Vinacam: Hội đàm với Đại sứ Angola về định hướng xuất khẩu gạo vào thị trường Angola
Ngày 18 tháng 3 năm 2012, Công ty CP Vinacam đã đón đoàn đại biểu Đại sứ quán Cộng hòa Angola do Đại sứ João Bernardo (nguyên Đại sứ Angola tại Trung Quốc) dẫn đầu đến thăm và làm việc tại văn phòng Công ty ở 28 Mạc Đĩnh Chi, Quận 1, TP.HCM.
Về phía Việt Nam có Giám đốc Ngân hàng Ngoại thương Chi nhánh Thanh Xuân Ngô Quốc Kỳ và các chuyên viên, Chủ tịch HĐQT Vinacam - ông Vũ Duy Hải, Phó TGĐ Agricam - ông Lâm Thành Kiệt và các cán bộ cấp cao của Vinacam, Agricam. Chủ đề của buổi làm việc thảo luận các nội dung ghi nhớ về xuất khẩu gạo của Agricam vào thị trường Angola, một thị trường lớn, đầy tiềm năng tại Tây Nam châu Phi, thông qua các hợp đồng hợp tác thương mại. Đón đoàn tại sân bay Tân Sơn Nhất
.
Đại sứ João Bernardo và các thành viên trong đoàn hội đàm cùng lãnh đạo Vinacam, Agricam. |
Sau một giai đoạn chuyển đổi, từ tình trạng lộn xộn do một phần tư thế kỷ chiến tranh, nền kinh tế Angola đã phát triển nhanh và là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới. Năm 2008, là năm đánh dấu bước tăng trưởng ngoạn mục của nền kinh tế Angola. Nhờ đợt giá dầu tăng kỷ lục, GDP đã đạt 95,95 tỷ USD, tăng 15,1% so với năm trước, tiếp tục đà tăng trưởng trên 15% trong giai đoạn 2004-2007. Sản xuất dầu và các ngành hỗ trợ đã đóng góp 85% tổng GDP của quốc gia này. Ngành xây dựng và nông nghiệp cũng đang từng bước tăng trưởng mạnh. Cuối năm 2006, Angola trở thành thành viên OPEC.
Một góc Thủ đô Luanda, Angola. (Ảnh: Wikipedia)
Công nghiệp chiếm 65,8% GDP của Angola, với nhiều ngành khác nhau, trong đó khai khoáng đóng vai trò quan trọng bậc nhất. Các sản phẩm công nghiệp chủ yếu của Angola là dầu mỏ, vàng, kim cương, sắt, phốt phát, bô-xít, uranium, ximăng, các kim loại cơ bản, chế biến cá và thức ăn, thuốc lá, đường, dệt may, sửa chữa tàu... Trong đó dầu lửa chiếm tới 90% giá trị xuất khẩu của Angola.
Lĩnh vực dịch vụ của Angola khá phát triển, chiếm 24,6% GDP.
Về ngoại thương, năm 2010 Angola xuất khẩu khoảng 51,65 tỷ USD (f.o.b) gồm các mặt hàng chính như dầu thô, kim cương, sản phẩm dầu tinh chế, khí gaz, cà phê, xi đan, cá và hải sản, sợi bông ... Thị trường xuất khẩu chính của Angola gồm Trung Quốc, Mỹ, Pháp, Nam Phi.
Năm 2010, Angola nhập khẩu khoảng 18,1 tỷ USD (f.o.b) các mặt hàng như máy móc thiết bị, hoá chất, sản phẩm xăng dầu, thiết bị khoa học, hàng tiêu dùng, thực phẩm, đồ quân dụng... Thị trường nhập khẩu của Angola gồm: Bồ Đào Nha, Trung Quốc, Mỹ, Nam Phi, Brasil, Nhật Bản và Pháp.
Thung lũng Miradouro da Lua (Thung lũng của mặt Trăng) cách thủ đô Luanda 40 km về phía nam. (Ảnh: Wikipedia)
Angola có nhiều tài nguyên: dầu lửa, kim cương, vàng, bạc, đồng, cô-ban, thiếc, kẽm, sắt, gỗ, hải sản,... Dầu lửa (sản lượng trên 2 triệu thùng/ngày, chiếm khoảng 85% GDP, 78% thu ngân sách); kim cương (trên 01 tỷ USD), là nguồn thu nhập ngoại tệ chủ yếu của nước này. Cá và gỗ cũng là hai nguồn lợi quan trọng của Angola.
