Vinacam: Đại hội Cổ đông và họp mặt bạn hàng năm 2011

Ngày 19/5 - đối với người dân đất Việt thì hầu như ai cũng biết đó là ngày sinh nhật Bác Hồ muôn vàn kính yêu. Và, thật vinh dự cho Vinacam, đó còn là ngày Vinacam được thành lập (19/5/2005). Ngoài ra, ngày 19/5 cũng là ngày được Hội đồng quản trị Công ty chọn để tổ chức Đại hội Cổ đông hàng năm.

Đại hội Cổ đông và họp mặt bạn hàng (ĐHCĐ) của Vinacam được diễn ra trong muôn vàn khó khăn của nền kinh tế đất nước. Có lẽ những hậu quả của cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2007 tới nay càng bộc lộ nhiều hơn trong từng ngõ ngách của cuộc sống khi sức chống đỡ của các doanh nghiệp và xã hội thì có hạn mà khó khăn lại chồng chất, kéo dài.

 
 
 
 Các đối tác và bạn hàng với những nhận xét tốt đẹp dành cho Vinacam


Tuy vậy, Đại hội năm nay của Vinacam vẫn diễn ra trong không khí vui tươi phấn khởi, tràn ngập tiếng cười vì năm qua, Vinacam đã đạt và vượt các chỉ tiêu do ĐHCĐ năm 2010 đề ra và chi cổ tức năm 2010 đạt mức 36%.

Mặt khác, ngay từ cuối Quý IV/2011, HĐQT Vinacam đã đặt ra nhiều mục tiêu quan trọng cho năm 2011. Trong đó,
mục tiêu về lợi nhuận trước thuế 30 tỷ và chia cổ tức tối thiểu 20%. Nhưng theo báo cáo của HĐQT thì  4 tháng đầu năm 2011, Vinacam đã đạt doanh số 1.110 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đã đạt 31,5 tỷ đồng (vượt mức kế hoạch lợi nhuận đặt ra cho cả năm 2011!).

Chương trình ca nhạc chào mừng Đại hội: Ca sĩ, nhạc sĩ Đức Chính với "Cung đàn mùa xuân" của Cao Việt Bách

Tốp ca với bài "Hành khúc Vinacam" do nhạc sĩ Đức Chính sáng tác


Dưới đây là toàn văn “Báo cáo tổng kết hoạt động kinh doanh năm 2010 và phương hướng kế hoạch năm 2011” do Chủ tịch HĐQT Vũ Duy Hải đọc tại đại hội.

Kính thưa: Các Vị Cổ đông, các Quý Đại biểu, Bạn hàng !

Hôm nay ngày 19 tháng 5 năm 2011, như thường lệ hòa chung không khí tưng bừng cả dân tộc kỷ niệm ngày sinh nhật Bác, Công ty cổ phần Vinacam lại được chào đón Quý vị cổ đông, Quý đại biểu, Bạn hàng về chung vui cùng Vinacam trong Đại hội cổ đông và gặp mặt bạn hàng lần thứ 6. Đại hội đánh dấu 01 năm họat động thắng lợi của Vinacam theo nhiệm kỳ đầu của kế hoạch 5 năm lần thứ 2 (2010 - 2015).

Thay mặt Hội đồng Quản trị, Ban Tổng Giám đốc cùng toàn thể cán bộ công nhân viên Công ty Cổ phần Vinacam, cho phép tôi trân trọng gửi lời kính chúc sức khỏe, lời tri ơn chân thành đến tất cả các Quý vị cổ đông, Quý Đại biểu, Bạn hàng đã chia sẻ với chúng tôi trong những lúc khó khăn, đã rộng lòng hỗ trợ và giúp đỡ để chúng tôi có bước phát triển như hôm nay. Xin cám ơn tất cả các Quý vị đã dành thời gian quý báu đến động viên Vinacam trong buổi gặp mặt thân mật này.

Kính thưa các Quý vị ! Có thể nói, năm 2010 là một năm đầy khó khăn thử thách cho các ngành hàng Sản xuất - Kinh doanh, đặc biệt là ngành hàng Sản xuất - Kinh doanh phân bón.

