Quảng Bình - Nước mặn dâng, lúa khô quắt đồng
Nắng nóng, nhiệt độ cao suốt ngày và trời không mưa khiến các địa phương trong tỉnh Quảng Bình đang đối mặt với đợt hạn hán hiếm thấy trong vài chục năm qua…
Gần 3 tháng nắng nóng và không mưa, nước sông Gianh đã bị xâm nhập mặn nghiêm trọng. Hàng ngàn ha lúa hè thu của các địa phương lấy nguồn nước tưới từ sông Gianh đang có nguy cơ mất trắng…
Nước mặn dâng… lập đỉnh
Những năm trước, sông Gianh là nguồn cung cấp nước tưới cho những cánh đồng, ruộng lúa của các xã thuộc huyện Quảng Trạch, Tuyên Hóa… Dọc hai bên sông, có 13 trạm bơm công suất lớn có nhiệm vụ bơm nước từ sông Gianh lên hệ thống kênh, mương dẫn về đồng ruộng và phục vụ nước sinh hoạt cho nhân dân.
Nhưng năm nay, thời tiết thay đổi theo chiều hướng khắc nghiệt hơn. Nắng nóng kéo dài, liên tục và nhiều tháng không có mưa khiến lượng nước ngọt sông Gianh sụt giảm. Nước biển đã xâm nhập tăng lên từng ngày.
Báo cáo của cơ quan chức năng cho biết, đến giữa tháng 7/2020, nước mặn xâm nhập lên thượng nguồn sông Gianh đã lập đỉnh.
Theo ông Trần Xuân Tiến, Chi cục phó Chi cục Thủy lợi Quảng Bình, hiện nước mặn đã lên đến tận thượng nguồn sông Gianh, đoạn qua xã Đức Hóa (huyện Tuyên Hóa). Khoảng cách từ cửa sông lên đến vùng bị xâm nhập mặn kéo dài khoảng 30 cây số.
“Nếu thời tiết vẫn không có mưa thì nước mặn còn lên cao hơn”, ông Tiến cho hay.
Tại trạm bơm Rào Trổ (nhánh sông này nhập vào sông Gianh ở đoạn thuộc xã Mai Hóa - huyện Tuyên Hóa, cách ngã ba khoảng 1 cây số về phía thượng nguồn), tỷ lệ mặn đo được 1/1.000 ml.
Tương tự, tại điểm sông Gianh thuộc xã Phong Hóa (sát xã Đức Hóa), độ mặn cũng cho con số tương tự.
Ông Bùi Thái Nguyên, Giám đốc Trung tâm nước (Sở NN -PTNT Quảng Bình) chia sẻ: “Theo số liệu để lại thì đây là thời điểm xâm nhập mặn trên sông Gianh lập đỉnh trong vòng 30 năm qua”.
Việc mặn xâm nhập sâu đã làm ảnh hưởng lớn đến đời sống, sản xuất của nhân dân hai bên bờ sông Gianh.
Nhiều hộ dân các xã Văn Hóa, Phong Hóa, Đức Hóa… đã đề nghị các đơn vị cung ứng nước sinh hoạt bơm nước nhiễm mặn lên để bà con đưa vào bể lọc lấy nước tắm giặt. Riêng nước ăn uống phải mua nước bịch nhựa (loại 20 lít) hoặc chở nước ngọt từ nơi xa về dùng.
Hàng trăm hộ dân của các địa phương đầu tư nuôi thả cá lồng ven sông Gianh cũng phải cấp tốc thu hoạch hoặc di dời lồng cá lên phía thượng nguồn cách xa vùng bị xâm nhập mặn.
Ông Lê Văn Ba (xã Phong Hóa) cho biết: “Nhà có 3 lồng cá mới thả chưa thu hoạch được nên phải thuê người phụ trợ đến đưa lên trên nguồn. Nếu không kịp thời thì có thể cá bị nước mặn làm sốc nước chết hết liền”.
Đồng ruộng khô cháy chờ mưa
Ông Phan Thanh Hường, Phó Chủ tịch UBND xã Châu Hóa (huyện Tuyên Hóa) cho hay: “Nắng hạn kéo dài, cùng với việc thiếu nước, hơn 100ha lúa hè thu năm 2020 của xã bị thiêu cháy. Mất mùa và thiếu đói có thể đã nhìn thấy”.
Chúng tôi về thôn Uyên Phong (xã Châu Hóa) vào gần xế trưa. Dù đã đội mũ, nắng nóng hầm hập vẫn cứ làm cho người như ngây dại đi. Ông Phan Xuân Tiến (nông dân ở thôn Uyên Phong) đưa chúng tôi ra cánh đồng Cây Sanh để thấy ruộng khô, lúa chết.
