu về tăng trên 66%, đạt 185,74 triệu USD.

Một đại diện Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho rằng, không loại trừ việc giá phân bón tăng mạnh ở thị trường trong nước thời gian quan là do yếu tố đầu cơ đẩy giá của các nhà phân phối tại thị trường nội địa. Theo vị này, các nhà máy sản xuất phân bón trong nước đang được hưởng rất nhiều ưu đãi từ chính sách của Chính phủ. 

Nông dân điêu đứng

Giá phân bón tăng cao trong bối cảnh đầu ra của nhiều nông sản đang gặp khó khiến không ít nông dân chật vật. Ông Trần Văn Đức (xã An Vĩ, huyện Khoái Châu, Hưng Yên) cho biết, gia đình ông trồng hơn 1 mẫu ruộng cỏ ngọt. Mỗi tháng ông phải mua hơn 120 kg phân đạm để bón cho từng luống. Trong lúc cây đang độ phát triển, giá phân bón tăng nhanh, nên gia đình đành ngậm ngùi cắt cỏ để bán sớm. “Mỗi lần đi mua là lại một giá. Từ đầu năm, giá phân đạm tăng gần 3 lần, trong khi giá cỏ ngọt ngày càng giảm. Vụ này, riêng tiền phân bón đã chiếm mất hơn 50% chi phí sản xuất, 1 mẫu cỏ ngọt mất rất nhiều công chăm sóc nhưng giá phân bón liên tục tăng khiến gia đình không còn lãi”, ông Đức nói.

Các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh này, các DN cần chia sẻ khó khăn với nông dân. Ngoài ra, Chính phủ nên bỏ hoặc hạ mức thuế tự vệ đối với phân bón nhập khẩu để người nông dân có thể tiếp cận giá phân bón phù hợp. 

siêu lợi nhuận

Theo ghi nhận của phóng viên Tiền Phong, trong khi người nông dân chịu thua lỗ vì giá phân bón tăng liên tục, các DN trong ngành lại thu được mức lợi nhuận chưa từng có. Tính đến hết quý I, doanh thu của Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí tăng 28% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó lợi nhuận sau thuế đạt gần 171 tỷ đồng, tăng 73%. 

CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau cũng đạt mức lợi nhuận sau thuế là 152 tỷ đồng, tăng 65% so với cùng kỳ năm ngoái. CTCP Phân bón Bình Điền ghi nhận doanh thu kỷ lục, đạt gần 1.767 tỷ đồng, lãi sau thuế gấp 14,5 lần. CTCP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao có mức lợi nhuận sau thuế là 24 tỷ đồng, gấp 6 lần cùng kỳ năm ngoái.

DƯƠNG HƯNG (Theo Tiền Phong)