Đầu tiên, đó là chính sách tín dụng: Quyết định gỡ bỏ hỗ trợ kích cầu từ ngày 01 tháng 01 năm 2010 của Chính phủ đã khiến lãi suất tăng lên đột biến (Nếu trong năm 2009 tổng lãi vay phải trả của Vinacam là 12,7 tỷ thì đến năm 2010 con số này là 52,6 tỷ, cao hơn vốn điều lệ của Vinacam và cao gấp 4,14 lần năm 2009). Do lãi suất VNĐ tăng cao trong khi nhận nợ vay bằng USD lại được các Ngân hàng khuyến khích bởi mức lãi suất hấp dẫn nên hầu hết các Doanh nghiệp nhập khẩu đều chuyển sang nhận nợ bằng USD. Thế nhưng chỉ một thời gian ngắn, bên cạnh việc tăng trần lãi suất, tỷ giá ngoại tệ đã bất ngờ bị điều chỉnh tăng liên tục với biên độ lớn (Đầu tháng 01 năm 2010 tỷ giá ngoại tệ ở mức 18.500 đến ngày 11 tháng 2 năm 2010 điều chỉnh lên 19.100, ngày 18 tháng 8 năm 2010 điều chỉnh lên 19.500) đã khiến nhiều Doanh nghiệp rơi vào thảm cảnh bởi “Họa vô đơn chí” !

Do các khó khăn phát sinh từ chính sách tài chính tiền tệ nên trong nửa đầu năm 2010 thị trường phân bón Việt Nam đã xảy ra nghịch lý: Mặc dù giá thế giới tăng cao và số lượng nhập khẩu giảm chỉ còn bằng 70% cùng kỳ năm trước, nhưng giá bán trong nước vẫn liên tục giảm do các Doanh nghiệp phải tháo vốn để trả nợ Ngân hàng. Trong 6 tháng cuối năm 2010, có một giai đoạn ngắn (tháng 7 và tháng 8) giá phân bón thế giới đảo chiều xuống thấp, giá trong nước có chiều hướng tăng nhưng tổng lượng nhập khẩu vẫn không tăng bởi lý do bế tắc về ngoại tệ.

Khó khăn thứ 2 đó là: Từ hệ lụy của việc tăng lãi suất, tăng tỷ giá, đã tạo ra phản ứng dây chuyền làm tăng lạm phát khiến các khoản chi phí cấu thành giá vốn đầu vào đều tăng phi mã. Trong khi giá hầu hết các mặt hàng đều tăng, đặc biệt là hàng nông sản đã chiến thắng ngọan mục bởi “Trúng mùa, được giá” thì duy nhất vật tư phân bón là “Bình ổn” đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả kinh doanh của các đơn vị kinh doanh phân bón nói chung trong đó có Vinacam. Theo thống kê, trong năm 2010 so với năm 2009 chi phí về điện, điện thoại của Vinacam đã tăng 27%, chi phí văn phòng phẩm tăng 49%, chi phí giao tế, hội thảo tăng 34%, các khoản lương, thưởng tăng 53%.

Tuy nhiên rất may mắn cho Vinacam. Được sự hỗ trợ kịp thời về nguồn vốn từ các Ngân hàng (Tổng hạn mức các Ngân hàng dành cho hệ thống Vinacam trong năm 2010 đạt trên 1.500 tỷ); Được sự trợ giúp về  thông tin từ các bạn hàng là nhà cung cấp nước ngoài, từ các nhà sản xuất, các đại lý, bạn hàng trong nước, Vinacam đã vượt qua năm 2010 với những thành công ngoài mong đợi đó là:

