Vì sao giá phân bón DAP ngoại tăng đột biến, nông dân vẫn chuộng mua?
Trong tháng 1/2021, giá phân bón DAP giao dịch tại thị trường Việt Nam gia tăng “đột biến” do nguồn cung nội địa khan hiếm dù nhu cầu đã bắt đầu chậm lại. Càng nghịch lý hơn khi ngay trong thời gian này, nhập khẩu phân bón DAP lại sụt giảm trong khi lượng xuất khẩu lại tăng vọt…
Cụ thể, trong tháng 1/2021 xuất khẩu phân bón DAP ước đạt 20.000 tấn, tăng 5.000 tấn so với tháng trước và tăng 18.600 tấn so với cùng kỳ năm 2020.
Trong khi đó, sự hạn chế của hàng nhập khẩu được dự báo sẽ tiếp tục kéo dài do giá DAP thế giới nói chung và DAP Trung Quốc nói riêng tăng mạnh nên các nhà nhập khẩu đứng ngoài thị trường.
DAP nhập khẩu khan hàng, giá tăng
Số liệu nghiên cứu thị trường của Công ty CP Phân tích và Dự báo Thị trường Việt Nam (AgroMonitor) cho thấy, trong tháng 1-2/2021, các nhà nhập khẩu phân bón DAP của Việt Nam cả về mặt chủ quan lẫn khách quan đều chịu "đứng ngoài" thị trường.
Chẳng hạn, đối với hàng DAP xanh Vân Thiên Hóa (Trung Quốc), sau khoảng 1 tháng gần như không nhập khẩu về Việt Nam (từ 15/12/2020-10/1/2021) thì từ ngày 11/1/2021 đã có hàng về qua ga Lào Cai-Hải Phòng, lượng bình quân khoảng 700-800 tấn/ngày giữa tháng 1.
Tuy nhiên, sau đó lượng về giảm xuống mức 200-400 tấn/ngày từ trung tuần tháng 1 với mức giá không đổi từ tháng 12 là 360 USD/tấn (điều kiện giao hàng DAP).
Sau khi đi đường ga về Hải Phòng, thì đã được chuyển sang tàu đi đường biển giao về cảng Cần Thơ trả hàng dần cho các đại lý từ 24/1.
"Hàng khan nên hàng về trả dần cho các đại lý đã ký trước trong khi các nhà phân phối, thương nhân liên tục báo giá mới tăng so với giá trước. Theo đó, tính đến cuối tháng 1/2021, giá DAP xanh Vân Thiên Hóa 64% dao động rộng quanh mức 13.100-14.300 đồng/kg tại cảng Cần Thơ – tăng mạnh 2.000-3.200 đồng/kg so với cuối tháng 12", theo AgroMonitor thông tin.
Đối với hàng DAP Tường Phong (Trung Quốc), trong tháng 1 không có hàng mới về Việt Nam do nhà máy Tường Phong chưa trả hàng.
Trong khi đó, các chủng loại DAP khác như Nga, Hàn Quốc, Ai Cập nhập khẩu cũng hạn chế. Trong tháng 1/2021 có khoảng hơn 4.000 tấn DAP Nga 64% PhosAgro (chủ hàng Tường Nguyên), giá nhập 367 USD/tấn CFR – tăng 37 USD/tấn so với giá nhập cuối tháng 12/2020.
Cũng trong thời gian này, có một tàu 6.000 tấn DAP Hàn Quốc của đại lý Nguyễn Phan về cảng TP.HCM, chào giá đã tăng liên tục từ lúc hàng mới cập cảng 20/1 ở 12.800-13.000-13.500 đồng/kg (cảng) tới 15.000 đồng/kg (kho) vào cuối tháng 1.
Còn đối với hàng kho của Vinacam cũng chào giá lên 14.300 đồng/kg – tăng 1.600 đồng/kg so với cuối tháng 12/2020.
Đối với hàng DAP Ai Cập, tính đến ngày 23/1 mới chỉ có một lô hơn 500 tấn DAP Ai Cập của Phương Thảo về cảng TP.HCM, giá nhập 342 USD/tấn CIF – tăng 9 USD/tấn so với giá nhập tháng 12/2020...
