Oan cho phân đạm Urê

Giá phân bón tăng do giá nguyên liệu sản xuất phân bón trên thị trường thế giới tăng. Lí do này chỉ đúng với DAP, còn nguyên liệu làm Urê là than đá và khí thiên nhiên được khai thác trong nước sao lại tăng giá...?

Có những nghịch lý đang tồn tại trên thị trường phân bón Việt Nam .
Có những nghịch lý đang tồn tại trên thị trường phân bón Việt Nam .

Sau thời gian dài chờ đợi, hơn 70 triệu nông dân trong cả nước đã có cơ hội tiếp cận nguồn phân bón giá hợp lý khi ngày 11/8 vừa qua lãnh đạo hai bộ gồm Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đã ngồi cùng nhau bàn bạc và đưa ra quyết tâm bình ổn giá phân bón trong nước.

NGHỊCH LÝ NGUỒN CUNG DƯ THỪA GIÁ VẪN TĂNG 

Tại cuộc họp này lãnh đạo hai bộ đã quyết định triệu tập lãnh đạo các doanh nghiệp sản xuất phân bón lớn của Việt Nam để cùng bàn phương án hạ nhiệt giá phân bón trong nước.

Khi các ngành sản xuất công nghiệp, dịch vụ du lịch trong nước gặp khó khăn do địa dịch Covid – 19 thì nông nghiệp trở thành ngành cứu cánh cho nền kinh tế. Đó là lí do không thể để ngành nông nghiệp gặp khó khăn do giá phân bón tăng mạnh như thời gian qua.

Một thông tin “không mới” được đưa ra ngay đầu cuộc họp nhưng lại trở nên “lạ” với thị trường phân bón hiện nay.

Đó là thông tin cả nước hiện có 841 nhà máy sản xuất phân bón, với công suất gần 30 triệu tấn/năm, trong khi nhu cầu thị trường trong nước chỉ khoảng 10 triệu tấn. Lượng xuất khẩu mỗi năm chưa đến 1 triệu tấn mỗi năm.

Đó là chưa tính đến lượng phân bón nhập khẩu gần 4 triệu tấn mỗi năm. Như vậy, công suất sản xuất của các nhà máy trong nước đang gấp 3 lần so với nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. 

Thực tế ngược lại, theo số liệu từ Bộ Công Thương thì từ đầu năm 2021 đến nay, giá phân bón phân Urê Cà Mau tăng 73%, Urê Phú Mỹ tăng 83,7%, DAP Đình Vũ tăng 67,3%, DAP 64% nhập khẩu Trung Quốc tăng 50%, Kali miểng Israel tăng 72,9%...

Theo lí thuyết, khi cung vượt cầu quá cao thì Việt Nam phải rơi vào tình trạng “khủng hoảng thừa” phân bón. Như vậy giá phân bón không thể tăng mạnh.

Tại Hội nghị, ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật  - Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn khẳng định giá phân bón trong nước tăng không phải do cầu vượt cung.

Kể cả việc lượng phân bón xuất khẩu của Việt Nam từ đầu năm 2021 đến nay tăng mạnh nhưng tổng nguồn cung phân bón cho sản xuất trong nước vẫn được đảm bảo với trên 4 triệu tấn. Do đó lí do thiếu hàng phải tăng giá bán phân bón trên thị trường trong nước là không chính xác.

Các lãnh đạo doanh nghiệp phân bón lớn tham dự hội nghị đều cho rằng nguyên nhân chính là do giá nguyên liệu đầu vào để sản xuất phân bón tăng. Cộng với chi phí vận chuyển tăng do tác động của dịch Covid-19.

Ngoài ra, ông Nguyễn Văn Thanh, Cục trưởng Cục Hóa chất  - Bộ Công Thương còn cho rằng giá phân bón tăng là do giá nông sản trên thế giới liên tục tăng trong thời gian qua. Cùng với đó là tình hình thời tiết thuận lợi đã thúc đẩy sản xuất nông nghiệp tăng nên kéo theo nhu cầu phân bón tăng.

BIÊN ĐỘ LỢI NHUẬN BÁN URÊ ĐANG CAO HƠN BÁN DAP

Bên ngoài Hội nghị, một số đại lý phân bón khi được VnEconomy hỏi đã thẳng thắn rằng không thể có chuyện trong kho dư thừa lại tăng giá để không bán được hàng.

Không ai sản xuất ra hàng hoá lại muốn tồn đọng trong kho vì dòng tiền quay vòng nhanh quan trọng hơn giá bán cao nhưng dòng tiền chậm quay vòng.

Cơ quan quản lý Nhà nước cần kiểm tra thực tế lượng phân bón các nhà mày đã sản xuất ra và lượng tiêu thụ thực tế trên thị trường, kiểm tra từng kho hàng, đại lý cấp 1 để biết hàng đang được “găm” ở đâu.

Trong trường hợp cung vượt quá cầu mà giá vẫn tăng mạnh chỉ có nguyên nhân là do “găm” hàng đầu cơ. 

Nhiều chủ đại lý còn cho biết, đến nay các đại lý đang rất khó tiếp cận nguồn phân bón từ các nhà máy lớn như Cà Mau, Phú Mỹ, Lào Cai, Hà Bắc, Ninh Bình… Nguyên nhân là các đại lý không được nợ tiền hàng như trước, thậm chí còn phải đặt cọc trước trong khi bán hàng cho người nông dân thì phải cho họ trả chậm.