+ Về kinh doanh phân bón: Số liệu hợp nhất năm 2010 toàn bộ hệ thống Vinacam (bao gồm cả các đơn vị thành viên Vinacam nắm giữ 70% cổ phần chi phối) đã mua vào 610.234 tấn phân bón các loại với giá trị 3.968 tỷ. Bán ra 624.494 tấn với doanh số 4.177 tỷ. Lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt trên 60 tỷ. Riêng văn phòng chính và các Chi nhánh đã thực hiện mua vào 554.335 tấn phân bón các lọai với giá trị 3.600 tỷ bán ra 569.323 tấn với doanh số 3.817 tỷ tăng 13% so với năm 2009. Lợi nhuận trước thuế đạt 39,340 tỷ. Tỷ suất lợi nhuận ròng trên vốn điều lệ đạt 57,5%, chia cổ tức (bằng cổ phiếu) 36%, còn lại đầu tư vào quỹ phát triển sản xuất và các quỹ khác trên 11,7 tỷ. Kết quả vốn chủ sở hữu tăng thêm 33,5 tỷ, vốn điều lệ được ghi nhận tăng từ 52 tỷ lên 70 tỷ để đảm bảo các khoản đầu tư của Doanh nghiệp luôn cân đối trong nguồn vốn tự có. Trong năm 2011 sơ lược kết quả kinh doanh 4 tháng đầu năm Văn phòng chính và các chi nhánh đã mua vào 143.447 tấn phân bón các loại giá trị 1.110 tỷ. Bán ra 145.351 tấn doanh số 1.266 tỷ. Tuy nhiên lãi vay phải trả các Ngân hàng đã lên mức 17 tỷ (Tăng 64% so với cùng kỳ năm 2010 và tăng 215,5% so với cùng kỳ 2009), Lợi nhuận ước tính 31,5 tỷ. Nếu không có những biến động bất khả kháng thì với kết quả lợi nhuận này chúng tôi đã hoàn thành kế hoạch cho năm 2011. (Xin Quý vị xem thêm chi tiết tại phần phụ lục).

Với kết quả kinh doanh trên đây, năm 2010 Vinacam tiếp tục được nằm trong bảng đánh giá “Top 500 Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam” đứng thứ 175 trong tất các các loại hình Doanh nghiệp cả nước, tăng 16 bậc so với năm 2009. Riêng ngành kinh doanh phân bón, Vinacam tiếp tục đứng trong Top 10 với doanh số nhập khẩu ở vị trí á quân (tăng 01 bậc so với năm 2009).

+ Về sản xuất và xuất khẩu đồ gỗ gia dụng tại Công ty cổ phần Vina G7: Tổng doanh số xuất khẩu phân bón của Vinacam và xuất khẩu sản phẩm gỗ gia dụng từ Vina G7 đã đạt xấp xỉ 8,5 triệu USD. Trong đó riêng Vina G7 đạt 7,2 triệu USD, lợi nhuận trước thuế 26,2 tỷ.

Nguyên nhân và bài học rút ra từ thành tích trên đây đó là:


- Từ cuối Quý 4/2009, tranh thủ chính sách hỗ trợ tài chính mạnh mẽ của Chính phủ, nhận định xu thế giá phân bón đã ở mức thấp, thông qua các Ngân hàng Thương mại, Cổ phần, Vinacam đã tích cực đàm phán mở L/C nhập khẩu số lượng lớn phân bón các loại ở mức giá thấp. Một phần trong số hàng nhập khẩu này cập cảng Việt Nam trong tháng 12 được để tồn kho cho năm 2010; Một phần tiếp tục cập cảng trong tháng 1 và tháng 2 do đó giá vốn hàng nhập hạch toán trong Quý 1/2010 của Vinacam có sức cạnh tranh lớn.

- Trong suốt Quý 1 và Quý 2 năm 2010 trước xu thế giá thế giới tăng nhưng nhận định giá trong nước sẽ không tăng kịp theo đà thế giới vì các Doanh nghiệp đều chịu sức ép lớn về tài chính nên ngoại trừ mặt hàng Kali có xu thế tăng rõ rệt do nguồn cung thấp, Vinacam đã hạn chế nhập khẩu các nguồn phân bón khác để tập trung đẩy mạnh nhập khẩu mặt hàng này (Năm 2010 Vinacam nhập khẩu xấp xỉ 130.000 tấn kali, cao nhất trong sản lượng nhập khẩu kali hàng năm tính từ ngày thành lập).

- Đầu Quý 3/2010 nhận định điểm rơi của giá thế giới đã đạt đáy, khảo sát lượng tồn kho trong nước còn thấp Vinacam đã quyết định mở L/C nhập khẩu hết nguồn hạn mức từ các Ngân hàng. Kết quả từ tháng 10/2010 khi phân bón thế giới quay đầu tăng giá thì nhu cầu trong nước cũng bắt đầu tăng - Đây cũng chính là thời điểm các tàu hàng của Vinacam nối nhau cập cảng.