Ông Tiến bẻ một cành tre, ngồi xổm giữa ruộng rồi chọc cành tre xuống vết nứt toác trên ruộng. Kéo cành tre lên, ông lắc đầu trong nắng hạn: “Lỗ nứt sâu đến gần nửa mét chứ chơi đâu. Nếu trời có thương cho mưa xuống thì nước cũng chỉ chui lỗ nẻ hết chứ cây lúa làm sao có được”.
Kéo chúng tôi tránh nắng dưới bóng râm của bụi tre lớn đầu cánh đồng, ông Tiến cho hay, nhà có 5 sào ruộng bây giờ đã hết hy vọng rồi.
“Những nơi khác, lúa đã trổ đòng, còn lúa trên cánh đồng này thì chỉ cao nửa gang tay người lớn và ngọn đã cháy phất phơ rồi. Nếu có nước cũng không thể hồi phục được nữa. Mất trắng đã được nhìn thấy”, ông Tiến thở hắt.
Đất ruộng khô nứt nẻ. Cánh đồng lúa rộng hơn 40ha của thôn Uyên Phong héo queo dưới cái nắng nóng như đổ lửa. Biết những mảnh ruộng nhà mình không còn cứu vãn được nữa nhưng nông dân trong thôn vẫn ra đồng như thói quen và mỗi lần vậy lại thấy lòng cháy héo theo.
Trưởng thôn Uyên Phong, ông Trần Đức Lưu bảo, năm nay, khi mới bước vào vụ mùa, thấy trời có mưa, người dân khấp khởi vui mừng, hè nhau gieo cấy cho kịp thời vụ.
Nhưng suốt gần 3 tháng qua, từ khi cây lúa cắm chân trên ruộng cho đến giờ, không hề có giọt mưa nào. Nước sông Gianh nhiễm mặn nên mấy trạm bơm phải dừng. Vậy là, cánh đồng lúa 2 vụ phải ngắc ngoải chờ mưa thôi.
“Mà bây giờ có mưa lớn cũng không thể cứu vãn được việc mùa mất trắng”, ông Lưu buồn bã nói thêm.
Vụ hè thu này, cả thôn Uyên Phong gieo cấy được 46ha lúa. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, đã có khoảng 43ha lúa bị chết do hạn hán. Diện tích ít còn lại may nhờ có nước khe dẫn về tưới, nhưng cũng chỉ ẩm ướt đất nên cây lúa phát triển kém, chắc chắn năng suất sẽ thấp.
Theo ông Lưu, trưởng thôn, vụ đông xuân cứ tưởng được mùa. Khi lúa sắp chín thì gặp trận lốc tố lớn làm đổ rạp hết. Thu hoạch, năng suất lúa giảm mạnh. Bà con hy vọng có vụ hè thu bù lại, ai ngờ, giờ lúa khô chết trên đồng…
“Tui đang lo lắng cho bà con đây. Mấy vụ kế nhau đều thất bát. Lương thực thiếu là điều chắc chắn rồi. Chỉ sợ bà con lâm vào cảnh thiếu đói thôi”, ông Lưu nói khó nhọc.
Ông Phan Thanh Hường, Phó Chủ tịch UBND xã Châu Hóa cho biết, vụ hè thu 2020, người dân gieo cấy trên 100ha lúa. Thế nhưng hiện đã có 96ha lúa bị thiệt hại hoàn toàn do hạn hán. Còn lại hơn 14ha diện tích có nước tự chủ từ khe trong rừng cộng đồng.
“Tuy vậy, số diện tích này phát triển kém nên không hy vọng có năng suất như mấy năm trước đâu”, ông Hường nói.
Vụ hè thu năm ngoái, tình hình hạn hán đã diễn biến phức tạp nên chính quyền xã vận động bà con chuyển đổi gần 15 ha đất trồng lúa sang trồng các loại đỗ xanh, đỗ đen, mè (vừng). Nhưng việc chuyển đổi cũng khó thành công.
Ông Tiến kể nhà có 3 sào chuyển trồng mè. Năm ngoái thu được 1,2 tạ bán được 7 triệu đồng. Năm nay hạn quá, thu hoạch bán chỉ được hơn 2 triệu đồng.
“Cây mè chịu hạn giỏi nhất mà không chịu được thì đừng nói cây gì sống nổi”, ông Tiến bộc bạch.
Ông Hường chạy xe máy, băng qua những cánh đồng khô hạn đến vùng chuyển đổi trồng đậu xanh. Nắng quá, đậu xanh chết nhiều, số ít còn lại cằn cỗi không chịu ra hoa vì khó chịu nổi nhiệt, hạn.
“Nắng hạn dữ quá, lúa khô quéo, cây đậu, mè chuyển đổi cũng thất thu nặng. Nếu hạn hán kéo dài và diễn ra trong cả năm tới thì thật khó cho bà con. Địa phương chúng tôi chủ yếu làm nông và đang phát triển nuôi cá lồng ven sông Gianh. Bây giờ đã là thế khó”, ông Hường thốt lên.
TÂM PHÙNG (Theo NNVN)