Truyện ngắn Ông "uỷ quyền": Gương Sáng

Ông "uỷ quyền" (Xuân tóc đỏ thời nay - khảo dị) là một câu truyện ngắn kể về giám đốc May với nguồn gốc xuất thân và quãng đời chẳng lấy gì làm đẹp đẽ của hắn

Phần I:

GƯƠNG SÁNG

Ông uỷ quyền - Gương sáng

May là tên của một Giám đốc ở một Công ty thuộc Bộ nọ. May không phải là bạn Tôi, nhưng do Tôi thân quen nhiều Giám đốc Công ty cùng ngành với Công ty của May nên cũng thường được họ kể cho nghe khối chuyện. Đặc biệt, tôi có người cháu - Cháu họ, tuy nói là cháu nhưng Hắn lại lớn hơn tôi mấy tuổi. Họ ở quê Tôi là “Họ đồng Tông” cứ mà kể ra thì có “Họ cả Làng”, nhưng tôi với Hắn là họ gần, lại sinh cùng thời khốn khó nên thân nhau lắm. Bây giờ, dù đã nửa đời người rồi, mỗi đứa mỗi nơi nhưng cứ hễ gặp nhau vẫn Chú chú - Cháu cháu, Mày mày - Tao tao vui ra phết. Chỉ có cái khổ, gặp nhau lần nào cũng “Hôm nay không say không về” ấy thế là chả lần nào uống xong mà về được cả. Qua Hắn, qua những bữa rượu chả cần ý tứ như thế, nghe Hắn kể, Tôi hiểu thêm về con người May. Hắn chơi với bố vợ May và đã từng cứu Bố vợ May một cú “Nếu không có cháu ông ấy đi đứt” - Hắn nói thế !

Hắn bảo: Cái tên “May” không phải tên cúng cơm do cha mẹ May đặt lúc May mới lọt lòng. Tên cha mẹ ông ta đặt khác cơ, nó loằng ngoằng như gió quẩn ao tù. Cứ vận theo cái tên ấy có mà mạt đời cũng chả ngóc đầu lên được. Ấy là còn có phước vì cái tên May là do một Cụ nguyên Thứ trưởng của một Bộ chức năng đặt hộ. Thật khéo khen cho Cụ Lãnh đạo đã chọn đúng tên để đặt đúng cho người, vì nhìn vào thành tích tiến thân của May ai cũng phải mắt tròn mắt dẹt !

May được sinh ra vào năm cuối của thập niên 60 nơi vùng chiêm trũng châu thổ Sông Hồng tại một địa danh đã một thời nổi tiếng với thương cảng bán buôn sầm uất từng đi vào câu ca dao truyền miệng “ Thứ nhất Kinh kỳ, thứ nhì phố Hiến”.

Là nhà con một nên không như bao đứa trẻ ở cái thời khốn khó ấy, May chẳng phải nếm cảnh bữa đói, bữa no, vừa chăn trâu vừa đi học. Khác với các bạn, May được Trời phú cho tính lẻo mép và láu cá, biết cách cúi luồn, nịnh nọt từ bé nên chẳng mấy khi hắn phải động tay, động chân phụ giúp Bố, Mẹ mà suốt ngày chỉ biết lêu lổng chơi bời : Hết lập nhóm câu trộm cá ao hợp tác xã thì lại rủ nhau trộm dưa và bẻ ngô vườn các cụ, rồi ăn cắp trứng gà hàng xóm, đánh đáo ăn tiền…món nào cũng thạo khiến chả ngày nào Bố, Mẹ May được một bữa cơm yên ổn mà không phải nghe riếc móc của bà con chòm xóm về đứa con nghịch tử.

Đó là nói sơ qua về cái sự “chơi” còn về sự “học” thì với May quả là khổ hạnh và cực hình còn hơn Đường Tam Tạng đi thỉnh Kinh Tây Trúc. Tuy được cả dòng họ kỳ vọng và mong muốn cho đứa cháu đích tôn, con trưởng học hành tử tế để còn có cơ thành “ông nọ, bà kia” nhưng khốn nỗi cái chữ và con toán với May thật chả khác nào như kẻ thù trên hai chiến tuyến. Trầy trật mãi, sau khi đã áp dụng đủ ngón “đút lót” các bạn ngồi cùng trong lớp cho quay cóp, chép bài, May cũng chỉ học hết lớp 7 (Hồi đó gọi là cấp 2 - Trung học Cơ sở bây giờ) rồi “kiên quyết” xin đi bộ đội vì thi mãi vẫn trượt cấp 3.