Với nhận định, giá sẽ tăng nhưng không bền vững vì sức ép tín dụng và tỷ giá ngoại tệ, Hội đồng Quản trị Vinacam đã quyết định chủ trương: Không đưa hàng dự trữ đầu cơ mà đẩy mạnh bán ra tối đa tại mạn. Đây chính là quyết định đã mang đến hiệu quả kép về lợi nhuận cho Vinacam bởi từ việc đẩy mạnh bán ra nên nửa sau Quý 4/2010 Tài khoản của Vinacam đã “Bội thu” số dư tiền gửi. Kết quả vào cuối tháng 12 năm 2010, khi Ngân hàng Nhà nước có chính sách bán hỗ trợ ngắn hạn USD theo tỷ giá niêm yết (19.500VNĐ/USD so với giá “Huy động” 21.000 - 22.000VNĐ/USD) Vinacam đã có đủ nguồn tiền khổng lồ để mua hết toàn bộ phần USD còn nợ.

+ Về kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội đồng Cổ đông kỳ 2009 - 2010:


 Theo định hướng được Đại hội đồng Cổ đông thông qua ngày 19 tháng 5 năm 2010, Hội đồng quản trị đã chỉ đạo sát sao công tác thực hiện. Kết quả: năm 2010 Vinacam đã hoàn tất việc rút vốn tại Công ty Cổ phần Tư vấn Thiết kế Xây dựng Vinacam do Công ty hoạt động kinh doanh không hiệu quả. Phần vốn thu lại từ bán cổ phần và một phần vốn từ Quỹ đầu tư phát triển đã được tái đầu tư sang Công ty mới đó là việc mua lại  32,5% vốn tại Công ty Cổ phần Kính Tam Hiệp - Hiện nay cùng với cổ đông lớn là Công ty Cổ phần Thiết bị Nội ngoại thất Dầu khí (PVC Metal - Đơn vị chiếm 65% vốn tại đây) chúng tôi đang tái cơ cấu lại quy mô của Kính Tam Hiệp để phấn đấu giai đoạn 2012 - 2013 Kính Tam Hiệp sẽ có lợi nhuận đóng góp về Vinacam.

Trong năm 2010 Công ty mẹ cũng đã đồng ý phương án để Vinacam Hà Nội hoàn tất việc mua 10.000m2 kho bãi tại khu vực Cảng Đình Vũ - Hải Phòng làm Tổng kho trung chuyển và dự trữ phân bón. Hiện phần diện tích này đang được lập phương án liên doanh sản xuất phân bón theo công nghệ mới.

Đối với Công ty Cổ phần Vina G7: Đã thống nhất phương án dành toàn bộ lợi nhuận ròng của năm 2010 (21 tỷ) làm vốn đối ứng vay Ngân hàng để tái đầu tư mở rộng thêm 2 phân xưởng sản xuất (12.000m2). Kết quả từ đầu Quý 2/2011 đã đưa một phân xưởng vào sản xuất, phấn đấu đưa doanh số xuất khẩu từ Quý 3/2011 lên 01 triệu USD/tháng Quý 4/2011 lên 1,5 triệu USD/tháng giải quyết việc làm thường xuyên cho khoảng 700 lao động địa phương.

Đối với tài sản của Công ty tại Chi nhánh Nam Phát - Tiền Giang: Trước xu thế sản xuất phân bón trong nước ngày càng được gia tăng, cơ cấu phân phối sẽ dần chuyển trực tiếp từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng, phân bón nhập khẩu sẽ dần hạn chế về số lượng. Do vậy nếu tiếp tục duy trì Tổng kho dự trữ chuyên về phân bón sẽ không còn là điểm mạnh và thích hợp với Đơn vị kinh doanh thương mại. Từ phân tích trên, Hội đồng Quản trị Vinacam đã quyết định chỉ giữ lại họat động của Chi nhánh và cho chuyển nhượng toàn bộ khu Kho Nam Phát để đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh nông sản, tồn trữ và chế biến lương thực. Cho đến nay, các bước đàm phán để ký kết hợp đồng chính thức đã cơ bản hoàn tất để có thể chuyển giao vào đầu Quý 2/2011.

