Thuế phòng vệ phân DAP và MAP - Nông dân lãnh đủ
Bộ công thương bắt đầu áp thuế phòng vệ lên mặt hàng DAP và MAP 1.128.531 VNĐ/tấn vào năm 2017 và 1.072.104 VNĐ/tấn trong năm 2018 đến hết ngày 6/3/2020. Nông dân ngóng chờ thuế phòng vệ dự kiến được bỏ sau ngày 6/3/2020 để được mua sản phẩm phân bón giá rẻ phục vụ cho sản xuất tuy nhiên hai ông lớn sản xuất DAP trong nước là DAP Lào Cai và DAP Đình Vũ đang rục rịch nộp đơn xin bảo hộ để tiếp tục hưởng lợi trên sức lao động của người nông dân thêm 2 năm nữa.
Nông sản Việt Nam nội công ngoại kích, nông dân lãnh đủ.
Giá gạo 5% tấm của Việt Nam hiện đang được giao dịch loanh quanh ở mức 340-350 USD/mt FOB HCM trong đầu tuần tháng 8, 2019 so với mức 450 USD/mt FOB cùng kỳ 2018. Giá lúa thương phẩm 504 tại đồng bằng sông cửu long đang được giao dịch ở mức giá 3800vnd/kg, giảm hơn 1.000 VNĐ so với cùng kỳ năm ngoái. Giá cà phê Việt Nam đang được giao dịch ở mức 32.000 VNĐ/kg tại khu vực tây nguyên và tiêu đang được giao dịch ở mức 42.000-43.000 VNĐ/kg so với mức giá 60.000 VNĐ/kg trong năm 2018 và mức 81000 VNĐ/kg trong năm 2017. Giá cả các loại cây ăn trái cũng giảm thảm hại ở mức 18.000vnd-20.000 VNĐ/kg cho loại măng cụt loại 1 so với đầu mùa ở mức 40.000 VNĐ - 60.000 VNĐ, và mít thái cũng trong tình trạng bi đát tương tự với giá từ 10.000 VNĐ đến 18.000 VNĐ, giảm từ mức 70.000 VNĐ - 80.000 VNĐ.
Nông dân Việt Nam vẫn trồng trọt theo quy mô nhỏ lẻ và chưa được tập trung, cũng như chưa có sự định hướng tốt từ cơ quan chức năng do đó các nông sản vẫn tập trung bán cho các đầu mối xuất khẩu tiểu ngạch. Tuy nhiên, Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính; Chính phủ hai nước đã thống nhất quản lý xuất nhập khẩu theo hướng chuyển dần sang chính ngạch, giảm dần tiểu ngạch. Doanh nghiệp Việt phải vượt qua nhiều rào cản kỹ thuật nếu muốn xuất khẩu vào thị trường này. Hiện tại Trung Quốc đã áp dụng biện pháp truy xuất nguồn gốc với các loại nông sản xuất khẩu trong đó quy định rằng sản phẩm phải có nguồn gốc rõ ràng từ khâu nhà vườn đến khâu đóng gói, phải đăng ký với cơ quan chức năng trung quốc mới được thông quan.
Trong khi các nông dân đang loay hoay tìm đầu ra cho sản phẩm của mình thì họ vẫn phải mua phân bón nội địa với mức giá cao xuất phát từ việc hai ông lớn làm ăn thua lỗ được nhà nước bảo hộ.
Phân bón nội địa giá cao.
Ngày 4 tháng 8 năm 2017 bộ công thương ban hành quyết định số 3044/QĐ-BCT về việc áp thuế tạm thời với mức là 1.855.790 đồng/tấn đối với loại phân bón DAP và MAP nhập khẩu vào Việt Nam, biện pháp này có hiệu lực từ ngày 19/8/2017 đến ngày 06/3/2018.