Được cái dáng to cao, tuy mắt trắng môi thâm, nhưng lại có thâm niên “Nói phét” và có “Tài” luồn cúi mà nói như lớp trẻ bây giờ là suốt ngày phải rửa mặt vì “cứ hễ gặp cấp trên là mũi lại dính đất” nên May được cử đi học lái xe. Ấy nhưng có cái khó là vào thời ấy, muốn học lái xe thì phải có trình độ lớp 10. Chưa có thì học, thì bổ sung ! Thế là May vừa học lái xe vừa tham gia học bổ túc trong quân đội (Tài thế !). Chẳng biết cái sự học bổ túc ấy rồi có được cho thi không, hoặc thi mà có “Tốt nghiệp” không, nhưng bằng lái xe thì May có thật. Bằng xịn do quân đội cung cấp.

Truyện ngắn Ông uỷ quyền - Gương sáng

Cũng từng muốn trở thành quân nhân chuyên nghiệp, nhưng rồi ở đơn vị mới, cái thói lấc cấc nịnh nọt, luồn cúi của May lại không hợp với tân Thủ trưởng. Thế là May phải ra quân! Thời ấy, xin việc khó lắm, trình độ thì có nhõn cái “Bằng” Lái xe nên May chấp nhận ở nhà làm kinh tế bằng cách mua xỉ về đóng gạch Ba banh! Việc cứ thế đằng đẵng dễ đến 2 năm có lẻ, May đã tưởng đời mình ngập trong đống gạch đống than. Nhưng, đúng là May! Nhà May lại gần ngay cạnh một vị Lãnh đạo cấp cốp ở một ngành Nông nghiệp. Ông này có quyền, giàu có nhưng khổ nỗi, bà vợ chính thức lại chỉ sinh cho ông rặt một mụn con gái, tướng thì giống ông như đúc, nên đến quá lứa lỡ thì mà cũng chửa thấy thằng ma nào tới rước đi cho. May thì sáng, trưa, chiều, tối hỳ hục cởi trần đóng gạch. Nàng thì chơi chán, rồi rỗi việc, cũng tối sớm lượn lờ, nhìn chàng to khoẻ mà ước ao, mộng tưởng... Sẵn tính ba que, lại đã từng được tôi luyện trong môi trường lái xe đầy phức tạp nên May chỉ cần liếc mắt đã nhìn thấu bụng nàng!

Thế rồi “Trai khôn lấy được vợ già”, đám cưới rình rang được tổ chức, nhà vợ May lo hết từ A đến Z. Ngay sau ngày cưới, May được bố vợ tuyển thẳng vào cơ quan giữ chức lái xe riêng kiêm vệ sĩ.

Bố vợ May cũng thuộc loại có tài luồn cúi và khéo biết xếp người. Chỉ một thời gian ngắn, Lão đẻ ra ngay một Xí nghiệp trực thuộc hạch toán báo sổ rồi điều May về giữ chức phó phòng cung tiêu. Thời còn bao cấp, phòng Cung tiêu là ngon, là màu nhất mà lại chả cần bằng cấp, vì đâu cần tính toán nhọc công như bây giờ. Lúc ấy, ngăn sông, cấm chợ, cứ là phải có cái giấy giới thiệu đóng dấu đỏ thì mới giải quyết. Mà cứ hễ giải quyết là có lời, là có tiền bỏ túi. Cái ấy thì May có khối, vì May ký được, đóng dấu được! (Nói nôm na là “Của nhà giồng được” vì tiếng là Phó phòng nhưng thực ra May là Trưởng, vì phòng chỉ có đúng 2 nhân viên sai vặt. Ông bố vợ chắc cũng muốn tránh tiếng nên mới ra quyết định cho May làm phó để chờ thời). Giấy giới thiệu nào cần oai, cần mác Tổng Công ty thì May đưa bố vợ, thế là việc cứ xuôi chèo, mát mái.