Đối với chủ trương tăng cường đầu tư cho công tác kinh doanh nông sản: Để công tác kinh doanh nông sản được chủ động và bền vững, rút kinh nghiệm từ các hoạt động mang tính “Tập sự” của các năm trước, Vinacam đã lập phuơng án xây dựng kho dành cho dự trữ và sơ chế trước khi xuất khẩu ... Kết quả đã lập phương án và được Ủy Ban nhân dân Tỉnh Bình Dương đã phê duyệt, cấp giấy phép đầu tư khu kho 5.000 m2 tại Dĩ An (Cạnh khu công nghiệp Bình Thắng - Quận 9). Đang triển khai xây dựng 01 khu kho tại vùng nguyên liệu Bắp, Mỳ, Đậu tương tại Cư Mương A - Đaklak. Đã ký hợp đồng mua 3 ha đất tại xã Tam Phước - Thành phố Biên Hòa và đang lập dự án xây dựng Tổng kho sơ chế, dự trữ nông sản trong năm 2012.

Các khoản vốn đầu tư vào các Doanh nghiệp, Công ty Cổ phần khác như Công ty Cổ phần Bình Điền Mekong, Công ty Cổ phần Vina G8, … đã bước đầu mang lại kết quả theo như dự kiến.

Đối với công tác tổ chức nhân sự: Đã tiếp tục thực hiện luân chuyển vị trí các cán bộ chủ chốt sang đảm nhiệm các lĩnh vực khác nhau nhằm sàng lọc, tuyển chọn được đội ngũ cán bộ tinh thông về nghiệp vụ, năng động về xử lý tình huống. Tiếp tục thực hiện tuyển chọn đội ngũ cán bộ mới có trình độ cao với yêu cầu sơ tuyển  các hồ sơ tốt nghiệp Đại học chính quy bằng khá trở lên để bổ sung cho các phòng chức năng đảm bảo đội ngũ kế thừa liên tục đủ điều kiện đảm trách các mục tiêu sản xuất kinh doanh mới.

Đối với công tác xã hội và chăm lo cho người lao động: Xác định phát triển nhờ cộng đồng nên chính sách xã hội của Vinacam cũng theo tiêu chí vì cộng đồng. Bên cạnh việc củng cố tổ chức Đảng (Chi Bộ Đảng của Vinacam hiện có 12 Đảng viên sinh hoạt tại Đảng bộ khối Doanh nghiệp ngoài Quốc doanh Quận 1) Vinacam còn đặc biệt quan tâm củng cố tổ chức Công đoàn vững mạnh để cùng với chính quyền chăm lo đời sống cho Cán bộ công nhân viên về vật chất và tinh thần (Thu nhập bình quân 2010 của Vinacam đạt 14.860.474đ/người/tháng, tăng 53% so với năm 2009). Và trong năm cũng đã thực hiện tốt các chế độ khen thưởng, tham quan, nghỉ mát, khám chữa bệnh định kỳ, tặng quà sinh nhật, chia sẻ buồn vui Hiếu - Hỷ đến từng Cán bộ nhân viên Công ty.

Năm 2010, tập thể cán bộ công nhân viên Vinacam đã đóng góp, vận động đóng góp và chi từ nguồn quỹ phúc lợi, quỹ hoạt động của Hội đồng Quản trị tổng số tiền 952.750.000đ hỗ trợ cho giáo dục (Thông qua Báo tuổi trẻ với phong trào tiếp sức đến trường và xây dựng trường mẫu giáo cho một vùng quê nghèo phía Bắc). Hỗ trợ đồng bào bão lụt miền Trung, hỗ trợ các cơ sở Thiện Nguyện nuôi dưỡng người già không nơi nương tựa, nuôi dạy trẻ mồ côi. Đặc biệt trong tháng 3 năm 2011 trước thông tin thiên tai về động đất, sóng thần khủng khiếp tại Nhật Bản, với truyền thống “lá lành đùm lá rách”, “một miếng khi đói bằng một gói khi no” của Dân tộc Việt, Vinacam đã trích quỹ phúc lợi, kêu gọi sự đóng góp từ cán bộ công nhân viên, các Mạnh Thường Quân, các Đại lý, Bạn hàng, Doanh nghiệp trên cả nước được xấp xỉ 600 triệu thông qua Lãnh sứ quán Nhật Bản tại Thành phố Hồ Chí Minh để gởi đến các nạn nhân thảm họa.