Dù lượng hàng DAP nhập khẩu về khá nhỏ giọt nhưng lượng sản xuất DAP dự kiến trong quý 1/2021 đã được bán hết cho xuất khẩu và nội địa.
Tháng 1-2/2021 các nhà sản xuất đều đã ký được các lô hàng xuất khẩu lớn, trong đó khoảng 20.000 tấn giao tháng 1 với một lô 9.000 tấn DAP Đình Vũ xuất Indonesia ở mức giá 325 USD/tấn FOB, 3.000 tấn DAP xuất Hàn Quốc giá 348 USD/tấn CFR.
Nông dân vẫn chuộng DAP ngoại, vì sao?
Mới đây, trong thư kiến nghị gửi đến Thủ tướng Chính Phủ, Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT,… tập thể nông dân khu vực đồng bằng sông Cửu Long đã kiến nghị miễn, giảm hoặc cấp hạn ngạch cho phân bón DAP.
Cụ thể, các nông dân này kiến nghị cơ quan quản lý xem xét, áp dụng một trong các giải pháp gồm: Giảm thuế phòng vệ về mức 400.000 đồng – 500.000 đồng/tấn; hoặc cấp hạn ngạch có lựa chọn cho các nhà máy có công nghệ tiên tiến và có quan hệ giao hảo với Việt Nam tại các nước như Nga, Hàn Quốc.
Cũng trong thư kiến nghị này, tập thể nông dân khu vực đồng bằng sông Cửu Long cũng giải thích về việc áp thuế tự vệ với phân bón DAP nhập khẩu với mức cao như thời gian qua là chưa hợp lý. Vì… "hai mặt hàng DAP trong nước và nhập khẩu là hai mặt hàng khác nhau, bán ở thị trường khác nhau", do DAP sản xuất trong nước chủ yếu bán cho các nhà máy sản xuất NPK nghiền ra để sản xuất phân bón NPK, còn DAP nhập khẩu thì được người nông dân trực tiếp bón cho cây trồng.
Nguyên nhân là vì, DAP sản xuất trong nước (DAP Lào Cai và DAP Đình Vũ) chỉ đạt hàm lượng tối đa 61%, trong khi chuẩn thế giới là 64% cho tổng hàm lượng Nitơ và Phốt pho; cộng thêm yếu tố làm lượng quặng Apatit Việt Nam có hàm lượng thấp và nhiều tạp chất, chỉ từ 22% - 30% P2O5, so với các nước trên thế giới ở mức 34% đến 38%. Với hàm lượng tạp chất như vậy khiến cho DAP sản xuất trong nước tan lâu, hàm lượng dinh dưỡng không thể so với DAP nhập khẩu…
"Việc áp dụng thuế phòng vệ thương mại này với mục tiêu tốt đẹp nhưng vô hình chung làm ảnh hưởng vô cùng to lớn đến toàn thể những người nông dân thuộc tầng lớp dễ tổn thương nhất như chúng tôi", đại diện tập thể nông dân khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tâm tư.
Duy trì thuế tự vệ phân bón, bảo vệ doanh nghiệp hay nông dân?
Đây có lẽ là câu hỏi không dễ trả lời, bởi nếu đứng ở góc độ quản lý thì việc tiếp tục giữ thuế tự vệ phân bón sẽ góp phần bảo hộ nền sản xuất trong nước, nhưng sẽ bất lợi cho người nông dân khi phải trả phần chi phí cao hơn cho sản xuất nông nghiệp.
Tuy nhiên, theo Vietnam Business Motor, đứng về lợi ích của người nông dân và xã hội, thì cơ quan quản lý chuyên ngành nên chấm dứt việc áp thuế tự vệ nhập khẩu phân bón DAP và MAP. Bởi ngoài việc nông dân phải chịu chi phí đầu tư cao, biện pháp này rất có thể khiến các nước bị áp thuế sử dụng biện pháp trả đũa đối với hàng nông sản của Việt Nam…
QUỐC HẢI (Theo Dân Việt)