Phân bón lại `sốt` giá! `Sốt` thật hay `sốt` ảo?

Mấy ngày qua thị trường phân bón bỗng 'lên cơn sốt' giá gây hoang mang, lo lắng cho bà con Nông dân. Nên nhìn nhận thế nào về 'cơn sốt' này? Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu bài phân tích và nhận định của ông Vũ Duy Hải, Tổng Giám đốc Công ty CP Vinacam, để bà con tham khảo.

Theo bản tin “Thông tin Thương mại” mới cập nhật về Tình hình nhập khẩu phân bón tháng Chín và 9 tháng đầu năm 2009 thì năm 2009, nhu cầu phân bón của nước ta nhìn chung không biến động nhiều so với năm 2008, dự kiến nhu cầu phân bón cho nông nghiệp sẽ vào khoảng 8 đến 8,5 triệu tấn phân bón các loại. Trong đó, Urea cần khoảng 1,7 triệu tấn; NPK cần 2,5 – 3 triệu tấn; phân lân 1,7 triệu tấn; Kali 800 ngàn tấn; DAP cần 750 ngàn tấn và phân bón SA cần 750 ngàn tấn.

Và theo dự kiến thì sản xuất trong nước năm 2009, của Urea khoảng 950 ngàn tấn, còn lại phải nhập khẩu 750 ngàn tấn. Phân bón DAP dự kiến sản xuất được 150 - 160 ngàn tấn từ dự án DAP Hải Phòng còn lại phải nhập khẩu khoảng 600 - 650 ngàn tấn. Về phân chứa lân (supe lân, lân nung chảy) và phân hỗn hợp NPK, trong nước có khả năng sản xuất đáp ứng cơ bản nhu cầu (dự kiến 1,6 triệu tấn NPK). Phân bón SA và Kali phải nhập khẩu hoàn toàn

Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, tính toán cân đối cung cầu, có thể thấy thị trường đang bắt đầu có hiện tượng dư cung, ở một số chủng loại, lượng nhập về đã cao hơn khá nhiều so với dự kiến, như: DAP cao hơn 32,2% , SA: 21%, đáng chú ý Urea cao hơn tới 44,53%.

 Tuy vậy, mấy ngày qua, giá phân bón hóa học tăng liên tục đã làm thị trường sôi động trở lại sau những ngày buồn tẻ. Theo chúng tôi, việc giá phân bón tăng là do các nguyên nhân sau:

  1. Thị trường phân bón trong nước sụt giảm trong một thời gian dài do các DN nhập khẩu về nhiều nay nhân cơ hội “té nước theo mưa” khi giá phân bón trên thị trường thế giới biến động tăng.
  2. Việc tăng nóng của giá vàng kéo theo sự khan hiếm và tăng giá của USD khiến các DN hạn chế mở L/C nhập khẩu làm nguồn cung giảm sút, tạo cảm giác thiếu hụt tàu phân bón cập cảng khiến giá phân bón trong nước tăng.
  3. Cùng lúc, Miền Tây bắt đầu vào vụ Đông-Xuân, giá nông sản tăng đột biến, tạo tâm lý phấn chấn cho nông dân cả nước, các doanh nghiệp tồn hàng lớn nhân đà găm hàng lại làm giá, khiến hút hàng, tăng giá.

Như vậy, có thể thấy việc tăng giá chủ yếu là do yếu tố tâm lý. Trong thực tế, lượng phân hóa học còn tồn kho trong nước đủ để cung cấp cho nhu cầu sản xuất tới cuối năm (chỉ có Kali có thể thiếu). Với nhận định trên, Vinacam cho rằng việc tăng giá phân bón chỉ trong ngắn hạn và sẽ sớm ổn định trong tháng 12/2009.

Mong bà con nông dân bình tĩnh, tỉnh táo trong việc mua, tích trữ phân bón để tránh thiệt hại không đáng có.

VŨ DUY HẢI