Kính thưa các Quý vị Cổ đông, Quý Đại biểu, Bạn hàng !


Chúng tôi luôn biết rằng, để đạt được các thành tích trên, ngoài sự tự thân vận động của tập thể người lao động tại Vinacam, ngoài sự may mắn tâm linh, chúng tôi đã được sự trợ giúp rất lớn từ Quý vị. Một lần nữa, cho phép tôi được bày tỏ lòng cảm ơn chân thành của “Đại gia đình Vinacam” đến toàn thể các Quý vị - Các “Mạnh Thường Quân” đã góp sức và chia sẻ cho chúng tôi những thông tin hữu ích, những kinh nghiệm quý báu trong cuộc sống kinh doanh để Vinacam vượt qua những khó khắn trở ngại, để Vinacam đạt được thành công lớn của năm 2010. Xin các Quý vị một tràng pháo tay vang dội để chuyển tải giúp Vinacam thông điệp quan trọng này.

Thưa các Quý vị ! Khép lại năm kinh doanh 2010 với nhiều sôi động, để định hướng cho năm 2011, từ cuối Quý 4/2010 Hội đồng Quản trị Vinacam đã ra nghị quyết phê duyệt cho nhiều mục tiêu quan trọng đó là:

Về chỉ tiêu kinh doanh phân bón và lợi nhuận hợp nhất: Giữ khối lượng cung ứng tối thiểu đạt 300.000 tấn, doanh số tối thiểu đạt 3.000 tỷ. Lợi nhuận trước thuế 30 tỷ, chia cổ tức tối thiểu 20%.

Về kinh doanh Nông sản: Hoàn tất xong khu kho sơ chế và dự trữ Nông sản tại Cư Mương A - Đaklak, thành lập Chi nhánh Vinacam tại Đaklak để tham gia vào thị trường Nông sản tại địa phương từ tháng 6 năm 2011. Lập và hoàn tất việc phê duyệt dự án đầu tư xây dựng Tổng kho trung chuyển phân bón và nông sản trên phần diện tích 3 ha tại xã Tam Phước - Long Thành - Tp.Biên Hòa - Đồng Nai trước 31 tháng 12 năm 2011. Thành lập bộ phân chuyên doanh nông sản trực thuộc phòng Kế hoạch kinh doanh, từng bước tham gia vào thị trường xuất khẩu nông sản, phấn đấu kim ngạch xuất khẩu năm 2011 đạt mức 1.000.000 USD. Chuẩn bị đủ nguồn nhân lực để có thể nâng quy mô hoạt động của bộ phận này lên cấp Phòng Kinh doanh Nông sản vào năm 2012.

Về Kinh doanh Chế biến Lương thực: Đặt định hướng đầu tư giai đoạn 1 trong khoảng 50 tỷ từ nguồn vốn tự có, phối hợp với Doanh nghiệp tư nhân Hiệp Tài thành lập Liên doanh Sản xuất, Chế biến kinh doanh lương thực theo hình thức Công ty Cổ phần tại Thốt Nốt - Cần Thơ. Với thế  mạnh từ cơ sở vật chất và nhà máy sẵn có của Hiệp Tài, phấn đấu để Liên doanh có thể đi vào hoạt động từ Quý 4/2011 sau khi đã hoàn tất công tác định giá tài sản. Phấn đấu trong kế hoạch 5 năm lần thứ 2 (2010 – 2015) sẽ hoàn tất việc mở rộng quy mô nhà máy lên diện tích 3 ha theo mô hình sản xuất tiên tiến, đồng bộ, tự động hóa cao. Trên cơ sở của nhà máy sản xuất này, tiếp tục nghiên cứu phương án khả thi để đầu tư sản xuất gạo đồ dành cho xuất khẩu vào thời gian thích hợp.