Bao cấp rồi cũng dần được gỡ bỏ, bộ máy cồng kềnh rồi sẽ phải gọn bớt vì lấy tiền đâu ra mà nuôi?. “Liên Xô” còn đâu mà cứ ấn phứa hàng kém phẩm do thu mua vơ bèo vạt tép kiểu úm ba la, loại ba ra loại một để xuất trả theo con đường hiệp định!

Thế là phải chạy! Chạy về văn phòng Tổng Công ty thì dễ rồi vì ông bố vợ còn ngồi đó, còn vững lắm, vì nắm cả 2 chức danh quan trọng là Chủ tịch HĐQT và Tổng Giám đốc. Thế nhưng muốn về văn phòng làm lãnh đạo (mà có làm lãnh đạo ở văn phòng thì mới có ăn) thì phải có bằng cấp. Thế là May lại đi học. Đi học chính quy thì có chờ đến “Tết Công gô” vì làm sao mà thi được? Có chữ đâu mà mài ra?! Đến như hồi trẻ, thi mãi vào cấp 3 mà còn trượt lên trượt xuống phải xung phong vào bộ đội huống hồ bây giờ. Tiền nó đã làm lú hết cả chữ rồi! May thay, còn có cái anh Đại học Chuyên tu, Tại chức. Cái này dễ! Đầu vào cơ bản chỉ cần tiền hoặc bảo thằng lính (mà lính của May thì toàn Đại học xịn) thi cho. Hồ sơ xét tuyển thì chỉ cần cái giấy chứng nhận đã học hết chương trình bổ túc văn hóa trong Quân đội là xong! Có ai kiểm tra, so ảnh, so người đâu mà sợ? Học miễn có cái bằng, đâu cần trình độ! Đã vào được thì phải ra được!

Thấm thoắt thoi đưa, chả mấy chốc May trình làng cái bằng Đại học và “dọa” đang làm tiếp cái bằng Tiến sĩ! Thế là ngoắt một cái, bố vợ điều ngay thằng con rể về văn phòng giữ chức phó Tổng! Nhưng mà gay! Dư luận xì xào, rồi đơn thư tới tấp. Quần chúng người ta tinh lắm. Họ bảo May chửa tốt nghiệp lớp 10 bổ túc. Đã chửa tốt nghiệp 10 thì đương nhiên cái bằng Đại học kia vất xó, chẳng còn doạ được ai. Cái chân Phó Tổng phen này có khéo mà đi đứt! Sự việc trở nên ầm ỹ, có muốn cũng chả bênh được, chả bịt đi được. Thế là Thanh tra Bộ phải vào cuộc. Vất vả đi mãi Tây Nguyên, May cử hẳn một đàn em thân tín đi theo “hướng dẫn” vì đơn vị cũ thì xa, chẳng may lại gặp đúng vị Thủ trưởng “khó ưa” ngày nào thì có mà tai hoạ. Sau cả tháng trời xác minh, Thanh tra kết luận “Đồng chí May có theo học lớp bổ túc”! Cả làng chưng hửng vì cái kết luận chẳng giống ai kia, đành rằng là có học.... nhưng có được thi không, có bằng tốt nghiệp không thì chả ai nói rõ? Cán bộ, công nhân viên tức lắm. Họ thề quyết làm ra nhẽ! Thề thì thề thế, nhưng cũng chẳng ai dám công khai ra mặt. May vẫn đang là sếp. Liệu hồn! May mà giở võ ra, điều một phát đi tăng cường cho Nông trường ở mãi Tuyên Quang, Nghĩa Lộ thì có mà tàn đời. Tuy nhiên, May cũng thấy bất ổn, cứ ở lại Tổng Công ty này thì chắc chắn sớm muộn, “cháy nhà cũng ra mặt chuột” vả lại ông bố vợ thì đã về hưu. Thế là ba mươi sáu chước, May chọn chước chuồn là thượng sách. Nhưng chuồn đi đâu? Về Bộ thì không ổn. Dù cho May vẫn có người đỡ đầu nặng ký, nhưng khổ nỗi từ trước đến nay nói đến thò bút ký thì May chỉ dám ký tên để nhận lương, còn bất luận là ký gì, May cũng đùn cho người khác. Bây giờ, nếu về Văn phòng Bộ, chức Phó, Trưởng phòng, Cục, Vụ ... toàn học vị Tiến sỹ, Thạc sỹ; Lãnh đạo còn đang nhiều hơn chuyên viên, ghế đâu mà ngồi? Làm chuyên viên thì ít ra cũng phải có tí trình độ vi tính, nhưng May thì “vi tính chỉ biết đánh mìn” làm sao mà nhập được số liệu, rồi còn soạn thảo văn bản cho các cấp lãnh đạo ký nữa? Chết!