Về nguyên nhân giá nguyên liệu đầu vào tăng mạnh thời gian qua, nhiều chủ đại lý cho biết chỉ đúng với phân bón DAP...

Nếu các lãnh đạo doanh nghiệp sản xuất phân bón, lãnh đạo Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nói giá phân đạm Urê tăng do nguyên liệu đầu vào là "oan" cho Urê.

Theo tìm hiểu của VnEconomy, phân đạm Urê có công thức hoá học là (NH2)2CO. Trong tự nhiên, phân đạm Urê tồn tại trong nước tiểu của các loài động vật và con người, còn trong công nghiệp phân đạm Urê được sản xuất bằng khí thiên nhiên hoặc than đá.

Thực tế công nghệ sản xuất phân đạm Urê là lấy khí thiên nhiên kết hợp với khí trời (Oxy, Nitơ) và hơi nước.

Hiện nay, Việt Nam có nhà máy phân đạm Hà Bắc và Ninh Bình đang dùng than đá làm nguyên liệu đầu vào để sản xuất phân đạm Urê. Các nhà máy này dùng công nghệ đốt than đá để tạo thành khí thiên nhiên rồi cho kết hợp với khí trời, hơi nước để làm thành phân đạm Urê.

Còn nhà máy Đạm Cà Mau và Đạm Phú Mỹ dùng khí đồng hành (khí thiên nhiên) dẫn trực tiếp từ các mỏ khai thác của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam là mỏ dầu Bạch Hổ, các mỏ trong bể Cửu Long… để làm nguyên liệu.

Như vậy, nguyên liệu đầu vào sản xuất phân đạm Urê không phụ thuộc vào giá nguyên liệu trên thị trường thế giới do than đá và khí thiên nhiên được khai thác trực tiếp trong nước.

Theo khảo sát của VnEconomy, từ đầu năm 2021 đến nay giá than đá khai thác trong nước trên thị trường nội địa hiện nay có mức tăng cao nhất 3,6% so với thời điểm cuối năm 2020.

Mới đây, ông Lê Minh Chuẩn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) cho biết lượng than tồn kho của TKV đã lên đến 17,5 triệu tấn. Đây là lượng tồn kho cao nhất từ trước đến nay của TKV.

Điều đó cho thấy nguồn cung than đá trên thị trường khá dồi dào, việc tăng giá nhẹ thời gian qua là ảnh hưởng của giá than trên thị trường thế giới tăng do nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc từ Indonesia tăng mạnh.

Khí tự nhiên, than đá chiếm khoảng 70% giá thành sản phẩm Urê nên giá khí và than đá đang ở vùng thấp như hiện nay sẽ giúp các doanh nghiệp sản xuất Urê có được biên lợi nhuận do giá bán sản phẩm thường giảm ít hơn tốc độ giảm của giá đầu vào.

VnEconomy cũng đã tiến hành khảo sát giá khí thiên nhiên trên thị trường thế giới cho thấy, từ cuối năm 2020 đến cuối tháng 6/2021 giá đi ngang.

Còn tại Việt Nam, tham chiếu từ báo cáo của Tổng Công ty Khí Việt Nam cho thấy, giá bán khí khô tại miệng giếng bể năm 2021 chỉ tăng khoảng 2% so với năm 2020.

Than đá và khí thiên nhiên chiếm khoảng 97% nguyên liệu đầu vào sản xuất phân đạm Urê và chiếm khoảng 70% giá thành sản phẩm. Như vậy, với mức tăng giá nhẹ như vậy không thể trở thành lý do để phân đạm Urê Cà Mau tăng tới 73%, Urê Phú Mỹ tăng tới 83,7%.

Nghịch lý là mức tăng giá của Urê cao hơn DAP cho dù DAP phải nhập khẩu hầu hết nguyên liệu đầu vào nên chịu ảnh hưởng từ việc tăng giá của các nhà cung cấp thế giới. 

Biên độ tăng giá của phân đạm Urê cao hơn biên độ tăng giá của DAP, loại phân bón phụ thuộc phần lớn vào nguyên liệu nhập khẩu. Như vậy, biên độ lợi nhuận của các nhà máy khi bán Urê sẽ cao hơn bán DAP.


LÂM PHONG (Theo VNECONOMY)

Logo Tập đoàn VinacamTập Đoàn Vinacam

Tập đoàn Vinacam là một Tập đoàn đa ngành nghề, chủ yếu về lĩnh vực nông nghiệp, chúng tôi tự hào là nhà nhập khẩu phân bón hàng đầu Việt Nam, các sản phẩm phân bón của Vinacam luôn được lựa chọn từ nhưng nhà sản xuất uy tín trên thế giới với chất lượng tốt giá cả cạnh tranh và bao bì đẹp

Văn Phòng Chính(Khu liên cơ quan) 28 Mạc Đĩnh Chi, P. Đa Kao, Q.1, TP. Hồ Chí Minh
Số ĐKKD: 0303800051 | Ngày cấp: 19/05/2005 | Sửa đổi lần 8 ngày: 10/10/2017 | Nơi cấp: Sở Kế Hoạch Và Đầu Tư TP.HCM
Bản quyền © 2007 Công ty Cổ phần Tập đoàn Vinacam.