TẤT CẢ ĐỀU PHẢI TUÂN THEO PHÁP LUẬT.
Chúng ta đang xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN mà một trong các yếu tố của Nhà nước pháp quyền là phải tôn trọng tính tối cao của pháp luật. Tất cả các tổ chức, mọi công dân, kể cả nhà nước đều phải chấp hành pháp luật và tuân thủ pháp luật vô điều kiện.
Nghiên cứu nội dung các bài viết trên các báo (Nông nghiệp, Pháp luật, Bảo vệ Pháp luật, Tuổi trẻ, Thanh tra Chính phủ, Diễn đàn Doanh nghiệp..) thời gian qua về tranh chấp giữa TCty VTNN và Công ty cổ phần Vinacam, chúng tôi có mấy ý kiến như sau:
1) Về pháp lý thì Tổng công ty vật tư nông nghiệp Việt Nam và Công ty cổ phần Vinacam là hai đơn vị độc lập, có tư cách pháp nhân độc lập, không phụ thuộc vào nhau và hai đơn vị này đều phải hoạt động theo quy định của pháp luật hiện hành.2) Công ty cổ phần Vinacam được quy định tại điều 77 luật doanh nghiệp, được thành lập 19-05-2005, trong đó tổng công ty vật tư nông nghiệp chỉ là một cổ đông, khi tổng công ty bán toàn bộ cổ phiếu cho công ty cổ phần Vinacam, công ty cổ phần Vinacam đã thanh toán đủ tiền thì từ thời điểm này Tổng công ty vật tư nông nghiệp không còn tư cách cổ đông, quyền lợi và nghĩa vụ đã chấm dứt (Phù hợp với điều 29, Điều 84 của luật Doanh nghiệp hiện hành).
3) Toà nhà 28 Mạc Đỉnh Chi do Vigecam bỏ tiền ra xây dựng, có giấy phép hợp lệ sau khi nhà của công ty quản lý và kinh doanh nhà Thành phố Hồ Chí Minh cho thuê đã sụp đổ. Tổng công ty đã góp vốn vào Vinacam, sau đó đã bán hết cổ phần, chấm dứt mọi quyền và nghĩa vụ của mình tại Vinacam nhưng lại yêu cầu cho tiếp nhận hai tầng toà nhà 28 Mạc Đỉnh Chi là không có cơ sở pháp lý. Theo tôi đây là tranh chấp dân sự, Tổng công ty vật tư nông nghiệp có thể khởi kiện ra toà án. Nhưng e rằng thời hiệu không còn (Thời hiệu khởi kiện là 2 năm theo điều 159K3BLT2DS) vả lại anh đi đòi cái mà anh không có thì thua kiện là cái chắc !
4) Mọi vấn đề liên quan giữa Tổng công ty vật tư nông nghiệp Việt Nam và Công ty cổ phần Vinacam đều phải tuân theo luật doanh nghiệp và luật dân sự hiện hành. Tất cả các mệnh lệnh hành chính như công văn số 1799/BNN, - ĐMDN đều thể hiện sự can thiệp không đáng có của một cơ quan cấp bộ, đồng thời nó thể hiện sự không tuân thủ những quy định của pháp luật, không tôn trong tính tối thượng của pháp luật, một yếu tố cơ bản của Nhà nước pháp quyền XHCN.
Tp.Hồ Chí Minh ngày 20/10/2008
Luật sư: Vũ Văn Thìn
Chủ tịch Hội Luật gia Quận 9 Tp.Hồ Chí Minh