Các sản phẩm phân bón DAP và MAP nhập khẩu vào Việt Nam được áp dụng biện pháp thuế tự vệ kể từ 02/03/2018
Ngày 02 tháng 3 năm 2018, Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 686/QĐ - BCT về việc áp dụng biện pháp tự vệ chính thức đối với sản phẩm phân bón DAP và MAP nhập khẩu vào Việt Nam với mức thuế tự vệ chính thức là 1.128.531 đồng/tấn. Biện pháp này có hiệu lực từ ngày 07/3/2018. Biện pháp này có hiệu lực đến 6/3/2020, nếu không có quyết định gia hạn lại. Biện pháp này đưa ra nhằm để bảo vệ hai ông lớn sản xuất DAP trong nước là DAP Lào Cai và DAP Đình Vũ. Điều đáng nói hai công ty trực thuộc tập đoàn Vinachem này sản xuất loại phân bón DAP chỉ đạt tối đa hàm lượng 61% trong khi đó chuẩn thế giới là 64% cho tổng hàm lượng Ni-tơ cộng với Phót Pho.
Cả nước Việt Nam mỗi năm tiêu thụ hơn 1,2 triệu tấn DAP các loại trong khi đó hai nhà máy trong nước kết hợp lại sản xuất được trên dưới 600 nghìn tần một năm. Việt Nam vẫn phải nhập từ 500 đến 600 nghìn tấn DAP chất lượng chuẩn 64% để phục vụ cho sản xuất NPK và bón thẳng cho các loại cây trồng.
Hiệu quả kinh tế
Theo số liệu báo cáo của DAP Đình Vũ mã CK DDP trong năm 2016 lỗ 461 tỉ, qua năm 2017 lời 15 tỉ và qua 2018 lời 175 tỉ tương đương với 8 triệu USD. Hoạt động kinh doanh hiệu quả của Đình Vũ trung khớp với thời gian áp dụng thuế phòng vệ trên phân bón DAP. Và DAP Lào Cai vẫn đang lỗ 245 tỉ trong năm 2018 so với khoảng lỗ 500 tỉ trong năm trước đó.
Trong khi đó mỗi năm Việt Nam nhập khẩu 500-600 nghìn tấn DAP đạt chuẩn quốc tế, với mức thuế phòng vệ hiện tại mỗi năm các nông dân cả nước phải gánh khoảng 240-250 triệu USD đánh đổi cho lợi nhuận nhỏ giọt và làm ăn kém hiệu quả của hai ông lớn.
Hội nhập sâu
Việt Nam hiện đang là thành viên của WTO và đã ký khá nhiều hiệp đinh song phương với các nước như Hiệp Định Việt Nam - Liên Minh Kinh Tế Á Âu (VN- EAEU), Việt Nam Châu Âu (Viêt Nam- EU); TPP11 và các hiệp định quan trọng khác. Việc vô cớ áp dụng thuế phòng vệ lên một mặt hàng mà Việt Nam không có lợi thế cạnh tranh nhằm chỉ để bảo vệ đơn vị sản xuất có yếu tố nhà nước dễ gây phương hại đến các mối quan hệ song phương và quan trọng nhất là ảnh hưởng trực tiếp đến người nông dân Việt Nam vốn đã chịu quá nhiều thiệt thòi. Dẫn chứng khi Việt Nam áp thuế phòng vệ lên phân bón, Trung Quốc ngay lập tức áp thuế 50% đối với gạo nếp nhập khẩu từ ASEAN mà thực ra mục tiêu nhắm đến là Việt Nam vì gạo nếp là một trong những sản phẩm Việt Nam xuất vào thị trường Trung Quốc nhiều nhất.
Cả ngành nông nhiệp đang hồi hộp chờ đợi các tín hiệu từ cục phòng vệ thương mại của bộ công thương và sự sáng suốt của lãnh đạo trong việc cân nhắc đưa ra các quyết sách thực sự có lợi cho các đối tượng dễ bị tổn thương hay là cho các nhóm lợi ích.
VINACAM