Ông uỷ quyền

Đang lúc bí rị, đang gặp “Họa” thì may quá (lại May!). Mèo mù vớ cá rán. Dịp này ở một Công ty khác cũng cùng thuộc Bộ xảy ra chuyện lình xình. Ông Giám đốc Công ty này bị khởi tố điều tra. Vớ được tin này, May như mở cờ trong bụng tìm mọi cách húi vào để Ông này mau đổ. Thế rồi ông nọ bị bắt, lẽ tất nhiên, Bộ phải tìm người thay thế. Cái khó cho May là có mỗi một ghế nhưng ai thì cũng muốn nhảy vào mà đa số lại là các vị lãnh đạo có kinh nghiệm trong ngành. Thế là phải giở võ!. Trước hết chẳng hiểu May to nhỏ thế nào mà người được Đảng ủy Công ty nọ đề cử thì lại chả được Bộ để mắt đến. Tưởng đã chắc ăn, ai dè gần cuối lại có một nhân vật nặng ký xuất hiện. Ông này thì hội tụ đủ mọi tiêu chuẩn và có đem so tài thì May chỉ là hạng xếp hàng xách dép. Ấy vậy mà đùng một cái, đúng 10 ngày, sau khi ông này tham gia cuộc đua, tên ông được nêu thành tít lớn “Làm sai vẫn giữ chức Giám đốc” trên một tờ báo thuộc hàng “Khủng” về bạn đọc. Chẳng biết giáp ất thế nào và cho tận đến nay cũng chẳng ai thấy có hình thức kỷ luật nào cho vị Giám đốc bị bêu tên kia, nhưng lập tức cái việc điều ông ra Hà Nội làm Tổng Giám đốc bị gác lại. Thôi đành bỏ cuộc. Ông tuyên bố “Choa lại quay về xây dựng pháo đài cấp Tỉnh” !.

May đã rộng đường, tuy nhiên cái việc kiện tụng trước kia vẫn còn gay lắm. Hỏi đến Trường Đại học nơi May đăng ký theo học Tại chức họ bảo “Trường làm đúng quy trình” nhưng tuyệt nhiên chẳng thấy ai đưa ra cái bằng tốt nghiệp 10 Bổ túc kia cả. Cái khó ló cái khôn, Tổ chức mách nước cho sếp, sếp gật : “Bảo Nó làm cam kết”. Cam kết thì cam kết! “Trạng chết thì Chúa cũng băng hà”! Sợ gì? Thế là chặt chẽ nhá! May đường hoàng được Bộ cứu giá từ tổ ong bò vẽ về vị trí Giám đốc của Công ty mới! Tài thật! Kinh thật! Thế mà các cụ cứ bảo không học thì không làm được!

Hôm về quê “Vinh quy bái Tổ”, May ngồi trong xe đen bóng mặt vênh lên như lớp đất ruộng cày đang mùa phơi ải. Đi qua cổng làng, May hạ kính, bật quẹt gaz châm thuốc hút rồi nhổ bọt chửi đổng cũng cốt để mấy “đứa” trước kia chép bài hộ May nghe thấy “Mẹ kiếp, ai bảo tao học dốt, dốt mà được thế này à?”. Sự kiện của May ở cái làng quê bé nhỏ ấy trở thành chấn động, thật khổ cho những cô, những cậu học trò còn đang cắp sách đến trường ở quê May, tất thẩy đều phải nghe “Mở mắt ra mà nhìn!”. May trở thành “Gương sáng” của làng như thế .

(Còn tiếp : Ông uỷ quyền Phần II: Chân dung lãnh đạo)