Về sản xuất đồ gỗ xuất khẩu: Tiếp tục dành sự quan tâm đặc biệt cho Công ty Cổ phần Vina G7, bảo đảm để Vina G7 hoàn tất tất cả các hạng mục công trình mở rộng nhà máy để đưa tất cảc các phân xưởng đi vào sản xuất đồng bộ trong năm 2011. Phấn đấu và đặt ra định hướng kế hoạch để Vina G7 đạt doanh số xuất khẩu năm 2011 mức tối thiểu 8 triệu USD. Lợi nhuận dự kiến 15 tỷ Cổ tức Cổ phiếu 20%. Đồng ý phê duyệt phương án dành toàn bộ lợi nhuận năm 2011 và 2012 để tái đầu tư, giảm vay vốn ngân hàng.

Về công tác khác: Tiếp tục tuyển dụng và củng cố bộ máy tổ chức tại Công ty mẹ, đào tạo, bồi dưỡng để hình thành các bộ khung lãnh đạo sẵn sàng điều chuyển bổ trợ cho hoạt động của các Công ty Liên doanh mà Vinacam chiếm tỷ trọng vốn từ  51%  trở lên. Hoàn tất hồ sơ chủ quyền phần diện tích 43 ha cao su tại Phú Giáo - Bình Dương theo kết luận của Thủ tướng Chính phủ, nghiên cứu trồng mới hoặc bán thanh lý toàn bộ phần diện tích này để đầu tư vào lĩnh vực sản xuất khác. Đồng ý bán bớt một phần tài sản là bất động sản tại 112/4 - Khu phố 4 - Trần Xuân Soạn quận 7 và số 17 Đường Nguyên Hồng - Đống đa - Hà Nội để đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh Nông sản và lương thực. Lập phương án Liên doanh để khai thác tối đa phần đất 10.000m2 là tài sản của Vinacam Hà Nội tại Đình Vũ – Hải Phòng. Tiếp tục chú trọng chăm lo đến đời sống người lao động, phấn đấu nâng mức thu nhập của cán bộ công nhân viên  lên tối thiểu 10% so với năm 2010.

Kính thưa các Quý vị cổ đông, Quý Đại biểu, Bạn hàng !


Để đạt được các chỉ tiêu và kế hoạch đầy tham vọng trên, chúng tôi biết rằng con đường đi tới và phải vượt qua là không hề bằng phẳng. Ngoài sự nỗ lực của bản thân tập thể cán bộ công nhân viên Công ty, chúng tôi rất mong được các vị khách quý, các Đại biểu, Bạn hàng tiếp tục hỗ trợ, chỉ bảo, truyền đạt kinh nghiệm để chúng tôi sớm gặt hái được thành công của năm 2011.

Một lần nữa, xin chân thành cảm ơn sự hiện diện của Quý vị hôm nay. Xin chúc tất cả các Quý vị Cổ đông, các Quý Đại biểu, Bạn hàng Sức khỏe, Thành đạt, Hạnh phúc. Chúc mối quan hệ giữa chúng ta mãi mãi “Hợp tác cùng phát triển”. Chúc Đại hội thành công tốt đẹp.

CHỦ TỊCH HĐQT
Vũ Duy Hải


PHỤ LỤC BỔ SUNG
I. KẾT QUẢ SẢN XUẤT KINH DOANH NĂM 2010

STT CHỈ TIÊU NĂM 2010 SO VỚI NĂM 2009
Sản lượng
(Tấn)
Giá trị
(1.000 đ)
Sản lượng (%) Giá trị
(%)
1 Tổng mua vào 554.335 3.600.386.360 101%  
  Trong đó: - CN Nam Phát 50.029 315.356.158 78%  
  - CN Hà Nội 96.903 625.815.422 134%  
2 Tổng lượng bán ra 569.323 3.817.628.249 113%  
  Trong đó: - CN Nam Phát 51.866 334.596.822 83%  
  - CN Hà Nội 98.169 640.906.896 149%  
3 Tổng doanh số bán   3.879.017.356   121%
4 Tổng chi phí   3.839.677.550   120%
  Trong đó lãi vay:   52.556.937   413%
5 Lợi nhuận trước thuế   39.339.806   140%
6 Thuế TNDN   9.349.345   197%
7 Lợi nhuận sau thuế   29.990.461   129%
8 Tỷ lệ lợi nhuận ST/ vốn ĐL   58%   129%
9 Cổ tức trên cổ phiếu   36%   120%
10 Nguồn vốn kinh doanh   113.686.250   139%
  Trong đó: - Vốn chủ SH   70.000.000   135%
  - Vốn khác   43.686.250   148%
11 Tài sản cố định   52.162.674    
  Nguyên giá   74.983.333   116%
  Khấu hao luỹ kế   22.820.659   142%
  Giá trị còn lại   52.162.674   107%