Mỏ dầu ngoài khơi Angola, tháng 6 năm 2010. (Ảnh: Wikipedia)
Về nông nghiệp của Angola, mặc dù thu hút tới 85% lao động nhưng chỉ đóng góp khoảng 9,2% vào GDP của Angola, và hàng năm Angola vẫn phải nhập khẩu 1 nửa lượng lương thực phục vụ cho nhân dân. Angola sản xuất các loại nông sản chính như chuối, mía, cà phê, xi đan, ngô, bông, sắn, thuốc lá, rau, lâm sản, hải sản, cây mã đề, vật nuôi…
Việt Nam và Angola đã thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 12/11/1975, chỉ 1 ngày sau khi Angola tuyên bố độc lập. Từ năm 1976, Việt Nam đã có Sứ quán tại Luanda (năm 2000 rút về Nam Phi, đến năm 2002 được lập lại) và Đại sứ quán Angola tại Hà Nội đã được chính thức khai trương ngày 15/2/2012. Quan hệ hai nước là quan hệ hữu nghị, đoàn kết và hợp tác truyền thống. Hai nước đã nhất trí xác định các lĩnh vực hợp tác ưu tiên (y tế, giáo dục, nông nghiệp, dầu khí, khoa học kỹ thuật, xây dựng…) và thống nhất đẩy mạnh triển khai thực hiện các thỏa thuận đã có. Đặc biệt, trong dịp Phó Tổng thống Angola thăm Việt Nam tháng 2/2012, có 2 doanh nghiệp hai nước đã ký hợp đồng xây dựng nhà xã hội cho quân nhân Angola trị giá 3 tỉ USD.
Kim ngạch buôn bán hai chiều giữa hai nước cho đến năm 2008 tăng khá: theo số liệu của Bộ Công-Thương Việt Nam, năm 2007 đạt 52,84 triệu USD (VN xuất 49,365 triệu); năm 2008 đạt gần 160 triệu USD (VN xuất 152 triệu và nhập 3,9 triệu). Nhưng từ năm 2009, do tác động của khủng hoảng kinh tế-tài chính quốc tế, kim ngạch buôn bán hai nước giảm sút, năm 2009 chỉ đạt 90,33 triệu USD (VN xuất 88,77 triệu, nhập 1,56 triệu), năm 2010 đạt 115,85 triệu (VN xuất111,16 triệu, nhập 4,69 triệu), gần đây có chiều hướng tăng trở lại, năm 2011 khoảng 160 triệu USD. Tuy nhiên, các thống kê trên có thể chưa phản ánh đúng thực tế vì là dựa trên các con số chính thức, trong khi hàng xuất, nhập hai chiều hầu như toàn bộ theo đường tiểu ngạch. Hàng xuất của Việt Nam chủ yếu là gạo (năm 2010 trị giá 82, 6 triệu USD), dệt may, giày dép, thiết bị phụ tùng máy móc, sản phẩm hoá chất, xe máy… và nhập chủ yếu là sắt thép phế liệu, thức ăn gia súc và nguyên liệu.
Cộng đồng người Việt ở Angola có khoảng 15.000 người, đa số là lao động phổ thông, chưa có đầy đủ giấy tờ hợp pháp. Hội người Việt Nam tại Angola được thành lập năm 2002.
Trong buổi làm việc tại văn phòng Vinacam, hai bên đã thông qua nội dung bản ghi nhớ về việc Vinacam cung cấp gạo trực tiếp cho Angola thông qua các hợp đồng hợp tác thương mại.
Đại sứ João Bernardo đánh giá cao tinh thần trọng thị và tính chuyên nghiệp của Vinacam trong hợp tác kinh doanh. |
Cuộc hội đàm đã diễn ra trong bầu không khí hợp tác hữu nghị và thân mật trên nền tảng của mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết và hợp tác truyền thống tốt đẹp giữa hai nước trong quá khứ đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như giai đoạn xây dựng và phát triển hiện nay.
Được biết đây là chuyến đi đầu tiên với mục đích xúc tiến thương mại và khai thông thị trường nhập khẩu gạo cho Angola của Đại sứ João Bernardo kể từ khi nhận nhiệm vụ tại Việt Nam.
Trong không khí cởi mở và hữu nghị, Chủ tịch HĐQT Vinacam đã trao tận tay Đại sứ quà kỷ niệm bằng gốm sứ cao cấp biểu tượng Cô gái Việt Nam duyên dáng và đôn hậu.
Kết thúc buổi làm việc tại văn phòng Công ty, Đại sứ João Bernardo cùng các thành viên trong đoàn đã chụp ảnh lưu niệm cùng các lãnh đạo Vinacam.
Sau khi kết thúc chuyến thăm và khảo sát tại nhà máy Agricam, tối 19/3/2012, Đại sứ João Bernardo cùng các thành viên trong đoàn đã lên máy bay trở ra Hà Nội. Đây là chuyến thăm và làm việc được Đại sứ João Bernardo đánh giá cao tinh thần trọng thị và tính chuyên nghiệp của Vinacam trong hợp tác kinh doanh. Đây cũng là khởi đầu tốt đẹp hứa hẹn nhiều triển vọng hợp tác thương mại với Vinacam, mở đường cho gạo xuất khẩu của Vinacam thâm nhập thị trường Angola.
Trực tiếp khảo sát sản phẩm tại nhà máy...
...Chia tay với hy vọng mở đường cho gạo xuất khẩu của Vinacam thâm nhập thị trường Angola...
VINACAM
(Số liệu về Angola theo website của Đại sứ quán Việt nam tại Angola và wikipedia)