II. PHƯƠNG ÁN PHÂN PHỐI LỢI NHUẬN :

1. Chia cổ tức ( Bằng cổ phiếu + TM ): 17.712.000.000
2. Chia quỹ đầu tư phát triển sản xuất 10.969.781.000
3. Chia quỹ khen thưởng + phúc lợi: 609.340.000
4. Chia quỹ dự phòng tài chính: 609.340.000


III.  KẾT QUẢ SẢN XUẤT KINH DOANH 04 THÁNG ĐẦU NĂM 2011
Số
TT
CHỈ TIÊU 04 THÁNG
ĐẦU NĂM 2011
SO VỚI 04 THÁNG ĐẦU NĂM 2010
Sản lượng (Tấn) Giá trị
(1.000 đ)
Sản lượng (%) Giá trị
(%)
1 Tổng mua vào 143.447 1.110.280.677 92,0 118,9
  Trong đó:- CN Nam Phát 12.401 111.681.381 59,2 86,6
  - CN Hà Nội 8.616 47.258.381 24,2 20,9
2 Tổng lượng bán ra 145.351 1.091.330.176 90,3 107
  Trong đó: - CN Nam Phát 12.217 97.118.602 59,6 73,8
  - CN Hà Nội 10.827 61.894.635 38,1 34,3
3 Tổng doanh số bán  
1.266.129.955   123,9
4 Tổng chi phí   1.234.629.955   122,3
  Trong đó lãi vay:   17.000.000   164
5 Lợi nhuận trước thuế   31.500.000   245
6 Vốn chủ sở hữu   145.000.000   141,2
  Trong đó: - Vốn đầu tư chủ SH   70.000.000   134,6
  - Vốn khác   75.000.000   148,1
7 Tài sản cố định        
  Nguyên giá   75.015.819   105,7
  Khấu hao luỹ kế   23.987.152   136,8
  Giá trị còn lại   51.028.667   104,8


 IV. CÁC CHỈ TIÊU TÀI CHÍNH


STT CHỈ TIÊU ĐVT NĂM 2010 NĂM 2009
I CƠ CẤU TÀI SẢN      
  Tài sản dài hạn/Tổng Tài sản % 14% 12%
  Tài sản ngắn hạn/Tổng Tài sản % 86% 88%
         
2 CƠ CẤU NGUỒN VỐN      
  Nợ phải trả/Tổng nguồn vốn % 86% 88%
  Nguồn vốn chủ SH/Tổng nguồn vốn % 14% 12%
         
3 KHẢ NĂNG THANH TOÁN      
  Khả năng thanh toán nhanh Lần 0,10 0,22
  Khả năng thanh toán hiện hành Lần 1,01 1,00
         
4 TỶ SUẤT LỢI NHUẬN      
  Lợi nhuận sau thuế/Tổng tài sản % 3,6% 3,5%
  Lợi nhuận sau thuế/Doanh thu thuần % 0,8% 0,7%
  Lợi nhuận sau thuế/vốn cổ phần % 57,5% 44,9%


V.  CÁC KHOẢN NỘP NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC

Số
TT
KHOẢN MỤC SỐ TỒN
ĐẦU KỲ
SỐ THUẾ
PHÁT SINH
SỐ THUẾ
ĐÃ NỘP & KHẤU TRỪ
CHUYỂN
NĂM SAU
1 Thuế môn bài   3.000.000 3.000.000  
2 Thuế GTGT hàng nhập khẩu   52.517.433.684 52.517.433.684  
3 Thuế GTGT hàng bán ra còn được khấu trừ
17.876.932.284 81.188.363.226 92.017.050.865 7.048.244.645
4 Thuế Thu nhập doanh nghiệp 3.453.742.463 9.448.487.082 5.421.083.065 7.481.146.480
5 Thuế thu nhập cá nhân 87.296.524 319.240.794 382.853.540 23.683.778
  Tổng cộng: 21.417.971.271 143.476.524.786 150.341.421.154 14.553.074.903